Với sự phát triển của của kinh tế, các hoạt động kinh doanh thương mại cũng ngày càng phát triển, các chủ thể kinh doanh nhanh chóng trở thành các đối tác hay cũng có thể là đối thủ cạnh tranh và giữa họ thường xuyên diễn ra các xung đột lợi ích. Vậy giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng tòa án là gì? Ưu, nhược điểm như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng tòa án là gì?
Tranh chấp là hệ quả tất yếu xảy ra trong hoạt động kinh doanh và vì vậy giải quyết tranh chấp phát sinh được coi là đòi hỏi tự thân của các quan hệ kinh tế. Theo hiểu biết chung: giải quyết tranh chấp trong kinh doanh chính là việc lựa chọn các hình thức biện pháp thích hợp để giải toả các mâu thuẫn, bất đồng, xung đột lợi ích giữa các bên, tạo lập lại sự cân bằng về mặt lợi ích mà các bên có thể chấp nhận được. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường phải đáp ứng các yêu cầu:
– Nhanh chóng, thuận lợi không làm hạn chế, cản trở các hoạt động kinh doanh.
– Khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên trong kinh doanh.
– Giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trên thương trường.
– Kinh tế nhất, ít tốn kém nhất.
Tranh chấp trong kinh doanh là một dạng tranh chấp kinh tế được hiểu là sự bất đồng chính kiến hay xung đột về quyền, nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh.
Giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng Toà án (một trong các hình thức giải quyết tranh chấp kinh doanh) là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán Nhà nước, nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế, hay nói khác đi, các tranh chấp kinh doanh, thương mại được giao cho Tòa án giải quyết theo trình tự gọi là Tố tụng Tòa án.
Nhắc đến giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng Tòa án, thì điều quan trọng nhất là xác định thẩm quyền của tòa án, trong đó, chỉ có những tranh chấp được quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án mới giải quyết, cụ thể:
“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.“
Bên cạnh việc xác định về thẩm quyền theo vụ việc, phương thức này còn đòi hỏi phải xác định chính xác tòa án theo lãnh thổ và tòa án theo cấp.
2. Đặc điểm của phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng tòa án:
– Được tiến hành khi mà việc áp dụng cơ chế thương lượng, hoà giải không có hiệu quả và các bên tranh chấp cũng không thoả thuận đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài.
– Đặc trưng cơ bản của thủ tục giải quyết tranh chấp bằng toà án là thông qua hoạt động của bộ máy tư pháp và nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết.
– Phạm vi và thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh được pháp luật các nước quy định khác nhau.
Ở các nước khác nhau, có thể có sự khác nhau trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp KDTM. Một số nước (Mỹ, Nhật, Hà lan…) trao thẩm quyền xét xử mọi tranh chấp, trong đó có các tranh chấp trong thương mại cho Tòa án thường (Tòa án dân sự). Một số nước khác lại trao thẩm quyền xét xử tranh chấp thương mại cho toà thương mại – Toà chuyên trách trong cơ quan tư pháp (Đức, Pháp, Áo, Bỉ…) Các toà thương mại chỉ xét xử sơ thẩm, nếu có kháng án sẽ được đưa ra xét xử tại toà thượng thẩm dân sự. Có nước thành lập hệ thống Tòa án độc lập gọi là Tòa án trọng tài để giải quyết tranh chấp như Cộnh hoà liên bang Nga.
+ Thẩm quyền của các cơ quan tài phán nhà nước ở các quốc gia là khác nhau nhưng tập trung vào các lĩnh vực tranh chấp: Tranh chấp hợp đồng thương mại ; Tranh chấp liên quan đến tổ chức và hoạt động của công ty; Tranh chấp liên quan đế việc bảo hộ nhãn hiệu thương mại; Tranh chấp thương mại hàng hải; Tranh chấp phát sinh trong quá trình bảo hộ cạnh tranh và chống cạnh tranh bất hợp pháp; Tranh chấp liên quan đến hoạt động phát hành và kinh doanh chứng khoán.
3. Ưu, nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng tòa án:
3.1. Ưu điểm:
Thứ nhất, trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ và độ tin cậy vào hiệu lực của phán quyết.
Trình tự, thủ tục tố tụng đã được quy định rất chặt chẽ, cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự, trải qua các giai đoạn từ thụ lý cho đến xét xử sơ thẩm. Quá trình đó đòi hỏi phải diễn ra theo một trật tự pháp lý và các đương sự có nghĩa vụ phải thực hiện theo đó. Các phán quyết của Hội đồng xét xử nhân danh nhà nước, đảm bảo được độ tin cậy, hiệu lực được bảo đảm trong phạm vi cả nước.
Thứ hai, có sức mạnh cưỡng chế nên góp phần vào việc nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật cho các chủ thể kinh doanh.
Sức mạnh cưỡng chế được diễn ra trong suốt quá trình đương sự tham gia vào vụ án kinh doanh, thương mại, sức mạnh này có được nhờ yếu tố quyền lực nhà nước mà chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có được. Đặc biệt, sụ cưỡng chế này nhằm đảm bảo cho phán quyết của tòa án được thi hành trên thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho bên thắng kiện.
Ưu điểm nổi bật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án là tính quyền lực nhà nước. Tòa án là cơ quan tư pháp có quyền nhân danh ý chí quyền lực của nhà nước khi xét xử các vụ tranh chấp. Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải chấp hành. Trong trường hợp bản án không được tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế bởi quyền lực nhà nước.
3.2. Nhược điểm:
– Không giữ được bí mật kinh doanh. Một trong những nguyên tắc trong xét xử tại tòa án là xét xử công khai, đây là điều e ngại nhất khi các chủ thể kinh doanh lựa chọn tòa án là chủ thể giải quyết tranh chấp.
– Thủ tục tại toà thiếu linh hoạt. Thủ tục phức tạp, rườm rà cũng là yếu tố tác động đến việc chủ thể tranh chấp dè chừng trước việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này, điều này kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, dẫn đến những thiệt hai về kinh tế trong quá trình họ cứ mãi đeo bám vào vụ kiện. Sự phân chia trình tự thủ tục xét xử qua nhiều cấp Tòa án phức tạp và kéo dài không đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là nhanh chóng và kịp thời
Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, các tranh chấp về kinh doanh, thương mại ngày càng đa dạng và phức tạp. Mặt khác khi nước ta đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhiều quan hệ kinh tế cũng mang những diện mạo sắc thái mới. Tương ứng với sự đa dạng phong phú của các quan hệ này, các tranh chấp kinh tế ngày càng muôn hình muôn vẻ và với số lượng lớn. Ở Việt Nam các đương sự thường lựa cho hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế bằng Toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ có hiệu quả nhất các quyền và lợi ích của mình khi thất bại trong việc sử dụng cơ chế thương lượng, hoà giải.
Chính vì vậy, Toà án có vai trò vô cùng quan trọng. Hơn nữa, Toà án là một thiết chế của Nhà nước; hoạt động của Toà án là một hoạt động rất đặc biệt và mang tính kỹ năng nghề nghiệp cao; vì lẽ đó, hoạt động xét xử của Toà án phải đảm bảo công minh, nhanh chóng, chính xác và kịp thời tránh tình trạng tồn đọng án, giải quyết án kéo dài, dễ gây phiền hà, mệt mỏi cho các bên đương sự. Do vậy, việc nghiên cứu thực tiễn về giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại tại Toà án được nhiều người quan tâm. Đồng thời việc giải quyết tranh chấp này còn góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và an ninh quốc gia.