Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, trải qua không biết bao khó khăn, thử thách của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Lịch sử đã ghi danh vô vàn những anh hùng chống giặc ngoại xâm tiêu biểu, có công giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Mục lục bài viết
- 1 1. Dàn ý đoạn văn về một anh hùng chống giặc ngoại xâm:
- 2 2. Đoạn văn viết về Bác Hồ chống giặc ngoại xâm:
- 3 3. Đoạn văn viết về Võ Thị Sáu chống giặc ngoại xâm:
- 4 4. Đoạn văn viết về Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm:
- 5 5. Đoạn văn viết về Bà Triệu chống giặc ngoại xâm:
- 6 6. Đoạn văn viết về anh hùng chống giặc ngoại xâm: Phan Bội Châu
- 7 7. Đoạn văn viết về anh hùng chống giặc ngoại xâm: Vua Quang Trung
1. Dàn ý đoạn văn về một anh hùng chống giặc ngoại xâm:
Mở bài:
– Dẫn dắt: Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, trải qua không biết bao khó khăn, thử thách của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Lịch sử đã ghi danh vô vàn những anh hùng chống giặc ngoại xâm tiêu biểu, có công giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
– Nêu đối tượng cần kể: Một trong số đó là anh hùng …
Thân bài:
– Kể về cuộc đời của anh hùng
+ Năm sinh, nơi sinh, nơi có truyền thống cách mạng, yêu nước
+ Cuộc sống gia đình của anh hùng đó lúc nhỏ như thế nào
+ Hoàn cảnh nước nhà lúc đó
– Kể về giai đoạn người anh hùng tham gia Cách mạng:
– Nêu kết quả, thành tích, ý nghĩa, bài học
Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về người anh hùng chống giặc ngoại xâm: Sự cảm phục, kính trọng, tự hào,…
2. Đoạn văn viết về Bác Hồ chống giặc ngoại xâm:
Vị anh hùng chống giặc ngoại xâm vĩ đại nhất trong lòng em chính là Bác Hồ vĩ đại. Vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân mà Bác đã hi sinh cuộc đời và hạnh phúc riêng tư của mình. Cả cuộc đời Bác lặn lội khắp nơi, bôn ba khắp các châu lục, chịu bao khó khăn để tìm ra con đường cứu nước. Bác luôn giữ trong mình trái tim của một người Cha già, yêu thương, lo lắng cho từng chiến sĩ, từng người dân, từng tất đất. Không biết đã có bao nhiêu đêm Bác không ngủ, bao nhiêu ngày Bác lo lắng, làm việc cật lực chỉ để sớm đem về độc lập cho dân tộc ta. Rồi cũng chính Bác đã lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu mạnh mẽ, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Có thể nói, Bác Hồ chính là mũi tên, là đầu tàu, là tượng đài tinh thần vĩ đại nhất giúp chúng ta kháng chiến thành công. Cuộc sống hòa bình ngày hôm nay mà chúng ta có được, chính là nhờ vào công lao của Bác. Ngoài ra, Bác còn đi vào lòng dân bởi đức tính cần kiệm, chăm chỉ, chịu khó và trung thực, giản dị – điều hiếm thấy đầy đủ ở một vị lãnh tụ. Chính điều đó khiến cho nhân dân Việt Nam ta luôn kính trọng và biết ơn Bác Hồ vĩ đại.
3. Đoạn văn viết về Võ Thị Sáu chống giặc ngoại xâm:
Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông như suối như người Việt nam
Đất nước Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm, chịu rất nhiều cuộc xâm lăng của các nước lớn. Nhân dân ta tuy hiền lành tay cuốc, tay cày nhưng khi có kẻ thù giày xéo quê hương, lòng yêu nước lại trỗi dậy “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước”. Với tinh thần yêu nước ấy đã có biết bao vị anh hùng được sinh ra, một trong những vị anh hùng làm em cảm phục đó là chị Võ Thị Sáu. Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Vũng Tàu-Côn Đảo. Chị Sau tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi gia nhập Đội Công an xung phong Đất Đỏ và trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng. Năm 1950, chị Sáu đã bị địch bắt trong lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt Tề ở chợ quê gần nhà mình. Trong suốt thời gian bị giam cầm , chị Sáu đã phải chịu đủ thứ đòn roi và tra tấn, hành hình, nhưng chị Võ Thị Sáu vẫn nêu cao tấm gương dũng cảm vươn lên, không khuất phục kẻ thù.
4. Đoạn văn viết về Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm:
Thuở xưa, nước ta bị quân Hán đô hộ. Chúng rất tàn ác, hà hiếp nhân dân ta và ra sức vơ vét của cải. Bấy giờ ở huyện Mê Linh có hai người con gái tài giỏi: chị là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị. Cả hai bà đều giỏi võ nghệ và nuôi chí giành lại non sông. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách. Thi Sách là Lạc tướng cũng cùng chí hướng với vợ. Tướng giặc là Tô Định làm thứ sử của Giao Châu đã lập mưu giết chết Thi Sách. Với ý chí báo trả nợ nước, thù nhà, Hai Bà Trưng đã cùng nhau phất cờ khởi nghĩa. Quân của Hai Bà Trưng chiêu mộ được nhiều người tài, đi đến đâu, giặc tan đến đó. Với đoàn quân khởi nghĩa hừng hực khí thế chiến đấu và chiến thắng, Hai Bà đã tiến về giải phóng thành Luy Lâu. Tướng giặc Tô Định phải tháo chạy bỏ về nước. Hai Bà lên ngôi vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Vào năm 43, quân giặc cử Mã Viện, đại tướng lão luyện đốc quân đàn áp cuộc khởi nghĩa. Hai Bà lãnh đạo quân ta chiến đấu anh dũng nhưng do giặc quá mạnh, quân ta quân số ít nên Hai Bà nhảy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết. Dân ta lại bắt đầu chịu ách đô hộ của phương Bắc. Tuy nhiên tấm gương oanh liệt của Hai Bà Trưng vẫn ngời sáng về sau.
5. Đoạn văn viết về Bà Triệu chống giặc ngoại xâm:
Khi nói đến những nữ tướng dũng mãnh, tài hoa thời phong kiến, người ta thường nhắc ngay đến tên của nhiều người anh hùng xuất quân khởi nghĩa. Nhưng với em, em ngưỡng mộ nữ tướng Bà Triệu. Bà Triệu có tên thật là Triệu Thị Trinh. Bà sinh ra tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, bà đã là người mạnh mẽ, thông minh, tài sắc khác thường. Đến tuổi trưởng thành bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ trai tráng, tập hợp quân sĩ dấy binh khởi nghĩa ở đất Quan Yên, được dân chúng khắp vùng nô nức tham gia. Nghĩa quân nhanh chóng thu phục được các thành, ấp ở quận Cửu Chân và một số vùng của quận Giao Chỉ. Cuộc khởi nghĩa lan rộng như vũ bão và làm “Chấn động Giao Châu” lúc bấy giờ. Năm 248, Quân Ngô đem theo tám nghìn quân tinh nhuệ để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Do lực lượng nghĩa quân còn non trẻ, số lượng đã giảm đi sau nhiều ngày chiến đâu nên không đủ sức chống lại một đạo quân lớn hơn mình gấp bội. Trong một trận quyết chiến, trước thế lực mạnh sự đê hèn của giặc, bà Triệu đã tuẫn tiết ở núi Tùng, xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc vào năm 248 khi bà chỉ mới hai mươi hai tuổi. Bà Triệu là một nữ anh hùng thực sự của đất nước ta với sự dũng cảm, can trường của mình. Bà chính là tấm gương cho phụ nữ ngàn đời sau noi theo để góp phần xây dựng đất nước.
6. Đoạn văn viết về anh hùng chống giặc ngoại xâm: Phan Bội Châu
Phan Bội Châu sinh năm 1867, mất năm 1940. Tên thuở nhỏ của ông là Phan Văn San. Ông quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Phan Bội Châu là một nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn nhất của dân tộc ta trong vòng hai mươi năm đầu thế kỉ XX. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông là người sáng lập ra hội Duy Tân, phong trào Đông Du có sức mạnh hưởng lớn đến hoạt động cách mạng. Ông cũng là người đầu tiên có tư tưởng ra nước ngoài để tìm đường cứu nước (sang Nhật) tuy nhiên đã thất bại. Mặc dù vậy, ông vẫn là người có đóng góp lớn cho hoạt động cách mạng của dân tộc. Phan Bội Châu là một tấm gương lớn về tinh thần yêu nước mà chúng em cần học tập.
7. Đoạn văn viết về anh hùng chống giặc ngoại xâm: Vua Quang Trung
Vào thế kỉ thứ XVI, đất nước chìm vào cuộc nội chiến do hai chúa: chúa Trịnh chuyên quyền lấn át vua Lê ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ra sức xây dựng và mở mang thế lực ở Đàng Trong. Nội chiến của nước ta là điều kiện thuận lợi cho phong kiến phương Bắc tiến quân xâm lấn. Năm 1786, ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa và làm chủ được nhiều nơi. Năm 1788, quân Thanh ồ ạt đưa quân vào Thăng Long. Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi vua và chỉ huy toàn lực lượng tiến quân ra Bắc. Hành quân thần tốc và chỉ trong năm ngày chiến đấu, vua Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng hoàn toàn thành Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước ta. Giải phóng hoàn toàn đất nước, vua Quang Trung bắt tay xây dựng Tổ quốc. Tiếc thay, mọi cải cách của ông đang tiến hành thì ông đột ngột từ trần. Người anh hùng áo vải, cờ đào khi ấy chỉ mới bốn mươi tuổi. Vua Quang Trung mất đi để lại trong lòng người dân Việt sự kính trọng, mến tiếc khôn nguôi và lòng tự hào về một anh hùng chống ngoại xâm lỗi lạc.