Thương mại là một lĩnh vực hiện nay có sự đóng góp cho nền kinh tế lớn nhất bởi nhu cầu giao thương của các nước để phát triển kinh tế ngày càng cao. Góp phần vào mở rộng các mối quan hệ đối ngoại... Vậy quan hệ thương mại gián tiếp là gì? Phân tích ưu điểm và nhược điểm?
Mục lục bài viết
1. Quan hệ thương mại gián tiếp là gì?
Hoạt động thương mại gồm rất nhiều hoạt động cụ thể như là mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; xúc tiến thương mại; các hoạt động trung gian thương mại… Bài viết với mục tiêu làm rõ vai trò của thương mại trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội để từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Quan hệ thương mại gián tiếp tạm dịch sang tiếng Anh là indirect trade relations.
Quan hệ thương mại là tổng thể những mối quan hệ lẫn nhau về kinh tế, tổ chức và luật pháp phát sinh giữa các doanh nghiệp trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ. Theo nghĩa rộng, quan hệ kinh tế trong thương mại thực chất là hệ thống các quan hệ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp về sự vận động của hàng hóa, dịch vụ trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định. Cơ sở của việc hình thành quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp là sự phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã hội định ra sự cần thiết phải trao đổi sản phẩm giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh với nhau. Quan hệ thương mại gián tiếp là quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng phải qua một hoặc một số khâu trung gian.
2. Phân tích ưu điểm và nhược điểm của quan hệ thương mại gián tiếp:
2.1. Ưu điểm của quan hệ thương mại gián tiếp:
– Thứ nhất, nó cho phép đơn vị tiêu dùng mua bán với số lượng vừa đủ cho tiêu dùng sản xuất, vào bất kì thời điểm nào khi phát sinh nhu cầu cho sản xuất nhờ đó đơn vị tiêu dùng sử dụng có hiệu quả hơn đồng vốn của mình, giảm được các chi phí kho tàng, bảo quản hàng hóa ở doanh nghiệp.
– Thứ hai, bảo đảm đồng bộ vật tư hàng hóa cho sản xuất kinh doanh. Quan hệ kinh tế qua tổ chức kinh doanh thương mại cho phép đơn vị tiêu dùng mua bán một lúc được nhiều loại hàng hóa khác nhau, với số lượng và thời gian phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
– Thứ ba, cho phép thực hiện các hoạt động dịch vụ thương mại tốt hơn.
2.2. Nhược điểm của quan hệ thương mại gián tiếp:
– Phát sinh thêm chi phí trong quá trình lưu chuyển hàng hóa
– Thời gian lưu chuyển hàng hóa kéo dài
– Điều kiện áp dụng: Đối với những đơn vị tiêu dùng có nhu cầu ít và hay biến động
Sự thay đổi và phát triển
Xu hướng các mối quan hệ kinh tế trong thương mại ngày càng trở nên phức tạp là do:
– Thứ nhất, qui mô sản xuất kinh doanh ngày càng lớn làm cho quá trình mua bán hàng hóa ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
– Thứ hai, mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất, kinh doanh, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm mới trong nền kinh tế.
– Thứ ba, gia tăng số lượng các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế làm cho sự trao đổi sản phẩm mở rộng hơn và sâu sắc hơn.
– Thứ tư, sự phát triển sản xuất kinh doanh trên những vùng mới làm cho thay đổi sơ đồ ghép giữa các doanh nghiệp vốn đã hình thành từ trước đây.
– Thứ năm, chuyên môn hoá sản xuất phát triển.
3. Vai trò của thương mại trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập:
Thứ nhất, thương mại thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, thương mại đã từng đóng vai trò khá quan trọng đó là xóa bỏ nền sản xuất nhỏ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy ra đời nền sản xuất hàng hóa hàng hóa sản xuất ra để trao đổi. Hiện nay ta thấy trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, vai trò của thương mại lại được khẳng định như một mắt xích không thể thiếu được trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Thương mại tác động tích cực thúc đẩy quá trình phân công lại lao động xã hội ở nước ta, chuyên môn hóa và hợp tác sản xuất, hướng sản xuất theo nền sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra nguồn hàng lớn cung cấp cho nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Thương mại là yếu tố trực tiếp thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thông suốt trong vùng các trọng điểm kinh tế của đất nước. Sự hoạt động của thương mại bên cạnh chịu sự chi phối của các quy luật nền kinh tế hàng hóa, còn thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, cung ứng tư liệu sản xuất, vật phẩm tiêu dùng và mua các sản phẩm ở vùng kém phát triển, kinh tế khó khăn để thúc đẩy kinh tế hàng hóa ở các vùng này phát triển, đẩy lùi kinh tế tự nhiên rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, cân bằng lại các hoạt động kinh tế.
Thứ hai, thương mại thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước
Vai trò của thương mại dịch vụ được gắn kết trong sự phát triển ngành công nghiệp xây dựng, ngành nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác của quốc gia, được đánh giá theo các mục tiêu từng năm, từng kỳ kế hoạch đề ra. Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nguyên vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Thương mại cung ứng các tư liệu sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho sản xuất tiến hành một cách thuận lợi. Hàng hóa sản xuất ra của các ngành, các lĩnh vực rất cần đến mạng lưới thương mại để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, thực hiện khâu trung gian để điều tiết cung cầu. Khi hàng hóa được tiêu thụ nhanh sẽ rút ngắn được chu kỳ tái sản xuất và tốc độ tái sản xuất. Vì vậy, thương mại mở con đường tiêu thụ sản phẩm cho ngành sản xuất, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Trong thời kỳ thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp, mọi sản phẩm hàng hóa đều được Nhà nước phân chia theo một cách nhất định, thương mại chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định trước. Nền kinh tế có sức ì lớn, các thành phần kinh tế không được khuyến khích phát triển, quan hệ cung cầu vốn đã mất cân đối lại càng mất cân đối hơn. Nhưng từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế thị trường đã góp phần kích thích sản xuất phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho nhân dân.
Thứ ba, thương mại thúc đẩy phát triển các ngành khác của nền kinh tế
Vai trò của thương mại trong nền kinh tế chung là: kích thích phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đổi mới chất lượng số lượng lao động và tư duy kinh doanh, thể hiện đáp ứng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm như máy móc thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng… Đưa tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình chuyển giao công nghệ. Tác động tới quá trình phân công, phân phối các nguồn lực, thực hiện chuyên môn hóa hình thành cơ cấu ngành nghề kinh doanh có hiệu quả và tạo ra các nhu cầu mới. Thông qua các hợp đồng thương mại (bán buôn, bán lẻ) được ký kết với cơ sở sản xuất kinh doanh của các ngành từ đó đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Cũng nhờ có sự lưu thông này mà mối quan hệ giữa ngành thương mại và các ngành khác ngày càng chặt chẽ cùng thúc đẩy nhau phát triển.
Thứ tư, thương mại thúc đẩy việc phân phối các nguồn lực
Đối với các địa phương có dân số đông, nguồn lao động tương đối dồi dào, đa dạng, nhu cầu lao động cũng không kém phần đa dạng. Chính những đối tượng này đã góp phần trong việc chọn ngành nghề và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong địa bàn. Thương mại không những là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là trung gian phân phối nguồn lực tài chính để tham gia kinh doanh, thực hiện lưu thông và luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp sản xuất tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.
Thứ năm, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại
Quan hệ thương mại với các nước trên thế giới sẽ ngày càng được củng cố vì lợi ích từ hai phía, thương mại đóng vai trò trực tiếp mở rộng các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu tại chỗ, thiết lập và mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nối liền sản xuất với tiêu dùng trong nước với các nước trên thế giới, góp phần tích lũy vốn, nhất là vốn ngoại tệ và đổi mới công nghệ. Ngoài ra, quan hệ thương mại góp phần hay đổi cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam.