Hiện nay có một điều chúng ta không thể phủ nhận đó là sự phát triển của các loại tiền tệ và nhu cầu giao dịch ngoại tệ của người dân cũng tăng lên để phục vụ cho trao đổi và giao dịch thì các hình thức kinh doanh ngoại tệ cũng phong phú hơn. Vậy kinh doanh ngoại tệ là gì? Điều kiện và thủ tục mua bán ngoại tệ?
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh ngoại tệ là gì?
Ngoại tệ được biết là đồng tiền của nước khác và được trao đổi để lấy tiền trong nước nhờ quá trình thanh toán hay đầu tư. Có thể hiểu là du khách từ Việt Nam sang Mỹ thì đồng đô la Mỹ được gọi là ngoại tệ. Và muốn sử dụng thì du khách phải thực hiện giao dịch chuyển đổi từ VND sang USD.
Mua bán ngoại tệ (kinh doanh ngoại tệ) là hình thức mua hoặc bán loại tiền tệ này để đổi lấy loại tiền tệ khác trên thị trường ngoại hối nhằm kiếm lời dựa trên sự chênh lệch tỷ giá giữa các đồng tiền. Hoạt động mua bán này được thực hiện nhờ vào các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch ngoại tệ (nhà môi giới).
Kinh doanh ngoại tệ tiếng anh là ” oreign currency trading”.
2. Điều kiện và thủ tục mua bán ngoại tệ:
2.1. Điều kiện mua bán ngoại tệ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 20/2011/TT-NHNN đối tượng được mua bán ngoại tệ cụ thể như sau:
” Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
2. Đối với các mục đích hợp pháp khác quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng.
3. Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
4. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.”
Như vậy căn cứ theo quy định này ta thấy pháp luật đã quy định về điều kiện chủ thể tham gia mua bán ngoại tệ theo pháp luật Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều ngân hàng tiến hành giao dịch mua bán, trao đổi ngoại tệ. Mỗi ngân hàng sẽ có mức tỷ giá, hạn mức, điều kiện cũng như thủ tục mua bán ngoại tệ cho ngân hàng khác nhau. Do đó, trước khi thực hiện giao dịch bạn nên tìm hiểu chi tiết về tỷ giá, hạn mức để có sự lựa chọn tốt nhất.
2.2. Thủ tục mua bán ngoại tệ:
Hồ sơ tiến hành mua bán ngoại tệ gồm có:
– Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ (thủ tục mua ngoại tệ tại ngân hàng bắt buộc cần phải có).
– Giấy đề nghị mua bán ngoại tệ (đối với những khách hàng muốn mua ngoại tệ ở ngân hàng).
– Các loại giấy tờ, chứng từ cần thiết khác theo như quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam.
– Bảng kê các loại tiền muốn bán cho ngân hàng (đối với những khách hàng muốn bán ngoại tệ tại ngân hàng).
Hồ sơ thủ tục đổi ngoại tệ ở ngân hàng trực tuyến online bao gồm chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn hiệu lực và các giấy tờ hồ sơ chứng minh khác. Sau đó làm theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào website trực tuyến của ngân hàng cụ thể sau đó chọn vào mục đăng ký mua ngoại tệ.
Bước 2: Điền đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại, email,… Những ô có tích * là bắt buộc cần phải điền.
Bước 3: Nhập xã OTP mà ngân hàng gửi về điện thoại của bạn để xác nhận.
Bước 4: Sau khi tiếp nhận hồ sơ của bạn ngân hàng sẽ kiểm tra hồ sơ và phản hồi thông qua tin nhắn điện thoại được gửi về.
Bước 5: Khách hàng đến ngân hàng BIDV theo lịch hẹn và mang theo đầy đủ các chứng từ, hồ sơ để ngân hàng đối chiếu và thực hiện giao dịch mua bán ngoại tệ.
3. Những yếu tố tác động đến kinh doanh ngoại tệ:
Kinh doanh ngoại tệ dựa trên sự chênh lệch tỷ giá của các cặp ngoại tệ, chính vì thế yếu tố lớn nhất tác động lên hoạt động kinh doanh này là nền kinh tế. Trong đó có:
+ Tỷ lệ lạm phát
+ Lãi suất
+ Sự thay đổi cán cân thương mại
+ Tốc độ tăng trưởng GDP
Ngoài yếu tố kinh tế ra, còn có tình hình chính trị – xã hội, tin tức về tình hình của các quốc gia trên thế giới cũng tác động đến kinh doanh ngoại tệ. Bên cạnh đó, để kinh doanh điều hiển nhiên là nhà đầu tư cần phải có nguồn vốn.
4. Các cặp tiền phổ biến trong kinh doanh ngoại tệ:
Trên thế giới có hàng trăm quốc gia khác nhau, đa số mỗi quốc gia sẽ sử dụng một loại tiền tệ khác nhau. Khi kinh doanh ngoại tệ, các loại tiền ấy sẽ được giao dịch theo cặp.
Ví dụ: Đồng Bảng Anh có ký hiệu GBP, Đồng Đô La Mỹ có ký hiệu USD. Khi giao dịch ngoại tệ, hai loại tiền đó sẽ tạo thành cặp được viết là GBP/USD, GBP.USD hoặc GBPUSD. Vị trí đứng trước hay sau được quy định theo quy ước quốc tế và không thể đảo vị trí.
Trong kinh doanh ngoại tệ, các cặp tiền tệ được chia thành 3 loại: cặp tiền chính, cặp tiền chéo, cặp tiền ngoại lai. Cặp tiền chính: Có 7 cặp tiền chính là sự kết hợp giữa đồng USD và loại tiền của một quốc gia hoặc khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh như Châu Âu, Úc, Anh, Canada, Thụy Sỹ, Nhật, New Zealand.
Ví dụ: EUR/USD, AUD/USD, GBP/USD, USD/CAD, USD/CHF, USD/JPY, NZD/USD
Cặp tiền chéo: Không bao gồm đồng USD, là sự kết hợp giữa hai loại tiền của các quốc gia hoặc khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh. Gồm 7 loại tiền: EUR, AUD, GBP, JPY, CAD, CHF và NZD.
Ví dụ: AUD/CAD, EUR/CHF, GBP/JPY, NZD/JPY,…
Cặp tiền ngoại lai: Là sự kết hợp giữa đồng USD hoặc EUR (hai đồng tiền mạnh) với loại tiền của quốc gia, khu vực có nền kinh tế nhỏ (Thụy Điển, Na Uy,…) hoặc mới nổi (Brazil, Mexico, Ấn Độ,…)
Ví dụ: USD/BRL, EUR/SEK, USD/MXN,…
Kinh doanh ngoại tệ nằm trong thị trường ngoại hối có quy mô rất lớn và tính thanh khoản cao. Với khối lượng giao dịch mỗi ngày lên đến gần 6000 tỷ USD, gấp 200 lần giao dịch chứng khoán tại New York. Trong đó, các đồng ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất là USD chiếm 88%, EUR 32%, JPY 17%, GBP 13%, AUD 7%, CAD 5% và CHF 5%, các ngoại tệ còn lại chiếm 33% (số liệu từ BIS).
Một ưu điểm khác trong kinh doanh ngoại tệ là nhà đầu tư có thể linh hoạt được thời gian giao dịch. Bạn có thể thực hiện 24/5 chỉ trừ hai ngày thứ 7, chủ nhật, giao dịch mọi lúc mọi nơi với các thiết bị di động, smartphone, máy tính có kết nối internet. Tuy nhiên, một vấn đề bạn cần phải lưu ý đó là giao dịch theo phiên. Với quy mô bao phủ toàn cầu mỗi quốc gia sẽ có các múi giờ khác nhau, việc chia thành các phiên giao dịch giúp cho nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn khung thời gian phù hợp.
Khác với chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ có tính thanh khoản rất cao. Bất cứ lúc nào bạn muốn mua hay bán một cặp tiền sẽ luôn có một lượng khách hàng sẵn sàng mua/bán với giá cả đưa ra. Vì thế, lệnh giao dịch sẽ được khớp ngay lập tức mỗi khi click chuột.
Ngoài những ưu điểm kể trên, không thể phủ nhận một điều rằng kinh doanh ngoại tệ là một hoạt động chứa nhiều rủi ro. Các rủi ro phải đối mặt chủ yếu là rủi ro về tỷ giá và lãi suất, bên cạnh đó còn có các tác động khác như nhà môi giới không uy tín, sử dụng đòn bẩy không hợp lý,…. và rất nhiều rủi ro khác tiềm ẩn.