Hiện nay có thể thấy được một trong các lĩnh vực phát triển nhất hiện nay đó chính là du lịch và du lịch đô thị cũng là một trong những đóng góp cho ngành du lịch phong phú và đa dạng hơn. Bởi hiện nay các thành phố ngày càng được trùng tu với những cảnh đẹp riêng thu hút khá nhiều khách du lịch.
Mục lục bài viết
1. Du lịch đô thị là gì?
Du lịch đô thị được hiểu là các chuyến đi của khách du lịch tới các khu vực thành phố, đô thị với mục đích tham quan, trải nghiệm kết hợp với các hoạt động khác. Đô thị là khu vực có chức năng phức tạp với các phân khu chức năng được phân định rõ ràng cả về chất lượng cuộc sống và đặc trưng chức năng (hành chính, kinh tế) riêng biệt. Khái niệm đô thị cũng được nhìn nhận và đánh giá dưới nhiều góc độ, tuy nhiên đều thống nhất ở 2 yếu tố đó là phạm vi chức năng và mức độ tập trung đông dân cư. Xét về định nghĩa đô thị, không có định nghĩa quốc tế tiêu chuẩn nào về khu vực “đô thị” hoặc dân số “đô thị” được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia có định nghĩa riêng và thu thập dữ liệu phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Trên thực tế, có rất nhiều khái niệm về du lịch đô thị. Mỗi nhà nghiên cứu lại nhìn nhận du lịch đô thị ở một góc nhìn khác nhau:
Du lịch đô thị là một thuật ngữ miêu tả nhiều hoạt động du lịch trong đó thành phố là điểm đến chính và địa điểm ưa thích.
Du lịch đô thị là một tập hợp các hoạt động được kết nối với nhau trong một bối cảnh nhất định (đặc biệt) và tạo điều kiện để thành phố thu hút khách du lịch (Law, 1994). Định nghĩa này không hoàn toàn dựa trên góc độ sản phẩm du lịch tại các đô thị nổi tiếng như Paris, London, New York.
Voultsaki (2000) khái quát: Du lịch đô thị được hiểu là hoạt động du lịch được phát triển ở một trung tâm đô thị; tại đó, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch, các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa thông qua khả năng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ du lịch có thể hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Một khái niệm khác, du lịch đô thị là việc khai thác các giá trị tài nguyên hoặc tổ chức các hoạt động du lịch nằm trong thành phố và thị trấn và được cung cấp cho khách đến từ nơi khác.
Du lịch đô thị là một hình thức du lịch nhằm đến thăm một thành phố trong khi đi du lịch cho các mục đích giải trí.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định: Du lịch đô thị là các chuyến đi của khách du lịch tới các thành phố hoặc khu vực đông dân cư. Thời gian của chuyến đi thường khá ngắn (từ 1 đến 3 ngày) vì thế có thể nói du lịch đô thị thường gắn liền với thị trường đi nghỉ ngắn ngày.
Du lịch đô thị trong tiếng Anh gọi là “Urban tourism“.
2. Đặc điểm của du lịch đô thị:
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đặc điểm của du lịch đô thị được thể hiện khác nhau trong từng giai đoạn của quá trình phát triển. Về cơ bản, du lịch đô thị có một số đặc điểm như sau:
– Du lịch đô thị chỉ diễn ra trong không gian của đô thị; Không phải tất cả các đô thị đều có thể phát triển du lịch đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch đô thị vẫn có thể thực hiện đối với một số điểm đến không thuộc hệ thống đô thị;
– Du lịch đô thị vận động không ngừng và dễ tiếp nhận những xu hướng mới trong phát triển đô thị và du lịch do đó luôn có sự gắn kết giữa phát triển du lịch và qui hoạch phát triển thành phố;
– Du lịch đô thị phát triển thường có sự kết hợp với các hoạt động thương mại và văn hóa;
– Đô thị vừa là tài nguyên du lịch vừa là nơi cung cấp hệ thống dịch vụ du lịch với chất lượng cao.
Trong khuôn khổ điểm đến đô thị, số lượng, sự đa dạng và quy mô của các điểm tham quan đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch đô thị. So với các yếu tố môi trường tự nhiên, các yếu tố di sản văn hóa và các yếu tố dân cư được cho là quan trọng hơn trong phát triển du lịch đô thị.
– Du lịch đô thị chỉ là một trong nhiều hoạt động kinh tế trong phạm vi thành phố, đô thị. Vì vậy, nó cũng phải cạnh tranh với một số ngành công nghiệp khác về nguồn lực như nguồn lao động, đất đai…;
– Phát triển du lịch nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác;
– Du lịch đô thị phát triển có thể đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương;
– Khả năng kết hợp các nền tảng công nghệ thông tin hiện có để phát triển các thành phố thông minh có tính cạnh tranh, bền vững, tiếp cận và mang tính nhân văn hơn;
– Khách du lịch đô thị ngoài những đối tượng khách du lịch thuần túy người dân đang sinh sống trong khu vực. Một trong những đặc điểm của người dân ở đô thị đó là tính hợp cư do đó việc thu hút khách du lịch đến với mục đích thăm thân cũng rất có tiềm năng;
– Thị trường khách du lịch đô thị thường khá đa dạng và là những người có trình độ cao nên các yếu tố thu hút sẽ tập trung ở các thuộc tính di sản văn hóa của khu đô thị, thành phố hay thị trấn.
Họ thường là những người lớn tuổi, đi du lịch thưởng ngoạn và thích các giá trị di sản văn hóa lịch sử; những người trẻ tuổi, những người thường bị thu hút bởi yếu tố mới lạ của môi trường đô thị bên cạnh các yếu tố giải trí, sự kiện thể thao, cuộc sống về đêm; những người khách du lịch kinh doanh tham dự các hội nghị, hội thảo, chương trình khuyến thưởng và các chương trình triển lãm.
3. Vai trò của du lịch đô thị:
Đô thị thực hiện chức năng quan trọng trong phạm vi hoạt động của hệ thống du lịch bao gồm: là “cửa ngõ” quan trọng đối với khách du lịch quốc tế và nội địa; là các đầu mối quan trọng trong hệ thống vận chuyển, là các điểm trung chuyển cho các chuyến đi đa mục đích. Song, mức độ quan trọng của các chức năng trên được nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau và, như một hệ quả, các yêu cầu về phát triển một ngành du lịch có khả năng sinh lợi cao mang tính bền vững ở khu vực đô thị, thành phố cũng không được hiểu một cách thống nhất và đầy đủ.
Du lịch đô thị đang trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo Euromonitor International, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng 4,8% trong năm 2013, trong khi tại 100 thành phố hàng đầu thế giới, khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng 5,4% trong cùng năm. Mặc dù những con số tăng trưởng bao gồm các mục đích chuyến đi khác nhau, bao gồm cả chuyến đi với mục đích kinh doanh. Sự gia tăng du lịch thành phố cũng có thể được quan sát khi nhìn vào các phân đoạn kỳ nghỉ. Trong khi đó, ngày nghỉ biển và bãi biển đã tăng 31% trong 5 năm qua (chiếm 29% tổng số kỳ nghỉ), phân đoạn du lịch ngày lễ tăng 28% (đạt 23% thị phần). Tuy nhiên, du lịch thành phố, đô thị đã tăng 72% trong 5 năm qua để đạt được một phần của 21% tổng số kỳ nghỉ . Tại một số quốc gia, các chuyến đi tham quan thành phố đô thị đã vượt qua kỳ nghỉ tắm nắng và bãi biển là loại kỳ nghỉ phổ biến nhất.
Phát triển du lịch có thể mang đến cho đô thị, thành phố nhiều điều tích cực (Lợi ích kinh tế, việc làm). Mặt khác, các yếu tố tiêu cực phát sinh do sự có mặt của khách du lịch, đặc biệt với số lượng lớn cũng có thể có những ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống ở địa phương. Nhìn nhận, phân tích và tìm ra các giải pháp thích ứng không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một tổ chức cụ thể nào mà nó cần có sự hợp tác và bắt tay của cả xã hội. Cần thiết phải có những nghiên cứu phân tích chuyên sâu để giúp cho các bên liên quan có thể nhìn nhận và đánh giá đúng đóng góp và tác động của du lịch đô thị, trên cơ sở đó, có thể xây dựng được cơ chế và giải pháp chia sẻ, thích ứng phù hợp với từng địa bàn nhằm giúp cho việc định hướng phát triển du lịch đô thị bền vững và đặc trưng.
Có thể nhận thấy, du lịch đô thị được hiểu trong trường hợp đô thị là đối tượng của khách du lịch. Những hoạt động chính của khách du lịch diễn ra trong nội tại của đô thị. Những hoạt động đó được diễn ra trên cơ sở khai thác nét văn hoá đô thị được thể hiện qua các công trình kiến trúc (kể cả tốt và ngược lại), kiến trúc – cảnh quan, ẩm thực, môi trường và người dân đô thị. Chính vì vậy, không gian của hoạt động du lịch là không gian của đô thị. Những hoạt động trong đô thị như không gian văn hoá, kiến trúc cảnh quan, môi trường, giao thông,v,v…vừa là sản phẩm vừa là chuỗi giá trị để khách du lịch thụ hưởng. Hiểu một cách đơn giản nhất, đô thị vừa là nguồn tài nguyên để phát triển sản phẩm du lịch vừa cung cấp hệ thống dịch vụ cho khách du lịch thụ hưởng những sản phẩm du lịch đó.