Sự phát triển của nền kinh tế thị trường bên cạnh việc làm tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong đường đua tìm kiểm lợi nhuận thì cũng một phần kéo các doanh nghiệp lại cùng nhau. Điều này dẫn đến sự ra đời của các liên minh chiến lược. Liên minh toàn diện là gì? Ưu điểm và nhược điểm của liên minh toàn diện?
Mục lục bài viết
1. Liên minh toàn diện là gì?
Thuật ngữ liên minh toàn diện là thuật ngữ gắn liền với liên minh Châu Âu, khi nhiều người đánh giá rằng: “Liên minh Châu Âu là mô hình liên minh toàn diện nhất thế giới”. Có lẽ, liên minh toàn diện mà tác giả muốn nhắc đến trong bài viết này cũng có bản chất giống vậy nhưng về chủ thể và quy mô thì không phải, bởi cái mà tác giả hướng đến là liên minh toàn diện giữa các doanh nghiệp, các công ty.
Khái niệm về liên minh rất rộng, có thể có liên minh giữa các cá nhân, liên minh giữa các tổ chức hay liên minh giữa các quốc gia, miễn là các bên có mục đích chung và cần liên minh với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tính toàn diện ở đây được thể hiện ở các lĩnh vực, chức năng và nội dung liên minh, toàn diện ở đây có nghĩa là bao trùm, đầy đủ các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh.
Tóm lại, có thể hiểu liên minh toàn diện là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp liên kết với nhau để phát triển, sản xuất hoặc bán sản phẩm/ cung ứng dịch vụ… trong khoảng một khoảng thời gian nhất định nhằm mang lại lợi ích chung cho mỗi bên trong khi vẫn là những doanh nghiệp độc lập chứ không nhằm mục đích sáp nhập, hợp nhất hay thôn tính lẫn nhau. Sự liên minh này có thể được tiến hành giữa các doanh nghiệp trong cùng một quốc gia hoặc giữa các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia khác nhau. Liên minh toàn diện bao hàm cả liên minh R&D, liên minh sản xuất cho đến liên minh marketing và phân phối sản phẩm.
Yếu tố quan trọng phải kể đến đó là các bên có chung mục đích, cùng liên kết với nhau trong một hoặc một số hoạt động nhất định thì có thể xây dựng một liên minh. Mục đích chung ấy có thể là nhằm phát triển thị trường, sản phẩm, khách hàng hay lợi nhuận…Một liên minh toàn diện là một thoả thuận mang lại lợi ích thực sự cho các bên, nhờ đó mà những nguồn lực, nguồn tri thức và khả năng được chia sẻ với mục tiêu nâng cao vị thế cạnh tranh của các bên.
2. Ưu điểm và nhược điểm của liên minh:
2.1. Ưu điểm của liên minh toàn diện:
Thực tế, liên minh toàn diện bao trùm các hình thức liên minh khác, do đó, những ưu điểm mà các liên minh khác hay liên minh toàn diện có được đều tương tự như nhau, theo đó, liên minh toàn diện có các ưu điểm sau:
– Khai thác lợi ích kinh tế theo quy mô: Lợi thế kinh tế theo quy mô (economies of scale) là sự giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm khi khối lượng sản phẩm được sản xuất ra tăng lên tuyệt đối trong một thời kỳ nhất định.Tính kinh tế theo quy mô tồn tại ở hầu hết các ngành, đặc biệt những ngành có chi phí sản xuất cố định lớn bởi đây là chi phí mà doanh nghiệp phải chịu ngay cả khi sản lượng giảm xuống bằng 0. Chi phí cố định lớn và hiệu quả kinh tế theo quy mô thường được thấy ở các ngành đòi hỏi vốn lớn như hoá chất, xăng dầu, sắt thép, xe hơi…nếu các công ty chỉ hoạt động một cách độc lập riêng rẽ thì quy mô sản xuất của nó không đủ lớn để có thể giảm được chi phí tức là đạt được lợi thế này.
– Học hỏi từ các đối tác liên minh: Xuất phát từ nội dung bản chất của liên minh toàn diện trong kinh doanh quốc tế, các thành viên tham gia liên minh không chỉ là các đối tác mà còn có thể là đối thủ cạnh tranh của nhau. Có thể mỗi doanh nghiệp đều có những cách tiến hành riêng về tất cả các vấn đề nhưng không thể làm tốt ở tất cả các khâu. Vì vậy nhất thiết phải học hỏi từ phía các đối tác. Các bên có thể học hỏi nhau về cách thức tổ chức, kỹ năng quản lý hoạt động kinh doanh, giải quyết xung đột về văn hoá… Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những trường hợp muốn đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến những thị trường mới, khách hàng mới.
– Hợp tác để chuyên môn hóa: Có thể nói liên minh toàn diện kết hợp được sức mạnh chuỗi giá trị khác nhau của các đối tác. Mỗi thành viên tham gia liên minh đều có những thế mạnh nhất định trong một hoặc một số hoạt động nào đó và việc hình thành liên minh sẽ cho phép các thành viên này tập trung vào các hoạt động phù hợp nhất với năng lực cũng như nguồn lực của mình, tạo ra sự cộng hưởng và là đòn bẩy sức mạnh cho toàn liên minh.
– Mở rộng thị trường: Liên minh toàn diện không chỉ tập trung vào một thị trường đơn lẻ mà còn kinh doanh trên thị trường rộng hơn, có thể vươn ra thị trường toàn cầu. Phạm vi hợp tác của các bên trong liên minh không chỉ giới hạn trong nội địa của các thành viên mà liên minh có thể phát triển ra tầm cỡ quốc tế trong đó các công ty tham gia có thể có các quốc tịch khác nhau. Tất nhiên, khi nói khái niệm mở rộng thị trường, ở đây có thể hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, có thể là thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế.
Khi tham gia liên minh, các bên đều chia sẻ cho nhau kinh nghiệm và thị trường, do đó việc các thành viên đều có cơ hội mở rộng thị trường của mình là điều dễ hiểu. Với liên minh giữa các doanh nghiệp trong nước, nếu một bên chiếm thị phần chủ yếu ở vùng miền nào đó và bên đối tác có lợi thế ở một vùng miền khác thì khi các bên hợp tác, liên minh với nhau thì cơ hội được tiếp cận thị trường của nhau là rất lớn, không chỉ chia sẻ, mở rộng thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng.
– Tạo cơ hội mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh khác: thông qua liên minh toàn diện, các công ty có cơ hội được thâm nhập vào một ngành kinh doanh mới hoặc một phân đoạn nào đó của ngành đòi hỏi những kỹ năng, khả năng và sản phẩm mà khi gia nhập ngành này, thành viên đó không sẵn có, bằng cách tận dụng các yếu tố trên của các đối tác chiến lược trong liên minh
2.2. Nhược điểm của liên minh toàn diện:
Nhược điểm của liên minh toàn diện hay những bất lợi có thể xảy ra khi tham gia liên minh toàn diện được thể hiện qua các vấn đề sau:
Thứ nhất, đối tác xung khắc. Nguyên nhân dẫn đến bất lợi này là do: Tính không tương hợp giữa các đối tác trong liên minh; Các đối tác có sự khác nhau về văn hóa hợp tác,văn hóa quốc gia, mục đích và mục tiêu…; Các đối tác không thể đồng ý các vấn đề cơ bản.
Giải pháp được đưa ra là: Cuộc gặp mặt giữa các nhà quản trị cấp cao của 2 bên để thống nhất những mong muốn, mục tiêu của 2 bên; Các vấn đề nên được đưa ra trước cuộc thảo luận để phân tích kỹ lí do tham gia chiến lược liên minh.
Thứ hai, truy cập thông tin giới hạn. Nguyên nhân là do các đối tác liên minh không dự định chia sẻ thông tin mà họ
muốn giữ bí mật như kỹ thuật, công nghệ,… Giải pháp được đưa ra là: Thống nhất lại các mục tiêu. Các đối tác có thể cung cấp những thông tin mà họ muốn giữ bí mật trước thời hạn cho bên kia.
Thứ ba, xung đột về phân chia lợi nhuận. Nguyên nhân: Các đối tác không đồng ý tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các bên. Giải pháp: Các bên nên họp bàn và thỏa thuận chia sẻ rủi ro, lợi nhuận với nhau.
Thứ tư, mất sự tự trị. Nguyên nhân: Khi có sự liên minh nguy cơ sẽ mất kiểm soát và giới hạn của các bên không rõ ràng. Giải pháp: Tổ chức thảo luận và đàm phán, phân chia trách nhiệm rõ ràng.
Thứ năm, hoàn cảnh thay đổi. Nguyên nhân: Hoàn cảnh thay đổi theo thời gian và các tiến bộ khoa học đã vượt xa ảnh hưởng khả năng đứng vững của liên minh chiến lược. Giải pháp: Các điều kiện kinh tế thúc đẩy hợp tác phải thay đổi để đáp ứng với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Mặc dù sự liên minh có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, mô hình khác nhau nhưng cần phải hiểu rằng bản thân sự liên minh là rất mong manh và không ổn định. Sự bất ổn này bắt nguồn từ bản chất tự nhiên vốn có của sự liên minh, đó là hai hay nhiều doanh nghiệp độc lập cộng tác với nhau để hoàn thành những mục tiêu mang tính lợi ích thực sự nhưng vẫn duy trì những đặc điểm và sự tự quản riêng của mình. Chính vì vậy, để có được một liên minh hiệu quả, các bên tham gia cần quan tâm đến những điều kiện cụ thể trước khi tiến hành liên minh.