Hiện nay, ô nhiễm không khí tại nước ta ngày càng nặng nè. Đây là bài toán lớn yêu cầu Đảng, Nhà nước và nhân dân phải cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết và nghiêm chỉnh thực hiện. Vậy ô nhiễm không khí là gì? Tác hại, nguyên nhân và giải pháp của vấn đề này ra sao?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm ô nhiễm không khí:
Song song với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội, khi mà đời sống của con người ngày càng ổn định, thì các vấn đề liên quan đến thiên nhiên, ô nhiễm mà con người đã và đang phải đối mặt ngày càng lớn. Một trong số đó là ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, nó có thể làm hỏng môi trường tự nhiên hoặc xây dựng.
Hiện nay, tại các thành phố lớn của nước ta, đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Dự báo thời tiết hằng ngày luôn đưa ra chỉ số ô nhiễm không khí, và các thành phố này chỉ số luôn đạt ở mức cao.
Khi đi ra đường, khói bụi, mùi ô nhiễm nặng khiến người dân phải đeo khẩu trang, nguồn không khí không trong lành là biểu hiện rõ ràng nhất cho thực trạng ô nhiễm không khí này.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển toàn cầu hiện nay, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí là một trong các bài toán khó mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dân ta cần đưa ra phương hướng giải quyết để đạt được sự phát triển hài hòa, ổn định và văn minh cho nước nhà.
2. Tác hại của ô nhiễm không khí:
Ô nhiễm không khí đem đến những tác hại, ảnh hưởng nặng nề cho sự phát triển, đời sống chung của xã hội, cũng như lợi ích riêng của mỗi cá nhân. Cụ thể như sau:
– Tác hại chung:
+ Ô nhiễm không khí sẽ tạo ra một môi trường ô nhiễm, thiếu trong lành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động lao động, học tập của người dân. Đây được xem là một trong những nhân tố ảnh hưởng, cản trở đến sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội. Bởi lẽ, trong thực tiễn hoàn thành và thực hiện các dự án, công việc, sẽ luôn cần có điều kiện thuận lợi của tự nhiên và môi trường xung quanh. Vậy nên, khi bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề, việc triển khai thực hiện các hoạt động này cũng sẽ bị trì hoãn, hoặc chất lượng chung không được đảm bảo.
+ Hiện nay, Nhà nước ta đã và đang đẩy mạnh nền kinh tế đối trọng, đối ngoại, ngoại giao xúc tiến thương mại. Vậy nên, nền kinh tế du lịch của nước ta đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, nước ta đón nhận một lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Một trong những yếu tố để níu chân khách du lịch là nền văn hóa, môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Một câu hỏi được đặt ra, nếu một đất nước có không khí ô nhiễm, khói bụi nặng nề, thì khách du lịch có muốn quay trở lại hay không? Câu trả lời là không. Vậy nên, một bầu không khí ô nhiễm sẽ là vết lùi cho sự phát triển kinh tế, đối trọng giao lưu quốc tế của nước ta với nước ngoài. Thậm chí, điều này còn xây dựng một hình ảnh xấu của đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
– Tác hại riêng (đối với mỗi người dân):
+ Ô nhiễm không khí khiến người dân không được đảm bảo sinh sống, học tập và làm việc trong một môi trường tốt nhất. Liên quan đến tác hại chung đã được phân tích ở trên, ô nhiễm không khí chính là những tác nhân trì hoãn sự phát triển riêng của mỗi cá thể. Nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực tế, trước những công việc, hoạt động nghiên cứu chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên, thì ô nhiễm không khí sẽ cản trở đến kết quả của các hoạt động này của người dân.
+ Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng (và là nguyên nhân) gây ra các loại bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Hiện nay, tại nước ta, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lao phổi, ung thư ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân gây ra loại bệnh này là do nguồn không khí mà con người thường xuyên tiếp xúc, hô hấp, đào thải bị ô nhiễm nặng nề.
+ Ô nhiễm không khí khiến trẻ em không có một môi trường vui chơi, phát triển thật sự tự nhiên. Những môi trường nhân tạo được xây dựng để thay thế môi trường tự nhiên đang dần bị thay thế ngày càng nhiều. Điều này một phần nào đó hạn chế sự tiếp xúc của con trẻ đối với môi trường bên ngoài.
Trên đây là những tác hại của ô nhiễm không khí đến cuộc sống của mỗi người cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội.
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí:
Ô nhiễm không khí đem đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển chung của xã hội, cũng như lợi ích riêng của mỗi cá thể. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí?
– Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp kéo theo sự ra tăng của các nhà máy, xí nghiệp. Lúc này, các nhà máy, xí nghiệp sẽ thải khí thải ra môi trường. Lượng khí thải công nghiệp lớn được thải ra chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại nước ta hiện nay.
– Hệ thống phương tiện giao thông của nước ta ngày càng phát triển. Số lượng phương tiện di chuyển riêng ngày càng nhiều. Các phương tiện này di chuyển, lưu thông ngoài đường sẽ tác động, thải ra ngoài môi trường khí thải. Khi mà phương tiện lưu thông càng lớn, khí thải thải ra môi trường ngày càng nhiều, thì vấn đề ô nhiễm ngày càng ở mức báo động.
– Tại các thành phố lớn, mật độ dân số ngày càng lớn. Hệ thống nhà ở xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân đôi khi không đảm bảo chất lượng trong công tác duy trì, tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Lượng chất thải thải ra môi trường (các sông hồ) ngày càng lớn, đến mức mất kiểm soát, khiến hệ thống sông hồ bị ô nhiễm nặng nề. Lúc này, mùi hôi, ô nhiễm xuất hiện. Những mùi hôi từ sông hồ, kênh rạch cũng là một trong những dấu hiệu điển hình của tình trạng ô nhiễm không khí.
– Một nguyên nhân khác khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại nước ta ngày càng ở mức báo động là do công tác quản lý, giám sát và xử lý các đối tượng có hành vi gây ô nhiễm, làm trái quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, tuân thủ nguyên tắc phòng chống ô nhiễm môi trường chưa thực sự được tốt. Điều này khiến cho các cá nhân, tổ chức tự do, “dễ dàng” trong việc thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí.
– Các nguyên nhân nêu trên là những nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung là do ý thức của người dân (đây được xem là nguyên nhân quan trọng nhất). Khi người dân không có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không khí trong lành, họ sẽ thực hiện các hành vi xấu, gây tác động nặng nề đến vệ sinh môi trường.
Trên đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại nước ta. Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, các chủ thể trong “khối” nguyên nhân này đã và đang gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sự phát triển chung của toàn xã hội, cũng như lợi ích riêng của mỗi cá thể.
4. Giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí:
Dưới đây là một số giải pháp mà người viết đưa ra để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí:
– Về phía cơ quan Nhà nước:
+ Nhà nước cần đưa ra những quy định chặt chẽ, khắt khe hơn về việc bảo vệ môi trường. Đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định bảo vệ môi trường, Nhà nước cần đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm minh, cứng rắn để các đối tượng này không tái phạm. Trong một số trường hợp, nếu hành vi của các cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng, hậu quả nặng nề đến sự phát triển của nền kinh tế xã hội, Nhà nước cần đưa ra biện pháp xử lý cao để làm gương cho các chủ thể khác.
+ Các chính sách tuyên truyền, phát động bảo vệ môi trường cần được Nhà nước đẩy mạnh để người dân hiểu và làm theo.
– Về phía người dân: Mỗi cá nhân cần ý thức được hậu quả nặng nề của tình trạng ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung mang lại. Từ đó, tự điều chỉnh hành vi của mình, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường; tuyệt đối không có hành vi hủy hoại môi trường tự nhiên.
Đảng, Nhà nước và người dân đồng lòng chung tay, chắc chắn vấn đề ô nhiễm không khí sẽ được hạn chế. Đây chính là điều kiện thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà, lợi ích của mỗi người dân.