Thuật ngữ "Hàng giả" hiện nay khá phổ biến và quen thuộc. Nó xuất hiện trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa trên thị trường. Cùng với đó là các thuật ngữ về hàng nhái, hàng kém chất lượng,...
Mục lục bài viết
1. Hàng giả là gì?
Thuật ngữ “Hàng giả” được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Tuy nhiên để hiểu và xác định đúng hàng giả theo quy định của pháp luật thì không nhiều người biết. Hiện nay, pháp luật có những quy định trong phân loại và nhận biết hàng giả. Hàng giả được liệt kê dưới dạng tồn tại hữu hình. Một hàng hóa là hàng giả khi nó thỏa mãn quy định của pháp luật trong văn bản pháp luật liên quan.
Để đưa ra cách hiểu đúng và thống nhất trong nhận biết và xử lý vi phạm đối với hàng giả, khoản 7 Điều 3 trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng đã liệt kê các đầu mục để mô tả về một loại hàng hóa được coi là hàng giả. Theo đó, hàng giả thường phải chứa một hay nhiều dấu hiệu, quy định cụ thể là:
Thứ nhất
“Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc …; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với … công bố hoặc đăng ký“. Nói cách khác, đây là những hàng hóa giả về chất lượng, công dụng. Tên gọi, hướng dẫn hoặc đăng ký kinh doanh của người bán đánh lừa, làm người mua mua sai sản phẩm. Dẫn đến mục đích cần dùng không đạt được. Hoặc một số sản phẩm hoàn toàn không có công dụng cũng như giá trị sử dụng. Người mua phải đánh đổi một giá trị nhưng sản phẩm đến tay không đem lại giá trị mong muốn. Thậm chí còn không có giá trị và đem lại những ảnh hưởng không lường trước được.
Thứ hai
“Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với … công bố hoặc đăng ký; Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;…”. Hàng thật thuộc danh mục này thường có quy chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, hướng tới đúng mục đích sử dụng. Tuy nhiên, việc buông lỏng và thiếu trách nhiệm, thái độ với cộng đồng tạo ra những sản phẩm không đạt được yêu cầu.
Thứ ba
“Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016”. Đây là hàng giả được sản xuất từ những người không có chuyên môn, không có giấy phép hoạt động hành nghề. Các sản phẩm này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Cho nên đây được coi là một trong những hàng giả nguy hiểm nhất hiện tại trên thị trường.
Thứ tư
“Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”. Điều này cho thấy sự chối bỏ trách nhiệm nếu hậu quả xảy ra. Cùng với việc kinh doanh chỉ nhằm mục đích thu lợi bất chính. Ngoài ra, hàng giả gây hậu quả sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương nhân bị giả mạo.
Thứ năm
“Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005″. Các hàng hóa giả được gắn nhãn trùng với các sản phẩm chính hãng trên thị trường. Nhằm đánh lừa người mua trong niềm tin về sản phẩm chất lượng. Các sản phẩm hàng giả này thường được bán với giá rẻ hơn nhiều lần so với các sản phẩm chính hãng. Mục đích tạo dựng các chiêu trò nhằm vào tâm lý mua hàng giá rẻ của người tiêu dùng. Mặt khác, việc sao chép những ý tưởng trí tuệ được nhà nước công nhận và bảo hộ là hành động sao chép lậu. Chưa kể đến hàng hóa đó về bản chất không được như những sản phẩm gốc.
Thứ sáu
“Tem, nhãn, bao bì giả“. Đánh vào lòng tin của người mua hàng đối với các sản phẩm chính hãng, đươc gắn tem, nhãn, bao bì đúng quy chuẩn. Hàng giả cũng được gắn những “chứng nhận” nhưng là chứng nhận tự cấp, không có sự kiểm định chất lượng từ cơ quan thẩm quyền. Như vậy, chất lượng các sản phẩm này không được ai bảo đảm.
2. Cách nhận biết hàng giả:
Thông thường người tiêu dùng khó nhận biết được hàng giả. Mà hàng giả thì gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với người sử dụng hay người mua. Có thể kể đến như ảnh hưởng sức khỏe, tiềm ẩn các nguy cơ de dọa tính mạng, tiền bạc,…
Công ty Luật Dương Gia gợi ý đến bạn đọc một số cách nhận biết hàng giả dưới đây:
Thứ nhất, Phân biệt bằng mắt thường thông qua màu sắc, hình dáng, chất liệu,… của hàng hóa. Bạn có thể đọc các mô tả về hàng chính hãng trên trên webside công ty. Từ đó so sánh với sản phẩm mình đang sở hữu. Bằng cách đó , bạn sẽ có cho mình những nhận định cơ bản. Bởi các sản phẩm giả trên thị trường được gia công khá sơ sài.
Thứ hai, phân biệt thông qua các hướng dẫn sử dụng và công dụng đi kèm. Thường những sản phẩm được làm giả sẽ khẳng định hiệu quả một cách tuyệt đối. Cách sử dụng đơn giản dễ dàng nhưng lại mang đến hiệu quả cao đáng kinh ngạc. Một sản phẩm thường có rất nhiều chức năng và công dụng, đánh vào lòng tin của con người. Ví dụ đơn giản nhất có thể kể đến như thuốc chữa được cả những căn bệnh ung thư ác tính.
Thứ ba, là cách được xem là mang đến hiệu quả cao nhất trong nhận biết hàng giả. Đó là việc kết hợp hai phương pháp trên với việc kiểm tra và so sánh mã vạch hàng hóa. Hàng chính hãng sẽ cho ra các thông tin về sản phẩm trên các các trang web chính hãng. Trong khi hàng giả chỉ có thể cho ra một số thông tin sơ sài hoặc không có thông tin.
3. Hình thức xử lý vi phạm hàng giả:
Do tác hại của hàng giả, hành vi buôn bán hay sản xuất đều trái với quy định pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà có các chế tài xử lý khác nhau. Mục đích nhằm loại trừ các hành vi vi phạm này khỏi xã hội.
3.1. Xử phạt hành chính:
Các trường hợp bị xử phạt hành chính được quy định cụ thể từ Điều 9 đến Điều 14 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm theo dấu hiệu tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mà mức phạt bao gồm:
-Phạt tiền từ 300.000 đồng đến tối đa 50.000.000 đồng (quy định tại khoản 1 các Điều kể trên).
-Phạt gấp đôi số tiền vi phạm nếu mức độ nghiêm trọng tăng nhưng không bị truy cứu hình sự (quy định tại khoản 2 các điều kể trên).
– Áp dụng các hình phạt bổ sung như Tịch thu tang vật; Tịch thu phương tiện; Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề (nếu có) có thời hạn; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (nếu có) có thời hạn; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất có thời hạn.
– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
3.2. Xử phạt hình sự:
Các vi phạm nghiêm trọng, gây ra thiệt hại trực tiếp với quy mô lớn, những chế tài hình sự được đặt ra. Nội dụng này được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó:
– Phạm tội thuộc khoản 1 Điều này thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
– Phạm tội theo khoản 2 bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm;
– Phạm tội thuộc khoản 3 bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
– Hình phạt bổ sung: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” theo khoản 4.
Như vậy những vi phạm về hàng giả, đều phải chịu chế tài xử lý của pháp luật. Mỗi người chúng ta cần trở thành một khách hàng thông thái trong mua và sử dụng hàng hóa. Điều này sẽ giúp đẩy lùi hàng giả ra khỏi cuộc sống của chúng ta.