Khái quát về kinh tế học? Đường cong lĩnh hội trong kinh tế học?
Khái niệm kinh tế học đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Kinh tế học về bản chất là môn khoa học được dùng để nghiên cứu cách thức mà cá nhân và xã hội lựa chọn việc sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình như thế nào. Đường cong lĩnh hội thì là một khái niệm mô tả bằng đồ họa mối quan hệ giữa chi phí và sản lượng đầu ra trong một khoảng thời gian được xác định cụ thể, thông thường để thể hiện nhiệm vụ lặp đi lặp lại của một nhân viên hoặc công nhân.
1. Khái quát về kinh tế học:
Khái niệm kinh tế học:
Hiện nay, vốn đã có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế học. Định nghĩa sau đây đã được nhiều chủ thể là nhà nghiên cứu chấp nhận xem như là sự mô tả tương đối đầy đủ phạm vi và đối tượng nghiên cứu của kinh tế học đó là:
Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu cách thức mà con người và xã hội sử dụng những nguồn tài nguyên khan hiếm (nguồn lực) vào việc sản xuất các hàng hóa, dịch vụ cần thiết và phân phối chúng giữa các thành viên của xã hội.
Như vậy, theo định nghĩa trên thì kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu cách thức mà cá nhân và xã hội lựa chọn việc sử dụng nguồn lực khan hiếm của mình như thế nào. Kinh tế học là môn khoa học xã hội nghiên cứu sự sản xuất, phân phối và tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ.
Ta nhận thấy, đối tượng của kinh tế học là nghiên cứu các hành vi kinh tế trong sản xuất và phân phối của cải xã hội. Phạm vi mà kinh tế học đề cập liên quan tới các cá nhân và toàn xã hội. Kinh tế học có đối tượng nghiên cứu rộng lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều bộ môn khoa học xã hội khác như triết học, xã hội học, lịch sử, kinh tế chính trị, tâm lý học… là những môn học nghiên cứu về con người và các quan hệ xã hội.
Kinh tế học là sự nghiên cứu của các chủ thể về cách thức xã hội đưa ra các lựa chọn. Kinh tế học không chỉ nghiên cứu về việc thu nhập, giá cả và tiền tệ. Đôi khi nó còn nghiên cứu về việc sử dụng thị trường là hợp lý, đôi khi chúng ta cũng cần những cách giải quyết khác. Phương pháp phân tích kinh tế sẽ giúp chúng ta quyết định khi nào nên để việc lựa chọn cho thị trường giải quyết, khi nào bỏ qua thị trường.
Kinh tế học trong tiếng Anh được gọi là gì?
Kinh tế học trong tiếng Anh được gọi là economics.
Vấn đề cốt lõi của kinh tế học:
Các nhà kinh tế học thống nhất vấn đề cốt lõi trong kinh tế học là vấn đề khan hiếm.
Trên thực tiễn, có thể nói như vậy là vì bất kì một chủ thể nào trong nền kinh tế, Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân hay nhìn chung toàn bộ nền kinh tế cũng phải đối mặt với sự khan hiếm. Cụ thể là:
– Đối với cá nhân, khan hiếm được thể hiện ở tiền bạc, mong muốn nhiều nhưng tiền (thu nhập) có giới hạn. Hay khan hiếm thời gian (1 ngày chỉ có 24 giờ), muốn làm nhiều việc nhưng thời gian có hạn, và mỗi người đều phải dành thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động của mình.
– Đối với doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy sự khan hiếm của các doanh nghiệp về vốn, thiếu tiền để lao động giỏi, máy móc, trang thiết bị. Hay khan hiếm lao động đặc biệt là lao động có chất lượng cao.
– Đối với một nền kinh tế với bất cứ một quốc gia nào là cường quốc hay các nước nghèo cũng phải đối mặt với khan hiếm.
Mục đích nghiên cứu kinh tế học:
Nghiên cứu kinh tế học nhằm mục đích chính là để giải thích cách thức các nền kinh tế vận động và các tác nhân kinh tế tương tác với nhau.
Các nguyên tắc kinh tế hiện nay đã được ứng dụng trong đời sống xã hội, trong thương mại, tài chính và hành chính công, thậm chí là trong ngành tội phạm học, giáo dục, xã hội học, luật học và nhiều ngành khoa học khác.
Phân loại kinh tế học:
Kinh tế học cũng giống như đa số các môn khoa học khác, nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau. Kinh tế học được phân chia thành hai bộ phận chủ yếu là kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô. Cụ thể:
– Kinh tế học vi mô là một bộ phận của kinh tế học chuyên nghiên cứu và phân tích các hành vi kinh tế của các tác nhân trong nền kinh tế: người tiêu dùng, các hãng sản xuất kinh doanh và Chính phủ.
Kinh tế học vi mô chuyên nghiên cứu hành vi kinh tế của các cá nhân, những nhóm đơn lẻ cấu thành nên nền kinh tế.
– Kinh tế vĩ mô là một bộ phận của kinh tế học nghiên cứu các vấn đề kinh tế tổng hợp của một nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp, các chính sách kinh tế vĩ mô.
Kinh tế vĩ mô coi toàn bộ nền kinh tế như một tổng thể và nó nghiên cứu các vấn đề tổng hợp của một nền kinh tế.
Nếu coi nền kinh tế như một bức tranh, kinh tế vĩ mô sẽ nghiên cứu tổng thể toàn bức tranh đó. Kinh tế vi mô nghiên cứu từng họa tiết, từng chi tiết cấu thành nên bức tranh đó.
Ta nhận thấy rằng tuy có sự khác biệt, nhưng kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Chúng ta sẽ không thể hiểu được các hiện tượng kinh tế vĩ mô nếu không xem xét các quyết định kinh tế vi mô, bởi vì những thay đổi trong toàn bộ nền kinh tế phát sinh từ các quyết định của rất nhiều các cá nhân, chủ thể.
2. Đường cong lĩnh hội trong kinh tế học:
Khái niệm đường cong lĩnh hội:
Đường cong lĩnh hội là một khái niệm được mô tả bằng đồ họa mối quan hệ giữa chi phí và sản lượng đầu ra trong một khoảng thời gian xác định, thông thường nhằm để thể hiện nhiệm vụ lặp đi lặp lại của một nhân viên hoặc công nhân.
Đường cong lĩnh hội được mô tả lần đầu tiên bởi nhà tâm lí học Hermann Ebbinghaus vào năm 1885 và được sử dụng như một cách để đo lường hiệu quả sản xuất và dự báo chi phí.
Khi thực hiện biểu diễn trực quan của đường cong lĩnh hội, độ dốc cao hơn cho thấy việc học ban đầu dẫn đến tiết kiệm chi phí cao hơn và việc học tiếp theo dẫn đến việc tiết kiệm chi phí ngày càng chậm hơn và khó khăn hơn.
Đường cong lĩnh hội trong tiếng Anh là gì?
Đường cong lĩnh hội trong tiếng Anh là Learning curve.
Đặc điểm của Đường cong lĩnh hội:
Đường cong lĩnh hội có nhiều tên gọi khác nhau. Đường cong lĩnh hội cũng được các chủ thể gọi là đường cong kinh nghiệm, đường cong chi phí, đường cong hiệu quả hoặc đường cong năng suất. Điều này là do đường cong lĩnh hội cung cấp sự đo lường và phân tích chuyên sâu về tất cả các khía cạnh trên của một doanh nghiệp.
Nguyên lí đằng sau khái niệm này là bất kì nhân viên nào, bất kể vị trí nào trong một doanh nghiệp đều dành thời gian để học cách thực hiện một nhiệm vụ hoặc công việc cụ thể. Lượng thời gian cần thiết nhằm mục đích để sản xuất ra sản phẩm đầu ra tương đối cao. Sau đó, khi nhiệm vụ được lặp đi lặp lại, nhân viên của doanh nghiệp sẽ học cách hoàn thành nó một cách nhanh chóng và điều đó làm giảm lượng thời gian cần thiết cho một đơn vị đầu ra.
Đó cũng là lí do tại sao đường cong lĩnh hội dốc xuống ở phần đầu với độ dốc trở nên bằng phẳng hơn ở phần cuối, với chi phí cho mỗi đơn vị được mô tả trên trục Y và tổng sản lượng trên trục X. Khi việc học của các nhân viên tăng lên, nó sẽ giảm chi phí cho mỗi đơn vị đầu ra, sau đó lượng chi phí được giảm sẽ ngày càng ít hơn, vì việc tăng hiệu quả đạt được thông qua việc học của các chủ thể cũng đã dần trở nên khó khăn hơn.
Lợi ích của việc sử dụng đường cong lĩnh hội:
Các công ty khi biết một nhân viên kiếm được bao nhiêu mỗi giờ và từ đó cũng có thể rút ra chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm duy nhất dựa trên số giờ cần thiết. Một nhân viên khi có vị trí tốt, nếu thực hiện công việc thành công thì sẽ góp phần làm giảm bớt đi chi phí của công ty trên mỗi đơn vị sản phẩm theo thời gian. Các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng đường cong lĩnh hội nhằm để tiến hành lập kế hoạch sản xuất, dự báo chi phí và lịch trình hậu cần.
Độ dốc của đường cong lĩnh hội đã thể hiện tốc độ học tập dẫn tới tiết kiệm chi phí cho một doanh nghiệp. Khi độ dốc càng dốc, tiết kiệm chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ càng cao. Đường cong lĩnh hội tiêu chuẩn này được gọi là đường cong lĩnh hội 80%. Đường cong lĩnh hội tiêu chuẩn sẽ cho thấy rằng cứ tăng gấp đôi sản lượng của một công ty, chi phí của sản phẩm mới là 80% của chi phí sản phẩm trước đó. Khi sản lượng tăng, việc tăng gấp đôi sản lượng trước đó của công ty cũng sẽ trở nên khó khăn hơn, được mô tả bằng cách sử dụng độ dốc của đường cong, có nghĩa là tiết kiệm chi phí trở nên chậm hơn theo thời gian.