Với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển của thương mại quốc tế từ đó cũng không ngừng vận động, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp ngày càng mong muốn tìm kiếm các đối tác và sâu hơn là tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn từ thị trường quốc tế. Vậy tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp là gì? Đặc trưng và ví dụ?
Mục lục bài viết
1. Tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp là gì?
Trước khi đi vào giải thích về tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp, người đọc cần hiểu, thế nào là tài trợ thương mại quốc tế. Khái niệm này đã được Luật Dương Gia thống nhất đưa ra rằng: “Tài trợ thương mại quốc tế là một hiện tượng kinh tế khách quan, gồm tập hợp tổng thể các chính sách, biện pháp, hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp hay giám tiếp cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế trong một hoặc một số hay tất cả các công đoạn của quy trình tái sản xuất từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường thế giới nhằm mục đích sinh lợi.” Tài trợ thương mại bao hàm sự chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện tài chính và thay thế về mặt tài chính (vay tín dụng) để hoàn tất nghĩa vụ thanh toán và sản xuất trong quan hệ kinh tế đối ngoại cũng như đảm bảo các quá trình thanh toán liên quan.
Các hình thức của hoạt động tài trợ thương mại quốc tế ngày càng đa dạng nhằm đáp ứng được các nhu cầu mới của doanh nghiệp, không dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính bằng các gói cho vay, ngân hàng ngày càng đa dạng hoá các gói hỗ trợ của mình một cách phù hợp và tiện lợi nhất tới tay các nhà xuất nhập khẩu.
Tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp là tập hợp các chính sách và biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm tạo ra các điều kiện tài chính và cơ hội kinh doanh có lợi cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại quốc tế tăng thu lợi nhuận. Các chính sách và biện pháp kinh tế và tài chính điển hình được sử dụng bao gồm ba chính sách chính: chính sách thuế và lệ phí, chính sách tỉ giá hối đoái, và chính sách tín dụng và lãi suất.
2. Đặc trưng và ví dụ về tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp:
Đặc trưng của lớn nhất tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp là người tài trợ sẽ là chính phủ hoặc các tổ chức tài chính quốc tế, đây là khoản tài trợ không hoàn lại, không đền bù. Bên cạnh đó, thời hạn tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp phụ thuộc vào thời hạn hiệu lực của chính sách hoặc biện pháp tài chính do Chính phủ quy định. Bất cứ doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế đều có quyền hưởng những điều kiện hoặc cơ hội có lợi do tài trợ gián tiếp đem lại.
Trên thực tế, hiệu ứng của tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp rất cao và đặc biệt nhạy cảm, nếu chính phủ ban hành đúng đắn các chính sách và biện pháp tài chính và quản lý có hiệu quả và ngược lại, sẽ xảy ra những hiệu ứng không tốt trên quy mô rộng lớn và những hậu quả khó lường.
Ví dụ và phân tích rõ hơn về tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp của chính phủ:
Các hoạt động tài trợ thương mại quốc tế của Chính phủ thường có đặc trưng là tài trợ thương mại gián tiếp thông qua các tổ chức như Ngân hàng trung ương, các trung gian tài chính, kho bạc, các tổ chức tài chính của chính phủ. Công cụ tài trợ thương mại quốc tế gián tiếp các chính sách và biện pháp kinh tế và tài chính như chính sách chiết khấu, chính sách tỉ giá, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ tài chính như chính sách kích cầu, miễn giảm thuế và lệ phí, chính sách bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, thưởng xuất khẩu…
Nhìn chung, các nguồn tài trợ sẽ đến từ chính ngân sách nhà nước từ các khoản thu thuế, phí, lệ phí, cổ tức nhà nước,…hoặc đến từ nước ngoài như ODA của chính phủ nước khác, tổ chức khu vực, thế giới, các nguồn thu khác từ nước ngoài của chính phủ. Các khoản này sẽ được tập trung vào ngân sách và phân bổ cho hoạt động tài trợ thương mại quốc tế.
3. Các chính sách tài trợ gián tiếp của chính phủ:
– Chính sách thuế và lệ phí: Trong các chính sách tài trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, thuế là một trong những công cụ quan trọng nhất, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay. Thuế trở thành một bộ phận không thể thiếu của chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia thông qua các hiệp định thỏa thuận về ưu đãi thuế quan giữa các nước, qua việc thực hiện quy định về thuế, trợ cấp và chống trợ cấp của WTO, của các tổ chức khu vực và thế giới…nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp giảm khó khăn cũng như nâng cao năng lực xuất khẩu, các nước thường dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng thông qua các ưu đãi như miễn, giảm, giãn hạn nộp thuế, hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu. Các loại thuế thường được tập trung đó là: thuế xuất khẩu, nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Chính sách tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái là giá cả tại đó ngoại hối được mua và bán. Tỷ giá hối đoái được coi là một công cụ hữu hiệu, tác động nhanh chóng đến hoạt động xuất nhập khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Hiệu quả của hoạt động xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá hối đoái bởi giá trị lượng ngoại tệ thu về từ các hoạt động đó phụ thuộc vào quan hệ so sánh giữa những đồng ngoại tệ này với đồng nội tệ hoặc ngoại tệ khác.
Cơ chế tỷ giá hối đoái cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu của một quốc gia. Chính sách tỷ giá hối đoái là chính sách mà trong đó Nhà nước sử dụng tỷ giá hối đoái như là những công cụ để điều chỉnh quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế và tài chính nhất định phục vụ nhiệm vụ chiến lược phát triển nền kinh tế quốc gia. Hiện nay các quốc gia sử dụng cơ chế đơn tỷ giá hoặc cơ chế đa tỷ giá; cơ chế tỷ giá hối đoái cố định và cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi.
– Chính sách tín dụng và lãi suất: Chính sách tín dụng và lãi suất là một loại hình thức tài trợ gián tiếp của nhà nước. Hầu hết 100% vốn lưu động của doanh nghiệp đều phải vay vốn từ tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp vay vốn của các tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định, khi đáo hạn phải hoàn trả lại vốn và trả lãi cho các tổ chức tín dụng. Lãi suất vay vốn là lãi suất thị trường và được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Nhà nước muốn tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, Nhà nước sử dụng cơ chế chênh lệch lãi suất giữa lãi suất cho vay so với lãi suất trên thị trường. Phần lãi suất cho vay đó là lượng giá trị tài trợ gián tiếp của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
Trong đó, hình thức này, Ngân hàng nhà nước là người thay mặt Chính phủ thực hiện chính sách lãi suất nhằm tài trợ cho các doanh nghiệp hoat động trong các chương trình mục tiêu nhà nước. Người được tài trợ là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo các chương trình mục tiêu của nhà nước. Ngân hàng nhà nước quy định loại tiền tệ, mức lãi suất ưu đãi và thời hạn cho vay tương ứng: vay nội tệ hoặc vay ngoại tệ, hoặc cả hai hoặc theo tỉ lệ.
Nguồn tài chính tài trợ cho các doanh nghiệp có thể huy động trực tiếp từ ngân sách nhà nước hoặc có thể gián tiếp từ các nguồn sau đây:
+ Áp dụng mức lãi suất tái chiết khấu thấp đối với các hối phiếu đòi nợ của các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở huy động vốn thông qua nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu tại Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất thấp, các ngân hàng thương mại mới có điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại quốc tế vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
+Áp dụng mức lãi suất tái cấp vốn thấp cho các ngân hàng thương mại với điều kiện các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay với lãi thấp.
Như vậy, chính sách thuế và lệ phí, chính sách tín dụng và lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái là những hành động tài trợ được chính phủ sử dụng phổ biến nhất để tài trợ thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách về tiền tệ, tài khoá, tự do mậu dịch, bảo hộ mậu dịch cũng được nhà nước sử dụng để tạo những tác động gián tiếp trên tầm vĩ mô đến các doanh nghiệp.