Ngày nay, với sự hội nhập và cùng nhau phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới, kinh tế đối ngoạicó vai trò quan trọng đào tạo và bồi dưỡng các nhà ngoại giao về kinh tế trong tương lai. Vậy kinh tế đối ngoại được hiểu là gì? Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại quy định những gì?
Mục lục bài viết
1. Kinh tế đối ngoại là gì?
Kinh tế đối ngoại (tên tiếng Anh là International Economics) là hoạt động tương tác qua lại về lĩnh vực kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật và công nghệ giữa các quốc gia với nhau. Kinh tế đối ngoại được thể hiện qua một số hoạt động như hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, các chính sách cùng nhau phát triển về kinh tế hay còn gọi chung là thương mại quốc tế. Hay hiểu một cách đơn giản, kinh tế đối ngoại là việc giao dịch và trao đổi về thương mại giữa các quốc gia trên toàn thế giới với nhau.
Ngày nay, kinh tế đối ngoại không chỉ là một hoạt động giao thoa kinh tế giữa các quốc gia mà còn là một môn học được giảng dạy tại các trường đại học, học viện chuyên đào tạo về lĩnh vực kinh tế, ngoại thương,…Kinh tế đối ngoại dưới góc độ là một ngành học được hiểu là ngành đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên, những nhà ngoại giao về kinh tế, những người đưa đất nước phát triển về nền kinh tế trong tương lai về các vấn đề trao đổi ngoại thương giữa 02 quốc hay nhiều quốc gia với nhau.
2. Tình hình kinh tế đối ngoại của Việt Nam hiện nay:
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đang có những bước tiến, sự chuyển mình linh hoạt và sáng tạo để thích nghi với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Nhìn nhận lại quá trình tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam từ giai đoạn đấu tranh bảo vệ tổ quốc đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể như sau:
– Trong giai đoạn đấu tranh và bảo vệ tổ quốc từ năm 1945 đến năm 1986, Việt Nam tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại chủ yếu được diễn ra giữa Việt Nam và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa trên tinh thần viện trợ và với các nước tư bản chủ nghĩa với chính sách cấm vận Mỹ và các nước phương Tây khác;
– Trong giai đoạn bước sang thời kỳ đổi mới từ năm 1986, Việt Nam chú trọng hơn đến hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế quốc dân. Trong giai đoạn này Việt Nam tham gia hợp tác kinh tế và khoa học- kỹ thuật với các nước khác để thu hút mọi nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Tính từ thời điểm đó đến cuối thập niên 1990 thì Việt Nam có quan hệ kinh tế và thương mại với 140 quốc gia và có đến gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu từ vào Việt Nam…
– Tính đến thời điểm hiện tại, dù Việt Nam đã trải qua thời kỳ dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 thì hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn giữ phong độ ổn định, vẫn hoạt động sôi nổi trên thị trường kinh tế. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2020 vẫn đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Hơn nữa, năm 2021, năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam làm cho giãn cách xã hội kéo dài những hoạt động kinh tế đối ngoại tại Việt Nam vẫn diễn ra ổn định thông qua con số về tổng trị giá xuất- nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 454,58 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 225,2 tỷ USD, tăng 19,8% tương ứng tăng 37,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020; tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 229,38 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020…
3. Quy định chung về pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại?
3.1. Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại được hiểu là gì?
Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh từ các hoạt động kinh tế đối ngoại hoặc có liên quan đến hoạt động kinh tế đối ngoại.
3.2. Đặc điểm của pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại:
Đặc điểm của pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại được thể hiện qua các mặt như đối tượng điều chỉnh, chủ thể của hoạt động và các nguồn luật điều chỉnh hoạt động kinh tế đối ngoại. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh: Đối tượng điều chỉnh các pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại là các quan hệ được phát sinh từ hoạt động kinh tế đối ngoại. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của hoạt động kinh tế quốc tế có các đặc điểm sau:
– Đối tượng điều chỉnh đa dạng và phong phú. Sở dĩ đối tượng điều chỉnh được thể hiện đa dạng và phong phú bởi trong hoạt động kinh tế đối ngoại bao gồm nhiều hoạt động như: hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế, hoạt động đầu tư quốc tế, hoạt động chuyển giao công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại,…;
– Đối tượng điều chỉnh của pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại được thể hiện qua Hợp đồng giao dịch giữa các bên. Theo đó, Hợp đồng là một công cụ pháp lý quan trọng để làm minh chứng và ràng buộc việc thực hiện các hoạt động kinh tế đối ngoại. Hợp đồng ở đây có thể là Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, Hợp đồng chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ quốc tế…;
– Trong hoạt động kinh tế đối ngoại có nhiều chủ có địa vị pháp lý khác nhau; các chủ thể đó có quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm khác nhau.
Thứ hai, về chủ thể của hoạt động kinh tế đối ngoại:
Chủ thể của hoạt động kinh tế đối ngoại có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc nhà nước trực tiếp tham và các thương nhân từ các quốc gia khác. Về năng lực chủ thể, năng lực của chủ thể được xác định theo quy định của Luật Quốc tịch của Việt Nam hoặc/và Luật quy định về năng lực chủ thể của nước sở tại cùng tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại.
Thứ ba, về nguồn luật áp dụng cho hoạt động kinh tế đối ngoại:
Nguồn luật áp dụng để điều chỉnh hoạt động kinh tế đối ngoại bao gồm:
– Điều ước quốc tế về thương mại quốc tế;
– Luật quốc gia của các nước sở tại;
– Tập quán quốc tế về thương mại quốc tế;
– Hợp đồng mẫu.
4. Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại:
Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại được quy định thực hiện theo các nguyên tắc chính do Tư pháp quốc tế quy định và do pháp luật quốc gia quy định. Cụ thể từng nguyên tắc được quy định như sau:
4.1. Nguyên tắc do Tư pháp quốc tế quy định:
Những nguyên tắc pháp lý quốc tế điều chỉnh các quan hệ kinh tế đối ngoại là những nguyên tắc do Tư pháp quốc tế quy định. Đó là những nguyên tắc cơ bản sau đây:
– Thứ nhất, nguyên tắc thừa nhận và tôn trọng: Do hoạt động kinh tế đối ngoại là hoạt động trao đổi, giao thương giữa các quốc gia trên toàn thế giới với nhau. Do đó không thể áp dụng pháp luật của một quốc gia để điều chỉnh hoạt động của quốc gia khác nên thông thường các quốc gia sẽ thực hiện theo quy định của hệ thống pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, nguyên tắc này đặt ra để các quốc gia lưu ý về việc sử dụng pháp luật quốc gia trong một số hoạt động kinh tế đối ngoại cụ thể. Nguyên tắc này đặt ra để các quốc gia tôn trọng sự tồn tại và hiệu lực của hệ thống pháp luật quốc bên cạnh sự tồn tại của hệ thống pháp luật quốc tế.
– Thứ hai, nguyên tắc thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị, các trật tự kinh tế, cơ chế điều hành và quản lý kinh tế, các hình thức sở hữu do pháp luật mỗi nước quy định;
– Thứ ba, nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lý, cạnh tranh hợp pháp và công bằng giữa các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế đối ngoại (trong nước và nước ngoài). Bình đẳng và công bằng là nguyên tắc được thượng tôn trong mọi lĩnh vực, là nguyên tắc được tất cả các quy định pháp luật đề cao.
4.2. Những nguyên tắc do pháp luật quốc gia quy định:
Ngoài các nguyên tắc pháp lý quốc tế chung nêu trên, khi tiến hành các hoạt động kinh tế đối ngoại ở trong nước hay hoạt động kinh tế đối ngoại ở nước ngoài thì các chủ thể của pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại còn phải tuân thủ các nguyên tắc do pháp luật của mỗi quốc gia quy định, căn cứ vào từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. Trên thực tế những nguyên tắc này không áp dụng hoàn toàn giống nhau mà tuỳ vào mỗi trường hợp cụ thể để lựa chọn văn bản áp dụng phù hợp.