“Chính sách” là thuật ngữ quen thuộc trong hoạt động quản lý nhà nước; chúng ta thường được nghe nhiều, độc nhiều trên sách báo, chương trình truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu ý nghĩa của chính sách. Vậy chu trình chính sách là gì? Các giai đoạn trong chu trình chính sách?
Mục lục bài viết
1. Chính sách công?
1.1. Chính sách công là gì?
“Chính sách” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các tài liệu và trên các phương tiện truyền thông tuy nhiên nó là thật ngữ khó có thể định nghĩa một cách cụ thể và rõ ràng.
Theo từ điểm bách khoa Việt Nam “Chính sách ” là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định trên những lĩnh vực cụ thể nào đó.
Theo định nghĩa của T.S Nguyễn Hữu Hải “Chính sách công” là những hành động ứng xử của Nhà nước với các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển.
Dù hiểu theo cách nào thì chính sách công đều nhằm mục đích thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng chứ không dừng lại ở việc giải quyết vấn đề công. Nói cách khác, chính sách công là công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị của nhà nước. Ở nước ta, chính sách công là công cụ để thực hiện hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhằm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ phân tích những quan niệm khác nhau về chính sách công. Ta có thể đưa ra một khái niệm về chính sách công như sau: “Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan với nhau do nhà nước ban hành, bao gồm các mục tiêu và giải pháp để giải quyết một vấn đề công nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo một định hướng nhất định”.
1.2. Đặc điểm của chính sách công:
Dù cho có nhiều quan niệm khác nhau về chính sách công, nhưng chúng ta có thể rút ra những đặc điểm cơ bản sau về chính sách công:
Thứ nhất, Chính sách công bắt nguồn từ các quyết định do nhà nước ban hành và bao hàm các quyết định của nhà nước. Nhà nước trong hoạt động quản lý các lĩnh vực trong đời sống xã hội ngoài việc ban hành các quy định pháp luật, Nhà nước còn tiến hành đưa ra các chính sách làm cơ sở để quản lý kinh tế vĩ mô, tạo ra những kích thích đủ lớn cần thiết để biến đường lối chiến lược của đảng cầm quyền thành hiện thực, góp phần thống nhất tư tưởng và hành động của mọi người trong xã hội, đẩy nhanh và hữu hiệu sự tiến bộ của các hoạt động thuộc mục tiêu bộ phận mà chính sách hướng tới và thực hiện các mục tiêu chung của phát triển kinh tế quốc dân.
Thứ hai, chính sách công bao gồm một tập hợp các quyết định diễn ra qua một giai đoạn dài vượt ra ngoài quá trình hoạch định chính sách ban đầu. Ở cấp hoạch định, chính sách công luôn không được thể hiện rõ ràng trong một quyết định đơn lẻ, mà có xu hướng được xác định dưới dạng một chuỗi các quyết định gắn liền với nhau.
Thứ ba, chính sách công hướng tới giải quyết vấn đề công và việc giải quyết vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến học một hoặc nhiều nhóm dân số trong xã hội.
Thứ tư, chính sách công hướng tới việc thay đổi hành vi của đối tượng và thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng.
Thứ năm, chính sách công bao gồm hai bộ phần cấu thành là mục tiêu và giải pháp chính sách.
Thứ sáu, các chính sách công luôn thay đổi theo thời gian, vì những quyết định sau có thể có những điều chỉnh tăng dần so với các quyết định trước đó, hoặc do có những thay đổi trong định hướng chính sách ban đầu. Đồng thời, kinh nghiệm thực thi chính sách công có thể được bản hồi vào quá trình ra quyết định. Điều này không có nghĩa là chính sách công luôn thay đổi, mà do quá trình chính sách năng động chứ không cố định.
Cuối cùng, về cơ bản, chính sách công được xem là đầu ra của quá trình quản lý nhà nước là sản phẩm trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, thậm chí là của cả xã hội.
1.3. Vai trò của chính sách công:
Trong việc quản lý nhà nước việc đưa ra các chính sách giữ một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trong xã hội. Cụ thể:
Vai trò định hướng
Chính sách công có vai trò định hướng cho các hoạt động của các thực thể kinh tế – xã hội. Mục tiêu chính sách công thể hiện thái độ ứng xử của nhà nước trước một vấn đề công, nên nó thể hiện rõ xu hướng tác động của nhà nước lên các thực thể xã hội để chúng vận động phù hợp với những giá trị tương lai mà nhà nước theo đuổi.
Các giá trị đó phản ánh ý chí của nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của đời sống xã hội.
Vai trò khuyến khích và hỗ trợ
Để đạt được mục tiêu chính sách công nhà nước, ban hành nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp mang tính khuyến khích và hỗ trợ về tài chính như: Miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, cho vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất,… và các biện pháp kỹ thuật như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ kỹ thuật để tạo thuận lợi cho các thực thể kinh tế – xã hội tham gia. Các biện pháp này không mang tính bắt buộc, nó tạo ra cơ chế khuyến khích tham gia tự nguyện của các thực thể kinh tế – xã hội.
Vai trò tạo lập
Thông qua chính sách công nhà nước đưa ra những điều kiện cần thiết nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các thực thể kinh tế – xã hội tính hành các hoạt động. Ví dụ: chính sách phát triển thị trường lao động, chính sách thị trường vốn, thị trường khoa học – công nghệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản,…
Vai trò điều tiết
Nhà nước sử dụng chính sách công để điều tiết thu nhập giữa các cá nhân với doanh nghiệp trong xã hội, điều tiết thị trường lao động, vốn,… như thế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định giá cả một số hàng hóa thiết yếu, chính sách tiền lương, chính sách lãi suất,…
Nhà nước sử dụng chính sách công để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền thông qua việc phân bổ các nguồn lực của xã hội.
2. Chu trình chính sách:
Một trong những phương tiện phổ biến nhất để đơn giản hóa việc ban hành chính sách công là chia tách quá trình chính sách thành các giai đoạn riêng biệt và các tiểu giai đoạn – chuỗi các giai đoạn kế tiếp liên quan với nhau được gọi là “chu trình chính sách”.
Chu trình chính sách trong tiếng Anh là Policy Process. Theo đó Chu trình chính sách (Policy Process) (hay qui trình chính sách) được hiểu là quá trình luân chuyển các giai đoạn từ khởi sự cho một chính sách bất kỳ đến đến khi xác định được hiệu quả của chính sách trong đời sống xã hội của con người hiện nay.
3. Các giai đoạn trong chu trình chính sách:
Hiện nay để thực hiện chu trình chính sách phải được tiến hành qua bốn giai đoạn từ khởi sự chính sách, hoạch định chính sách, thực thi chính sách; phân tích, đánh giá chính sách. Nội dung của các giai đoạn này cụ thể như sau:
Giải đoạn 1: Khởi sự chính sách
Bao gồm các hoạt động xác định vấn đề chính sách và đưa vấn đề đó vào chương trình ban hành văn bản quản lý. Hoạt động xác định vấn đề chính sách không chỉ do các cơ quan nhà nước thực hiện mà vẫn có sự tham gia rộng rãi của xã hội, đặc biệt là các tổ chức chính trị – xã hội như mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận.
Giai đoạn 2: Hoạch định chính sách
Đây là giai đoạn xây dựng chính sách và ra quyết định chính sách, xác định các giải pháp để đạt được mục tiêu đó, phân tích tác động của từng giải pháp và so sánh các giải pháp với nhau. Các chính sách được nghiên cứu để đề xuất nhà nước phê chuẩn và ban hành công khai. Quá trình đề xuất chính sách bao gồm việc xác định vấn đề cần ra chính sách, xác định mục tiêu mà chính sách cần đạt được và xác định các giải pháp cần thiết để đạt được tới mục tiêu đó.
Trên cơ sở lựa chọn giữa các phương án chính sách, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn một phương án tối ưu và ban hành chính sách công để đưa vào thực thi.
Giai đoạn 3: Thực thi chính sách
Đây là giai đoạn thực hiện các mục tiêu chính sách công trên thực tế, tức là đưa chính sách vào thực hiện trong đời sống xã hội. Đây là giai đoạn xác định các nhiệm vụ thực thi chính sách vì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đó nhằm đạt được các mục tiêu chính sách.
Giai đoạn này bao gồm các hoạt động triển khai, phối hợp thực hiện kiểm tra, đôn đốc và hiệu chỉnh chính sách cùng các biện pháp tổ chức thực thi để chính sách phát huy tác dụng trong cuộc sống. Giai đoạn này có ý nghĩa quyết định đến sự thành bài của một chính sách.
Giai đoạn 4: Phân tích, đánh giá chính sách.
Trong giai đoạn này, người ta tiến hành so sánh các kết quả của chính sách công với các mục tiêu đề ra, phân tích hiệu quả kinh tế – xã hội đạt được thông qua việc thực thi chính sách trên thực tế.
Đây là giai đoạn đo lường chi phí kết quả của việc thực hiện chính sách và các tác động thực tế của chính sách trong mối liên hệ với mục đích chính sách, từ đó xác định hiệu lực và hiệu quả của một chính sách trong thực tế. Trên cơ sở kết quả được đánh giá các cơ quan nhà nước có thể đưa ra những điều chỉnh chính sách nếu thấy cần thiết. Các cơ quan nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu, thay đổi hoặc bổ sung các giải pháp mới, có thể quyết định tiếp tục thay đổi hay chấm dứt chính sách .
Phân tích chính sách công không phải là một giai đoạn của chu trình chính sách, mà là một hoạt động hỗ trợ cho các giai đoạn của chu trình chính sách. Hiện nay, phân tích chính sách công là một nghề và những người làm nghề này được gọi là nghề phân tích chính sách.
Bài viết này có nội dung về các thông tin cơ bản về chính sách, chính sách công và chu trình thực hiện chính sách, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích giúp cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết khi đang tìm hiểu, nghiên cứu về chính sách công và chu trình chính sách.
(Tham khảo: Sách chuyên khảo đại cương về phân tích chính sách công, Nxb Chính trị quốc gia)