Tác phẩm "Những đưa con trong gia đình" đã tái hiện lại một khung cảnh khốc liệt, cam go, khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh của nhân dân ta với kẻ thù và hình ảnh của một miền Nam đầy mất mát, đau thương mà kiên cường.
Mục lục bài viết
1. Tác giả Nguyễn Thi:
Nguyễn Thi sinh năm 1928, mất năm 1968. Một bút danh khác của ông là Nguyễn Ngọc Tấn và tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca. Ông sinh ra tại xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Về cuộc đời:
– Ông mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, ông phải sống nhờ vào họ hàng , chính vì vậy cuộc đời ông vất vả, tủi cực ngay từ thưở từ nhỏ
– Năm 1943, ông theo một người anh vào Sài Gòn, vừa đi làm kiếm sống vừa tự học.
– Năm 1945, ông tham gia cách mạng rồi gia nhập lực lượng vũ trang. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên huấn, vừa chiến đấu vừa hăng hái hoạt động văn nghệ.
– Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội.
– Năm 1962, ông tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam, công tác tại Cục chính trị quân giải phóng miền Nam, là một trong những thành viên sáng lập và phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng.
– Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
– Sáng tác của Nguyễn Thi bao gồm nhiều thể loại: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Sau khi ông hi sinh, tác phẩm của ông được sưu tập và in lại trong Truyện và kí (xuất bản năm 1978), Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập (4 quyển, xuất bản năm 1996).
Phong cách nghệ thuật :
– Tác phẩm của ông bắt nguồn từ hiện thực ác liệt ở mặt trận miền Đông Nam Bộ
– Những nhân vật trong sáng tác của ông là những người nông dân vùng Đông Nam Bộ, là những con người với bản chất hồn nhiên, bộc trực, trung hậu với một lòng căm thù giặc sâu sắc; song cũng vô cùng gan góc, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
– Nguyễn Thi là một người nghệ sĩ tài năng với năng lực phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo, sâu sắc đầy tinh tế
– Các sáng tác của ông vừa giàu chất hiện thực, đầy những chi tiết dữ dội, ác liệt của chiến tranh, vừa đằm thắm giàu chất trữ tình với vốn ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, mang đậm chất Nam Bộ, có khả năng tạo nên những nhân vật có cá tính mạnh mẽ.
– Một số các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Thi: Trăng sáng ( năm 1960), Đôi bạn (năm 1962), Những đứa con trong gia đình (năm 1966)…
2. Tác phẩm Những đứa con trong gia đình:
2.1. Hoàn cảnh sáng tác:
Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” được sáng tác vào năm 1966, khoảng thời gian này là những ngày tháng chiến đấu đầy cam go, ác liệt và có thể nói là ác liệt nhất khi ông công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Tác phẩm là một trong số những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi, được nhiều thế hệ người đọc đón nhận và yêu thích, phổ biến rộng rãi.
2.2. Bố cục:
Tác phẩm gồm 2 phần:
Phần 1: Từ đầu đến đoạn “… trong đêm đang bắt đầu xung phong”. Tái hiện lại khung cảnh Việt bị thương ở chiến trường, ngất đi tỉnh lại nhiều lần.
Phần 2: Đoạn còn lại: Việt nhớ lại về những ngày tháng còn được ở nhà với chị Chiến trước khi đi tòng quân, trả thù nhà, giữ gìn độc lập dân tộc.
2.3. Tóm tắt văn bản:
Tác phẩm kể về hai chị em Chiến – Việt- những đứa con trong một gia đình có nhiều mất mát, đau thương: cha bị Pháp chặt đầu, mẹ bị đại bác Mĩ bắn chết. Khi hai chị em Chiến – Việt trưởng thành, cả hai tranh giành nhau xung phong lên đường tòng quân. Nhờ sự đồng tình của chú Năm, cả hai đều được nhập ngũ và ra trận. Tại một khu rừng cao su, Việt đã có một trận đánh ác liệt và diệt được một xe bọc thép đầy lính Mỹ với sáu tên Mỹ lẻ nhưng Việt cũng đã bị thương nặng, bị lạc mất đồng đội và phải nằm một mình tại chiến chiến trường khi còn ngổn ngang những dấu vết của mưa bom bão đạn đầy không khí đau thương và chết chóc. Mỗi ần tỉnh ại, Việt lại hồi tưởng về gia đình, về quá khứ, về những người thân yêu như mẹ Việt, chú Năm của Việt, chị Chiến của Việt,…Đoạn trích này là thể hiện lần tỉnh dậy thứ tư của Việt. Tuy mắt không thể nhìn thấy được gì, tay chân đau buốt, tê cứng nhưng Việt vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và cố gắng từng tí một lê về phía có tiếng súng của quân ta vì phía đó “là sự sống”. Việt hồi tưởng lại những sự việc xảy ra từ sau ngày má mất. Cả hai chị em đều muốn được lên đường đi tòng quân, nhưng chị Chiến của Việt nhất định giành được đi trước vì cho rằng Việt chưa đủ mười tám tuổi. Nhưng Việt đã nhanh tay ghi tên mình trước vào đêm mít tinh. Chị Chiến chậm chân nhưng không chịu thua, chị đã bật mí chuyện Việt chưa đủ mười tám tuổi. Mãi về sau nhờ có chú Năm ra xin, Việt mới được đi tòng quân. Đêm trước khi lên đường tòng quân, chị Chiến và Việt cùng nhau bàn bạc về mọi việc trong nhà. Việt ngoan ngoãn, răm rắp nghe theo chị Chiến vì Việt thấy chị Chiến giống má quá chừng. Sang ngày hôm sau, hai chị em Việt Chiến khiêng bàn thờ má qua gửi nhà chú Năm. Việt cảm thấy thương chị Chiến lạ lùng. Sau ba ngày đêm, cuối cùng Việt cũng được đơn vị tìm thấy. Việt được đưa về điều trị tại một bệnh viện dã chiến và sức khoẻ của Việt cùng dần phục hồi. Việt nhờ anh Tánh viết thư cho chị Chiến kể lại chiến công của mình.Việt rất nhớ chị, muốn viết thư nhưng không biết viết như thế nào vì Việt cảm thấy chiến công của mình chưa thấm gì so với thành tích của đơn vị và mong ước của má.
3. Ý nghĩa nhan đề:
Nhan đề của tác phẩm không chỉ có giá trị thông báo về vị trí thế hệ của hai nhân vật trong tác phẩm là Chiến và Việt mà nó còn mang ý nghĩa khái quát sâu xa. Bởi vậy có thể nói Nguyễn Thi đã rất tinh tế khi đặt nhan đề của tác phẩm là “Những đứa con trong gia đình”. Tác phẩm được kể lại qua dòng hồi tưởng của Việt khi anh đang bị trọng thương, phải nằm lại một mình nơi chiến trường. Việt nhớ về gia đình nhưng thực chất là gia đình ấy đã không còn nữa. Ba má anh đã bị kẻ thù giết chết, nhà cũng đã cho hợp tác xã mượn làm trường học, bàn thờ của bố mẹ cũng đem sang nhà chú Năm gửi còn hai chị em Chiến và Việt thì đi tòng quân. Gia đình ấy chỉ còn lại trong dòng hồi tưởng, trong những ký ức xa xôi của Việt. Qua đó, nhan đề đã gợi ra ý nghĩa sâu sắc về hai chữ gia đình trong cảm nhận của những đứa con. Nhan đề của tác phẩm đã nói lên mối quan hệ giữa những đứa con với truyền thống yêu nước của gia đình, của quê hương, đất nước.Nhan đề còn gợi lên sự liên tưởng đến những người dân trong một đất nước. Các gia đình sẽ tiếp nối nhau để tạo nên truyền thống của cả toàn dân và toàn quân.
4. Soạn bài Những đứa con trong gia đình:
Caau 1:
Những đứa con trong gia đình được kể lại một cách chi tiết dưới góc nhìn của Việt khi anh đang bị thương phải nằm lại nơi rừng sâu đầy hiểm nguy, gian nan.
Tác giả chọn lối trần thuật này với tác dụng giúp
– Câu chuyện vừa được trần thuật một cách chi tiết, vừa bộc lộ được tính cách nhân vật một cách rõ nét, sâu sắc hơn.
– Câu chuyện trở nên hấp dẫn, thu hút hơn khi được kể qua con mắt và ngôn ngữ riêng của nhân vật, giúp độc giả dễ cảm nhận được từng cảm xúc, nét tính cách của mỗi nhân vật nói chung và Việt nói riêng.
– Tác giả đi sâu vào khái quát thế giới nội dung sâu bên trong của nhân vật nhằm dẫn dắt câu chuyện mượt mà hơn, đồng thời mạch của câu chuyện cũng trở nên linh hoạt, có thể thay đổi cả thời gian lẫn không gian phụ thuộc theo trật tự tuyến tính mà tác giả muốn.
Câu 2:
Có thể nói, sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau chính là truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm cùng một lòng căm ghét giặc đến tột cùng với những mất mát, đau thương mà chúng đã gây ra bằng những tội ác không thể dung thứ.
– Truyền thống một lòng trung với nước, hiếu với dân nồng nàn, mãnh liệt cùng một lòng căm thù tột độc, mãnh liệt bọn xâm lược với những tội ác tàn độc, man rợ:
+ Nhân vật chú Năm: là nhân vật đại diện, lưu giữ những giá trị truyền thống của gia đình như những câu hò, cuốn sổ,….
+ Má Việt: người mẹ Việt Nam điển hình với khả năng chịu đựng mọi đau thương, cố gắng duy trì sự sống, trước mọi tình huống hiểm nguy vẫn luôn luôn che chở, bảo bọc cho đàn con cùng với một tinh thần đấu tranh đầy quả cảm, anh dũng,…
– Hai chị em Việt và Chiến: đại diện những đứa con tình nguyện đứng lên cầm súng để chiến đấu báo thù cho ba mẹ đã bị bọn giặc Pháp man rợ giết hại, đồng thời cũng là đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam với một lòng nồng nàn yêu thương, yêu dân và sẵn sàng hi sinh tất cả vì độc lập của dân tộc.
Câu 3
Nét tương đồng về tính cách của hai chị em Việt và Chiến:
– Hai chị em đều được sinh ra trong gia đình với truyền thống yêu nước nồng nàn nhưng phải chịu nhiều đau thương, mất mát của ba, má.
– Tuy tuổi còn nhỏ nhưng hai chị em Việt và Chiến đã nuôi dưỡng trong mình ý chí lớn lao báo thù nhà, trả nợ nước và cùng ấp ủ nguyện vọng được cầm súng đánh giặc.-+ Người đọc có thể cảm nhận được rõ nét tình yêu thương, sự đùm bọc lẫn nhau của hai chị em,hoặc là hành động tranh nhau ghi tên đi tòng quân.
– Hai chị em Việt Chiến là đại diện của lớp trẻ Việt Nam, của những chiến sĩ đầy dũng cảm và gan dạ và giờ đây đánh giặc theo một lẽ tât nhiên đã trở thành niềm hạnh phúc của hai chị em.
– Điểm riêng biệt ở hai chị em:
*Chiến (hơn Việt 1 tuổi):
– Tính cách: rất người lớn, để đánh vần hết cuốn sổ gia đình, Chiến quyết bỏ ăn và thậm chí Chiến còn học cách nói “trọng trọng” như chú Năm…
– Luôn luôn nhường nhịn em, tuy đôi lúc cũng tranh giành một chút như tranh công đi bắt ếch, nhưng thường thì sẽ vẫn nhường Việt.
→ Đây là nhân vật được xây dựng mang tính cách phù hợp với tâm lí lứa tuổi và đồng thời đây còn là nhân vật gợi lên từ hồi tưởng của Việt.
Việt:
– Mang trong mình nét tính cách ngây ngô, vô tư và hồn nhiên đúng tuổi của một cậu con trai mới lớn.
– Hay tranh giành với chị Chiến.
– Mang trong mình lòng dũng cảm, gan dạ cùng tình yêu gia đình. Nét tính cách này được thể hiện qua việc ngay khi còn nhỏ, Việt đã xông vào đá ngay thằng giết cha mình,xung phong ghi tên tòng quân để trả thù cho gia đình, thậm chí khi chiến đấu trên chiến trận dù chỉ có một mình vẫn quyết tâm ăn thua với kẻ thù cho đến cùng.
→ Nguyễn Thi đã xây dựng lên một nhân vật thể hiện sự thành công trong nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của mình , dù tuổi còn nhỏ nhưng Việt đã rất chững chạc và gan dạ, dũng cảm trước kẻ thù của gia đình, của dân tộc.
Câu 4
Khuynh hướng sử thi trong đoạn trích:
– Khuynh hướng được thể hiện qua việc ngợi ca truyền thống của dân tộc cũng như được thể hiện trong cả truyền thống của gia đình.
– Cuốn sổ ghi chép mà chú Năm giữ cũng chính là lịch sử gia đình, từ đó người đọc có thể nhìn thấy được cả một chặng đường lịch sử của một gia đình, một đất nước, của một dân tộc trong cuộc chiến đấu chống Mĩ.
– Số phận của các thành viên trong gia đình Việt và Chiến cũng chính là đại diện cho số phận chung của người dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ đầy gian khổ, ác liệt, hiểm nguy.
– Mỗi nhân vật trong truyện đều tự ý thức được trách nhiệm đối với gia đình, Tổ quốc và đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng: gan dạ, dũng cảm, kiên trung, bất khuất, căm thù giặc sâu sắc, giàu tình yêu quê hương, đất nước, một òng với cách mạng, với dân tộc.
→ Có thể nói tác phẩm là một bản anh hùng ca hào hùng, bất diệt về người dân Nam Bộ.
Câu 5
Một trong những đoạn văn gây cảm động nhất với độc giả là cảnh hai chị em khiêng bàn thờ của ba má băng qua cánh đồng để gửi sang nhà chú Năm trước khi lên đường chiến đấu vì sự nghiệp cao cả là trả thù cho cha mẹ và bảo vệ độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Người đọc xúc động, bồi hồi trước sự hiếu thảo, trọn ơn vẹn nghĩa vẹn tình của hai chị em Việt và Chiến với cha mẹ. Dù trong hoàn cảnh gian khổ, khó khăn, hiểm nguy nhưng hai chị em vẫn yêu thương nhau và không quên nghĩa vụ của một người con đối với ba má, đỗi với gia đình. Hai chị em đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh với gia đình, với quê hương và đất nước. Và đến cuối cùng, hai chị em vẫn trung thành đi theo cách mạng, đi theo con đường mà ba mẹ đã lựa chọn với một lòng nhiệt thành yêu nước thương dân.
5. Giá trị nội dung:
Giá trị hiện thực: Tác phẩm đã tái hiện lại một khung cảnh khốc liệt, cam go, khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh của nhân dân ta với kẻ thù và hình ảnh của một miền Nam đầy mất mát, đau thương mà kiên cường.
Giá trị nhân đạo:
– Tác phẩm đã lên tiếng tố cáo tội ác của quân xâm lược khi đã giày xéo, bóc lột và gây ra cái chết oan uổng cho biết bao con người trên mảnh đất này.
– Tác phẩm thể hiện sự cảm thông sâu sắc và chia sẻ những nỗi đau thương, mất mát của người dân Nam Bộ. Đó cũng là nỗi đau khi phải chứng kiến số phận éo le và sự buộc mình phải trưởng thành để gánh vác trên vai trách nhiệm của non sông, đất nước của những đứa trẻ còn khá nhỏ tuổi như Chiến, như Việt
– Tác phẩm ca ngợi lòng dũng cảm, kiên cường và sự hi sinh lớn lao của nhân dân miền Nam nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
– Tác phẩm đề cao, ca ngợi truyền thống đánh giặc, lòng căm thù giặc sâu sắc được truyền lại qua nhiều thế hệ
– Tác phẩm như lời kêu gọi, thôi thúc, giục giã và khơi dậy tinh thần chiến đấu trong lòng thế hệ trẻ để đứng lên chiến đấu chống lại kè thù, để nỗi đau, sự mất mát không còn hiện hình trong những gia đình, trên mảnh đất quê hương, trên dải đấ hình chữ S này.
6. Giá trị nghệ thuật
– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo
+ Tác phẩm thành công vghệ thuật trần thuật mới mẻ với việc đặt điểm nhìn nghệ thuật vào nhân vật Việt, để cho nhân vật tự kể về cuộc đời và gia đình mình, từ đó làm tăng tính chân thực của câu chuyện và biến câu chuyện trở thành một dòng hồi ức tươi đẹp của nhân vật.
+ Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc,giản dị, gần gũi, sinh động đã tạo ra không gian sinh hoạt, văn hóa đậm chất vùng đồng bằng Nam Bộ.
– Chi tiết được chọn lọc vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa gây ấn tượng mạnh đến người đọc, làm nổi rõ góc cạnh của cuộc sống