Hiện nay mỗi một bộ ngành đều có các cơ quan đóng vai trò giúp sức và hỗ trợ trong phạm vi hoạt động công tác và lĩnh vực của Bộ, ngành đó. Và đối với các hoạt động đối ngoài, hợp tác quốc tế thường các Bộ, ngành sẽ có các vụ hợp tác quốc tế. Vậy vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) là gì? Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm của Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính?
1.1 Hợp tác quốc tế:
Trước khi đi tìm hiểu về vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ tài chính chúng ta phải hiểu lĩnh vực “hợp tác quốc tế” ở đây là gì. Theo như nhiều tài liệu nghiên cứu thì “hợp tác” có nghĩa là cùng nhau chung sức để phát triển một công việc, một lĩnh vực nào đó với cùng mục đích chung và cùng một lợi ích chung. Còn “Quốc tế” có nghĩa là có tính phi quốc gia mang tính toàn cầu liên kết với nhau. Từ đây ta có định nghĩa Hợp tác quốc tế là hoạt động của các chủ thể có quan hệ quốc tế cùng giúp đỡ nhau vì một lợi ích chung, không chống phá và chiến tranh với nhau.
1.2. Vụ hợp tác quốc tế:
Vụ được hiểu là một tổ chức thuộc Bộ hoặc thuộc Tổng cục thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp hoặc chuyên sâu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực hoặc tham mưu về công tác quản lý nội bộ của Bộ. Có thể nhận thấy rằng hiện nay hầu như mỗi Bộ, mỗi Tổng cục đều có một Vụ hợp tác quốc tế.
Vậy Vụ hợp tác quốc tế thuộc bộ tài chính ta có thể hiểu: là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác tài chính quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; quản lý các chương trình hợp tác, dự án của Bộ có sự tài trợ của nước ngoài; tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Bộ Tài chính (quyết định số 2428/ QĐ – BTC Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ hợp tác quốc tế).
2. Chức năng và nhiệm vụ của Vụ hợp tác quốc tế:
2.1. Về chức năng của Vụ hợp tác quốc tế:
Từ khái niệm của Vụ hợp tác quốc tế nêu trên ta có thể nhận thấy rằng chức năng của Vụ hợp tác quốc tế là một tổ chức ra đời nhằm đưa ra các ý kiến tư vấn, hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho Bộ trưởng của Bộ tài chính trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hằng năm của Bộ trong phạm vi và lĩnh vực liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới nhằm đạt được các kết quả tốt như là các vấn đề về trao đổi thông tin quốc tế, ký kết các điều ước quốc tế,… Nâng cao tình thần hội nhập quốc tế và đem lại lợi ích cho quốc gia
2.2. Nhiệm vụ của Vụ hợp tác quốc tế
Căn cứ vào bản chất và chức năng của tổ chức quyết định số 2428/ QĐ – BTC “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ hợp tác quốc tế” quy định Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính có các nhiệm vụ sau đây:
Một là, Xây dựng chiến lược hội nhập và hợp tác quốc tế của Bộ Tài chính; chương trình hành động, kế hoạch triển khai nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Việc này đòi hỏi độ ngũ cán bộ, công chức của Vụ hợp tác quốc tế phải có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng phán đoán tốt để tiến hành xây dựng chương trình và lên kế hoạch giúp Bộ trưởng đưa ra phương hướng hoạt động hợp tác quốc tế đạt kết quả tốt nhất.
Hai là, Chủ trì, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về hội nhập và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Theo quy định của pháp luật Việt Nam cơ quan hành pháp có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng pháp luật đó là việc xây dựng dự thảo cho việc xây dựng, làm luật của cơ quan lập pháp. Bởi lẽ những cơ quan hành chính là những cơ quan trực tiếp tiếp cận với nhân dân và đưa pháp luật thực thi trên thực tế cho nên các cơ quan này là những cơ quan hiểu rõ nhất chỗ nào là khuyết điểm, bất cập mà pháp luật cần phải sửa đổi.
Và trong phạm vi của Bộ mình về các vấn đề hợp tác quốc tế; Vụ hợp tác quốc tế sẽ liệt kê, ghi chép lập dự thảo trong lĩnh vực Vụ quản lý rồi trình lên cơ quan cấp trên khắc phục, bổ sung và sửa đổi.
Ba là, Chủ trì, xây dựng phương án đàm phán và trình cấp có thẩm quyền ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế hoặc tham gia ý kiến với các Bộ, ngành trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế theo sự phân công của Chính phủ.
Bốn là, Chủ trì tổ chức đối thoại chính sách và cung cấp thông tin về chính sách tài chính của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước ASEAN hoặc trong khuôn khổ hợp tác song phương theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối thoại chính sách là một khâu tất yếu của quá trình hoạch định chính sách mà nhờ nó, chính sách được nhìn nhận, phân tích và phản biện trên các phương diện mục tiêu (với tính cách là lợi ích của các bên), tính khả thi, v.v..qua đó nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chính sách.
Năm là, Xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị của Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế được giao. Xây dựng Quy chế là việc xây dựng các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc quy phạm xã hội do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành, quy chế theo một trình tự, thủ tục nhất định, có hiệu lực đối với các thành viên thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế.
Sáu là, Tổ chức nghiên cứu khoa học hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài ngành theo kế hoạch và nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Bảy là, Tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về việc triển khai các thỏa thuận, cam kết về hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế; báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, dự án của Bộ tài chính; Báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tài chính phân công.
Tám là, Ngoài những nhiệm vụ kể trên Vụ hợp tác quốc tế còn nhiều nhiệm vụ khác được quy định trong quyết định số 2428/ QĐ – BTC Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ hợp tác quốc tế.
3. Cơ cấu tổ chức của Vụ hợp tác quốc tế của Bộ Tài chính:
Theo quyết định số 2428/ QĐ – BTC cơ cấu tổ chức của Vụ hợp tác quốc tế bao gồm :
Vụ trưởng: Là một công chức viên đứng đầu một vụ, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của vụ để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao. Có thể hiểu chức vụ này tương đương với các chức vụ trong cơ quan của Bộ. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Vụ; quản lý công chức, tài sản được giao theo quy định.
Một số Phó Vụ trưởng: là công chức lãnh đạo giúp việc Vụ trưởng, được Vụ trưởng phân công phụ trách tổ chức và chỉ đạo thực hiện một phần công việc của lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành mà vụ được giao, thay mặt Vụ trưởng điều hành các hoạt động của Vụ khi Vụ trưởng đi vắng. (Trường hợp Vụ có nhiều Phó Vụ trưởng, thì một phó Vụ trưởng được phân công trực chịu trách nhiệm điều hành).
Vụ Hợp tác quốc tế có các phòng:
- Phòng hợp tác phát triển
- Phòng hội nhập tài chính song song
- Phòng hội nhập tài chính khu vực
- Phòng hội nhập tài chính đa phương
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế quy định
Vụ hợp tác quốc tế hoạt động theo tổ chức phòng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đối với công việc thực hiện theo chế độ chuyên viên, Vụ trưởng phân công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với chức danh tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Biên chế của Vụ hợp tác quốc tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
Trên đây là những thông tin về Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ tài chính cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính, hy vọng những nội dung này sẽ hữu ích đối với bạn khi đang tìm hiểu những vấn đề liên quan đến Vụ này.