Trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O-Hen-ri, hai nhân vật để lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng mỗi độc giả là Giôn-xi và cụ Bơ-men. Hai nhân vật này là hai nhân vật chính của câu chuyện, với hai thái cực khác nhau: Một người thì tiêu cực, u uất còn một người thì luôn khao khát cống hiến. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả bài văn cảm nhận hai nhân vật Giôn-xi và cụ Bơ-men trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý cảm nhận nhân vật Giôn-xi:
* Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” và dẫn dắt vào vấn đề cảm nhận về nhân vật Giôn-xi
* Thân bài
– Khái quát về hoàn cảnh và cuộc đời của Giôn-xi
+ Là họa sĩ trẻ, nghèo, cuộc sống chênh vênh, bấp bênh
+ Mắc bệnh hiểm nghèo (viêm phổi), không có khả năng chữa trị
+ Luôn mang tâm trạng lo lắng, u sầu
– Tâm trạng của Giôn-xi khi nhìn chiếc lá thường xuân
+ Đặt sự sống của mình vào chiếc lá nhỏ bé
+ Tư tưởng buông xuôi, tuyệt vọng, mặc kệ cho sự sống trôi qua
– Tâm trạng Giôn-xi khi thấy chiếc lá cuối cùng
+ Ngạc nhiên vô cùng trước sức sống của chiếc lá nhỏ bé
+ Cô hiểu ra, lấy lại niềm tin và hy vọng vào sự sống
+ Quyết tâm chống lại bệnh tật, sống thật vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa
* Kết bài
Đánh giá và rút ra nhận xét
2. Đoạn văn cảm nhận nhân vật Giôn-xi:
2.1. Cảm nhận nhân vật Giôn-xi – mẫu 1:
O Hen-ri, nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng với các tác phẩm miêu tả về cuộc sống nghèo đói, bất hạnh khốn cùng, một trong những nhân vật để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với độc giả đó là nhân vật Giôn-xi trong truyện “Chiếc lá cuối cùng”. Giôn-xi khiến cho người ta có những xúc cảm thật khó tả, vừa đáng yêu lại vừa đáng ghét, thật đáng chê bai nhưng đồng thời cũng đáng để học hỏi. Sống giữa thủ đô Oa-sinh-tơn (Hoa Kỳ) sầm uất nhất của đất nước giàu có và phát triển bậc nhất toàn cầu lại có vô vàn những cảnh ngộ éo le, khó khăn và bất hạnh. Giôn-xi là một trong số họ, cô từng là một hoạ sĩ trẻ vẽ tranh dạo, mướn trọ để hành nghề vẽ tranh dạo kiếm tiền, cuộc sống nghèo khó giờ càng trở nên khó khăn khi Giôn-xi bị mắc bệnh sưng phổi. Với tình cảnh của Giôn-xi, cô không có suy nghĩ gì về việc có thể chữa trị bệnh ở thành phố này, bệnh tật đã khiến Giôn-xi trở nên chán nản, không muốn duy trì cuộc sống như thế nữa. Chúng ta cảm nhận thấy sức khoẻ của Giôn-xi ngày càng yếu “cặp mắt thẫn thờ”, “thều thào ra lệnh”, tuy vậy ý chí tiếp tục sống của cô càng yếu ớt hơn bao giờ hết, Giôn-xi đã buông xuôi tất cả, cô đặt toàn bộ sinh mệnh của mình vào chiếc lá nhỏ bé trên cây thường xuân, cô đã nhận định rằng khi nào chiếc lá rụng thì khi đó cô sẽ chết. Mặc cho người chị Xiu thân yêu hết lòng an ủi, vỗ về và động viên cô, Giôn-xi vẫn cứ luẩn quẩn suy tư đợi chờ cái chết trong vô vọng, tâm hồn của cô luôn ở trong trạng thái chuẩn bị cho chuyến đi xa vô định của mình. Giôn-xi và chiếc lá thường xuân kia rất giống nhau, sự gắn kết giữa cái lá và cành cây đang dần lỏng lẻo, cũng giống như từng sợi dây trói buộc Giôn-xi với tình bạn, cuộc sống và thế giới xung quanh đang lung lay từng sợi một. Tư tưởng và tinh thần của Giôn-xi luôn khiến người đọc vừa thương cảm lại vừa đáng trách, tuy nhiên nhờ có cụ Bơ-men và kiệt tác “chiếc lá cuối cùng” trên bức tường của cụ đã cứu sống tâm hồn cô. Một kiệt tác đánh đổi bằng cả tính mạng, cụ Bơ-men vẽ nó giữa cơn mưa bão, gió lớn, thế nhưng cụ bị sưng phổi chỉ hai ngày đã chết. Giôn-xi khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng đã hiên ngang đứng dậy sau cơn gió, dường như trong cô đã nảy lên những ý nghĩ tốt đẹp, sự xuất hiện của chiếc lá thường xuân khiến Giôn-xi nhận thấy “Em thật là một con bé hư”, và “muốn chết là một tội”. Ngay khoảnh khắc Giôn-xi nhận thấy điều ấy thật nhanh cô đã lấy lại tinh thần, cô muốn ăn uống, muốn ngồi dậy ngắm nhìn mọi vật, muốn vẽ vịnh Na-plơ và quan trọng hơn nữa là cô đã muốn sống. Trước kia thôi thì ta đã thấy một Giôn-xi chán sống, bi quan, nhưng ngay sau đó ta đã thấy một Giôn-xi vui sống, đầy ý chí vươn lên chiến thắng bệnh tật, có thể Giôn-xi chưa dứt hẳn nhưng tinh thần của cô đã dần khoẻ lại. Sức sống của Giôn-xi dẻo dai, bền bỉ như những chiếc lá thường xuân cuối cùng mà cụ Bơ-men để lại, sự đổi thay của Giôn-xi khiến người đời phải khâm phục, nhìn vào đó mà suy ngẫm.
2.2. Cảm nhận nhân vật Giôn-xi – mẫu 2:
Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật cụ Bơ-Men, Xiu và Giôn-xi, trong đó nhân vật Giôn – xi là người nghèo khổ và gặp nhiều khó khăn nhất trong cuộc sống. Bởi Giôn – xi tuy trẻ nhưng bị mắc bệnh viêm phổi mãn tính. Một căn bệnh mà trong thời ấy người ta không thể chữa trị, Giôn-xi cũng nghèo, khiến cô mất niềm tin vào tương lai. Cụ Bơ-Men là hoạ sĩ già hơn 60 tuổi ông suốt cuộc đời luôn ước mơ có một kiệt tác ghi dấu tên tuổi của mình. Nhưng cuộc sống khó khăn vì mưu sinh ông phải đi làm mẫu vẽ cho các trường mỹ thuật kiếm vài ba đô la một giờ để trang trải cuộc sống. Vì vậy, ước mơ có được một bức tranh kiệt tác ngày càng xa xôi với người hoạ sĩ già cô đơn này. Xiu là bạn thân của Giôn – xi hai cô sống cùng một căn phòng trọ, cùng một nhà với ông lão Bơ – Men nhưng khác tầng. Hai cô gái nương tựa vào nhau mà sống, nhưng lúc Giôn – xi bị bệnh cô ngày càng mất niềm tin vào cuộc sống. Xiu thương bạn nhiều lần hơn bạn gái nhưng Giôn – Xi vẫn rất buồn chán, cô hay ngồi đếm chiếc lá rơi bên ngoài cửa sổ và nghĩ về một ngày mình sẽ ra đi vĩnh viễn, sẽ giã từ cuộc đời khi chiếc lá cuối cùng trên cành cây kia rơi xuống. Nhân vật Xiu chính là người san sẻ những niềm vui nỗi buồn của Giôn – xi có những khi cô đã nghĩ về cái chết sự bi quan của cô khiến cho Giôn – xi mất hết sức lực của mình. Năm ấy cũng là một năm mùa đông vô cùng khắc nghiệt Giôn – xi đang chờ đợi đón cái chết của bản thân, thì cô tìm được niềm tin. Chiếc lá cuối cùng trên cây sẽ mãi không rụng nhưng nó kiên cường chống lại được một mùa đông rét mướt. Điều này khiến trái tim Giôn – xi cũng trở nên mạnh mẽ, cô luôn có niềm tin và cô nghĩ rằng mình có thể sống sót, mình sẽ khoẻ trở lại. Chính niềm tin ấy đã giúp Giôn – xi vượt qua bạo bệnh. Nghị lực sống của cô gái trẻ và câu chuyện đầy xúc động đằng sau chiếc lá của cụ Bơ men đã gieo vào trái tim độc giả ngón lửa ấm của tình người, giúp độc giả thấy rằng khát vọng sống và tình người cao đẹp vẫn luôn hiện hữu ngay trên cuộc đời này.
3. Dàn ý cảm nhận nhân vật cụ Bơ – men:
* Mở bài:
Giới thiệu về tác giả O Hen-ri và truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”
Giới thiệu và khái quát phẩm chất của nhân vật cụ Bơ-men: Cụ Bơ-men không chỉ là một người có tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả mà còn là một nghệ sĩ thực thụ, luôn mang trong mình khát khao cống hiến cho nghệ thuật.
* Thân bài:
Lý lịch nhân vật
Cụ Bơ-men là một họa sĩ già, nghèo, thường ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ khác để kiếm tiền, suốt bốn chục năm cụ chỉ mơ ước vẽ được một kiệt tác của riêng mình.
Cụ sống ở tầng dưới, trong tòa nhà mà Giôn-xi và Xiu đang ở, họ là 3 người bạn thân với nhau.
Cụ Bơ-men là một người nghệ sĩ thực thụ
Là một họa sĩ nghèo, cụ Bơ-men luôn nuôi mong ước vẽ được một kiệt tác, được cống hiến cho nghệ thuật.
Khi vẽ kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng”, cụ đã vẽ bằng tất cả niềm say mê, tình yêu dành cho nghệ thuật dù trong đêm tối gió rét, cụ vẫn muốn thực hiện tác phẩm đó, đơn giản chỉ để cứu được cô bé Giôn-xi. Nghệ thuật trong cụ chính là nghệ thuật chân chính, nghệ thuật hướng đến con người.
Đức hi sinh cao cả và lòng vị tha của cụ Bơ-men
Kiệt tác của cụ Bơ-men cũng là biểu tượng cao nhất của đức hi sinh và lòng vị tha.
Khi Giôn-xi đang mất niềm tin vào cuộc đời, mất khát vọng sống, cụ đã vẽ chiếc lá cuối cùng giữa một đêm gió bão bập bùng với hy vọng nó sẽ níu giữ lại hy vọng được sống của cô bé. Lòng vị tha, sống cho người khác ở cụ rất đáng quý.
Cụ đã dùng tất cả sinh mạng của mình để đánh đổi lại mạng sống cho một cô gái trẻ, kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng” đã cứu sống được Giôn-xi song cũng đã lấy đi tính mạng của cụ. Một mạng đổi một mạng, nhưng với cụ, Giôn-xi vẫn sống và cô có tương lai, cô xứng đáng được sống hơn một người già đã “gần đất xa trời” như cụ. Sự hi sinh cao đẹp ấy xuất phát từ tấm lòng của một nghệ sĩ chân chính, của một con người vị tha, nhân ái.
Tác giả để Xiu nói về cụ Bơ-men ở cuối truyện nhằm kết thúc tác phẩm tạo ra điều ngạc nhiên đối với chính Giôn-xi và người đọc, làm bật lên đức hi sinh và lòng vị tha của cụ.
Xiu gọi bức tranh là “kiệt tác” không những vì nó quá đẹp, quá giống thực mà còn bởi nó chứa đựng cả tấm lòng nhân ái của cụ Bơ-men, tình thương đối với những người nghèo, vì nó có giá bằng cả mạng sống của cụ – một thứ không gì có thể mua nổi.
* Kết bài:
Khái quát lại phẩm chất của nhân vật: Cụ Bơ-men khiến người đọc xúc động bởi những phẩm chất đáng quý của một con người nhỏ bé nhưng lại cao thượng vô cùng.
4. Đoạn văn cảm nhận về nhân vật cụ Bơ-men:
Sau khi đọc hết tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn người Mĩ – O.Hen-ri, hình ảnh cụ Bơ – men với “kiệt tác đời mình” vẫn đọng lại trong tâm trí người đọc với những ý nghĩa nhân sinh hết sức cao cả. Cụ là một hoạ sĩ nghèo, tuổi đã cao, sống cô đơn ở tầng dưới của chung cư với hai cô hoạ sĩ trẻ: Xiu và Giôn xi. Cả một đời theo đuổi hội hoạ, cụ khát khao có bằng được một kiệt tác của riêng mình. Nhưng cái khó thì mãi thế, thời gian cứ gấp rút trôi đi, hoài bão của cụ vẫn chưa thể hoàn thành được. Vốn giàu lòng thương người nên cụ Bơ – men rất lo lắng khi biết bệnh tình của Giôn – xi. Cụ vừa lo sợ vừa bực tức với những ý nghĩ bi quan, tuyệt vọng của cô hoạ sĩ trẻ khi cô cố cuộc đời còn lại của cụ với cái lá cuối cùng bên ngoài cửa sổ ấy. Cụ nhìn những chiếc lá cuối cùng đang rơi rụng dần theo gió đông và chỉ còn một chiếc trơ trọi trên cành, cụ đã lặng lẽ hoàn thành một công việc. Tối hôm ấy, thời tiết thật khắc nghiệt, gió mưa dữ dội, bằng tình yêu, bằng trí tuệ, cụ đã vượt lên tất cả để hoàn thành kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng”. Chính nhờ nó mà Giôn – xi đã hồi sinh trở lại, cứu cô ra khỏi ý nghĩ muốn tìm đến cái chết và cô đã lạc quan yêu đời, khát khao được sống mãnh liệt. Nhưng người đọc lại nghẹn ngào khi biết rằng sau hôm ấy, cụ Bơ – men đã bị căn bệnh viêm phổi trở nặng và mất ngay sau đấy mấy ngày. Nhân vật cụ Bơ – men thật vĩ đại, thật phi thường, là một nghệ sĩ chân chính, có tài. Cụ chỉ xuất hiện đôi chút ở đầu, giữa truyện và qua giọng kể của Xiu nhưng quả thật “kiệt tác” của cụ đã giúp cho người đọc cảm nhận tình người ấm áp: Sống và thương yêu!