Môi trường mang đến điều kiện sống, tác động nên chất lượng sống của các loài sinh vật. Trong khi phát triển kinh tế xã hội là nhu cầu tất yếu, định hướng lâu dài của con người. Hai yếu tố này có liên hệ, tác động qua lại trên thực tế. Từ đó mà chúng ta cần thấy được vai trò của bảo vệ môi trường và cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội. Cùng tìm hiểu các tác động này, hướng đến phát triển bền vững trong nhu cầu, mục đích của con người.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
Mục lục bài viết
1. Môi trường là gì? Phát triển kinh tế xã hội là gì?
1.1. Môi trường là gì?
Theo Ðiều 3, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 thì khái niệm môi trường được hiểu như sau:
” 1. Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.”
Phân tích quy định pháp luật:
Môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ở đó, con người cùng các yếu tố khác được vận động, sinh sôi và phát triển. Các điều kiện từ môi trường phải thuận lợi thì sinh vật nói chung, con người nói riêng mới đảm bảo được chất lượng sống sinh học.
+ Môi trường là tất cả mọi thứ tồn tại xung quanh chúng ta.
+ Môi trường có thể là những vật sống (sinh học) hoặc vật không sống (phi sinh học).
+ Môi trường bao gồm vật lý, hóa học, và các hiện tượng tự nhiên khác.
Các điều kiện phát triển, tồn tại về mặt sinh học của chúng ta được đảm bảo khi môi trường được bảo vệ.
Các vai trò của môi trường:
+ Môi trường tạo cơ sở vật chất để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cho cuộc sống con người.
+ Môi trường cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết (như đất, nước, rừng, khoáng sản, và sinh vật biển) cho cuộc sống và cách hoạt động sản xuất của con người.
+ Môi trường là nơi chứa đựng các chất thải và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất và sinh sống của con người.
+ Môi trường cung cấp các dịch vụ môi trường hay hệ sinh thái: ổn định khí hậu, đa dạng sinh học, toàn vẹn hệ sinh thái, và ngăn cản bức xạ tia cực tím… . Từ đó giúp hỗ trợ các sự sống trên Trái Đất mà không cần bất kỳ hành động nào của con người.
+ Môi trường cũng có ý nghĩa trong giá trị giải trí, tâm lý, thẩm mỹ, và tinh thần của môi trường.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường:
Bảo vệ môi trường là thực hiện các hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Qua đó giúp môi trường luôn khỏe mạnh, trong lành, xanh tươi. Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ các điều kiện sống của chúng ta:
+ Giúp ứng phó sự cố môi trường;
+ Khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường;
+ ử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
1.2. Phát triển kinh tế xã hội là gì?
Nếu môi trường giúp duy trì, phát triển chất lượng sống về mặt sinh học thì kinh tế, xã hội mang đến nhu cầu, chất lượng sống tiên tiến, nâng cao giá trị của con người. Con người được phục vụ các nhu cầu về vật chất, được đáp ứng về tinh thần.
Giúp nâng cao sản xuất ra của cải vật chất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng văn hóa. Con người được phục vụ không chỉ nhu cầu ăn ở mặc, còn là làm đẹp, được sử dụng các dịch vụ,….
Phát triển là xu thế chung của từng cá nhân và cả loài người trong quá trình sống.
Môi trường tiếng Anh là Environment.
Phát triển kinh tế xã hội tiếng Anh là Social economic development.
2. Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển kinh tế xã hội:
Giữa môi trường và sự phát triển có mối quan hệ hết sức chặt chẽ:
+ Môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển.
+ Còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường.
2.1. Tác động của phát triển kinh tế xã hội đến môi trường:
Trong hệ thống kinh tế xã hội, hàng hóa tham gia trong các giai đoạn. Từ sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng cùng với dòng luân chuyển của nguyên liệu, năng lượng, sản phẩm, phế thải. Do đó, sản phẩm của phát triển kinh tế xã hội cũng mang đến thay đổi môi trường.
Các thành phần, sản phẩm luôn ở trạng thái tương tác với các thành phần tự nhiên và xã hội của hệ thống môi trường đang tồn tại trong địa bàn đó. Khu vực giao nhau giữa hai hệ thống trên là môi trường do con người tạo ra (môi trường nhân tạo).
– Phát triển kinh tế xã hội là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường:
+ Ở khía cạnh có lợi, phát triển kinh tế xã hội là cải tạo môi trường tự nhiên hoặc tạo ra kinh phí cần thiết cho sự cải tạo đó. Con người nhận thức được và thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường.
+ Nhưng có thể gây ra ô nhiễm môi trường tự nhiên hoặc nhân tạo. Bởi các ý thức chưa cao, ý thức kém cũng từ phía con người.
2.2. Môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển:
Môi trường tự nhiên đồng thời cũng tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội thông qua việc làm suy thoái nguồn tài nguyên. Các tài nguyên không thể được sản sinh phù hợp, đáp ứng cho các yêu cầu sử dụng ngày càng lớn.
+ Do đó môi trường đang là đối tượng của hoạt động phát triển, thúc đẩy kinh tế xã hội.
+ Ở khía cạnh khác lại gây ra thảm họa, thiên tai đối với các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực.
Có thể thấy được sự tác động của môi trường ở kết quả của các quốc gia phát triển:
Ở các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau có các xu hướng gây ô nhiễm môi trường khác nhau. Khi đó, môi trường được đo lường ở mức độ ô nhiễm. Ví dụ:
– Ô nhiễm do dư thừa: 20% dân số thế giới ở các nước giàu hiện sử dụng 80% tài nguyên và năng lượng của loài người. Các nhu cầu, dịch vụ con người sử dụng càng cao thì càng lãng phí.
– Ô nhiễm do nghèo đói: Những người nghèo khổ ở các nước nghèo chỉ có con đường phát triển duy nhất là khai thác tài nguyên thiên nhiên (rừng, khoáng sản, nông nghiệp,…). Khi đó, họ cố gắng khai thác không kết hợp với tái tạo năng lượng. Do đó, ngoài 20% số người giàu, 80% số dân còn lại chỉ sử dụng 20% phần tài nguyên và năng lượng của loài người. Các nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ khó khăn và đắt đỏ hơn trong khả năng.
3.3. Mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển kinh tế xã hội:
Mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển xã hội ngày càng gay gắt, mang đến khác biệt thực tế. Kinh tế xã hội càng phát triển, môi trường ngày càng ô nhiễm và ngược lại. Mâu thuẫn trên dẫn đến sự xuất hiện các quan niệm hoặc các lý thuyết khác nhau về phát triển.
Trong đó, các lý thuyết nổi bật được phát biểu như sau:
– Lý thuyết đình chỉ phát triển là làm cho sự tăng trưởng kinh tế bằng (0) hoặc mang giá trị (-) để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất. Khi đó, muốn bảo vệ môi trường phải thông qua ý thức, các nhu cầu của con người. Phải kìm hãm, tiết chế các nhu cầu ở mức cần thiết.
– Một số nhà khoa học khác lại đề xuất lấy bảo vệ để ngăn chặn sự nghiên cứu, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Khi đó, phát triển kinh tế xã hội không được xác định là mục tiêu trọng tâm. Con người cần bảo vệ chất lượng, điều kiện sống sinh học trước khi muốn tiếp cận các nhu cầu, chất lượng sống cao hơn.
– Năm 1992 các nhà môi trường đã đưa ra quan niệm phát triển bền vững: Đó là phát triển trong mức độ duy trì chất lượng môi trường, giữ cân bằng giữa môi trường và phát triển. Phải thể hiện sự cân đối của các nhu cầu, khả năng và mục đích của con người. Phải tiết chế trong các yếu tố để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội cũng đồng nghĩa với bảo vệ môi trường. Các ý thức của từng người trong xã hội phải được thể hiện cao hơn bằng hành động thực tiễn.
3. Thế nào là sự phát triển bền vững?
Có thể nói rằng mọi vấn đề về môi trường đều bắt nguồn từ phát triển. Phát triển dẫn đến các nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên lớn. Dẫn đến các nhà máy, xí nghiệp, các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí,… Nhưng con người cũng như tất cả mọi sinh vật khác không thể đình chỉ tiến hóa và ngừng sự phát triển của mình. Cũng như mỗi người chưa thấy được trách nhiệm riêng trong kêu gọi chung của cộng đồng.
Cơ sở để đưa ra khái niệm Phát triển bền vững:
Con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển là phải chấp nhận phát triển. Khi đó con người mới đạt được các thành tựu, thành công trong đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần. Bởi chúng ta không chỉ muốn tồn tại, chúng ta muốn được sống và tìm kiếm những giá trị.
Nhưng phải giữ sao cho phát triển không tác động một cách tiêu cực tới môi trường. Phải cân đối được lợi ích thực tế, chất lượng cuộc sống sinh học. Bảo vệ môi trường giúp con người khỏe mạnh hơn, tránh được nhiều rủi ro bệnh tật cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Khái niệm phát triển bền vững:
Do đó, năm 1987, Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc đã đưa ra khái niệm Phát triển bền vững:
“Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai”.
Con người phải định hướng, phải điều chỉnh và vì tương lai. Như thế thì chất lượng cuộc sống mới được duy trì, tiếp diễn và cải thiện.
Ðể xây dựng một xã hội phát triển bền vững, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã đề ra 9 nguyên tắc:
1. Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng.
2. Cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.
3. Bảo vệ sức sống và tính đa dạng của Trái Đất.
4. Quản lý những nguồn tài nguyên không tái tạo được.
5. Tôn trọng khả năng chịu đựng được của Trái Đất.
6. Thay đổi tập tục và thói quen cá nhân.
7. Ðể cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của mình.
8. Tạo ra một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ.
9. Xây dựng một khối liên minh toàn cầu.