Quản lý và sử dụng vốn lưu động là 1 khâu quan trọng trong công tác tài chính, trong đó việc bảo toàn vốn lưu động là vấn đề quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Vậy bảo toàn vốn lưu động là gì? Các biện pháp bảo toàn vốn lưu động?
Mục lục bài viết
1. Bảo toàn vốn lưu động là gì?
1.1. Khái quát về vốn lưu động:
Vốn lưu động của doanh nghiệp là số tiền ứng trước về tài sản lưu động nhằm đảm bảo cho quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Vốn lưu động đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo tiền đề cho sản xuất như : mua sắm, dự trữ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác doanh nghiệp muốn tái sản xuất đơn giản và mở rộng doanh nghiệp thì càng không thể thiếu vốn lưu động.
Đặc điểm vốn lưu động luôn thay đổi theo hình thái biểu hiện trong quá trình luân chuyển với mức độ cao so với vốn cố định. Xét về mặt lượng, đề quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành thường xuyên liên tục, tiền thu về phải luôn lớn hơn giá trị ban đầu bỏ ra. Trong quá trình chuyển đổi hình thái đó, các giai đoạn của vòng tuần hoàn luôn đan xen lẫn nhau không tách rời. Nghĩa là trong quá trình sản xuất kinh doanh, vốn lưu động luôn luôn vận động biểu hiện dưới các hình thái khác nhau. Vì vậy trong quá trình sản xuất kinh doanh quản lý vốn lưu động đóng vai trò rất quan trọng. Do đặc điểm của vốn lưu động là luân chuyển không ngừng, do vậy đòi hỏi phải thường xuyên nắm bắt sát sao tình hình luân chuyển vốn tránh tình trạng ngừng trệ, đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục
1.2. Khái niệm bảo toàn vốn lưu động:
Bảo toàn vốn được hiểu chung nhất là bảo đảm giá trị thực tế của tiền vốn tại các thời điểm khi có trượt giá trên thị trường. Bảo toàn vốn ở các đơn vị quốc doanh được thực hiện trong quá trình sử dụng vốn vào mục đích sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho các loại tài sản không bị hư hỏng trước thời hạn, không bị mất mát hoặc ăn chia vào vốn, không tạo ra lãi giả để làm giảm vốn. Đồng thời người sử dụng vốn phải thường xuyên duy trì được giá trị đồng vốn của mình thể hiện bằng năng lực sản xuất của tài sản cố định, khả năng mua sắm vật tư cho khâu dự trữ và tài sản lưu động định mức nói chung, duy trì khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Do đó điều kiện có trượt giá thì số vốn ban đầu hoặc bổ xung thêm cũng phải tăng theo để duy trì năng lực sản xuất kinh doanh của doanh của doanh nghiệp.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu việc tổ chức đảm bảo vốn lưu động nhằm cung cấp một lượng vốn lưu động thường xuyên, cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh được tiến hành liên tục thì việc bảo toàn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giúp doanh nghiệp đạt được mục đích sản xuất của mình.
2. Bảo toàn vốn lưu động trong doanh nghiệp như thế nào?
Bảo toàn vốn lưu động trong các doanh nghiệp là bảo đảm số vốn lưu động thu hồi sau mỗi chu kỳ kinh doanh đủ để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh trong kỳ tiếp theo đồng thời có thể bổ sung thêm cho nguồn vốn của doanh nghiệp hoặc đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc,..phục vụ sản xuất.
Những lí do đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động bảo toàn vốn lưu động nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất tiến hành bình thường là: sự rủi ro bất thường trong quá trình sản xuất kinh doanh; nền kinh tế xảy ra lạm phát.
Vốn lưu động là nhu cầu thiết yếu hàng ngày đối với các doanh nghiệp, vì họ cần một lượng tiền mặt thường xuyên để thanh toán thường xuyên, trang trải các chi phí phát sinh đột xuất và mua các nguyên vật liệu cơ bản dùng trong sản xuất hàng hóa. Bảo toàn vốn lưu động hiệu quả giúp duy trì hoạt động trơn tru và cũng có thể giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của công ty.
Bảo toàn vốn lưu động là một nội dung nằm trong quản lý vốn lưu động, theo đó quản lý vốn lưu động hợp lý là điều cần thiết đối với sức khỏe tài chính cơ bản của một công ty và thành công trong hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp. Dấu hiệu của quản lý kinh doanh tốt là khả năng sử dụng quản lý vốn lưu động để duy trì sự cân bằng vững chắc giữa tăng trưởng, khả năng sinh lời và tính thanh khoản.
Doanh nghiệp sử dụng vốn lưu động trong hoạt động hàng ngày của mình; vốn lưu động là sự chênh lệch giữa tài sản lưu động của doanh nghiệp và các khoản nợ hoặc các khoản nợ ngắn hạn. Vốn lưu động đóng vai trò là thước đo để đánh giá mức độ hiệu quả của một công ty đang hoạt động và mức độ ổn định về tài chính trong ngắn hạn. Tỷ lệ vốn lưu động, chia tài sản lưu động cho nợ ngắn hạn, cho biết liệu một công ty có đủ dòng tiền để trang trải các khoản nợ và chi phí ngắn hạn hay không.
3. Các biện pháp bảo toàn vốn lưu động:
Vốn lưu động trong doanh nghiệp tồn tại dưới hình thức vật tư hàng hoá và tiền tệ. Sự luân chuyển và chuyển hoá thường chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố làm cho vốn lưu động của doanh nghiệp bị giảm sút.
Vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động bảo toàn vốn lưu động nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh được thuận lợi mà thực chất là đảm bảo cho vốn cuối kỳ mua đủ 1 lượng vật tư hàng hoá tương đương với đầu kỳ khi giá tăng lên, tức là tái sản xuất giản đơn về vốn lưu động trong điều kiện quy mô sản xuất ổn định. Tuỳ theo đặc điểm cụ thể mà mỗi doanh nghiệp có phương pháp bảo toàn vốn hợp lý. Các biện pháp đó là :
– Định kỳ tiến hành kiểm kê, kiểm soát đánh giá lại toàn bộ vật tư hàng hoá, vốn bằng tiền, vốn trong thanh toán, để xác định số vốn lưu động hiện có của doanh nghiệp theo giá trị hiện tại, trên cơ sở kiểm kê đánh giá vật tư hàng hoá mà đối chiếu với sổ sách kế toán mà điều chỉnh cho hợp lý.
– Những vật tư hàng hoá bị tồn đọng lâu ngày không sử dụng được do kém phẩm chất,hay không phù hợp với nhu cầu sản xuất doanh nghiệp phải chủ động giải quyết, phần chênh lệch thiếu phải xử lý kịp thời bù đắp lại.
– Đối với doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài, cần tìm biện pháp để loại trừ lỗ trong kinh doanh. Một trong những biện pháp tốt là sử dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và cải tiến phương pháp công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, tăng vòng quay vốn lưu động. Để đảm bảo sử dụng vốn lưu động hợp lý, doanh nghiệp cần biết lựa chọn cân nhắc để đầu tư vốn vào khâu vào và lúc nào là có lợi nhất, tiết kiệm nhất.
Để đảm bảo vốn lưu động trong điều kiện lam phát, khi phân phối lợi nhuận cho các mục đích tích luỹ và tiêu dùng, doanh nghiệp phải dành ra một phần lợi nhuận để bù đắp số vốn vì lạm phát và phải được ưu tiên hàng đầu.
Nhu cầu vốn lưu động khác nhau giữa các ngành và thậm chí có thể khác nhau giữa các công ty tương tự. Điều này là do một số yếu tố, bao gồm sự khác biệt trong chính sách thu và thanh toán, thời điểm mua tài sản, khả năng một công ty xóa sổ một số khoản phải thu quá hạn và trong một số trường hợp, các nỗ lực huy động vốn mà một công ty đang thực hiện. Chính điều này cũng đặt ra vấn đề bảo toàn vốn lưu động giữa các công ty là hoàn toàn có sự khác nhau, xuất phát từ nhu cầu sử dụng.
Khi một công ty không có đủ vốn lưu động để trang trải các nghĩa vụ của mình, khả năng mất khả năng thanh toán tài chính có thể dẫn đến các rắc rối pháp lý, thanh lý tài sản và có khả năng phá sản. Bảo toàn vốn lưu động về cơ bản là một chiến lược kế toán tập trung vào việc duy trì sự cân bằng đủ giữa tài sản lưu động và nợ phải trả của một công ty. Một hệ thống bảo toàn vốn lưu động hiệu quả giúp doanh nghiệp không chỉ trang trải các nghĩa vụ tài chính mà còn tăng thu nhập.