Bảo hiểm vi mô? Bảo hiểm vi mô trong tiếng Anh được gọi là Microinsurance. Thuật ngữ liên quan?
Bảo hiểm từ khi xuất hiện cho đến giai đoạn hiện nay luôn đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước cũng như các cá nhân hay tổ chức. Có rất nhiều loại bảo hiểm ra đời với những ý nghĩa khác nhau. Một trong số đó cần phải kể đến bảo hiểm vi mô. Đây là loại bảo hiểm dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc các cá nhân có số tiền tiết kiệm nhỏ.
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm vi mô:
Trước tiên chúng ta cần hiểu cơ bản về bảo hiểm như sau:
Bảo hiểm về bản chất được hiểu là một thỏa thuận hợp pháp mà thông qua đó người tham gia bảo hiểm sẽ chấp nhận đóng một khoản tiền nhất định (phí bảo hiểm) cho các công ty bán bảo hiểm, để đổi lấy những cam kết về khoản chi trả khi có một sự kiện trong hợp đồng xảy ra.
Số tiền mà người tham gia bảo hiểm đóng sẽ được cho vào một quỹ lớn do công ty bảo hiểm quản lý và đến khi kết thúc thời hạn hoặc có những sự cố rủi ro thì công ty bảo hiểm sẽ trả lại khoản tiền như đã thỏa thuận trước đó.
Khi xảy ra bất cứ sự cố gì thì về phía công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào những điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết nhằm mục đích để chi trả quyền lợi bảo hiểm, và chắc chắn những quyền lợi bảo hiểm mà khách hàng được hưởng sẽ ghi lại trong giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc những văn bản xác nhận.
Thông qua những phân tích nêu trên, ta nhận thấy, bảo hiểm chính là hình thức quản lý rủi ro và cũng chính là phương pháp bảo vệ cá nhân hoặc doanh nghiệp trước các tổn thất ngẫu nhiên về tài chính, sinh mạng, tai nạn lao động, giao thông…
Bảo hiểm có những vai trò cơ bản như sau:
Bảo vệ tài chính cho gia đình: Cuộc sống của con người vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro không tránh được như ốm đau bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp chính vì thế nên rất cần nhất chính là sự đảm bảo tài chính để có thể vượt qua và tiếp tục con đường đã chọn.
Khi một người biết chăm sóc và lo cho bản thân tốt thì người đó cũng sẽ làm tốt vai trò của mình đối với những người mà họ yêu thương. Điều này thể hiện rõ nhất khi người đó là người trụ cột trong gia đình và có mua một hợp đồng bảo hiểm.
Nếu khi xảy ra rủi ro, bảo hiểm sẽ đứng ra giúp các chủ thể có thể làm tốt trách nhiệm gia đình và tiếp tục cuộc sống.
Chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh trong tương lai: Tham gia bảo hiểm chính là một phương pháp tiết kiệm hiệu quả, vừa được bảo vệ vừa được tích lũy, giúp bạn trân trọng sức lao động của mình. Đặc biệt, khi các chủ thể muốn bắt đầu công việc kinh doanh gây dựng sự nghiệp cho bản thân thì bảo hiểm chính là giải pháp an toàn và hiệu quả để bạn thực hiện ước mơ của mình.
Chuẩn bị tài chính cho hưu trí an nhàn: Bảo hiểm là sự chuẩn bị tài chính tốt nhất để bạn có thể tận hưởng cuộc sống tuổi già độc lập, không phụ thuộc ai, thoải mái chi tiêu cho đến tận cuối đời, với mức lương hưu như mong muốn.
Thế nên, vai trò của bảo hiểm trong giai đoạn hiện nay được đánh giá là cực kỳ quan trọng trong cuộc sống, là chiếc phao cứu sinh khi bạn gặp khó khăn.
Bảo hiểm giúp chuyển giao rủi ro, dàn trải tổn thất, giảm thiểu thiệt hại. Bảo hiểm còn ổn định chi phí, giúp người mua bảo hiểm an tâm về mặt tinh thần và kích thích việc tiết kiệm.
Bên cạnh đó, bảo hiểm còn là nguồn đầu tư phát triển nền kinh tế trong nước và bảo hiểm cũng góp phần tạo ra cơ hội công ăn việc làm, mỗi khoản phí mà bạn đóng vào quỹ dự trữ tài chính của các công ty bảo hiểm là bạn đang góp phần vào việc bù đắp sự mất mát cho những người không may mắn khác trong cuộc sống.
Khái niệm bảo hiểm vi mô:
Bảo hiểm vi mô được hiểu là bảo hiểm dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc các cá nhân có số tiền tiết kiệm nhỏ, được thiết kế riêng, phù hợp với các tài sản có giá trị thấp và bảo vệ trước những rủi ro như bị bệnh, thương tật hoặc tử vong.
Bảo hiểm vi mô trong tiếng Anh được gọi là gì?
Bảo hiểm vi mô trong tiếng Anh được gọi là Microinsurance.
Đặc điểm của bảo hiểm vi mô:
Bảo hiểm vi mô được xem là một bộ phận của tài chính vi mô (Microfinance), bảo hiểm vi mô hướng tới hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp bằng cách cung cấp các gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của họ.
Bảo hiểm vi mô thông thường sẽ xuất hiện ở những đất nước đang phát triển, nơi mà thị trường bảo hiểm hiện tại hoạt động không hiệu quả hoặc thậm chí không tồn tại. Giá trị bảo hiểm vi mô thấp hơn những loại bảo hiểm thông thường khác, vì vậy những người mua loại bảo hiểm này chỉ cần đóng số tiền bảo hiểm nhỏ hơn đáng kể.
Cũng tương tự như những bảo hiểm thông thường, bảo hiểm vi mô bảo vệ cho rất nhiều loại rủi ro. Bao gồm cả những rủi ro về sức khoẻ và rủi ro về tài sản. Có thể liệt kê như bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm vật nuôi/ gia súc, bảo hiểm trộm cắp hoặc hoả hoạn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tử vong, bảo hiểm tàn tật và bảo hiểm thiên tai…
Các phương pháp cung cấp bảo hiểm vi mô:
Cung cấp bảo hiểm vi mô là một công việc thử thách. Đã có một số phương pháp và mô hình tồn tại và các phương pháp và mô hình tồn tại này có thể khác nhau tuỳ theo tổ chức và nhà cung cấp có liên quan. Nhìn chung, hiện nay có bốn phương pháp chính để cung cấp bảo hiểm vi mô tới một cơ sở khách hàng (Client base), bao gồm:
– Partner-agent model (tạm dịch: Mô hình hợp tác với đại lí): Mô hình Partner-agent model cung cấp này dựa trên sự hợp tác giữa tổ chức bảo hiểm vi mô với đại lí. Tổ chức bảo hiểm chịu trách nhiệm cung cấp và marketing sản phẩm tới khách hàng, trong khi đó các đại lí chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thiết kế và phát triển.
– Full-service model (tạm dịch: Mô hình đầy đủ dịch vụ): Trong mô hình Full-service model, tổ chức bảo hiểm vi mô sẽ phụ trách mọi công việc, cả việc thiết kế và giao sản phẩm cho khách hàng, làm việc kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bên ngoài.
– Provider-driven model (tạm dịch: Mô hình theo nhà cung cấp): Trong mô hình Provider-driven model, các chủ thể là nhà cung cấp chăm sóc sứa khoẻ chính là tổ chức bảo hiểm vi mô, chịu trách nhiệm cho toàn bộ các hoạt động: cung cấp, thiết kế và dịch vụ.
– Community-based/mutual model (tạm dịch: Mô hình dựa vào cộng đồng): Trong mô hình Community-based/mutual model, khách hàng cũng chính là người vận hành mọi thứ, làm việc kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bên ngoài để cung cấp các dịch vụ.
2. Thuật ngữ liên quan:
Khái niệm tài chính vi mô:
Tài chính vi mô được hiểu là một loại dịch vụ ngân hàng được cung cấp cho cá nhân hoặc các nhóm người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và đa số không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính khác.
Mặc dù các tổ chức tham gia vào lĩnh vực tài chính vi mô thường cho vay các khoản tiền nhỏ, nhưng khoản vay này cũng có thể dao động từ 100 USD đến 25.000 USD, nhiều ngân hàng cung cấp các dịch vụ bổ sung như tài khoản vãng lai và tài khoản tiết kiệm, cũng như các sản phẩm bảo hiểm vi mô và một số thậm chí còn cung cấp giáo dục tài chính và kinh doanh.
Mục tiêu của tài chính vi mô là cuối cùng mang đến cho những người nghèo khó cơ hội trở nên tự lập về mặt tài chính.
Tài chính vi mô trong tiếng Anh là gì?
Tài chính vi mô trong tiếng Anh là Microfinance.
Cách hoạt động của tài chính vi mô:
Các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ được thực hiện một số lượng lớn các hoạt động, từ các dịch vụ cơ bản như tài khoản tiết kiệm, cho đến cho vay khởi nghiệp và các chương trình giáo dục dạy nguyên tắc đầu tư.
Các chương trình này cũng có thể tập trung vào các kĩ năng như ghi sổ sách, quản lí dòng tiền và kĩ năng chuyên môn như kế toán. Không giống như các tình huống thông thường, trong đó người cho vay chủ yếu quan tâm đến việc người vay có đủ tài sản thế chấp để trả nợ, nhiều tổ chức tài chính vi mô tập trung vào việc giúp các doanh nhân thành công.
Trong nhiều trường hợp cụ thể thì những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức tài chính vi mô trước tiên sẽ được yêu cầu tham gia một lớp quản lí tiền cơ bản. Bài giảng trong lớp học này sẽ bao gồm kiến thức về lãi suất, khái niệm về dòng tiền, cách thức hoạt động của các thỏa thuận tài chính và tài khoản tiết kiệm, cách lập ngân sách và quản lí nợ.
Sau khi học xong, các khách hàng có thể đăng kí vay nợ. Nhân viên tín dụng giúp người vay với thủ tục, giám sát quá trình cho vay và phê duyệt khoản vay. Khoản vay thông thường, đôi khi chỉ khoảng 100 USD có vẻ thấp ở các nước phát triển, nhưng đối với những người nghèo, con số này thông thường sẽ đủ để bắt đầu kinh doanh một mặt hàng nào đó.