Các căn cứ lựa chọn kênh phân phối? Vai trò của kênh phân phối? Hệ quả của việc lựa chọn kênh phân phối không phù hợp cho doanh nghiệp?
Như chúng ta đã biết thì khâu sản xuất và tiêu dùng để có tể hiệu quả thì không thể thiếu quá trình phân phối sản phẩm. Kênh phân phối có rất nhiều loại khác nhau theo đó công ty có thể lựa chọn cho mình loại hình phù hợp nhất. Vậy Vai trò của kênh phân phối cụ thể thế nào? hệ quả của việc lựa chọn kênh phân phối không phù hợp cho doanh nghiệp ra sao?
Mục lục bài viết
1. Các căn cứ lựa chọn kênh phân phối:
Mục tiêu của kênh phâ phối: Muốn biết về mục tiêu của kênh phân phối đầu tiên chúng ta hiểu là kênh phân phối này sẽ định rõ kênh sẽ vươn tới thị trường nào? Những mục tiêu khác nhau đòi hỏi kênh phân phối khác nhau cả về cấu trúc lẫn cách quản lý. Theo đó nên với những mục tiêu có thể là mức dịch vụ khách hàng, yêu cầu mức độ hoạt động của các trung gian, phạm vi bao phủ thị trường. Các mục tiêu được xác định phụ thuộc mục tiêu của narketing và mục tiêu chiến lược tổng thể của công ty.
Đặc điểm của khách hàng mục tiêu: Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc lựa chọn kênh. Những yếu tố quan trọng cần xem xét về đặc điểm khách hàng là qui mô, cơ cấu, mật độ và hành vi khách hàng. Khách hàng càng phân tán về địa lý thì kênh càng dài. Khách hàng mua thường xuyên từng lượng nhỏ cũng cần kênh dài. Mật độ khách hàng trên một đơn vị diện tích càng cao càng nên sử dụng kênh phân phối trực tiếp. Nguyên nhân làm cho các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp thường được bán trực tiếp là các khách hàng công nghiệp có số lượng ít nhưng qui mô của mỗi khách hàng lớn và tập trung về mặt địa lý.
Đặc điểm của sản phẩm: Một yếu tố chi phối đến việc lựa chọn kênh đó là đặc điểm của sản phẩm. Những sản phẩm dễ hư hỏng thời gian từ sản xuất đến tiêu dùng ngắn cần kênh trực tiếp, những sản phẩm cồng kềnh, nặng nề, đòi hỏi kênh phân phối ngắn để giảm tối đa quãng đường vận chuyển và số lần bốc dỡ. Hàng hóa không tiêu chuẩn hóa cần bán trực tiếp, sản phẩm có giá trị cao thường do lực lượng bán của công ty bán chứ không qua trung gian.
Đặc điểm của không gian thương mại: Các trung gian thương mại sẽ tham gia vào kênh có vai trò quan trọng trong lựa chọn kênh phân phối. Người quản lý kênh phải xem xét có những loại trung gian thương mại nào trên thị trường, khả năng, mặt mạnh, mặt yếu của các trung gian trong việc thực hiện nhiệm vụ. Các trung gian thương mại có khả năng khác nhau trong việc thực hiện quảng cáo, lưu kho, khai thác khách hàng và cung cấp tín dụng. Vì vậy, doanh nghiệp phải phân tích để lựa chọn trung gian thích hợp cho kênh phân phối sản phẩm của mình.
Kênh phân phối của đối thủ cạnh tranh: Việc lựa chọn kênh phân phối có cùng đầu ra bán lẻ với các nhà cạnh tranh hay những kênh hoàn toàn khác với kênh của họ. Doanh ngiệp phải lựa chọn kênh phân phối có thể mang lại lợi thế cạnh tranh so với kênh của các đối thủ cạnh tranh. Nhìn chung, cạnh tranh càng mạnh, nhà sản xuất càng cần những kênh có sự liên kết chặt chẽ.
Đặc điểm chính của doanh nghiệp: Là căn cứ quan trọng khi lựa chọn kênh phân phối, qui mô của doanh nghiệp sẽ quyết định qui mô thị trường và khả năng của doanh nghiệp tìm được các trung gian thương mại thích hợp. Nguồn lực của doanh nghiệp sẽ quyết định có thể thực hiện các chức năng phân phối nào và phải nhường cho các thành viên kênh khác những chức năng nào. Dòng sản phẩm của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến kiểu kênh. Lực lượng marketing của doanh nghiệp khác nhau thì kiểu kênh sử dụng cũng khác nhau.
Đặc điểm môi trường marketing: Khi nền kinh tế suy thoái, nhà sản xuất thường sử dụng các kênh ngắn và bỏ bớt các dịch vụ không cần thiết để giảm giá bán sản phẩm. Những qui định và ràng buộc pháp lý cũng ảnh hưởng đến kiểu kênh, luật pháp ngăn cản những kiểu kênh có xu hướng triệt tiêu cạnh tranh và tạo độc quyền.
Yêu cầu về mức độ bao phủ thị trường: Do các đặc tính của sản phẩm, môi trường marketing ảnh hưởng đến bán hàng, nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng, tiềm năng mà yêu cầu về mức độ bao phủ thị trường trong phân phối sản phẩm sẽ thay đổi. Sự bao phủ của thị trường, của hệ thống kênh phân phối từ phân phối rộng rãi đến phân phối độc quyền.
Yêu cầu về mức độ điều khiển kênh: Trong khi lựa chọn kênh phân phối, doanh nghiệp phải dựa trên nhu cầu về mức độ điều khiển kênh mong muốn. Mức độ điều khiển kênh tỉ lệ thuận với tính trực tiếp của kênh. Khi sử dụng các kênh gián tiếp, nhà sản xuất phải từ bỏ một cố yêu cầu điều khiển việc tiêu thụ sản phẩm của mình trên thị trường.
Quy mô của tổng chi phí phân phối: Khi lựa chọn kênh phải tính đến tổng chi phí phân phối của cả hệ thống kênh, bởi vì đây là một hệ thống tổng thể phụ thuộc vào nhau. Mục tiêu của doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống, phải lựa chọn được kênh phân phối có tổng chi phí phân phối thấp nhất.
Mức độ linh hoạt của kênh: Xuất phát từ nhà sản xuất cần phải thích ứng với sự thay đổi của thị trường đang diễn ra nhanh chóng. Tương lai không chắc chắn thì càng không nên chọn các kênh có cam kết lâu dài.
2. Vai trò của kênh phân phối:
Trên thực tế ta đã thấy tầm quan trọng của hệ thống kênh phân phối hiệu quả vơi mục đíchđể nối nguời sản xuất và người tiêu dùng, có nghĩa là phân phối hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cung cấp hàng hóa cho họ đúng thời gian, đúng địa điểm và mức giá có khả năng thanh toán. Nhìn chung nhất thì vai trò của kênh phân phối thể hiện trên các phương diện sau:
Hệ thống kênh phân phối điều chỉnh số lượng và chủng loại hàng hóa được thực hiện ở mỗi cấp độ của kênh phân phối. Hệ thống kênh phân phối làm phù hợp giữa sản xuất chuyên môn hóa theo khối lượng với nhu cầu tiêu dùng cụ thể rất đa dạng. Điều này giúp giải quyết sự không thống nhất về số lượng, chủng loại sản phẩm trong suốt quá trình phân phối. Phân phối tác động vào sự thay đổi cả về mặt không gian và thời gian của sản phẩm.
Vai trò tích lũy của kênh phân phối: tức là thu nhận sản phẩm từ nhiều nhà sản xuất. Tích lũy đặc biệt quan trọng ở các nước kém phát triển và trong nhiều thị trường khác như nông sản – nơi có nhiều nhà cung cấp nhỏ. Tích lũy cũng đóng vai trò quan trọng đối với dịch vụ chuyên nghiệp do chúng liên quan đến sự kết hợp công việc của nhiều cá nhân, mỗi cá nhân là một nhà sản xuất chuyên môn hóa.
Vai trò chia nhỏ: tức là phân chia số lượng hàng hóa lớn thành số lượng nhỏ hơn, do vậy sản phẩm gần thị trường hơn. Trong nhiều trường hợp điều này xảy ra ngay ở nhà sản xuất. Người bán buôn có thể bán khối lượng nhỏ hơn đến các nhà bán buôn khác hoặc trực tiếp đến người bán lẻ. Người bán lẻ tiếp tục chia nhỏ khi họ bán cho người tiêu dùng.
Hệ quả:
Khi lựa chọn sai kênh phân phối thì doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và không phù hợp với tiêu chí phát triển của công ty đề ra dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phát triển kém.
3. Các bước xây dựng kênh phân phối hiệu quả:
Bước 1: Xác định thị trường và khách hàng mục tiêu
Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong quá trình xây dựng kênh phân phối. Việc xác định rõ thị trường và khách hàng mục tiêu giúp bạn nhanh chóng định hướng được kế hoạch cần hiện thực hóa trong tương lai.Tuy bước này thường tốn khá nhiều thời gian của bạn nhưng những thông tin thu thập được sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhất là giúp doanh nghiệp bạn định hướng được mục tiêu mà mình cần phấn đấu.
Bước 2: Liệt kê các kênh phân phối tiềm năng
Sau khi xác định được mục tiêu, doanh nghiệp cần “bắt tay” liệt kê các nhà phân phối mà mình cho rằng tiềm năng nhất. Nhà phân phối được xem là nền móng để xây dựng kênh phân phối hiệu quả. Những Marketers cần phát triển danh sách bao gồm các nhà phân phối uy tín rồi mới bắt đầu bước tiếp theo.
Bước 3: Tìm đến các kênh phân phối
Ở giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu thương lượng với các kênh phân phối tiềm năng. Trước khi đàm phán, bạn cần chuẩn bị một số vấn đề liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của mình như: lợi ích của sản phẩm, giá cả, lợi nhuận phân phối, hoa hồng, khuyến mãi,… Những vấn đề này góp phần giải đáp thắc mắc cho các kênh phân phối trong quá trình thương lượng.
Bước 4: Lựa chọn kênh phân phối phù hợp
Những kênh phân phối đã đàm phán với bạn đều có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể chọn hợp tác với nhà phân phối phù hợp với doanh nghiệp của mình nhất. Kênh phân phối này tương đồng với doanh nghiệp về thị trường, khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, họ đáp ứng được giao dịch phân chia lợi nhuận, hoa hồng.
Bước 5: Đánh giá lại các quyết định
Trước khi hoàn tất bước xây dựng kênh phân phối, doanh nghiệp cần đánh giá lại các quyết định của mình. Tất nhiên, mọi phương án đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Sau khi tổng hợp lại, bạn có thể đề xuất giải pháp cải thiện hoặc phát huy.
Bước 6: Xây dựng và phát triển các kênh phân phối
Cuối cùng, doanh nghiệp chỉ cần tập trung xây dựng và phát triển các kênh phân phối.