Trong thời đại hiện nay, hệ thống pháp luật quốc tế được coi là công cụ pháp lý quan trọng nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Vậy hệ thống pháp luật quốc tế là gì?
Mục lục bài viết
1. Hệ thống pháp luật quốc tế là gì?
1.1. Hiểu như thế nào về hệ thống pháp luật quốc tế?
Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật quốc tế gắn liền với sự phát triển chung của nhà nước và pháp luật nhưng xét về thời điểm lịch sử thì pháp luật quốc tế lại hình thành muộn hơn pháp luật quốc gia. Hệ thống pháp luật quốc tế bắt đầu suất hiện khi giữa các nhà nước có sự thiết lập quan hệ bang giao với nhau, thời kỳ sơ khai là quan hệ giữa các quốc gia láng giềng, dần dần mở rộng và vượt ra khỏi phạm vi khu vực sau đó phát triển thành quan hệ có tính chất liên khu vực hay còn gọi là cộng đồng quốc tế như ngày nay. Nhìn chung thì có thể nói, tại mỗi quốc gia trên toàn cầu, bên cạnh hệ thống pháp luật quốc gia còn tồn tại hệ thống pháp luật quốc tế. Các quy phạm pháp luật quốc tế hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia với nhau và thể hiện ý chí chung của tất cả các quốc gia đó. Hệ thống pháp luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống sinh hoạt quốc tế giữa các quốc gia và giữa các tổ chức quốc tế với nhau.
Vì thế có thể hiểu: Hệ thống pháp luật quốc tế là khái niệm để chỉ hệ thống các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật được quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên dựa trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.
1.2. Những đặc điểm cơ bản của hệ thống pháp luật quốc tế:
Nhìn chung, hệ thống pháp luật quốc tế mang những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, về chủ thể của pháp luật quốc tế. Phù hợp với tính chất của hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế, về lý luận cũng như về pháp lý, quốc gia và các thực thể quốc tế khác như tổ chức quốc tế liên chính phủ hay các dân tộc đang đấu tranh dành quyền tự quyết … sẽ được coi là chủ thể trong hệ thống pháp luật quốc tế, nhưng phổ biến nhất là quốc gia.
Thứ hai, về quan hệ do hệ thống pháp luật quốc tế điều chỉnh. Quan hệ do pháp luật quốc tế điều chỉnh là quan hệ giữa các quốc gia và các thực thể quốc tế với nhau. Quan hệ liên quốc gia giữa các quốc gia và các thực thể quốc tế khác phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ví dụ như chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội …
Thứ ba, về sự hình thành của pháp luật quốc tế. Sự tồn tại của hệ thống pháp luật quốc tế mà trung tâm là các quốc gia đã hình thành một cách khách quan dựa trên cơ chế thỏa thuận. Khi trong quan hệ quốc tế luôn xuất hiện và hiện hữu tương quan lợi ích riêng của mỗi quốc gia đặt bên cạnh lợi ích quốc gia khác và lợi ích cộng đồng thì các quy phạm của hệ thống pháp luật quốc tế tất yếu là sản phẩm của sự đấu tranh, nhân nhượng lẫn nhau giữa các quốc gia trong quá trình hợp tác và phát triển.
2. Pháp luật quốc tế bao gồm những gì?
Hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm hai bộ phận: Công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, công pháp quốc tế là tập hợp những quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về chính trị hoặc các khía cạnh khác như kinh tế, thương mại, khoa học, kĩ thuật văn hóa … giữa các quốc gia với nhau. Những nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế bao gồm:
– Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia;
– Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia;
– Nguyên tắc dân tộc tự quyết và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia;
– Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực;
– Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và tôn trọng quyền cơ bản của con người;
– Nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia và tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế.
Thứ hai, tư pháp quốc tế là tập hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo nghĩa rộng bao gồm quan hệ kinh tế thương mại, quan hệ lao động và quan hệ hôn nhân gia đình. Chủ thể của tư pháp quốc tế trước hết được hiểu là cá nhân và pháp nhân của các nước tham gia vào hoạt động giao lưu quốc tế. Ngoài ra trong những trường hợp nhất định thì nhà nước và các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng sẽ được xác định là chủ thể của tư pháp quốc tế. Khác với công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế có những nguyên tắc cơ bản sau:
– Nguyên tắc tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp của các quốc gia;
– Nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lý giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia khác nhau;
– Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa công dân của nước sở tại với người nước ngoài và giữa những người nước ngoài với nhau trên lãnh thổ của một quốc gia;
– Nguyên tắc có đi có lại.
Nhìn chung thì nguồn chủ yếu của tư pháp quốc tế hiện nay được xác định là pháp luật quốc gia, những điều ước quốc tế và tập quán quốc tế.
3. So sánh giữa hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật quốc gia:
Trong quá trình hoạt động, nhà nước đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để quản lý và điều hành cũng như điều chỉnh các quan hệ xã hội. Một trong số công cụ hữu hiệu có ý nghĩa vừa duy trì quyền lực nhà nước vừa phát huy được những tính năng quan trọng của bộ máy nhà nước đó là pháp luật. Hoạt động thuộc chức năng cơ bản của nhà nước được khái quát theo hai phương diện chủ yếu là hoạt động đối nội và hoạt động đối ngoại. Để thực hiện được hai chức năng trên thì nhà nước đã sử dụng phổ biến hai loại công cụ pháp lý khác nhau mà gọi theo thuật ngữ truyền thống và kinh điển, người ta thường gọi là pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật này:
Tiêu chí | Hệ thống pháp luật quốc gia | Hệ thống pháp luật quốc tế |
Chủ thể | Pháp nhân, cá nhân và Nhà nước (với tư cách là chủ thể đặc biệt) | Dưới góc độ pháp lí quốc tế, chủ thể của luật quốc tế được hiểu là một thực thể độc lập (không bị chi phối, lệ thuộc hay ảnh hưởng bởi các chủ thể khác), có khả năng tự thiết lập và tham gia vào những quan hệ do luật quốc tế điều chỉnh, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ cũng như có khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lí quốc tế từ những hành vi do chính chủ thể đó thực hiện. Chủ thể của hệ thống pháp luật quốc tế là các quốc gia có chủ quyền; các tổ chức quốc tế thành lập có Điều lệ phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật quốc tế hiện đại; các dân tộc đấu tranh nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết để lập nhà nước của mình. |
Đối tượng điều chỉnh | Quan hệ do luật quốc gia điều chỉnh: Quan hệ xã hội phát sinh trong phạm vi 1 quốc gia, giữa cá nhân tổ chức với cơ quan nhà nước. Ví dụ: Quan hệ giữa nhà nước với người xin gia nhập hoặc xin thôi quốc tịch, quan hệ hợp tác thương mại giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong nước với nhau … | Là quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế nảy sinh trong các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội …) của đời sống quốc tế. Vì thế hệ thống luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ mang tính chất liên quốc gia (liên chính phủ). Ví dụ: Quan hệ giữa các quốc gia với nhau để giải quyết tình trạng người không quốc tịch hoặc không rõ quốc tịch, quan hệ hợp tác thương mại giữa các quốc gia … |
Về cơ chế xây dựng | Luôn luôn tồn tại cơ quan lập pháp. Pháp luật do Nhà nước ban hành (cơ quan quyền lực tối cao), thể hiện rõ ý chí của giai cấp cầm quyền mà không có bất kì sự thỏa thuận nào. | Trong cộng đồng quốc tế, không có cơ quan lập pháp tối cao đứng trên các quốc gia để đặt ra các quy phạm pháp luật quốc tế, cũng không có một quốc gia nào có khả năng áp đặt các quy phạm bắt buộc cho bất kì một quốc gia khác. Chính các quốc gia vừa là đối tượng chịu sự chi phối của luật quốc tế vừa là chủ thể đặt ra những quy định đó thông qua phương thức thỏa thuận công khai, kí kết gia nhập các điều ước quốc tê shoặc thừa nhận các quy tắc xử sự trong tập quán quốc tế để nâng lên thành luật (đây là phương thức duy nhất để hình thành quy phạm pháp luật quốc tế). |
Cơ chế thực hiện | Luật quốc gia (mệnh lệnh, phục tùng, bắt buộc chung): Có tồn tại bộ máy hành pháp, tư pháp để tổ chức thực thi và cưỡng chế thi hành. Tồn tại hệ thống cơ quan cưỡng chế (tòa án, viện kiểm sát …). Ví dụ: Cá nhân phải tuân thủ pháp luật về nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính thậm chí là truy tố trách nhiệm hình sự bởi cơ quan thuế, công an, tòa án… | Không tồn tại bộ máy hành pháp hay bộ máy tư pháp chung, đứng trên các chủ thể của luật quốc tế để tổ chức, thực hiện hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành luật quốc tế. Luật quốc tế có các chế tài nhưng việc áp dụng chế tài của luật quốc tế do chính các chủ thể của luật quốc tế thực hiện dưới hình thức riêng lẻ hoặc tập thể. Các chủ thể của luật quốc tế áp dụng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau để đảm bảo cho việc thực hiện và tôn trọng đầy đủ các quy định của luật quốc tế. |