Tuổi thơ của nhiều trẻ em ở Việt Nam đều gắn liền với các trò chơi dân gian với những bài vè, đồng dao trong đó có trò "Chi chi, chành chành". Đây là một trò chơi tập thể, rất thích hợp để tổ chức tại các trường mầm non hay cấp 1 để gắn kết các em học sinh.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về trò chơi Chi chi chành chành:
1.1. Dàn ý thuyết mình trò chơi Chi chi chành chành:
a) Mở bài:
– Giới thiệu về trò chơi chi chi chành chành.
b) Thân bài
* Giải thích khái niệm:
– Chi chi chành chành là một trong những trò chơi dân gian – là những hoạt động vui chơi giải trí do nhân dân ta sáng tạo ra từu rất lâu trước và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ, phản ánh đời sống tinh thần lúc bấy giờ và văn hóa của dân tộc được gìn giữ qua nhiều đời.
– Trò chơi được mọi người tiếp cận và gắn bó, có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn về mặt thời gian, không gian.
* Thuyết minh cụ thể về một trò chơi chi chi chành chành:
– Nguồn gốc của trò chơi:
+ Trò chơi ra đời khi nào, lấy cảm hứng từ đâu?
+ Ngày nay trò chơi có còn được biết đến và được chơi phổ biến không?
– Nêu những đặc điểm đặc trưng của trò chơi:
+ Số lượng người chơi
+ Độ tuổi của người tham gia chơi
+ Thời gian chuẩn bị
+ Thời gian chơi
+ Các kỹ năng cần thiết
– Các dịp tổ chức trò chơi
– Giới thiệu về luật chơi và cách thức chơi
– Ý nghĩa của trò chơi dân gian:
+ Trò chơi mang tính giải trí, tạo niềm vui cho con người
+ Trò chơi mang đến nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
c) Kết bài
– Khẳng định lại ý nghĩa của trò chơi dân gian trong đời sống tinh thần của con người.
1.2. Bài văn thuyết minh về trò chơi Chi chi chành chành:
Ngày hè đã vào buổi xế chiều, mặt trời đã dần lặn xuống sau dãy núi phía Tây. Bóng chiều cũng đang dần tối lại quanh những cái cây to quanh nhà. Gió nam phe phẩy dần dần xua đi cía nóng oi bức của một ngày hè dài. Lúc này, từ trong các ngõ của xóm, bọn trẻ con sau khi đi học về chạy ùa ra sân đình để cũng nhau chơi những trò chơi quen thuộc.
Các cô bé bắt đầu chơi trò chi chi chành chành vui nhộn. Một bé xòe bàn tay trái nhỏ nhắn của mình ra ra, hai bé kia dùng ngón trỏ cùng nhịp nhịp trỏ vào lòng bàn tay của bạn. Cô bé xoè tay cất tiếng đọc bài đồng dao quen thuộc để dẫn dắt trò chơi:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Lá bông lá cà
Ù à ù ập.
Khi tiếng “ập” được cất lên, ngón tay của hai bạn còn đang mải mê trỏ trỏ nhịp nhàng trong lòng bàn tay của cô bé không kịp rút lại, một bé đã bị bắt, thế là cả đám cười ầm lên. Chi chi chành chành là một trò chơi dân gian đơn giản, không cần đến đồ chơi, những dụng cụ và chỗ chơi cố định. Chỉ cần có dăm ba đứa trẻ là có thể bắt đầu chơi ở bất cứ đâu: trong nhà, ngoài ngõ, dưới gốc cây hoặc đống rơm ngày hè, bên bếp lửa hồng trong ngày đông lạnh giá. Trò chơi này luyện cho những đứa trẻ tham gia chơi có phản xạ nhanh, tạo tình cảm yêu mến giữa bạn bè và gắn bó họ lại với nhau. Không chri ở những đứa trẻ, trò chơi chi chi chành chành cũng được những người lớn mang ra chơi với con cháu của mình từ nhỏ đến lớn, khiến cho tiếng cười luôn cất lên ở mọi nhà.
Cùng với những trò chơi dân gian hấp dẫn khác như ú tim, rồng rắn lên mây, chồng nụ chồng hoa… mà những đứa trẻ nào cũng biết, người lớn nào cũng biết, chi chi chành chành gắn liền bài đồng dao vui tươi, nhí nhảnh đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, in sâu vào kí ức tuổi thơ của mỗi chúng ta. Cho đến nay, bài cao dao chi chi chành chành lâu lâu vẫn được vang lên vô thức trong đầu ta.
2. Giới thiệu cách chơi trò Chi chi chành chành:
2.1. Chuẩn bị trước khi chơi:
– Người chơi:
Chi chi chành chành là trò chơi không quy định số người chơi cụ thể, có thể chơi 2 ngày cũng có thể chơi tập thể, nhưng nên có từ 3-7 người chơi là hợp lý nhất. Nếu số lượng người chơi lớn hơn thì nên tách ra làm nhóm chơi mới để trò chơi dễ quản lí hơn bởi mọi người chơi trên bàn tay của một người.
Người chơi cũng không phân biệt độ tuổi già – trẻ, giới tính nam – nữ.
– Không gian chơi:
Chi chi chành không có hoạt động chạy nhảy vì vậy không cần không gian rộng mà chỉ cần một không gian nhỏ trong lớp học, sân chơi hoặc bất cứ đâu là có thể sử dụng để tổ chức trò chơi.
– Dụng cụ chơi:
Ngoài việc chuẩn bị người để tham gia chơi, trò chơi Chi chi chành chành được chơi bằng bàn tay của mỗi người nên không cần chuẩn bị thêm vật dụng hỗ trợ nào khác nữa. Bởi vậy đây là một trò chơi đơn giản, dễ chơi.
– Học thuộc bài hát đồng dao:
Trò chơi Chi chi chành chành diễn ra khi hát bài đồng dao Chi chi chành chành từ đầu đến cuối. Vì vậy trước khi chơi, người chơi cần cần biết và thuộc nội dung của bài đồng dao.
2.2. Luật chơi trò chơi chi chi chành chành:
– Những người chơi sẽ bắt đầu chơi đồng thời khi bắt đầu hát bào đồng dao Chi chi chành chành cho đến khi nghe đến từ “ập”, người điểu khiển sẽ ngay lập tức nắm tay lại, người chơi phải nhanh chóng rút tay ra khỏi bàn tay của người điều khiển.
– Nếu ai bị người điều khiển nắm trúng thì người đó sẽ bị phạt hoặc phải làm người điều khiển tiếp theo.
2.3. Cách chơi Chi chi, chành chành:
– Trước khi bắt đầu chơi, tất cả người chơi sẽ tiến hành “oẳn tù tì” để tìm ra người thua cuộc sẽ đóng vai là người điều khiển trò.
– Tất cả người chơi đứng hoặc ngồi quây vòng tròn bên cạnh nhau, người điều khiển sẽ bắt đầu trò chơi bằng việc xòe bàn tay ra giữa vòng tròn. Những người chơi xung quanh đặt ngón trỏ của mình vào lòng bàn tay của người điều khiển.
– Bắt đầu trò chơi, người điều khiển hát vang bài đồng dao, những người chơi cũng hát theo. Đồng thời, những người chơi ngồi xung quanh sẽ gõ gõ ngón trỏ theo nhịp vào lòng bàn tay người điều khiển theo nhịp hát của bài đồng dao.
– Khi hát đến từ “ ập”, người điều khiển ngay lập tức nắm bàn tay lại, những người chơi khác nhanh chóng rút ngón tay ra khỏi bàn tay. Người chơi nào không kịp rút ra và bị người điều khiển nắm là người thua cuộc.
– Người thua cuộc sẽ bị phạt hoặc thay thế vị trí của người quản trò và bắt đầu một lượt chơi mới.
3. Bài đồng dao Chi chi chành chành:
3.1. Nội dung bài đồng dao Chi chi chành chành:
Trò chơi chi chi chành chành được truyền từ thế hệ xa xưa và được chơi ở nhiều vùng miền Tổ quốc nên bài đồng dao Chi chi chành chành cũng có nhiều biến thể khác nhau, dưới đây là nhưng phiên bản thông dụng và phổ biến nhất.
Phiên bản 1:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ma vương bú tí
Bắt tí đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa lại
Phiên bản 2:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vươn bú tí
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào
Phiên bản 3:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa mất cương
Ma vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào
3.2. Ý nghĩa bài đồng dao Chi chi chành chành:
Lời hát của bài đồng dao rất dễ nhớ, người chưa từng chơi cũng chỉ cần nghe đến 2 lần là có thể thuộc được rồi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được nội dung ý nghĩa của bài ca dao này và chắc hẳn những người ngân nga bài ca dao này cũng có một số từ ngữ khó hiểu.
Thực chất, do được lưu truyền từ lâu nên bài hát này đã bị biến đổi khá nhiều âm và từ nên đã không còn mang đúng ý nghĩa ban đầu. Nội dung bài vè ban đầu là:
Chu tri rành rành
Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Hú tim bắt ập
Theo giải thích của sách Kinh Thi Việt Nam, bài đồng dao này là một bài vè ghi lại các sự kiện trong giai đoạn lịch sử những năm 1856 – 1888 khi đất nước ta rơi vào loạn lạc, bị giặc Pháp xâm lược, triều đình rối loạn. Có thể bạn chưa biết, việc đưa những sự kiện hay những lời rêu rao thường được đưa thành một bài vè rồi được những đứa trẻ con truyền tai nhua hót véo von ở ngoài đường là một trong những nét truyền thống xưa. Cụ thể ý nghĩa của bài đồng dao này là:
“Chu tri rành rành”: có nghĩa là bố cáo cho thiên hạ được biết
“Cái đanh nổ lửa”: nói về tiếng súng đại bác đầu tiên của chiến hạm Catinat bắn vào Đà Nẵng năm Bính Thìn 1856
“Con ngựa đứt cương”: Năm Quý Mùi (1883), Vua Tự Đức băng hà, triều đình rối loạn.
“Ba vương tập đế”: ý chỉ giai đoạn này đã có liên tiếp 3 vị vua thay nhau lên ngôi Hoàng đế là Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.
“Cấp kế đi tìm”: Sau khi Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi đi trốn sau thất bại của việc quyết liều đánh úp dinh Khâm Sứ và Đồn Mang Cá do bị Thống Chế De Coursy xử ép, quân Pháp cấp tốc đi tìm vua Hàm Nghi.
“Hú tim bắt ập”: Chỉ sự kiện tên Trương Quang Ngọc làm phản, bắt vua Hàm Nghi vào ngày 26 tháng 9 năm 1888.