Ngày nay, pháp luật là công cụ không thể thiếu, bảo đảm sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội. .Vậy vị trí, vai trò của pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Vấn đề chung liên quan đến điều chỉnh quan hệ xã hội:
1.1. Điều chỉnh quan hệ xã hội là gì?
Điều chỉnh quan hệ xã hội là việc sử dụng các công cụ tác động lên quan hệ xã hội với mục đích là các quan hệ xã hội phát triển theo đúng mục đích, định hướng nhất định nhằm để duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Hiện nay, các quan hệ xã hội vô cùng phong phú và đa dạng, nên quá trình điều chỉnh chúng vô cùng khó khăn. Để giải quyết được vấn đề này một cách có hiệu quả thì cần phải áp dụng nhiều công cụ khác nhau bao gồm cả pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo hương ước hoặc các quy định của các tổ chức xã hội riêng biệt.
Quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi nhiều công cụ khác nhau tuy nhiên vẫn phải có sự độc lập và ràng buộc phụ thuộc lẫn nhau không có sự mâu thuẫn để hợp thành hệ thống công cụ điều chỉnh của mối quan hệ xã hội.
1.2. Có những công cụ nào điều chỉnh xã hội?
Như đã biết, công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội là các loại quy phạm xã hội, được coi là khuôn mẫu, mô hình chuẩn mực để các chủ thể có những hành vi ứng xử phù hợp khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội nhất định. Có thể kể đến hệ thống các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội dưới đây:
– Thứ nhất: Đạo đức
Trong đời sống hàng ngày, đạo đức thường được đồng nhất với ý thức đạo đức cá nhân đó là liên quan đến đức hạnh, phẩm hạnh của con người, cũng như những đức tính tốt đẹp của con người được hình thành nhờ quá trình tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Trong khoa học thì đạo đức được hiểu là những quan điểm về chân, thiện, mỹ cùng với đó là những quy tắc xử sự được hình thành dựa trên những cơ sở quan niệm đó nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của con người.
Đạo đức được hình thành và duy trì thông qua một khoảng thời gian rất dài. Có thể được hình thành liên thế hệ, thế hệ sau làm theo và nghe lời dạy của thế hệ trước. Việc tuân thủ các giá trị đạo đức mang đến sự ổn định trong các mối quan hệ của con người.
– Thứ hai: Phong tục tập quán
Phong tục tập quán là một loại quy phạm xã hội gần gũi với con người. Phong tục tập quán được hình thành dựa trên các thói quen phổ biến, đã ăn sâu vào trong đời sống xã hội, khó có sự thay đổi và đã được mọi người công nhận và làm theo trong suốt một khoảng thời gian dài. Phong tục tập quán được thực hiện bởi lương tâm tình cảm cá nhân và sức mạnh của dư luận xã hội. Chính vì vậy, đây là quy tắc xử sự chung đối với tất cả mọi người khi tham gia vào trong đời sống xã hội.
– Thứ ba: Luật tục
Luật tục là một loại công cụ quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội, được hình thành rất sớm và phạm vi sử dụng rộng lớn. Luật tục không chỉ áp dụng đối với một quốc gia nhất định mà trong lịch sử nhiều nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quố.. cũng đã sử dụng luật tục để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Xét về nội dung của luật tục thì điều chỉnh rộng rãi các mặt của đời sống, có thể kể đến một số lĩnh vực như dân sự, hình sự, hành chính, lao động, đất đai,.. Luật tục được ghi nhận bằng văn bản cụ thể hoặc bằng lời nói và được cấu thành bởi các bộ phận như giả định quy định và chế tài.
– Thứ tư: Tín điều tôn giáo
Tín điều tôn giáo được nhắc đến để chỉ giao lý, giáo luật của các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau trong cộng đồng dân cư. Giáo lý được hiểu là những lý luận, học thuyết của tôn giáo chứa những quan niệm, quan điểm về thần linh, về đức tin và thể hiện rõ trong hệ thống kinh sách của mỗi tôn giáo. Giáo luật là hệ thống quy tắc xử sự của một tổ chức tôn giáo được lập nên để điều chỉnh các mối quan hệ khi cá nhân tham gia vào cộng đồng tôn giáo đó. Trên thế giới có những hệ thống tôn giáo lớn như Đạo Phật, Đạo Thiên chúa, Đạo Hồi, hệ thống tôn giáo này có những tổ chức chặt chẽ và hệ thống giáo lý giáo luật đầy đủ và phát triển.
– Thứ năm: Kỷ luật của tổ chức
Khi các cá nhân tham gia vào một tổ chức nhất định thì sẽ chịu sự điều chỉnh tổng thể có tính chất bắt buộc mà tổ chức này đã đề ra. Cá nhân là thành viên khi tham gia hoạt động tổ chức phải tuân thủ đúng kỷ luật mà tổ chức đã lập nên như hiến chương, điều lệ, nội quy. Công cụ điều chỉnh này thường được lập thành văn bản quy định rõ về mục tiêu, tôn chỉ, cơ cấu tổ chức, cách thức thiết lập, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và các cá nhân là thành viên,…
2. Vị trí, vai trò của pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội:
Ngày nay, pháp luật là một trong những công cụ hỗ trợ điều chỉnh quan hệ xã hội và giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như quản lý xã hội. Hệ thống chính trị của nước ta có vững chắc thì mới có khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội thông qua pháp luật.
– Thứ nhất: Pháp luật có vai trò quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng:
Đường lối chính sách của Đảng được thể hiện rõ ràng thông qua pháp luật đồng thời Pháp luật cũng là phương tiện để Đảng kiểm tra kết quả thực hiện được đường lối chính sách đó trong hoạt động thực tiễn.
– Thứ hai: Vai trò của pháp luật đối với Nhà nước cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể đánh giá một chế độ chính trị hoặc mô hình nhà nước nào phát triển bền vững thì hệ thống pháp luật được xây dựng tại nhà nước này phải có sự phát triển và đầu tư xây dựng. Đất nước thì có thể tồn tại và phát huy tiềm lực nếu có pháp luật điều chỉnh và bảo vệ.
Pháp luật cũng chính là công cụ để xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước quy định về quá trình hoạt động có hiệu quả đòi hỏi phân định rõ chức năng thẩm quyền của mỗi cơ quan.
Ngoài ra, dựa vào pháp luật thì Nhà nước có thể quản lý xã hội hiệu quả hơn đảm bảo các quan hệ xã hội hoạt động trong sự trật tự, ổn định. Khi xảy ra những tranh chấp về quyền, lợi ích của Nhà nước; lợi ích của xã hội và người dân thì pháp luật còn là công cụ bảo vệ lợi ích đấu tranh với những hành vi vi phạm giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội;
– Thứ ba: Vai trò của pháp luật đối với các tổ chức chính trị xã hội
Để tạo điều kiện cho tổ chức chính trị- xã hội tham gia vào quản lý nhà nước thì pháp luật trở thành công cụ hiệu quả đảm bảo cho các tổ chức này thực hiện việc kiểm tra giám sát đối với hoạt động chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước và của công dân.
Pháp luật sẽ ghi nhận quyền lợi của người dân khi tham gia hoạt động quản lý nhà nước quản lý xã hội;; Đồng thời hỗ trợ hình thành nên các mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị xã hội với cơ quan nhà nước. Quy định rõ quyền và nghĩa vụ ràng buộc lẫn nhau giữa tổ chức chính trị xã hội và nhà nước .
Pháp luật là sản phẩm của sự phát triển xã hội, ngay từ khi ra đời pháp luật luôn thể hiện vai trò quan trọng trong mọi hoạt động quản lý nhà nước cũng như quản lý xã hội. Xét ở phương diện bao quát, pháp luật là phương tiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, là phương tiện để nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, là kênh để nhân dân thể hiện tiếng nói, giúp nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Với nội dung đã phân tích nêu trên pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội nói chung và hệ thống chính trị nước ta nói riêng. Chỉ khi có thể xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ thì xã hội mới được ổn định vào ngày càng phát triển hơn trên mọi mặt. Việc tăng cường vai trò của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển ý thức đạo đức đã trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết. Quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng như xã hội dân sự đòi hỏi phải tích cực hơn nữa trong việc đưa pháp luật vào đời sống, hình thành và phát triển ý thức pháp luật.
3. Ưu thế vượt trội khi sử dụng pháp luật làm công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội:
Pháp luật là công cụ hàng đầu, quan trọng và hiệu quả nhất không thể thay thế trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội quản lý xã hội. Công cụ này được coi trọng như vậy bởi nó có những ưu thế vượt trội so với những công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác có thể kể đến như sau:
– Thứ nhất, Pháp luật có phạm vi tác động rộng lớn, quản lý toàn diện toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội. Đồng thời Pháp luật còn được nhà nước ban hành được truyền bá phổ biến bằng con được chính thức thông qua hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở đâu có sự hiện diện của chính quyền ở đó có sự tác động của pháp luật chính vì vậy pháp luật có thể điều chỉnh các quan hệ xã hội trên phương diện rộng lớn và bình đẳng;
– Thứ hai, các quan hệ xã hội được pháp luật đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước, có tính chất bắt buộc đối với tất cả mọi người;
– Thứ ba, hình thức xác định trong pháp luật vô cùng chặt chẽ: Pháp luật được coi là một hệ thống tất cả các quy phạm pháp luật có mối liên hệ mật thiết với nhau được sắp xếp một cách logic khách quan và khoa học. Ngôn từ được sử dụng trong pháp luật thường là một nghĩa, chính xác, không được mang tính trừu tượng ,chung chung mà sẽ gây nhầm lẫn cho người đọc. Chính vì vậy, pháp luật thường ghi nhận bằng văn bản cụ thể để hỗ trợ cho mọi người nắm bắt đầy đủ và chính xác rõ nhất các hành vi được phép hành vi bắt buộc hành vi bị cấm.
– Thứ tư, Pháp luật luôn bám sát với điều kiện thực tế của đời sống xã hội: Các quan hệ kinh tế xã hội diễn ra trên thực tế sẽ được phản ánh, ghi nhận trong quy định của pháp luật. Pháp luật luôn lĩnh hoạt, phải gắn liền với thực tế khi có sự điều chỉnh hay thay đổi, phản ánh kịp thời sự biến động của các quan hệ xã hội, tình hình kinh tế- chính trị của quốc gia.