Trong sự phát triển của kinh tế, kiểm toán là công cụ kiểm tra tính chính xác của báo cáo tài chính, cung cấp các thông tin tạo niềm tin cho người quan tâm. Về thực chất, hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính là quá trình thu thập và đánh giá báo cáo tài chính dựa trên các cơ sở dẫn liệu của chúng. Vậy tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán là gì? Các yếu tố ảnh hưởng?
Mục lục bài viết
1. Tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán là gì?
1.1. Khái quát về bằng chứng kiểm toán:
Theo Chuẩn mực kiểm toán số 500 ban hành theo quyết định số Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính về bằng chứng kiểm toán: “Bằng chứng kiểm toán: Là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, kiểm toán viên đưa ra kết luận và từ đó hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm những tài liệu, thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác.“
Bằng chứng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa ra ý kiến, nó là cơ sở và là một trong những yếu tố quyết định độ chính xác và ý kiến của kiểm toán viên. Việc thành công cuộc kiểm toán phụ thuộc trước hết vào việc thu thập bằng chứng và đánh giá bằng chứng của kiểm toán viên. Một khi kiểm toán viên không thu thập đầy đủ và đánh giá không đúng các các bằng chứng chính xác, thích hợp thì kiểm toán viên khó có thể đưa ra một nhận định chính xác về đối tượng cần kiểm toán.
1.2. Định nghĩa về tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán:
Tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán là khái niệm chỉ số lượng của các bằng chứng mà kiểm toán viên phải thu thập để dựa vào đó đưa ra ý kiến của mình. Định nghĩa về tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán cũng được ghi nhận trong Chuẩn mực kiểm toán 500, theo đó: “Tính đầy đủ (của bằng chứng kiểm toán): Là tiêu chuẩn đánh giá về số lượng bằng chứng kiểm toán. Số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi đánh giá của kiểm toán viên đối với rủi ro có sai sót trọng yếu và chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán.“
Đây là một vấn đề không có thước đo chung, không có quy định nào của chuẩn mực về yêu cầu cần bao nhiêu bằng chứng là đủ mà số lượng bằng chứng kiểm toán đưa ra đủ để đưa ra ý kiến phụ thuộc vào sự xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Một bằng chứng tuy đạt yêu cầu thích hợp nhưng sẽ không thể sử dụng làm cơ sở ý kiến cho kiểm toán viên nếu không đáp ứng yêu cầu đầy đủ. Thí dụ, để kết luận rằng nợ phải thu hiện hữu trong thực tế, thư xác nhận là bằng chứng thích hợp nhưng kiểm toán viên chỉ có thể đưa ra kết luận khi đạt được một cỡ mẫu cần thiết và thủ tục được thực thi ở một thời điểm phù hợp.
Chỉ khi việc thu thập bằng chứng đầy đủ thì kiểm toán viên mới có thể đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý của bằng chứng tài chính. Mục tiêu kiểm toán của thu thập bằng chứng kiểm toán nhằm cung cấp một bố cục để giúp kiểm toán viên tập hợp những chứng cứ cần thiết và quyết định đúng đắn bằng chứng cần thu thập có căn cứ tình huống hợp đồng. Các mục tiêu không thay đổi giữa các cuộc kiểm toán nhưng chứng cứ thì thay đổi, phụ thuộc vào các tình huống. Một bằng chứng chỉ có thể thảo mãn một mục tiêu hay một vài mục tiêu kiểm toán chứ không thể thỏa mãn toàn bộ các mục tiêu kiểm toán đề ra, chính vì vậy khi thu thập bằng chứng kiểm toán viên phải luôn hướng vào mục tiêu kiểm toán. Chỉ khi hướng vào mục tiêu, bằng chứng cần tìm thì kiểm toán viên mới có thể xác định bằng chứng đang ở đâu, với đối tượng nào. Tránh tìm tràn lan nhưng không thỏa mãn mục tiêu kiểm toán làm ảnh hưởng tới việc đưa ra kết luận của kiểm toán viên. Ngoài ra nó còn làm tăng chi phí kiểm toán khi bằng chứng thu thập một cách không hiệu quả.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán:
Các yếu tố ảnh hưởng đến tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán thực chất là các yếu tố ảnh hưởng đến sự xét đoán của kiểm toán viên, bởi như đã nói ở trên, không có một quy định nào của chuẩn mực về yêu cầu cần bao nhiều bằng chứng là đủ, mà dựa vào sự xét đoán nghề nghiệp của kiểm soát viên, cụ thể:
– Tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán: Bằng chứng có độ tin cậy càng thấp thì số lượng bằng chứng cần thu thập càng nhiều. Một lượng ít bằng chứng có độ tin cậy thấp chưa đủ để đưa ra ý kiến chính xác về đối tượng kiểm toán đó.
– Tính trọng yếu của thông tin được kiểm toán: Trọng yếu là khái niệm tầm cỡ và bản chất của các sai phạm của các thông tin tài chính hoặc từng nhóm hoặc là đơn lẻ trong bối cảnh cụ thể nếu dựa vào các thông tin này để xét đoán thì không thể chính xác hoặc sẽ rút ra ý kiến sai. Vì mục tiêu của kiểm toán tài chính là khẳng định báo cáo tài chính được trình bày trung thực trên mọi khía cạnh trọng yếu nên nếu đối tượng cụ thể được kiểm toán càng nhiều yếu tố trọng yếu thì số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập càng nhiều.
Kiểm toán viên phải ước lượng sai phạm có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính và có thể thay đổi trong quá trình kiểm toán khi các tình huống thay đổi. Ước lượng trọng yếu là lượng tối đa mà kiểm toán viên tin rằng ở đó báo cáo tài chính có thể sai lệch nhưng chưa ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin tài chính. Ước lượng này là một trong những quyết định quan trọng nhất mà kiểm toán viên phải đối mặt. Sau khi ước lượng tính trọng yếu cho toàn bộ báo cáo tài chính kiểm toán viên phân bổ mức trọng yếu cho từng khoản mục trên báo cáo tài chính. Dựa vào mức trọng yếu cho từng khoản mục kiểm toán viên sẽ tiến hành thu thập những bằng chứng phù hợp. khoản mục nào có mức độ trọng yếu càng cao thì kiểm toán viên cần thu thập một lượng bằng chứng càng nhiều, và ngược lại.
– Mức rủi ro tiềm tàng và mức rủi ro kiểm soát: Số lượng bằng chứng cần phải tăng lên ở những bộ phận, hay các trường hợp có mức rủi ro tiềm tàng hoặc rủi ro kiểm soát cao. Nói cách khác, khi kiểm toán viên xác nhận mức rủi ro phát hiện chấp nhận được là thấp thì số lượng bằng chứng cần thiết sẽ tăng thêm. Kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp cho mỗi loại ý kiến của mình. Sự đầy đủ và tính thích hợp luôn đi liền với nhau và được áp dụng cho các bằng chứng kiểm toán thu thập được từ các thủ tục thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản.
– Tính hiệu lực của bằng chứng: Bằng chứng có độ tin cậy càng thấp thì kiểm toán viên cần phải thu thập càng nhiều hơn và ngược lại.
3. Các yếu tố xem xét bằng chứng kiểm toán:
Để xem xét bằng chứng kiểm toán đã đầy đủ và thích hợp chưa, người ta thường tính đến các yếu tố sau:
– Tính chất, nội dung và mức độ rủi ro tiềm tàng của toàn bộ báo cáo tài chính, từng số dư tài khoản hoặc từng loại nghiệp vụ;
– Hệ thống kế toán, hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá về rủi ro kiểm soát;
– Tính trọng yếu của khoản mục được kiểm tra;
– Kinh nghiệm từ các lần kiểm toán trước;
– Kết quả các thủ tục kiểm toán, kể cả các sai sót hoặc gian lận đã được phát hiện;
– Nguồn gốc, độ tin cậy của tài liệu thông tin.
Một bằng chứng kiểm toán có tính thuyết phục phải bao hàm hai yêu cầu quan trọng sau: “Tính thích hợp” là thước đo về chất lượng của bằng chứng kiểm toán và “Tính đầy đủ” thể hiện thước đo về số lượng của bằng chứng kiểm toán. “Tính thích hợp” và “Tính đầy đủ” luôn có quan hệ tương quan, bổ sung cho nhau và không thể tách rời đối với tất cả bằng chứng kiểm toán.
Bên cạnh đó, để nâng cao tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán, ngoài việc xem xét hai yếu tố trên, kiểm toán viên cần phải cân nhắc giữa chi phí và lợi ích đạt được. Do đó, kiểm toán viên cần phải đưa ra các quyết định phù hợp liên quan đến bằng chứng kiểm toán về cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu kiểm toán đề ra với chi phí bỏ ra để thu thập bằng chứng là thấp nhất.
Kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần nhận thức được vai trò của mỗi loại bằng chứng để có thể thu thập các bằng chứng kiểm toán thích hợp và đầy đủ trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán của mình và đánh giá một cách đầy đủ và hợp lý nhất, từ đó đưa ra được ý kiến phù hợp về báo cáo tài chính được kiểm toán. Có thể nói, sự thành công của một cuộc kiểm toán phụ thuộc trước hết vào việc thu thập và sau đó là đánh giá bằng chứng kiểm toán của kiểm toán viên.