Để có những phần kết bài thật hay và sâu lắng, sao bạn không thử tham khảo của chúng tôi rồi viết nên một kết bài bản thân hài lòng!
Mục lục bài viết
1. Kết bài tác phẩm Làng của Kim Lân (cơ bản):
1.1. Mẫu 1 – Kết bài tác phẩm Làng của Kim Lân (cơ bản):
Quê hương luôn là đề tài muôn thuở, là hình ảnh không thể phai mờ trong thơ ca. Nhà văn Ilia Erenbua đã từng viết rằng: “Tình yêu làng trở thành tình yêu đất nước”. Kim Lân đã mang thông điệp đó đến với người đọc qua tình huống truyện bất ngờ, kịch tính cũng như nội tâm nhân vật được thay đổi 1 cách đầy phong phú và phù hợp. Đó chính là vẻ đẹp mới của người nông dân yêu nước, hòa quyện với tình yêu làng sâu sắc. Ông Hai là một nhân vật tiêu biểu của người nông dân Việt Nam xưa và nay.
1.2. Mẫu 2 – Kết bài tác phẩm Làng của Kim Lân (cơ bản):
Thành công trong việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, thành công trong việc miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật . Truyện ngắn “Làng”của Kim Lân đã gây được tiếng vang lớn trong văn học nghệ thuật thời kháng chiến chống Pháp. Qua đó, truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, ta còn hiểu được tình yêu làng, quê hương sâu nặng của người nông dân yêu nước. Nhân vật ông Hai là đại diện tiêu biểu cho trí tuệ và lòng yêu nước nồng nàn của người nông dân nghèo miền quê thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
1.3. Mẫu 3 – Kết bài tác phẩm Làng của Kim Lân (cơ bản):
Với tài năng trong việc khai thác tâm lý nhân vật ở nhiều hoàn cảnh trong nhiều khía cạnh, điều đó khiến chúng ta càng thấm thía những tình cảm của những người như ông Hai nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung dành cho kháng chiến, dành cho đất nước. Miêu tả nội tâm nhân vật ông Hai một cách sâu sắc đã tô đậm nên những cảm xúc sâu nặng được giấu kín trong người nông dân khi phải lựa chọn giữa “đất nước” và “làng” . Những tình cảm mãnh liệt ấy đã góp phần không nhỏ khiến cho thi phẩm “Làng” trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học nước nhà.
2. Kết bài tác phẩm Làng của Kim Lân (nâng cao):
Mẫu 1: Nguyễn Đình Thi từng viết: “Mọi tác phẩm nghệ thuật đều được xây dựng bằng chất liệu vay mượn từ hiện thực. Nhưng người nghệ sĩ không chỉ ghi lại những gì đã có mà còn muốn nói lên những điều mới mẻ. Ông gửi vào tác phẩm một bức thư, một lời nhắn nhủ, ông muốn cống hiến một phần sức mình để góp phần vào cuộc sống xung quanh.” Truyện ngắn “Làng” được viết nên từ những trải nghiệm của nhà văn, miêu tả chân thực nhất những ngày nhân dân tản cư ở miền Bắc trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp cũng như những chuyển biến qua nghệ thuật xây dựng tình huống, cách kể chuyện và cách miêu tả tâm lí, ngôn ngữ nhân vật. Thông qua nhân vật ông Hai và cách miêu tả nội tâm nhân vật hết sức phong phú và sâu sắc, Kim Lân đã mang đến cho người đọc hình ảnh nhân vật ông Hai -một người nông nhân nghèo nhưng mang trong mình một tình yêu làng, yêu nước tha thiết, mãnh liệt. Nhờ đó, “Làng” đã trở thành một tác phẩm ấn tượng trong lòng người đọc, một thi phẩm mà ngay cả bụi thời gian cũng chẳng thể che mờ được.
Mẫu 2: “Làng” khép lại trong một dư âm nhẹ nhàng bởi sự hòa quyện giữa tình yêu làng quê cùng với tình yêu đàn cho đất nước của người nông dân Việt Nam nói riêng và toàn thể người Việt Nam nói chung. Nhà văn Kim Lân đã sáng tạo trong cách xây dựng nội dung, nhân vật và đặc biệt hơn cả chính là đã đậm những cảm giác và suy nghĩ bên trong ông Hai, khiến độc giả nhờ đó mà cảm nhận được sự đau khổ khi phải chứng kiến làng theo Tây của ông Hai, hay tâm trạng vui sướng đến nhảy cẫng lên khi nghe làng được cải chính. Điều đó khiến thi phẩm trở nên đắt giá. Thông qua nhân vật ông Hai, tác giả đã gửi gắm vào đó một tình yêu da diết, mãnh liệt, sâu nặng đối với đất nước của người nông dân nghèo thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua đó thể hiện ở người nông dân nghèo một tình cảm thiêng liêng cao đẹp. Thi phẩm “Làng” đã tạo nên một ấn tượng khó phai trong lòng người đọc cũng như trở thành một tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam.
Mẫu 3: Trong ông Hai luôn cháy bỏng tình yêu tha thiết với làng. Nhưng trước hết, tấm lòng yêu làng ấy gắn bó chặt chẽ với tình yêu kháng chiến, tình yêu đất nước. Để qua sự khai thác tâm lý nhân vật của Kim Lân, ta thấy được ông Hai- một người nông dân khi cần thiết, ông có thể hi sinh tình yêu máu thịt với làng để sống trọn vẹn đủ đầy với đất nước. “Làng thì yêu thật, nhưng Làng theo Tây thì phải thù”, chi tiết khiến cho tác phẩm trở nên đắt giá , khi cảm xúc bên trong ông Hai lúc này là sự đau khổ, luyến tiếc làng Chợ Dầu nhưng vẫn quyết định vì đất nước mà “thù” làng .Đó chính là những chuyển biến mới trong tình cảm của người dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Người nông dân đã ý thức rõ hơn vai trò, nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và điều đáng quý, đáng trân trọng là ý thức ấy đã chuyển thành những hành động cao cả, tốt đẹp phục vụ có hiệu quả trong công cuộc chống xâm lăng của toàn dân tộc.
3. Kết bài tác phẩm Làng của Kim Lân (học sinh giỏi):
Mẫu 1: Nhân vật ông Hai là một người nông dân với tất cả sự chân chất, mộc mạc đã bước vào trang sách của Kim Lân, để lại nhiều tình cảm đẹp trong tâm hồn người đọc một sự yêu mến, sự trân trọng và cảm phục. Hàng loạt những suy nghĩ và hành động của ông Hai khi chứng kiến làng Chợ Dầu theo Tây đã được Kim Lân miêu tả một cách sâu sắc qua từng khía cạnh. Để nhờ đó, ta thấy được những biểu hiện cụ thể về tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.Và chi tiết ” Làng thì yêu thật, nhưng Làng theo Tây thì phải thù” khiến cho tác phẩm trở nên đắt giá và bùng nổ, khi mà sự đau khổ luyến tiếc làng Chợ Dầu vẫn còn chảy âm ỉ bên trong người ông Hai nhưng ông vẫn chọn bảo vệ đất nước, đi theo lý tưởng của cụ Hồ. Qua tác phẩm Làng, nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc đổi mới trong nhận thức và tình cảm của người nông dân Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp. Một người nông dân cần cù, chân chất, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu khuất thân với giặc. Đó chính là vẻ đẹp của tình yêu nước sâu thẳm của nhân vật ông Hai. Đáng cho chúng ta trân trọng.
Mẫu 2: Để cốt truyện phát triển song hành cùng tâm lý nhân vật là một trong những thành công của nhà văn Kim Lân. Phải nói rằng ông rất giỏi trong việc “đãi cát ” để ” tìm vàng”. Người đọc sẽ không thể quên được một ông Hai quá yêu cái làng của mình như thế. Miểu tả chi tiết hàng loạt các hành động và suy nghĩ của ông Hai khiến cho độc giả hiểu rõ hơn về cốt truyện cũng như qua đó thấy được những dòng suy nghĩ ngổn ngang và tâm trạng đau khổ của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây. Xây dựng thành công diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai là thành công lớn nhất của truyện ngắn “Làng” đồng thời kết hợp sự bùng nổ, cao trào trong câu nói ” Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù” khiến ta cảm thấy được một lòng yêu nước mãnh liệt. Điều đó đã thể hiện được tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc khám phá chiều sâu tâm lí nhân vật. Và hơn hết, điều đó đã xây dựng trong lòng độc giả một chân dung sống động, chân thực về một tấm lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha cảm động của người nông dân Việt Nam chất phác, thật thà.
Mẫu 3: Nhân vật ông Hai là một người nông dân với tất cả sự chân chất, mộc mạc mang trong mình tình cảm thiêng liêng đã bước vào trang sách của Kim Lân, để lại nhiều tình cảm đẹp trong tâm hồn người đọc một sự yêu mến, sự trân trọng và cảm phục. nhà văn Kim Lân đã tái hiện chân thực nếp cảm, nếp nghĩ trong những người nông dân mộc mạc, chất phác xưa.Cách miêu tả chân thực, sinh động, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, tự nhiên như cuộc sống cùng với những mâu thuẫn căng thẳng, dồn đẩy, bức bối đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của câu chuyện, đồng thời còn thể hiện sự am hiểu và gắn bó sâu sắc của nhà văn với người nông dân và công cuộc kháng chiến của đất nước. Qua đó, ta thấy được những biểu hiện cụ thể về tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Qua tác phẩm Làng, nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc đổi mới trong nhận thức và tình cảm của người nông dân Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp. Một người nông dân cần cù, chân chất, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu khuất phục trước giặc. Đó chính là vẻ đẹp của tình yêu nước sâu thẳm của nhân vật ông Hai nói riêng hay những người nông dân nghèo yêu nước nói chung.