Pháp luật ưu đãi xã hội có vai trò to lớn và mang ý nghĩa nhiều mặt khác nhau. Dưới đây là bài viết tham khảo về chủ đề "Ưu đãi xã hội là gì? Ý nghĩa của chế độ ưu đãi xã hội là gì?", mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục bài viết
1. Ưu đãi xã hội là gì?
Ở Việt Nam khái niệm ưu đãi xã hội gắn liền với khái niệm người có công với cách mạng. Ngay sau khi giành được chính quyền, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 20/SL ngày 16/02/1947 về “Ưu đãi người có công”, nhưng đến khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh người có công với cách mạng, thì khái niệm người có công với cách mạng mới được nêu đầy đủ theo hai nghĩa sau:
Theo nghĩa rộng: Người có công là những người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, nam nữ, tuổi tác, đã tự nguyện cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước và kiến thiết đất nước. Họ là những người có thành tích đóng góp, những cống hiến xuất sắc phục vụ cho lợi ích của đất nước, của dân tộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật. Ở đây có thể thấy rõ những tiêu chí cơ bản của người có công, đó là phải có đóng góp, cống hiến xuất sắc và vì lợi ích của dân tộc. Những đóng góp, cống hiến của họ có thể là trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và cũng có thể là trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.
Theo nghĩa hẹp: Người có công là những người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, nam nữ, tuổi tác, có những đóng góp, những cống hiến xuất sắc trong thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật. Ở khái niệm này, Người có công bao gồm những người đã hy sinh xương máu hoặc một phần thân thể của mình trong hoạt động giúp đỡ cách mạng, hoặc cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và được các tổ chức có thẩm quyền công nhận.
Phạm trù người có công rất rộng, trong phạm vi hẹp đối tượng người có công là những người có công trong các cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Đối tượng nhận ưu đãi xã hội:
Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI (Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005) và Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi gồm:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945: Là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đã tham gia tổ chức cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (cán bộ lão thành cách mạng).
– Người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945: Là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đứng đầu một tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc thoát ly hoạt động cách mạng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa).
– Liệt sĩ: Là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Những Bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được quy định tại Điều 2 Nghị định 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
– Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: là người được Nhà nước tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
– Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến: là người được nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất phục vụ kháng chiến (tuyên dương trước ngày 30/4/1975).
– Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh: Thương binh là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” được quy định tại Điều 19 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012.
– Bệnh binh: là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ về gia đình được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh”; mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 41% – 60% đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31/12/1994.
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học, bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hóa học.
– Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: là người được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền công nhận trong thời gian bị tù, đày không khai báo có hại cho cách mạng, cho kháng chiến, không làm tay sai cho địch. – Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế: là người tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng.
– Người có công giúp đỡ cách mạng: là người được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”; người được tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huy chương Kháng chiến; người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huy chương Kháng chiến có đủ điều kiện xác nhận là người có công giúp đỡ cách mạng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
3. Ý nghĩa của chế độ ưu đãi xã hội là gì?
Thứ nhất, về chính trị, pháp luật ưu đãi xã hội góp phần tạo niềm tin vào chế độ chính sách tốt đẹp của Nhà nước cho những người có công với cách mạng nói riêng và những người dân khác nói chung. Họ sẽ thấy rằng, sự hy sinh đóng góp của họ được Nhà nước và xã hội nhìn nhận, đánh giá đúng mức, gia đình được Nhà nước và cộng đồng chăm lo. Do vậy, sự ưu đãi đối với những người có công không chỉ là sự hỗ trợ về đời sống vật chất và tinh thần cho họ mà còn tạo niềm tin vào chế độ xã hội tốt đẹp, là nguồn động viên, khích lệ đối với các thành viên khác trong xã hội sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho đất nước trong những hoàn cảnh cần thiết. Do đó có thể nói pháp luật ưu đãi xã hội góp phần ổn định xã hội, giữ vững thể chế, tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước trong thế ổn định, bền vững. Nếu không có pháp luật ưu đãi xã hội hoặc thực hiện không tốt pháp luật này sẽ làm mất lòng tin không chỉ của một thế hệ đã từng cống hiến, hy sinh, mà còn của cả các thế hệ sau. Đó là nguy cơ dẫn đến mất ổn định chính trị xã hội, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chính trị, của Nhà nước.
Thứ hai, về kinh tế, pháp luật ưu đãi xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao đời sống mọi mặt của người có công. Những người này khi tuổi đã già, sức đã yếu (đặc biệt những người tham gia hoạt động cách mạng hoặc trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc) hoặc không có điều kiện học tập để nâng cao trình độ do đã cống hiến tuổi trẻ cho đất nước sẽ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt, những người không còn khả năng lao động hoặc không còn nơi nương tựa (Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ…) sẽ rất cần một nguồn sống ổn định. Điều này được đảm bảo bằng các chế độ ưu đãi xã hội.
Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo đời sống, pháp luật ưu đãi xã hội còn giúp người có công có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân và gia đình. Các chế độ ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục, việc làm, nhà ở… trên thực tế đã phát huy tác dụng tích cực. Nhiều gương sáng điển hình trong hoạt động kinh tế của các cựu chiến binh đã xuất hiện, do họ có ý chí, tâm huyết và giàu nghị lực, cùng với sự ưu đãi về vốn, thuế của Nhà nước đã góp phần tạo nên thành công cho họ. Từ đó cũng góp phần tạo nên động lực phấn đấu cho các thành viên khác trong xã hội trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ ba, về xã hội, pháp luật ưu đãi xã hội thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, là sự báo đáp công ơn của những người đã xả thân vì đất nước. Đây không chỉ là sự biết ơn, kính trọng mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, của cộng đồng và toàn xã hội với một bộ phận cư dân đặc biệt. Những người đã cống hiến hết tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng cho đất nước bản thân và gia đình thường sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt khi sống trong cơ chế thị trường, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận, thu nhập…thì những người có công càng ít có cơ hội mưu sinh và phát triển. Chính vì vậy, pháp luật ưu đãi xã hội càng có ý nghĩa về mặt xã hội và mang nặng tính nhân văn. Nó không chỉ góp phần đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất cho những người có công mà còn giúp họ hòa nhập vào xã hội. Những chế độ ưu đãi về giáo dục, đào tạo, ưu đãi về việc làm, chăm sóc sức khỏe… thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và cộng đồng đến mọi mặt đời sống của người có công.
Thứ tư, về pháp lý, pháp luật ưu đãi xã hội một mặt là sự thể chế hóa các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đồng thời là sự đảm bảo về mặt pháp lý cho các quyền được ưu đãi của họ được thực hiện trên thực tế. Những người có công là một bộ phận cư dân đặc biệt, họ cần được tôn vinh và được đảm bảo cuộc sống không chỉ dựa vào lòng hảo tâm của cộng đồng, của xã hội mà cần phải quy định bằng pháp luật của Nhà nước thành các quyền của họ. Khi đã được quy định thành pháp luật, một mặt các quyền của người có công trở thành quyền pháp lý, nghĩa là nó sẽ được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước trong trường hợp cần thiết. Người có công có thể tự hào khi hưởng các quyền này, không tạo ra tâm lý của người được ban ơn. Mặt khác, tương ứng với quyền pháp lý của người có công là nghĩa vụ pháp lý của các cơ quan, tổ chức, công chức liên quan trong việc thực hiện, đảm bảo các quyền đó trên thực tế. Nếu bị vi phạm, không những người có công có thể sử dụng các biện pháp pháp lý để thực hiện quyền của mình (chẳng hạn khởi kiện ra Tòa án hành chính) mà công chức vi phạm còn có thể phải chịu các chế tài tương ứng. Điều này cũng đảm bảo không tạo ra tâm lý ban ơn, cơ chế xin – cho của các chủ thể thực hiện.