Thượng tá là quân hàm được phong cho cán bộ cao cấp trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam. Vậy mức lương của Thượng tướng hiện nay được quy định như thế nào? Mức lương Thượng tá quân đội, công an về hưu là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Thượng tá quân đội, công an là ai?
Thượng tá là một quân hàm sĩ quan cao hơn trung tá và thấp hơn cấp đại tá. Đây là một quân hàm mà ít quốc gia cấp cho lực lượng sĩ quan quân đội, công an của mình. Tại Việt Nam, đã có một giai đoạn bãi bỏ quân hàm Thượng tá, những người được phong hàm Thượng tá sẽ được mặc nhiên nâng lên thành Đại tá. Tuy nhiê, hiện nay trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam đã khổi phục quân hàm Thượng tá và được xác định là mức đầu tiên của cán bộ cao cấp trong lực lượng Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam.
Cấp hàm Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam thường được cấp cho những người giữ những chức vụ sau: Phó trưởng phòng các cơ quan; Lữ đoàn phó – Phó Chỉnh ủy Lữ đoàn; Trung đoàn trưởng – Chính ủy trung đoàn; Chỉ huy trưởng – Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, quận, thị xã;
Cấp hàm Thượng tá Công an nhân dân Việt Nam thường được cấp cho những người giữ chức vụ như: Trung đoàn trưởng; Trưởng Công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Trưởng phòng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Vụ trưởng. Tuy nhiên, hiện nay một số trường hợp không giữ những chức vụ nêu trên cũng có thể được phong hàm Thượng tá.
2. Mức lương Thượng tá quân đội, công an hiện nay là bao nhiêu?
Mức lương của Thượng tá quân đội, công an hiện nay được xác định theo công thức chung cho cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan quân đội như sau:
Lương thượng tá quân đội, công an = Hệ số lương x Mức lương cơ sở
Trong đó:
– Hệ số lương hiện nay của sĩ quan quân đội, công an vẫn được áp dụng theo hệ số được quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể ở hàm Thượng tá quân đội, công an nhân dân thì hệ số lương được xác định là 7,30;
– Mức lương cơ sở hiện nay được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 69/2022/QH15. Cụ thể mức lương cơ sở được xác định như sau:
+ Từ ngày 01/1/2023 đến ngày 30/6/2023: áp dụng theo mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/ tháng;
+ Kể từ ngày 01/7/2023 trở đi: áp dụng theo mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/ tháng.
Như vậy, áp dụng theo công thức tổng quát đã được nêu ra thì mức lương năm 2023 hiện nay của Thượng tá quân đội, công an nhân dân dao động từ 10,877 triệu đồng/ tháng đến 13,140 triệu đồng/ tháng.
Bên cạnh đó, đối với hàm Thượng tá quân đội, công an sẽ được áp dụng 02 lần nâng lương khi đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định. Cụ thể:
– Khi áp dụng nâng lương trước thời hạn lần 1 thì hệ số nâng lương được áp dụng là 7,7. Do đó, mức lương của Thượng tá quân đội, công an khi nâng lương lần 1 đến ngày 30/6/2023 là 11,473 triệu đồng/ tháng và từ ngày 01/7/2023 là 13,860 triệu đồng/ tháng;
– Khi áp dụng nâng lương trước thời hạn lần 2 thì hệ số nâng lương được áp dụng là 8,1. Do đó, mức lương của Thượng tá quân đội, công an khi nâng lương lần 2 đến ngày 30/6/2023 là 12,069 triệu đồng/ tháng và từ ngày 01/7/2023 là 14,580 triệu đồng/ tháng.
Ngoài ra, Thượng tá quân đội, công an còn được hưởng các khoản trợ cấp khác tương ứng theo quy định của Chính phủ, quy định riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
3. Mức lương Thượng tá quân đội, công an về hưu là bao nhiêu?
3.1. Điều kiện để Thượng tá quân đội, công an được hưởng lương hưu khi về hưu:
Căn cứ theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, Công an nhân dân là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và được hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, Thượng tá quân đội, công an là người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và sẽ được hưởng chế độ lương hưu theo quy định của luật bảo hiểm xã hội và những văn bản pháp luật có liên quan. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 8, Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP thì điều kiện để người lao động là sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được hưởng lương hưu là:
– Điều kiện đối với người lao động nói chung: Đã tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên;
– Điều kiện đối với sĩ quan nói riêng: Thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong Quân đội, trong đó có ít nhất 5 năm tuổi quân, mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được.
Theo đó, thời gian công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, kể cả thời gian quân nhân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ Quân đội.
+ Nam Công an nhân dân có đủ 25 năm trở lên, nữ Công an nhân dân có đủ 20 năm trở lên công tác trong Công an nhân dân, trong đó có ít nhất 5 năm được tính thâm niên nghề Công an, mà hiện nay Công an nhân dân không còn nhu cầu bố trí hoặc không chuyển ngành được hoặc tự nguyện xin nghỉ.
Theo đó, thời gian công tác trong lực lượng công an nhân dân được xác định bao gồm thời gian là sĩ quan; hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; học viên đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, công nhân công an, kể cả thời gian Công an nhân dân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ cho lực lượng Công an nhân dân.
Khi đáp ứng các điều kiện trên thì người lao động là Thượng tá quân đội nhân dân, công an nhân dân sẽ được hưởng lương hưu theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
3.2. Mức lương hưu của Thượng tá quân đội, công an hiện nay:
Căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP thì mức hưởng lương hưu hàng tháng đối với Thượng tá quân đội và công an hiện nay được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) hưởng lương hưu hàng tháng và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:
Mức lương hưu hàng tháng | = | Tỷ lệ phần trăm (%) hưởng lương hưu hằng tháng | X | Mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội |
Trong đó:
– Tỷ lệ phần trăm để hưởng lương hưu hàng tháng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể:
Người lao động khi nghỉ việc bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong khoảng thời gian từ ngày 01/1/2016 đến trước ngày 01/1/2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được xác định bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2% đối với nam quân nhân/ nam công an và 3% đối với nữ quân nhân/ nữ công an nhưng mức tối đa là mức tối đa bằng 75%;
Người lao động khi nghỉ việc và hưởng lương hưu hàng tháng kể từ ngày 01/1/2018 đến nay thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hàng tháng được xác định như sau:
+ Với nam quân nhân/ nam công an: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó mỗi năm đóng cộng 2%, tối đa bằng 75%;
+ Với nữ quân nhân/ nữ công an: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó mỗi năm đóng được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo trung bình cộng tiền lương các tháng mà Thượng tá đã tham gia bảo hiểm xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
– Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11 tháng 11 năm 2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
– Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10 tháng 5 năm 2016 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.