Lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội là gì? Quy trình lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội?
Kế hoạch là một công cụ quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế quốc dân.Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được xây dựng dựa trên những dự báo về bối cảnh tương lai, những giả định chủ quan và ý chí của người làm kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế kế hoạch thường được triển khai với những điều kiện không hoàn toàn giống như các dự báo và giả định đưa ra lúc ban đầu. Do đó, trước khi triển khai thực hiện thì việc lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế- xã hội càng chi tiết thì càng hiệu quả và đây cũng là giai đoạn quyết định đến tính gắn bó chặt chẽ giữa thực tiễn và kế hoạch.
Mục lục bài viết
1. Lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế – xã hội là gì?
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội là công cụ quản lý kinh tế của nhà nước theo mục tiêu, được thể hiện bằng những mục tiêu định hướng phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) phải đạt được trong một khoảng thời gian nhất định của một quốc gia hoặc của một địa phương và những giải pháp, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra một cách có hiệu quả nhất.
Trong hệ thống kế hoạch hóa ở Việt Nam, kế hoạch đóng vai trò là công cụ tổ chức triển khai, the dõi đánh giá các hoạt động kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn nhất định. Kế hoạch có nhiệm vụ cụ thể hóa các mục tiêu định hướng của Chiến lược, quy hoạch phát triển qua hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và những giải pháp, chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội là một phần trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch hành động phải trả lời được các câu hỏi: Nội dung cụ thể cần làm gì? Ai thực hiện? Và khi nào thực hiện? Chẳng hạn: Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, Chính phủ sẽ đề ra chương trình hành động cụ thể và triển khai thực hiện. Đồng thời trên cơ sở những nhiệm vụ và nội dung chủ yếu trong chương trình hành động của Chính phủ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các Bộ trưởng, Thủ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo xây dựng chương trình hành động và cụ thể hoá thành các nhiệm vụ của Bộ, ngành địa phương mình. Chương trình hành động ở đây tương tự như kế hoạch hành động mà tác giả muốn nhắc tới.
Mỗi Kế hoạch Hành động được mô tả theo các khía cạnh sau:
– Thời gian Thực hiện
– Khu vực và Đối tượng hưởng lợi Mục tiêu (Bản đồ Vị trí)
– Cơ quan Thực hiện, Cơ quan Phối hợp (Sơ đồ Tổ chức)
– Mục tiêu
– Tóm tắt Dự án (Mục tiêu Tổng thể, Mục tiêu của Dự án, Kết quả Dự kiến)
– Các hoạt động
– Đầu vào và Báo cáo, Tài liệu
– Khuyến nghị
Việc lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn để thực hiện hợp lí nhất, tuy nhiên, nhìn chung, các kế hoạch hành động phải đảm bảo các yêu cầu:
– Xác định rõ các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các mục tiêu định hướng phát triển kinh tế – xã hội.
– Phân công rõ ràng trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
– Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chủ động, xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Mục đích của việc lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là: Nhằm quán triệt và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong việc quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
2. Quy trình lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội:
Để đảm bảo được tính chặt chẽ trong kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội, quá trình lập kế hoạch phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, cụ thể:
Bước 1: Phương án kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Trước hết, việc xác định phương án phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa quan trọng nhất và được xác định là bước đầu tiên, đây là bước mang tính tổng quát, bởi kế hoạch thường có nội dung rộng, có mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, việc xây dựng phương án, tức là trình bày dự kiến những việc phải làm là điều cần thiết để tránh bị lan man, không có trọng tâm, dẫn đến kế hoạch hành động rời rạc và xa rời định hướng ban đầu. Các phương án này phải thực sự hợp lí, đặc biệt liên quan đến sự thay đổi hay tác động của thực tế làm cho kế hoạch không được thực hiện theo đúng tinh thần mà nó có.
Bước 2: Liệt kê các nhiệm vụ và hành động cần thực hiện.
Đây là bước cụ thể hóa phương án tại bước 1, trên cơ sở phương án kế hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, người lập kế hoạch hành động phải liệt kê chi tiết, cụ thể về các nhiệm vụ và hành động cần thực hiện, càng chi tiết thì hiệu quả thực hiện càng cao và dễ dàng rà soát, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch, để đưa ra những biện pháp khắc phục nếu thiếu sót hoặc hạn chế. Việc liệt kê này chưa tính đến việc gắn trách nhiệm cá nhân, cơ quan với nhiệm vụ, hành động cần thực hiện.
Bước 3: Xác định các đối tượng tham gia triển khai hành động.
Đây là nội dung trọng tâm của kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội bên cạnh các nhiệm vụ, hành động cần thực hiện. Đây là bước trả lời cho câu hỏi ai là người thực hiện kế hoạch? Thực tế, đây đều là các đối tượng trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là cấp dưới của cơ quan ban hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Việc xác định đối tượng tham gia triển khai vừa là sự huy động nguồn lực toàn hệ thống chính trị, vừa là cách để xác định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong việc để ra sai sót trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động.
Bước 4: Xác định các nguồn lực cần phân bổ.
Nguồn lực ở đây bao gồm tiền, nhân lực và vật lực, được các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách sử dụng để thực hiện các hoạt động và từ đó tạo nên kết quả. Việc phân bổ nguồn lực là rất quan trọng để tránh thất thoát ngân sách nhà nước cũng như sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả. Quá trình xác định nguồn lực phải dựa trên nhiều yếu tố chẳng hạn như quy mô dự án, kế hoạch, tính chất quan trọng, tình hình phát triển của vật giá,…
Bước 5: Xác định cụ thể khung thời gian cho mỗi hành động.
Tính cụ thể được thể hiện ở việc phải xác định được thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc. Bước 5 gắn với bước 2, tức là đối với nhiệm vụ, hành động cần thực hiện thì phải có khung thời gian cụ thể, điều này nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ thể chịu trách nhiệm được xác định ở bước 3 phải thực hiện nhanh chóng, tránh tình trạng chầy ỳ, kéo dài gây tổn thất đến nguồn lực đã được phân bổ, đây cũng là cách để đốc thúc đối tượng được giao thực hiện kế hoạch hoạt động theo đúng tiến độ.
Bước 6: Dự kiến các rủi ro, các nội dung còn thiếu.
Đây là bước quan trọng, để chính thức thừa nhận có thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có thể còn tồn tại những thiếu sót. Còn đối với việc dự kiến các rủi ro thì đây là điều cần làm bởi kế hoạch hành động phải gắn với thực tiễn sâu sắc hơn, phải dự trù được tính thay đổi, biến chuyển giữa thực tế và kế hoạch, việc dự kiến rủi ro là cách để quản lý rủi ro, đưa ra các giải pháp tối ưu đến giải quyết rủi ro.
Bước 7: Khẳng định lại sự cam kết của các bên liên quan.
Bên liên quan: Các cá nhân và tổ chức có thể -trực tiếp hoặc gián tiếp- tác động hoặc chịu tác động tích cực và tiêu cực của kế hoạch hoặc các dự án, chương trình được triển khai trong kế hoạch. Việc khẳng định lại sự cam kết là kết quả của quá trình phân tích các bên liên quan đã được thể hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Bước 8: Thống nhất cơ chế điều phối.
Cơ chế điều phối được hiểu là việc quản lý, chỉ đạo, vận hành trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Việc thống nhất cơ chế điều phối thực sự có ý nghĩa quan trọng để chắc chắn rằng, quá trình thực hiện kế hoạch hành động được đồng nhất, thống nhất, vận hành nhất quán.
Bước 9: Thống nhất cơ chế theo dõi tác động.
Cơ chế theo dõi tác động suy cho cùng cũng để thực hiện hoạt động đánh giá, bởi theo dõi và đánh giá là hai phạm trù đi kèm và thể hiện chức năng quan trọng trong việc quyết định tính hiệu quả của kế hoạch hành động hay không. Việc đánh giá thường xuyên hay đột xuất đều là cơ sở quan trọng để góp phần thay đổi kịp thời những nội dung có thể không hợp lý trong kế hoạch hành động.