Xuất xứ thuần túy được hiểu là hàng hóa thu được toàn bộ trong phạm vi lãnh thổ của Bên thành viên xuất khẩu hoặc được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ thuần túy của Bên thành viên xuất khẩu đó. Tìm hiểu về Hiệp định về quy tắc xuất xứ?
Trong giai đoạn hiện nay thì việc lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa có vai trò và đóng góp những ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các nước trên thế giới. Để việc lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra thuận lợi thì khâu không thể bỏ qua đó là xuất xứ hàng hóa. Có nhiều loại xuất xứ cụ thể và một trong số đó ta cần kể đến xuất xứ thuần túy. Chắc hẳn hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về thuật ngữ này.
1. Tìm hiểu về xuất xứ thuần túy:
Ta hiểu về xuất xứ như sau:
Theo quy định của Việt Nam thì xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó
Ta hiểu về xuất xứ thuần túy như sau:
Xuất xứ thuần túy được hiểu là hàng hóa thu được toàn bộ trong phạm vi lãnh thổ của Bên thành viên xuất khẩu hoặc được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ thuần túy của Bên thành viên xuất khẩu đó.
Hàng hoá được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại Nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp cụ thể như sau:
– Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng bao gồm quả, hoa, rau, cây, tảo biển, nấm và các loại cây trồng khác được trồng và thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại đó.
– Động vật sống bao gồm động vật có vú, chim, cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát, vi khuẩn và virus, được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên xuất khẩu.
– Các hàng hoá chế biến từ động vật sống tại Nước thành viên xuất khẩu.
– Hàng hoá thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, thu lượm hoặc săn bắt tại Nước thành viên xuất khẩu.
– Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Nước thành viên đó.
– Sản phẩm đánh bắt bằng tàu được đăng kí tại một Nước thành viên và có treo cờ của Nước thành viên đó, và các sản phẩm khác được khai thác từ vùng biển lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải của Nước thành viên đó, với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác biển, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế.
– Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng kí tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó.
– Sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu chế biến được đăng kí tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, trừ các sản phẩm được qui định tại khoản 7.
– Các vật phẩm thu nhặt tại nước đó nhưng không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
– Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ:
+ Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất tại Nước thành viên xuất khẩu.
+ Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ hàng hoá đã qua sử dụng được thu nhặt tại Nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện hàng hoá đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô.
– Hàng hoá thu được hoặc được sản xuất tại một Nước thành viên xuất khẩu từ các sản phẩm được qui định từ khoản 1 đến khoản 10. (Theo Định nghĩa về xuất xứ thuần túy trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA))
WO hay còn gọi là xuất xứ thuần túy được hiểu là một trong những tiêu chí cơ bản và quan trọng được sử dụng để xác định xuất xứ của hàng hóa. WO là tiêu chí chặt nhất so với tất cả các tiêu chí còn lại trong hệ thống quy tắc xuất xứ. Với thực tiễn thương mại quốc tế như hiện nay, không có nhiều các sản phẩm đáp ứng tiêu chí này.
Trong đa số các Hiệp định Thương mại tự do – FTA Việt Nam tham gia, xuất xứ thuần túy được hiểu là xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của một bên thành viên, có nghĩa toàn bộ 100% nguyên liệu được sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của bên thành viên đó.
Có nghĩa hàng hóa đó phải thu được toàn bộ trong phạm vi lãnh thổ của bên thành viên đó. Nếu có bất kì thành phần nguyên liệu nào không có xuất xứ hoặc không xác định được xuất xứ được thêm vào trong quá trình sản xuất sẽ loại trừ hàng hóa đó ra khỏi định nghĩa xuất xứ thuần túy.
Một ví dụ về con cá được ướp muối. Cá được đánh bắt trên sông của Lào nhưng muối không xác định được xuất xứ (Lào là quốc gia không có biển), hoặc muối có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ Việt Nam.
Cá ướp muối sẽ không được coi là có xuất xứ thuần túy Lào cho dù 99% trị giá của cá thành phẩm có xuất xứ thuần túy Lào và chỉ 1% muối không xác định được xuất xứ hoặc được nhập khẩu từ một thành viên ASEAN.
Xuất xứ thuần túy cũng có thể được hiểu là xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của một FTA, tức nhiều hơn một Bên thành viên của FTA đó. Từ đó xuất xứ thuần túy FTA có thể tìm thấy trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong trường hợp cụ thể này thì mỗi bên thành viên được coi như một tỉnh hay thành phố hay địa phương của Việt Nam (hoặc của bất cứ thành viên FTA nào) và toàn bộ khu vực FTA được coi như một vùng lãnh thổ của một quốc gia thống nhất.
Xuất xứ thuần túy trong tiếng Anh gọi là gì?
Xuất xứ thuần túy trong tiếng Anh gọi là Wholly Obtained.
2. Tìm hiểu về Hiệp định về quy tắc xuất xứ:
Ta hiểu về hiệp định về quy tắc xuất xứ như sau:
Hiệp định về quy tắc xuất xứ là một danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Rule of Origin, viết tắt là ROO.
Hiệp định về quy tắc xuất xứ hay còn gọi là hiệp định ROO được hiểu là thỏa thuận của các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới về các quy định tiêu chí xuất xứ của hàng hóa, nhằm mục đích hưởng những ưu đãi từ những cam kết cắt giảm thuế mang lại trong Tổ chức thương mại thế giới.
Quy tắc xuất xứ là tiêu chí vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. (Theo World Trade Organization – WTO)
Xuất xứ hàng hóa theo hiệp định về quy tắc xuất xứ:
Có bốn loại quy tắc xuất xứ cho hàng hóa, cụ thể như sau:
– Quy tắc xuất xứ hàng hóa thuần túy;
– Quy tắc xuất xứ xác định theo hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa;
– Quy tắc xuất xứ hàng hóa xác định theo chuyển đổi mã số thuế của hàng hóa;
– Quy tắc xuất xứ cho từng mặt hàng cụ thể theo quy trình sản xuất.
Hàng hóa có xuất xứ thuần túy được hiểu là hàng hóa hoàn toàn được nuôi trồng, thu hoạch hoặc hoàn toàn được sản xuất trong một quốc gia (không có nguyên liệu nhập khẩu). Loại hàng hóa này thuộc về quy tắc xuất xứ hàng hóa thuần túy.
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa được tạo ra bằng việc kết hợp nguyên liệu hoặc trải qua quá trình sản xuất của ít nhất hai quốc gia (có nguyên liệu nhập khẩu) và sẽ có xuất xứ của quốc gia mà tại đó hàng hóa đã trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản cuối cùng.
Loại hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được liệt vào ba quy tắc xuất xứ phía sau.
Phương pháp xác định xuất xứ hàng hóa theo hiệp định ROO:
Sự chuyển đổi xuất xứ cơ bản được xác định bằng ba phương pháp chính cụ thể như sau:
– Chuyển đổi mã số thuế hàng hóa:
Theo phương pháp chuyển đổi mã số thuế hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ khác nhau căn cứ vào nơi sản phẩm này có sự chuyển đổi về mã số thuế HS (mã số thuế hài hòa trong biểu thuế quan hiện hành, HS- 8 chữ số).
– Giá trị gia tăng của hàng hóa:
Phương pháp giá trị gia tăng có thể được xác định bằng hai cách cụ thể như sau:
+ Hàm lượng giá trị khu vực hoặc trong nước (RVC) chính là tỉ lệ phần trăm giá trị tối thiểu phải có được thêm vào ở nước xuất khẩu;
+ Hàm lượng nhập khẩu được tính bằng sự chênh lệch giữa giá trị của hàng hóa cuối cùng (thể hiện bảng giá FOB hoặc giá xuất xưởng) và các chi phí đầu vào được nhập khẩu.
– Quy trình sản xuất của sản phẩm:
Theo phương pháp quy trình sản xuất của sản phẩm, sản phẩm sẽ cần phải trải qua một số các quy trình hoặc yêu cầu về mặt kĩ thuật trong quá trình sản xuất ở nước xuất khẩu.
Phương pháp quy trình sản xuất của sản phẩm cũng có thể yêu cầu hoặc cấm sử dụng một số nguyên liệu đầu vào nhất định hoặc một số công đoạn gia công nhất định trong quá trình sản xuất sản phẩm.