Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều, có diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong đó, cần phải đặc biệt cảnh giác đối với thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lừa đảo người dân.
Mục lục bài viết
- 1 1. Cảnh báo thủ đoạn giả danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo:
- 2 2. Những khuyến cáo, đề phòng trước thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước để lừa đảo:
- 3 3. Mạo danh ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước để lừa đảo thì bồi thường như thế nào?
- 4 4. Nâng cao vai trò của cơ quan chức năng trước thủ đoạn giả danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo:
1. Cảnh báo thủ đoạn giả danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo:
Hiện nay, thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước để lừa đảo là một trong những phương thức vô cùng phổ biến. Hay nói cách khác, một trong những thủ đoạn phổ biến hiện nay được các đối tượng lừa đảo sử dụng đó là giả mạo cơ quan công an, giả mạo viện kiểm sát, giả mạo tòa án và các cơ quan nhà nước khác để tiến hành hoạt động nhắn, gọi điện đe dọa hoặc lợi dụng gây sức ép nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong quần chúng nhân dân. Một số đặc điểm của thủ đoạn này mà người dân cần phải nhận diện để phân biệt như sau:
Thứ nhất, các đối tượng thường sẽ sử dụng số điện thoại gần giống với số điện thoại công khai của các cơ quan chức năng, các cơ quan công an và viện kiểm sát, tương tự như số điện thoại của tòa án nhằm mục đích giả danh lực lượng chức năng để nhắn tin và gọi điện cho người dân, trong quá trình nhắn tin và gọi điện thì các đối tượng có thể thông báo nhiều trường hợp khác nhau, có thể thông báo rằng họ đang bị kiện vì một số nợ hoặc có liên quan đến một vụ án nào đó mà cơ quan đang cần phải điều tra và xác minh trên thực tế, nay đã có lệnh bắt giữ người của Viện kiểm sát, liên quan đến nhiều tội phạm khác nhau, nhưng thông thường sẽ là tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia hoặc hành vi rửa tiền … sau đó yêu cầu người dân chuyển tiền cho các đối tượng này. Hoặc các đối tượng lừa đảo có thể giả danh cảnh sát giao thông gọi điện trực tiếp cho người dân để thông báo phạt nguội.
Thứ hai, sau khi nhận thấy người dân có biểu hiện mất tỉnh táo và lo sợ, thì các đối tượng trên sẽ yêu cầu người dân kê khai tài sản và xem xét số tiền mà người dân đang hiện có, sau đó yêu cầu người dân chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng cung cấp, bám sát vào tâm lý sợ hãi của người dân để đe dọa, nếu không chuyển tiền ngay lập tức thì sẽ bị tạm giam hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo trạng thái hoang mang thì người dân thông thường sẽ chuyển tiền cho họ hoặc đọc mã OTP để các đối tượng lừa đảo thực hiện hoạt động chuyển tiền vào các số tài khoản của chúng, hoặc các đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu người dân tự đăng ký một tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào số tài khoản đó, sau đó người dân sẽ cung cấp số tài khoản và mật khẩu cho các đối tượng với vỏ bọc để xác minh và điều tra.
Thứ ba, một trong những đặc điểm khác của thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức giả danh cơ quan nhà nước mà người dân có thể dễ dàng nhận biết đó là, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất cứ ai kể cả là những người thân thiết nhất nhằm mục đích để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, xác thực độ chính xác của các thông tin mà những đối tượng vừa nêu ra, cũng không để người dân có thời gian trình báo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các “vai diễn” công an, kiểm sát viên, thư ký tòa án … liên tục xuất hiện và liên hệ với người dân, công nghệ ngày càng phát triển thậm chí chúng còn sử dụng hình ảnh và video call … hết sức tinh vi và thủ đoạn.
Trên thực tế, mặc dù nhiều người dân không có hành vi sai phạm nhưng trước những lời đe dọa và hối thúc của các đối tượng phạm tội, người dân đã rơi vào tình trạng lo lắng dẫn đến hiện tượng không đủ tỉnh táo để có thể nhận biết sự việc lừa đảo đang diễn ra. Vì vậy cần phải hết sức nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước để lừa đảo, tránh những hậu quả không đáng có xảy ra.
2. Những khuyến cáo, đề phòng trước thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước để lừa đảo:
Trước thủ đoạn lừa đảo nêu trên thì người dân hiện nay cần phải nâng cao để phòng, tránh trường hợp tiền mất tật oan. Hầu hết thì các bị hại trong vụ án lừa đảo bằng hình thức mạo danh cán bộ và cơ quan tư pháp nhà nước đều là những người ít cập nhật thông tin báo chí và mạng xã hội, họ là những người thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm và không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về hoạt động tố tụng hình sự. Khi mọi việc xảy ra thì nạn nhân trên thực tế không hề biết thông tin về các đối tượng này và cũng không biết tại sao tiền trong tài khoản của mình lại bị mất, hoặc xuất phát từ tâm lý sợ mất uy tín và ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm cho nên không trình bày với cơ quan công an … gây khó khăn cho công tác điều tra và xử lý tội phạm. Trước thủ đoạn giả danh cơ quan nhà nước để tiến hành các hoạt động lừa đảo phổ biến trong đời sống hiện nay thì người dân cần phải lưu ý như sau:
– Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại từ người lạ và tự xưng là các cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tự xưng là các chủ thể làm việc liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự để thông báo và yêu cầu hợp tác điều tra một vụ án qua mạng xã hội hoặc thông qua điện thoại, các đối tượng có thể giả danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên hải quan … nhằm mục đích yêu cầu người dân chuyển tiền hoặc trả các khoản phí, các khoản nợ không chính xác;
– Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân và số điện thoại, không cung cấp giấy tờ tùy thân ví dụ như căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân … cho các đối tượng xa lạ, không cung cấp địa chỉ nhà và số tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã OTP trên điện thoại cho bất kỳ cá nhân nào không quen biết hoặc chưa rõ thông tin về nhân thân và lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền hoặc yêu cầu xác minh tài khoản thì cần đặc biệt cảnh giác và tuyệt đối không làm theo, nếu nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ và có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải nhanh chóng liên hệ với người đó để kiểm tra thông tin;
– Thường xuyên thay đổi mật khẩu và tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư của các trang mạng xã hội, hạn chế tối đa cập nhật thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội, không chia sẻ số tài khoản ngân hàng lên các trang mạng xã hội, nếu cần thiết phải công khai số tài khoản ngân hàng lên các trang mạng xã hội để tiến hành hoạt động giao dịch mua bán trên không gian mạng thì cần phải đảm bảo số tiền trong tài khoản đó ở mức thấp nhất để hạn chế tối đa kẻ gian chiếm đoạt;
– Khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ nêu trên thì người dân cần phải bình tĩnh và không nên lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân và bạn bè hoặc các cơ quan chức năng để được tư vấn, trường hợp người dân có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc tiến hành hoạt động tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục Hướng dẫn tố giác tội phạm của Cổng thông tin điện tử Bộ công an thông qua địa chỉ: # để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
3. Mạo danh ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước để lừa đảo thì bồi thường như thế nào?
Các đối tượng lừa đảo hiện nay thường sử dụng thủ đoạn mạo danh các cơ quan nhà nước để tiến hành hoạt động lừa đảo hoặc các cán bộ tư pháp thông qua hình thức sử dụng hình ảnh trái phép để tăng niềm tin cho người dân. Căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
– Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và được pháp luật bảo vệ, việc sử dụng hình ảnh của các cá nhân phải được chủ thể đó đồng ý, mọi hành vi sử dụng hình ảnh trái phép đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao;
– Việc sử dụng hình ảnh trong những trường hợp sau đây sẽ không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện hợp pháp của họ bao gồm:
+ Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia và lợi ích của cộng đồng dân tộc;
+ Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng bao gồm hoạt động thi đấu thể thao, hoạt động biểu diễn nghệ, hoạt động công cộng khác không làm tổn hại đến nhân phẩm và uy tín của người có hình ảnh.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thiệt hại do xâm phạm danh dự và nhân phẩm, xâm phạm uy tín của người khác như sau:
– Bồi thường chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại trên thực tế;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị hại;
– Thiệt hại khác do pháp luật quy định.
Theo đó nếu người nào mạo danh cơ quan nhà nước để thực hiện hoạt động lừa đảo, ngoài vấn đề bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội danh tương ứng, mà hành vi mạo danh này gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước hoặc một cá nhân nào đó thì người có hành vi vi phạm phải tiến hành hoạt động bồi thường thiệt hại do xâm phạm uy tín và danh dự của người khác, phải bù đắp tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật. Mức bù đắp tổn thất về tinh thần có thể do các bên thỏa thuận, tuy nhiên nếu không thỏa thuận được thì tối đa sẽ là 10 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra thì người có hành vi này còn bị buộc phải chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và mạo danh các cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi trái pháp luật.
4. Nâng cao vai trò của cơ quan chức năng trước thủ đoạn giả danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo:
Trước tình trạng thủ đoạn mạo danh cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lừa đảo người dân ngày càng phát triển như đã phân tích ở trên, thì bên cạnh việc nâng cao ý thức phòng ngừa của người dân, cơ quan chức năng cũng cần phải có những biện pháp chủ động ra soát và nâng cao nghiệp vụ trong trường hợp này, như sau:
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn tiếp tục tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các đơn vị địa phương tăng cường thực hiện biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và mạo danh cơ quan nhà nước nói riêng, nhằm mục đích huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và công tác phòng chống đấu tranh tội phạm;
– Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong hoạt động tham mưu cho các cấp chính quyền, chỉ đạo và phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan để tăng cường tuyên truyền và phổ biến giáo dục, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên thực tế;
– Tập trung lực lượng và chủ động ra soát, nắm bắt tình hình và lên danh sách các đối tượng hình sự có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát huy tốt hơn nữa công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác về tội phạm;
– Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm và các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức giả danh cơ quan nhà nước, tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa và xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
– Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm nói chung và phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng với nhiều thủ đoạn khác nhau, bắt giữ và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt cho người dân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015).