Hiện nay đối với các doanh nghiệp thì việc báo cáo tài chính theo quy định pháp luật đưa ra đã và đang được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp sử dụng những thủ thuật tài chính để thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật với mục đích trục lợi hay gây ra sự rối loạn trong thị trường.
Mục lục bài viết
1. Thủ thuật tài chính là gì?
Thủ thuật tài chính trong tiếng Anh được gọi là Financial Shenanigans.
Thủ thuật tài chính được hiểu là những hành động bóp méo hay những hành vi được thực hiện với mục đích để xuyên tạc hiệu quả tài chính thực sự hay tình hình tài chính của tổ chức nào đó. Những thủ thuật tài chính có thể bao gồm từ những vi phạm tương đối nhỏ như quy tắc kế toán mơ hồ của doanh nghiệp, không rõ ràng cho đến những gian lận nghiêm trọng gây ảnh hưởng trong nhiều năm. Thủ thuật tài chính cũng bao gồm các hành động lừa đảo độc lập, thành lập các tổ chức lừa đảo hoặc xây dựng mô hình lừa đảo Ponzi.
Trong hầu hết các trường hợp, khi các công ty bị phát hiện có sử dụng các thủ thuật tài chính thì giá cổ phiểu, triển vọng trong tương lai và quản lí tiềm năng của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và có chiều hướng khó phát triển tiếp tục.Bên cạnh đó còn căn cứ vào mức độ nghiêm trọng, công ty có thể sẽ phải bán tháo cổ phiếu hoặc nghiêm trọng hơn thì có thể phá sản (Bankruptcy), giải thể (Dissolution), kiện cáo cổ đông hoặc thậm chí những cá nhân liên quan sẽ phải ngồi tù theo đó nên tác hại của thủ thuật tài chính là rất khó lường những hiện nay vẫn có rất nhiều trường hợp vi phạm quy định về báo cáo tài chính và gian lận đối với tình hình tài chính của tổ chức.
2. Đặc điểm thủ thuật tài chính:
Báo cáo tài chính thể hiện sức khỏe, thực lực của một doanh nghiệp. Nó chính là điều kiện đầu tiên để các ngân hàng, nhà đầu tư xem xét cho vay vốn, đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp đều muốn có một bản báo cáo tài chính đẹp, chỉn chu. Và một điều tất nhiên các thủ thuật, mẹo gian lận trong kế toán báo cáo tài chính được sử dụng.
Thủ thuật này thường dựa trên những hình thức mở rộng tín dụng cho khách hàng:
Việc cung cấp thêm tín dụng thường được tập trung vào cuối năm để đẩy mạnh số doanh thu, có thể để đạt được kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông thông qua. Một trong những cách đó là mở rộng, nới lỏng chính sách tín dụng khi bán chịu cho khách hàng. Ví dụ như thông thường, chính sách bán hàng chịu là 30 ngày, thì doanh nghiệp tăng lên 60 ngày mà không tính lãi suất trả chậm để thu hút khách hàng. Đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng đồng vốn hiệu quả luôn là vấn đề đáng quan tâm nên đây sẽ là cơ hội thúc đẩy. Tuy nhiên, đơn vị mở rộng chính sách thời gian bán chịu thì tỷ lệ thuận với việc dư nợ sẽ tăng lên, rủi ro các khoản nợ xấu, nợ khó đòi cũng tăng.
Ước lượng khối lượng công việc hoàn thành để ghi nhận doanh thu
Đây là thủ thuật phổ biến đối với các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng, san lắp công trình. Kiểm toán trong những doanh nghiệp xây dựng thì phức tạp, vì số lượng chất lượng vật tư rất nhiều, khó xác định và kiểm tra mức độ hoàn thành công việc. Ước lượng phần trăm hoàn thành công việc trong việc ghi nhận doanh thu được các doanh nghiệp thổi phồng lên, mặc dù doanh nghiệp vẫn có đủ lý lẽ để chứng minh việc ghi nhận doanh thu của mình là đáng tin cậy để giải trình với kiểm toán. Đặc biệt đối với các công ty cung cấp dịch vụ cho các công trình mà xác định doanh thu dựa trên mức độ hoàn thành.
Không hợp nhất công ty con khi kết quả bất lợi
Một số doanh nghiệp cấu trúc lại hoạt động kinh doanh theo mô hình công y mẹ – con để trở thành tập đoàn đa ngành nghề. Khi đó, doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh và việc mua bán nội bộ phát sinh giữa công ty mẹ và công ty con phát sinh. Theo Đoạn 14 VAS 25 “14. Số dư các tài khoản trên Bảng cân đối kế toán giữa các đơn vị trong cùng tập đoàn, các giao dịch nội bộ, các khoản lãi nội bộ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch này phải được loại trừ hoàn toàn. Các khoản lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ cũng được loại bỏ trừ khi chi phí tạo nên khoản lỗ đó không thể thu hồi được.”
Theo đó, khi hợp nhất báo cáo tài chính thì doanh thu, chi phí và giá vốn hàng bán cũng được điều chỉnh tương ứng. Ví dụ, doanh thu của Cty mẹ ABC là 1.500, trong đó doanh thu nội bộ từ việc bán hàng cho công ty con của ABC là 300. Nếu hợp nhất báo cáo tài chính, thì doanh thu của công ty mẹ trên BCTC hợp nhất sẽ là 1.200 (1.500 – 300) thay vì 1.500, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ có thể thấp hơn. Như vậy, một số doanh nghiệp sẽ có khuynh hướng “thổi phồng” doanh thu, nếu không hợp nhất BCTC.
Làm giảm chi phí bằng cách “vốn hóa” giá trị tài sản
Tăng chỉ tiêu lợi nhuận trong kỳ đối với doanh nghiệp có các dự án đầu tư xây dựng cơ bản khi sử dụng vốn vay, thường sử dụng thủ thuật làm giảm chi phí kinh doanh trong kỳ. Thay vì phản ánh số chi phí vốn vay đưa vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, thì được ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán trong mục giá trị tài sản công trình. Theo Đoạn 18 VAS 16 “Việc vốn hóa chi phí lãi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành. Chi phí đi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh“ Việc vốn hóa chi phí được thực hiện trong quá trình trước và đang đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản. Việc vốn hóa theo VAS 16 thì cần phải trình bày giá trị vốn hóa tài sản trong kỳ trong báo cáo tài chính.
Trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính
Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn thì các khoản đầu tư này đương nhiên được đánh giá lại theo giá thị trường vào thời điểm cuối năm, theo công thức được quy định cụ thể. Còn đối với các cổ phiếu chưa niêm yết trên sàn giao dịch, thì doanh nghiệp có những thủ thuật như trích lập thiếu các khoản dự phòng để làm giảm chi phí; hoặc tham vấn các công ty tài chính để không cần trích lập dự phòng
Hiện nay theo tình hình thực tế thì các doanh nghiệp luôn có xu hướng tạo lòng tin cho nhà đầu tư, nên doanh nghiệp cụ thể nào đó có thể sẽ áp dụng những thủ thuật phổ biến như trên để gian đối với nhà đầu tư nhằm kí kết hay thực hiện với mục đích lợi nhuận. Vì thế, các nhà đầu tư cần phải thận trọng nhận định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để có hướng phát triển inh doanh tốt nhất, tìm hiểu thêm các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và so sánh các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành để có cái nhìn khách quan và tổng quát nhất trước khi đưa ra quyết định của mình.
3. Phân loại thủ thuật tài chính:
Dựa trên những quy định và tình hình thực tế diễ ra có thể phân loại các thủ thuật tài chính như sau:
– Các mô hình thao túng báo cáo tài chính (Financial reporting) bằng các phương pháp lừa đảo, kế toán bơm thổi (Aggressive accounting) hay kế toán sáng tạo (Creative accounting).
– Các tổ chức hoạt động dựa trên cơ sở gian lận hoặc hoạt động như một mặt trận cho các hoạt động gian lận;
– Những kẻ lừa đảo độc lập hoặc các nhóm lừa đảo đánh cắp thông tin tài chính như thẻ tín dụng (Credit cards) hoặc số tài khoản (Account numbers).
Căn cứ như trên có thể thấy để nhằm mục đích khác nhau và hành vi gian lận để trục lợi của mình thực tế xuất hiện vô số cách để các cá nhân hay tổ chức thực hiện các thủ thuật tài chính. Hành vi nay nhằm mục đích để thao túng thông tin tài chính để đạt được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và để có được tỉ lệ vốn tốt hơn hay để nâng cao hiệu quả quán lí là những động lực hàng đầu của tổ chức. Có thể nói những thủ thuật tài chính này đã diễn ra từ lâu và đã có nhiều công ty phải trả giá cho hành động thao túng thông tin tài chính của họ và phải chiu trách nhiệm đối với hành vi này. Ví dụ đối với trường hợp thực tế như tại Mỹ phải kể tới Enron, WorldCom, Lehman Brothers và Bernie Madoff Scandal.