Hiện nay, việc xây dựng án và áp dụng án lệ là nhu cầu tất yếu trong hoạt động áp dụng pháp luật ở Việt Nam. Vậy án lệ Việt Nam và án lệ các nước Common law khác nhau như thế nào?
Mục lục bài viết
1. So sánh án lệ Việt Nam và án lệ các nước Common law:
1.1. Common law là gì?
Common Law là dòng họ pháp luật lớn trên thế giới, là tên gọi hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống pháp luật những nước thuộc dòng họ này là coi án lệ là nguồn luật quan trọng.
Như vậy, nguồn pháp luật chủ yếu của hệ thống pháp luật Anh – Mỹ là án lệ, phần lớn các chế định và quy phạm pháp luật được hình thành bằng án lệ, các phán quyết tại các tòa án cấp cao thường được coi là án lệ và bắt buộc các tòa án địa phươn phải áp dụng. Ở những nước này, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khá nhiều nhưng các thẩm phán vẫn dựa vào cả các án lệ để xét xử.
Ở hệ thống pháp luật Anh – Mỹ nguyên tắc tranh tụng được áp dụng rộng rãi trong quá trình tố tụng, các bên luôn có sự tranh tụng, đấu trí và chứng cứ với nhau, còn thẩm phán chỉ có vai trò như người trọng tài lắng nghe ý kiến của các bên và đưa ra phán quyết. Việc sử dụng rộng rãi án lệ cho thấy các thẩm phán của tòa án vừa là người xét xử trực tiếp, vừa là người sáng tạo ra pháp luật một cách gián tiếp.
1.2. So sánh án lệ Việt Nam và án lệ các nước Common law:
– Về nguồn luật chủ yếu:
+ Ở hệ thống pháp luật Common Law, án lệ được xem là nguồn luật chủ yếu, có giá trị pháp lý trực tiếp. Ở nhiều lĩnh vực, người ta không pháp điển thành các bộ luật. Tuy nhiên, mức độ sử dụng cũng như vai trò của án lệ trong cùng hệ thống pháp luật ở từng quốc gia là khác nhau. Ví dụ, ở Anh nguồn luật án lệ được áp dụng triệt để nhất.
+ Ở Việt Nam đề cao vai trò nguồn luật văn bản, đồng thời rất chú trọng việc sử dụng án lệ như là nguồn thứ cấp, nguồn bổ trợ cho nguồn văn bản pháp luật bằng hình thức tuyển tập xét xử của Tòa tối cao.
– Về vai trò của án lệ:
+ Đối với án lệ Việt Nam: Án lệ là nguồn tham khảo trong hoạt động xét xử chứ không được xem là nguồn luật cơ bản, bởi lẽ án lệ được đưa ra nhằm làm rõ các quy định pháp luật có cách hiểu khác nhau.
+ Đối với các nước Common law: Án lệ được xem là nguồn luật cơ bản và bắt buộc áp dụng trong xét xử.
– Về tính bắt buộc áp dụng và mức độ áp dụng:
+ Đối với án lệ Việt Nam: Không bắt buộc áp dụng trong mọi vụ án xét xử. Chỉ những vụ án có các tình tiết không rõ ràng, chưa được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc được hiểu theo nhiều cách khác nhau mới phải áp dụng án lệ.
+ Đối với các nước Common law: bắt buộc áp dụng trong mọi vụ án xét xử. Trong hệ thống pháp luật Common Law, án lệ được sử dụng một cách thường xuyên và ổn định. Chính vì vậy, việc áp dụng án lệ có mức độ cao dần vì sau mỗi giai đoạn nhất định lại có thêm nhiều án lệ mới được tạo ra và khi đó sẽ có thể có nhiều lựa chọn hơn cho các thẩm phán khi gặp phải tình huống pháp lý cần giải quyết. Điều này có một hệ quả là trình độ của các thẩm phán sẽ ngày càng được củng cố, khả năng lập luận để lựa chọn án lệ sao cho phù hợp được rèn luyện thường xuyên, nhất là việc giải thích tính chất tương tự của các tình tiết giữa hai vụ việc đã và cần được giải quyết.
– Về tiêu chí lựa chọn án lệ:
+ Đối với án lệ Việt Nam: Tiêu chí để một bản án được lựa chọn là án lệ, Tòa án cần phải cân nhắc các bản án đã được xét xử đáp ứng đủ các tiêu chí đó là chứa đựng lập luận làm rõ quy định pháp luật có cách hiểu khác nhau, giải thích được các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong vụ việc cụ thể; có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
+ Đối với các nước Common law: Không phải khi tòa án xét xử bất kỳ vụ việc nào cũng đều tạo ra án lệ, vụ việc xét xử được xem là án lệ khi đáp ứng đủ các tiêu chí đó là tính mới, chưa có một án lệ nào trước đó quy định về vấn đề này và chứa đựng các nội dung về tình tiết của vụ việc, lý lẽ và lập luận và đáp ứng nguyên tắc tiền lệ.
– Về các nội dung án lệ bắt buộc phải có:
+ Đối với án lệ Việt Nam phải có những nội dung sau: tên của vụ việc được Toà án giải quyết, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, từ khoá về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ, các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Toà án có liên quan đến án lệ, vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ.
+ Đối với các nước Common law án lệ phải có các nội dung đó là: tên của vụ án, năm Tòa án ra phán quyết đối với vụ án, số tập văn bản của văn bản ghi chép án lệ, tên viết tắt của văn bản ghi chép, số thứ tự trang đầu tiên của văn bản ghi chép, các tình tiết của vụ việc, lý lẽ hay lập luận, quyết định của Tòa án.
– Về hiệu lực áp dụng:
+ Đối với án lệ Việt Nam: Sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
+ Đối với các nước Common law án lệ có hiệu lực ngay khi được công bố.
– Về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử:
+ Đối với án lệ Việt Nam: Giải quyết các vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự nhau, đảm bảo các vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự nhau phải được giải quyết như nhau, khi áp dụng án lệ phải viện dẫn số bản án, quyết định được công nhận án lệ. Nếu do chuyển biến tình hình mà án lệ không phù hợp thì không áp dụng án lệ mà phải kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, án lệ càng mới thì giá trị áp dụng càng cao.
+ Đối với các nước Common law: Tôn trọng nguyên tắc tối cao của Tòa án, an lệ phải linh hoạt, mềm dẻo…Ở hệ thống pháp luật Common Law, án lệ được coi là một trong những nguồn luật áp dụng bắt buộc, ít nhất là tại tòa án. Các nước theo hệ thống pháp luật này đều có những nguyên tắc áp dụng án lệ cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của tòa án cấp trên. Để đảm bảo sự thống nhất trong việc xét xử, đảm bảo tính đúng đắn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như thể hiện sự tôn trọng phán quyết của tòa cấp trên.
Thứ hai, tòa án cùng cấp không có nghĩa vụ phải tuân thủ, không bị ràng buộc bởi các án lệ của nhau. Ví dụ, tại Australia, tòa án tối cao của bang này không bị ràng buộc bởi án lệ của tòa án tối cao bang khác.
Thứ ba, tòa án không bị ràng buộc bởi án lệ của chính mìnhTòa án tối cao thường không có nghĩa vụ phải tuân thủ cứng nhắc các phán quyết trước đây của mình. Bởi lẽ, Tòa án tối cao có trách nhiệm với chính sách pháp lý tổng thể của đất nước nên Tòa án tối cao cần phải linh động, ví dụ, Tòa án tối cao Liên bang của Hoa Kỳ, Tòa án tối cao Ireland, Thượng nghị viện Anh (cơ quan xét xử cao nhất ở Anh trước đây), Tòa án tối cao của các bang tại Australia.
Thứ tư, giá trị pháp lý của án lệ so với luật thành văn và sự ảnh hưởng của án lệ đối với bên ngoài ngành tòa án. Khi có đạo luật thành văn thì đạo luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ; tuy nhiên trong trường hợp luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích đạo luật thành văn không rõ ràng đó.
Thứ năm, tòa án sẽ không áp dụng án lệ trong trường hợp chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa vụ án có án lệ và vụ án đang xét xử.
2. Thực tiễn án lệ ở Việt Nam:
Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, trong trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng. Theo quy định pháp luật Việt Nam án lệ cũng được coi là một nguồn luật, tuy nhiên lại không bắt buộc áp dụng. Hiện nay, nước ta có khoảng 70 Án lệ. Như vậy, ở Việt Nam, án lệ được vận dụng để giải quyết vụ việc khi không có văn bản pháp luật cũng như các loại nguồn khác điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng án lệ là áp dụng “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”, chứ không phải là áp dụng toàn bộ bản án.
3. Quy trình lựa chọn và công bố án lệ Việt Nam:
Tại Việt Nam, án lệ là bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên và sau đó được Tòa tối cao hoặc một cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, công bố theo các nguồn án lệ dựa vào các nguyên tắc nhất định, từ đấy gọi là án lệ. Các vụ việc sau có tính chất tương tự có thể áp dụng án lệ này để tham khảo hoặc thậm chí là để đưa ra phán quyết, có giá trị tương tự như quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào khác đang tồn tại.
Trong xây dựng án lệ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng khung pháp lý về quy trình lựa chọn và công bố án lệ, đó chính là Nghị quyết Số 03/2015/NQ-HĐTP về “Quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ”. Trong đó:
– Các tiêu chỉ để lựa chọn án lệ đã được xác định rõ ràng
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn và công bố án lệ thì án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chỉ sau:
– Chứa đựng lập luận để làm rõ các quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau.
– Phân tích, giải thích các vấn đề sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể.
– Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Những tiêu chí do Hội đồng thẩm phản Tòa án tối cao đưa ra đã phần nào phản ánh được đúng bản chất của án lệ, đó phải là những bản án, quyết định chứa đựng sự lập luận để giải thích các vấn đề các quy định còn khổ hiểu và những phán quyết ấy phải là những phán quyết “có tinh chuẩn mực”, nhận được sự đồng tình trong xã hội cũng như có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Quy trình lựa chọn và công bố án lệ tương đối đầy đủ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định tại Nghị quyết này thì không phải tất cả các bản án, quyết định của các tòa án đều đương nhiên trở thành án lệ mà phải trải qua quy trình lựa chọn với nhiều giai đoạn. Đây cũng là điều giống với mô hình xây dựng án lệ của một số nước trên thế giới khi mà các bản án, quyết định của tòa án để được lấy làm khuôn mẫu cho vụ việc sau, để được đưa vào tuyển tập án lệ của quốc gia đô thị cũng cần trải qua quá trình lựa chọn của nhiều cơ quan khác nhau, trong đó quan trọng nhất là sự lựa chọn của các cơ quan xét xử.
Theo Nghị quyết này, tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có quyền đề xuất bản án, quyết định đáp ứng được các tiêu chỉ đã đưa ra để lựa chọn làm án lệ. Bên cạnh đó, quy định rõ ràng trách nhiệm của Chánh án của Tòa án từ cấp tỉnh trở lên trong việc rà soát, nếu phát hiện bản án quyết định đáp ứng được các tiêu chỉ thì báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao, việc của soát được thực hiện định kỳ 06 tháng một lần. Như vậy, theo qui định của Nghị quyết, chủ thể có quyền rà soát, chủ thể có trách nhiệm rà soát là rất rộng, điều này góp phần bảo đảm không có những bản án, quyết định của Tòa ăn đáp ứng các tiêu chí để có thể được lựa chọn làm án lệ lại có thể bị bỏ sót. Bên cạnh đó, theo qui định của Nghị quyết, bản án của mọi tòa án kể cả tòa án cấp huyện nếu đáp ứng các tiêu chí đều có thể được lựa chọn làm án lệ.
Với tình hình của Việt Nam hiện nay đang có sự thay đổi và biến động nhanh chóng của đời sống xã hội thì việc qui định định kỳ 06 tháng một lần tiến hành rà soát các bản án, quyết định của tòa án là hợp lý, kịp thời đưa ra các án lệ để hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất, phát huy vai trò linh hoạt và là nguồn luật bổ sung của pháp luật thành văn.
Cũng theo quy trình này thì các bản án quyết định được lựa chọn làm án lệ sẽ được đăng công khai để lấy ý kiến hoặc tổ chức hội thảo nếu cần thiết. Đây cũng là một bước quan trọng thể hiện tính dân chủ ở nước ta cũng như bảo đảm các bản án được lựa chọn làm án lệ là những bản án được nhiều người công nhận.