Hiện nay cũng có một số các mô hình nhận diện thương hiệu được sử dụng khá phổ biến, một trong số đó phải kể đến mô hình nhận diện thương hiệu BIVN. Chắc hẳn còn rất nhiều cá nhân hay tổ chức chưa nắm bắt được các thông tin về mô hình này.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu:
1.1. Khái niệm thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu:
Ta hiểu thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu như sau:
Theo Philip Kotler định nghĩa như sau: “Thương hiệu có thể được hiểu như là tên gọi, thuật ngữ, biểu tượng, hình vẽ hay sự phối hợp giữa chúng được dùng để xác nhận sản phẩm của người bán và để phân biệt với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.”
Như vậy, ta nhận thấy, thương hiệu là cách thức mà một tổ chức hoặc cá nhân tạo nên, được cảm nhận hữu hình, hoặc vô hình bởi những người đã trải nghiệm nó. Thương hiệu không đơn giản là một cái tên, một câu khẩu hiệu, một biểu tượng. Thương hiệu là sự cảm nhận, nhận biết sản phẩm, hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp khơi gợi lên.
Thương hiệu được xem như là một trong những tài sản quý giá nhất của công ty. Thương hiệu sẽ đại diện cho bộ mặt doanh nghiệp, logo, khẩu hiệu dễ nhận biết hoặc đánh dấu sự cộng tác của công ty với đối tác. Trong thực tế, công ty thường được khách hàng nhận diện và gọi bằng tên thương hiệu. Và từ đó, tên thương hiệu và tên doanh nghiệp trở thành một và hoàn toàn giống nhau. Thương hiệu của công ty mang theo nó một giá trị tiền tệ trên thị trường chứng khoán (nếu công ty niêm yết), ảnh hưởng đến giá trị cổ đông khi nó tăng và giảm. Vì những lý do cụ thể này mà các chủ thể cần phải duy trì tính toàn vẹn của thương hiệu.
Một khi một thương hiệu đã tạo ra tình cảm tích cực đối với các đối tượng khách hàng mục tiêu, công ty được cho là đã xây dựng thành công về sở hữu thương hiệu.
Nếu được thực hiện đúng cách, thương hiệu sẽ góp phần tăng doanh thu không chỉ cho sản phẩm cụ thể đang được bán mà còn cho các sản phẩm khác được bán bởi cùng một công ty. Một thương hiệu tốt tạo niềm tin vào người tiêu dùng và sau khi có trải nghiệm tốt với một sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều khả năng thử một sản phẩm khác có liên quan đến cùng một thương hiệu. Hiện tượng này thường được gọi là lòng trung thành thương hiệu.
Hệ thống nhận diện thương hiệu là sự diễn đạt bản sắc của một công ty bằng hình ảnh thông qua việc sử dụng văn từ và các biểu tượng. Hệ thống nhận diện thương hiệu gồm những yếu tố nhận biết cấu thành thương hiệu được thể hiện một cách đồng bộ, nhất quán tạo nên đặc điểm riêng giúp phân biệt thương hiệu đó với những thương hiệu khác.
Như vậy, hệ thống nhận diện thương hiệu gồm có: Logo, Hình ảnh, Chữ viết, Màu sắc,… để tạo cho thương hiệu đó sự khác biệt và nổi bật so với các thương hiệu khác.
1.2. Phân biệt thương hiệu và nhận diện thương hiệu:
Nếu chúng ta coi thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp, thì bộ nhận diện thương hiệu là giá trị hữu hình để nâng cao giá trị tài sản vô hình đó. Thương hiệu là trừu tượng, nhận diện thương hiệu lại có thể kiểm đếm, hiện hữu được.
Hệ thống nhận diện thương hiệu phản ánh giá trị, mục tiêu, định vị và tính cách của thương hiệu. Hệ thống nhận diện thương hiệu quyết định tới giá trị tài sản thương hiệu, và sự hiện diện của thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Ví dụ cụ thể như khi liên tưởng tới thương hiệu bột giặt Omo, khách hàng nhớ tới một thương hiệu bột giặt với chất lượng sản phẩm tốt, mang tính nhân văn sâu sắc và quen thuộc với màu đỏ đặc trưng. Thương hiệu Omo hiện diện trong tâm trí khách hàng với vị trí rõ ràng như vậy là nhờ một phần rất lớn từ hệ thống nhận diện thương hiệu của Omo cụ thể như là: Sự chuyên nghiệp và nhất quán về màu sắc sử dụng, hệ thống biển bảng, TVC quảng cáo với concept đồng bộ, bảng màu, phông chữ, bố cục tại các POSM, trên phương tiện vận tải,…
2. Mô hình nhận diện thương hiệu BIVN:
Trước tiên chúng ta cùng hiểu về mô hình như sau:
Mô hình được hiểu là một đại diện của một hệ thống, được tạo thành từ các thành phần của các khái niệm được sử dụng để giúp mọi người biết, hiểu hoặc mô phỏng cụ thể về một chủ đề mà mô hình đó đại diện. Mô hình cũng là một tập hợp các khái niệm.
Mô hình về bản chất chính là sự đơn giản hóa hiện thực một cách có chủ định. Mô hình cho phép các chủ thể là nhà nghiên cứu bỏ qua các mặt thứ yếu để tập trung vào phương diện chủ yếu, có ý nghĩa quan tọng đối với vấn đề nghiên cứu.
Khái niệm mô hình nhận diện thương hiệu BIVN:
Mô hình nhận diện thương hiệu BIVN là quá trình gồm năm bước từ giai đoạn bắt đầu định vị đến bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
Các yếu tố truyền thông nhận diện thương hiệu bao gồm hình ảnh hiệu (dạng hình và chữ), âm hiệu, mùi hiệu, nội dung thông điệp truyền thông, kĩ thuật thiết kế thông điệp truyền thông, kênh truyền thông… tác động cơ quan cảm giác và góp phần hình thành hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
BIVN là từ viết tắt của cụm từ tiếng anh Brand Identity Vietnam.
Đặc điểm mô hình nhận diện thương hiệu BIVN:
– Tính hệ thống của quy trình: Thực hiện quy trình theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu sẽ là nền tảng và kim chỉ nam cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, cần lưu ý ở giai đoạn 5 “Bảo vệ hình ảnh thương hiệu” được thiết lập giai đoạn 3 “Thiết kế nhận diện thương hiệu”, triển khai cùng với giai đoạn 4 đó là “Truyền thông hình ảnh thương hiệu”. Giai đoạn 6 sẽ trở nên càng quan trọng hơn khi thương hiệu đã lớn mạnh vì thương hiệu càng phát triển thì quá trình bảo vệ thương hiệu càng mạnh mẽ.
– Tính thống nhất của quy trình: Khi các chủ thể thực hiện quy trình nên tôn trọng tính thống nhất của mô hình nhận diện thương hiệu. Mọi hoạt động thiết kế dấu hiệu nhận biết thương hiệu hay thiết kế truyền thông điều lấy bản vẽ tạo dáng thương hiệu làm tâm điểm.
Giới thiệu các giai đoạn trong mô hình:
Các giai đoạn trong mô hình nhận diện thương hiệu BIVN bao gồm:
– Giai đoạn 1: Định vị hình ảnh thương hiệu.
Định vị hình ảnh thương hiệu là xác định vị thế mong muốn của thương trong tâm trí của người tiêu dùng. Bằng các công cụ marketing khi kết hợp với thiết kế, truyền thông, bảo vệ thương hiệu làm cho người tiêu dùng nhận thức được hình ảnh thương hiệu như bản kế hoạch định vị đã được người quản lí thương hiệu thiết lập.
Sự khác biệt giữa định vị hình ảnh thương hiệu và định vị thương hiệu:
+ Định vị thương hiệu: Đối tượng mục tiêu hướng đến là xác định vị thế thương hiệu trên thị trường.
+ Định vị hình ảnh thương hiệu: Đối tượng mục tiêu hướng đến là xây dựng hình ảnh thương hiệu trong trí nhớ người tiêu dùng.
– Giai đoạn 2: Bản vẽ mô phỏng hình ảnh thương hiệu.
Bản vẽ tạo dáng thương hiệu là sơ đồ mô phỏng hình ảnh thương hiệu hình thành như thế nào dưới hình thức bản vẽ mô tả, được thiết lập bởi nhà quản trị thương hiệu dựa trên nền tảng định vị hình ảnh thương hiệu.
Bản vẽ tạo dáng thương hiệu phản ánh tổng thể các thông tin về thương hiệu từ yếu tố chiến lược phát triển thương hiệu đến cách thức, tiêu chí xây dựng tạo hình ảnh thương hiệu.
– Giai đoạn 3: Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu.
Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu về bản chất được hiểu là sự phối hợp giữa lĩnh vực thiết kế đồ họa và quản trị thương hiệu cho nên muốn thiết kế được hệ thống nhận diện thương hiệu đòi hỏi người thiết kế nắm vững kiến thức của hai chuyên môn này.
– Giai đoạn 4: Truyền thông hình ảnh thương hiệu.
Truyền thông hình ảnh thương hiệu là quá trình sử dụng các công cụ truyền thông truyền tải hình ảnh thương hiệu đã được thiết kế bởi nhà quản lí thương hiệu đến người tiêu dùng. Truyền thông hình ảnh thương hiệu là giai đoạn quan trọng trong quá trình nhận diện thương hiệu. Trong đó, yếu tố cơ bản là hiệu quả của quá trình truyền thông thương hiệu.
– Giai đoạn 5: Bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
Yếu tố cơ bản của bảo vệ hình ảnh thương hiệu là hệ thống những qui định về hướng dẫn sử dụng hình ảnh thương hiệu trong môi trường gắn nhãn.
Bên cạnh đó, bảo vệ hình ảnh còn là quá trình kiểm tra, đo lường sức khỏe thương hiệu, giám sát đối thủ cạnh tranh và thu thập thông tin khách hàng trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, bảo tồn vị thế thương hiệu…để nhằm mục đích kịp thời phát hiện và sử lí khủng hoảng thương hiệu.