Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có tên Tiếng anh là "Vietnam Intellectual Property Research Institute- VIPRI". Sự ra đời của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Vậy viện Khoa học sở hữu trí tuệ là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức?
Mục lục bài viết
1. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là gì?
Tại Điều 1, Điều lệ có nêu rằng: “Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, huấn luyện, giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.” Mặc dù trong Điều lệ, nội dung này được ghi nhận là vị trí, chức năng của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, khi hỏi về thế nào là Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, người ta đều lấy nó để giải thích.
Trên trang thông tin điện tử của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ khi đăng tải về lịch sử phát triển của mình đã khẳng định về một số thành tựu mà Viện đạt được ở từng khía cạnh, theo đó:
– Về hoạt động nghiên cứu khoa học: hàng chục đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và gần 70 đề tài cấp cơ sở đã được Viện thực hiện theo đặt hàng, trong đó tập trung vào các chủ đề: 1) các phương pháp, kỹ thuật giám định, định giá sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu…; 2) các công cụ quản trị tài sản trí tuệ, các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật liên quan đến tài sản trí tuệ và các xu hướng mới trong bảo hộ tài sản trí tuệ trên thế giới hiện nay.
– Về hoạt động đào tạo, huấn luyện: hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức, huấn luyện kỹ năng quản trị chiến lược tài sản trí tuệ, quản lý hoạt động tạo dựng, phát triển, bảo vệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
– Về hoạt động tư vấn, giám định, định giá về SHCN: Từ khi triển khai hoạt động tư vấn, giám định (tháng 9/2009) và định giá, Viện đã tiếp nhận, giải quyết và cung cấp ý kiến chuyên môn theo yêu cầu của nhiều cơ quan thực thi, tổ chức và cá nhân. Riêng trong công tác giám định sở hữu công nghiệp, số lượng yêu cầu mà Viện tiếp nhận, xử lý có xu hướng gia tăng (khoảng 15%/năm), tính đến tháng 12/2016 Viện đã tiếp nhận và xử lý gần 3.800 yêu cầu giám định liên quan tới sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ:
Với tư cách là một đơn vị sự nghiệp công lập, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cũng có những nhiệm vụ, quyền hạn riêng, được ghi nhận tại Điều 2 Điều lệ, theo đó, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đào tạo về sở hữu trí tuệ trình Bộ trưởng phê duyệt. Ngay từ nhiệm vụ đầu tiên cũng đã tỏ rõ chứng năng của Viện, kế hoạch nghiên cứu, đào tạo có thể được hiểu là một lộ trình các công việc phải thực hiện trong quá trình nhiên cứu, đào tạo, kế hoạch đó có thể ngắn hạn hoặc dài hạn, tùy thuộc vào ý tưởng của Viện và phù hợp với yêu cầu của Bộ, sự đòi hỏi của thực tiễn nghiên cứu, đào tạo.
– Nghiên cứu khoa học về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ. Nghiên cứu khoa học là hoạt động phức tạp bao hàm một chuỗi các hoạt động tìm kiểm, xem xét, điều tra, thử nghiệm, dựa trên các số liệu và thực tế để nhận định, phát hiện ra những nội dung mới có giá trị ứng dụng trong tương lai. Nội dung nghiên cứu khoa học được Điều lệ quy định khá rõ, chẳng hạn: Các vấn đề về quản trị, định giá, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ và quyền sờ hữu trí tuệ; Các chính sách quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, đối mới sáng tạo; Các vấn đề về cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuynh hướng phát triển, chính sách bảo hộ thích hợp;…
– Đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ. Đây là nhiệm vụ khá quan trọng, xuất phát từ tính chuyên môn và trình độ của các cá nhân làm việc trong Viện. Hình thức đào tạo, huấn luyện khá đa dạng, chẳng hạn: Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề; Xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, tài liệu; Tổ chức các lóp bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nhân lực; Biên soạn, biên dịch, ấn hành các tài liệu hướng dẫn, tham khảo.
– Tham mưu, tư vấn về sở hữu trí tuệ. Tham mưa là nhiệm vụ, hoạt động chuyên trách xuất phát từ tính chuyên môn tối đa, nhằm đưa ra những kiến nghị, đề xuất các ý tưởng độc đáo, sáng tạo và có giá trị ứng dụng; tư vấn là việc đưa ra những giải đáp, những lời khuyên hữu ích. Nội dung về tham mưa, tư vấn bao gồm: Trợ giúp pháp lý, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn về sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; Tư vấn việc giải quyết các vụ việc xung đột, tranh chấp, khiếu nại về sở hữu trí tuệ; Phản biện các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật, các quy định hành chính về sở hữu trí tuệ.
– Giám định về sở hữu trí tuệ. Giám định là hoạt động chuyên môn để đưa ra những đánh giá, kết luận cụ thể về một nội dung cụ thể thuộc sở hữu trí tuệ. Nhiệm vụ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là: Xây dựng các công cụ (thông tin, tra cứu, chương trình) phục vụ giám định sở hữu trí tuệ; Tiếp nhận và thực hiện việc giám định sở hữu trí tuệ theo yêu cầu, trưng cầu.
– Định giá tài sản trí tuệ. Định giá là hoạt động xác định giá trị bằng tiền của tài sản trị tuệ dựa trên nền tảng và mối quan hệ với các yếu tố khác. Nhiệm vụ của Viện khoa học sở hữu trí tuệ là: Xây dựng phương pháp luận, quy trình, dữ liệu thông tin, công nghệ cho việc định giá tài sản trí tuệ; Tư vấn về định giá tài sản trí tuệ; Tiếp nhận và thực hiện định giá tài sản trí tuệ.
– Đăng ký tham gia đấu thầu các chương trình, dự án nghiên cứu của Nhà nước liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đây là quyền hạn của Viện, việc đăng ký tham gia đấu thầu được quyết định bởi Viện, tùy thuộc vào các điều kiện khách quan và chủ quan để thực hiện. Việc tham gia đấu thầu là cách thức hiệu quả để Viên thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu của Nhà nước.
– Tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ dành cho Viện. Nguồn tài chính là yếu tố quan trong để Viện Khoa học sở hữu trí tuệ duy trì hoạt động và phát triển. Vì vậy đây được coi là quyền có ý nghĩa đối với Viện, tuy nhiên, các nguồn tài trợ, viện trợ phải hợp pháp.
– Quản lý công chức, viên chức, người lao động, tài chính, tài sản, tài liệu của Viện theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật. Đây là nhiệm vụ đương nhiên của Viện với tư cách là một đơn vị sự nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân và hoạt động phù hợp với chức năng của mình, Viện có trách nhiệm quản lý công chức, viên chức, người lao động và đôi khi còn phải chịu cả trách nhiệm khi họ có hành vi vi phạm pháp luật.
Trên đây là những nhiệm vụ, quyền hạn điển hình nhất của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, bên cạnh đó, Viện còn có thể: Hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, tư vấn – giám định, định giá tài sản trí tuệ; Ký kết các hợp đồng khoa học và công nghệ và các họp đồng khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện.
3. Cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ:
Viện khoa học sở hữu trí tuệ được tổ chức như sau:
– Văn phòng Viện.
– Phòng Nghiên cứu khoa học.
– Phòng Đào tạo – Thông tin.
– Phòng Giám định – Định giá.
– Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Viện trưởng quy định cụ thể tố chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Viện và ban hành các quy định nội bộ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật.
Viện trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Viện theo quy định về phân cấp, quản lý công chức, viên chức của Bộ và theo quy định của pháp luật.
Nội dung về cơ cấu tổ chức của Viện được ghi nhận tại Điều 4 Điều lệ, nhìn chung, cơ cấu tổ chức của Viện không quá phức tạp, ít các đơn vị trực thuộc, điều này cũng thấy được việc tinh giảm biên chế trong hoạt động công chức, nhưng không làm mất đi tính hiệu quả trong công việc. Mong rằng, với cơ cấu tổ chức chặt chẽ, các đơn vị trực thuộc sẽ phát huy được vai trò của mình, góp phần xây dựng Viện phát triển hơn nữa trong tương lai.