Điều hành và giám sát thị trường chứng khoán là gì? Nguyên nhân hình thành điều hành và giám sát thị trường chứng khoán? Nâng cao hiệu quả giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam?
Hiện nay cùng với sự phat triển của thị trường chứng khoán, vấn đề điều hành và giám sát cũng đang được chú trọng hơn để kiểm tra các hoạt động giao dịch chứng khoán nhằm duy trì sự vận hành đối với giao dịch chứng khoán.
Mục lục bài viết
1. Điều hành và giám sát thị trường chứng khoán là gì?
Như chúng ta đã biết thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động phát hành, giao dịch mua bán một loại hàng hoá đặc biệt đó là các chứng khoán. Thị trường chứng khoán là một loại thị trường đặc biệt, một sản phẩm cao cấp của nền kinh tế thị trường. Tính phức tạp của thị trường chứng khoán được thể hiện ở cấu trúc và các hoạt động giao dịch trên thị trường, vì vây, thị trường chứng khoán đòi hỏi một trình độ tổ chức cao, có sự quản lý và giám sát chặt chẽ trên cơ sở một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ. Lý do cần phải có sự quản lý và giám sát thị trường chứng khoán:
Điều hành thị trường là các hoạt động tổ chức quản lí được tiến hành nhằm duy trì sự vận hành bình thường của thị trường. Các hoạt động này thường được tiến hành bởi các chủ thể có quyền lực nhất định.
Giám sát thị trường là việc theo dõi, kiểm tra các hoạt động giao dịch chứng khoán diễn ra trên thị trường nhằm phát hiện và xử lí kịp thời các vi phạm, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của thị trường.
Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, khung pháp lý về công tác giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ có những thay đổi, đó là quy định về vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý, giám sát thị trường – UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSD), công ty chứng khoán, ngân hàng giám sát; các quy định đảm bảo cho cơ quan quản lý, các chủ thể giám sát có đủ thẩm quyền để giám sát, thu thập thông tin, xác minh, làm rõ những dấu hiệu thị trường chứng khoán với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh trong giám sát doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán Quy định về phối hợp giám sát vi phạm chứng khoán mang tính xuyên biên giới liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam giữa UBCKNN và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước.
Thông qua đó ta thấy với công tác giám sát giao dịch chứng khoán được thực hiện theo 03 cấp. Theo đó, công ty chứng khoán tham gia với vai trò là cấp giám sát thứ nhất, sở giao dịch chứng khoán và VSD tham gia với vai trò là cấp giám sát thứ 2, ủy ban chứng khoán nhà nước là cấp giám sát thứ 3. Các cấp giám sát được phân quyền rõ ràng đảm bảo thống nhất, minh bạch theo hệ thống tiêu chí phân tích báo cáo giám sát giao dịch; Xây dựng hệ thống giám sát kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo sớm để có thể chủ động hơn trong công tác giám sát, phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán.
Theo đó tại Việt Nam, công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán đã có sự hỗ trợ của hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến nhà đầu tư trên thị trường, thu thập các báo cáo, dữ liệu giao dịch chứng khoán trên thị trường… Bên cạnh đó không phải bất cứ dấu hiệu giao dịch bất thường nào cũng có thể xác định được là giao dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
2. Nguyên nhân hình thành cơ chế điều hành và giám sát thị trường chứng khoán:
Thị trường chứng khoán luôn tồn tại tính hai mặt của nó, đó là mặt tích cực và mặt tiêu cực. Những mặt tiêu cực của nó có thể gây ra tác động xấu đến thị trường và các hoạt động kinh tế – xã hội. Vì vậy, cần phải có một cơ chế điều hành và giám sát chặt chẽ mọi mặt hoạt động của thị trường chứng khoán.
Điều đó là xuất phát từ những lí do chủ yếu sau:
– Thị trường chứng khoán muốn hoạt động được tốt thì phải có cơ chế điều hành và giám sát thị trường nhất định. Thị trường là nơi tập trung của nhiều đối tượng với các mục đích khác nhau.
Để có thể dung hoà lợi ích của tất cả những người tham gia thị trường, đảm bảo cho thị trường không hoạt động hỗn loạn thì nhất thiết phải có những qui định về thị trường có tính chất bắt buộc mọi người cùng tuân theo. Mỗi thị trường có cơ chế điều hành và giám sát thị trường riêng phù hợp với các tính chất và đặc điểm của mình.
– Thị trường chứng khoán là thị trường vốn dài hạn, tập trung các nguồn vốn cho đầu tư và phát triển kinh tế, do đó thị trường chứng khoán có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo đó có thể là xuất phát từ vai trò quan trọng như vậy của thị trường chứng khoán, việc điều hành và giám sát thị trường chứng khoán là vô cùng cần thiết, có điều hành và giám sát chặt chẽ được thị trường chứng khoán thì mới đảm bảo được tính hiệu quả, công bằng, lành mạnh trong hoạt động của thị trường chứng khoán, tận dụng được các nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Theo đó nên chúng ta cần phải có những cơ chế điều hành và giám sát chặt chẽ đối với thị trường chứng khoán để hạn chế và loại bỏ các trường hợp gian lận gây tác động xấu đến thị trường.
– Thị trường chứng khoán là thị trường thu hút một bộ phận rất lớn các nhà đầu tư. Những người đầu tư vào chứng khoán mong muốn thu được những khoản lợi nhất định thông qua việc nắm giữ các chứng khoán, có quyền lợi gắn chặt với các hoạt động của thị trường chứng khoán.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán cần được điều hành và giám sát một cách chặt chẽ, đảm bảo các giao dịch diễn ra một cách công bằng, chống lại các trường hợp gian lận gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
3. Nâng cao hiệu quả giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam:
Để nâng cao hiệu quả chúng ta cần phải gấp rút hoàn thiện mô hình giám sát 3 cấp theo Luật Chứng khoán 2019. Hoạt động của thị trường ngày càng phát triển thì công tác giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm ngày càng gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy, các SGDCK, VSD cần phối hợp, có kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo về thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ của cán bộ giám sát, thanh tra, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới.
Tiếp đến chúng ta phải xây dựng tiêu chí nhằm định lượng mức độ có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán để làm cơ sở xác định ranh giới áp dụng thẩm quyền quản lýgiám sát và trách nhiệm pháp lý phù hợp. Việc định lượng tỷ lệ biến động bao nhiêu so với thị trường cần tính đến mức độ phát triển của thị trường cũng như các biên độdao động trần và sàn trong quá trình hoạt động của thị trường chứng khoán
Bên cạnh đó thì vấn đề hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn ngành Chứng khoán làm cơ sở để phân cấp và chuyên biệt hóa công tác giám sát, tự động hóa các tác vụ thường xuyên, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát vĩ mô toàn thị trường cũng như với từng nhóm ngành, ngành và từng cổ phiếu, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với các diễn biến bất thường đối với thị trường chứng khoán nói chung và giao dịch bất thường nói riêng.
Không những thế vấn đề phát triển phần mềm giám sát có tính năng theo dõi liên thị trường, sử dụng một số biện pháp mang tính kỹ thuật để ngăn ngừa, hạn chế tối đa hành vi LDTT. Đưa ra các cảnh báo công khai đối với nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường nhằm hạn chế các giao dịch có khả năng có diễn biến bất thường, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cũng như nâng cao tính minh bạch đối với thị trường chứng khoán.
Hoạt động giám sát được thực hiện thông qua các cảnh báo hàng ngày và đánh giá phân tích trên cơ sở dữ liệu giao dịch nhiều ngày cần hướng đến áp dụng công nghệ hiện đại (trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…) giám sát theo thời gian thực. Bởi lẽ, mục tiêu của giám sát không chỉ là phát hiện các hành vi vi phạm mà còn sớm có cảnh báo các dấu hiệu có thể trở thành hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên cũng như sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán nói riêng hay phát triển của tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung.