Thế nào là tai nạn giao thông? Tổng quan thực trạng tai nạn giao thông tại Việt Nam? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông? Hậu quả của tai nạn giao thông? Các giải pháp đồng bộ giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả?
Hiện nay, tai nạn giao thông chính là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, với con số thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông ngày một tăng đến mức báo động nghiêm trọng. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản về tai nạn giao thông.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tai nạn giao thông?
Tai nạn giao thông là những sự va chạm, va quẹt, đâm vào nhau gây thương tích hoặc gây nguy hiểm xảy ra khi một phương tiện va chạm với một phương tiện khác, người đi bộ, động vật, mảnh vỡ đường hoặc vật cản khác, như cây, cột điện hoặc tòa nhà. Tai nạn giao thông thường dẫn đến thương tích, tử vong và thiệt hại tài sản. Tóm lại, tai nạn giao thông là những sự cố bất ngờ xảy ra trong quá trình tham gia giao thông, gây ra bởi các phương tiện và người tham gia giao thông (bao gồm người điều khiển phương tiện và người tham gia các phương tiện đó). Đây là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, với con số thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông ngày một tăng đến mức báo động nghiêm trọng. Tai nạn giao thông có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, với mọi loại phương tiện nhưng đặc biệt đáng lo ngại là đường bộ ( xe máy, xe cơ giới,….).
2. Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam:
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Còn tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 9212 vụ tai nạn giao thông, 5221 người bị cướp đi mạng sống cùng 6140 người bị thương tật do tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong chín tháng của năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/9/2022), toàn quốc xảy ra 8.313 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.714 người, bị thương 5.546 người. Trong đó:
– Đường bộ xảy ra 8.206 vụ, làm chết 4.606 người, bị thương 5.524 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 133 vụ (1,65%), tăng 489 người chết (11,88%), giảm 112 người bị thương (-1,99%).
– Đường thuỷ xảy ra 26 vụ, làm chết 41 người, bị thương 3 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 13 vụ (-33,33%), tăng 15 người chết (57,69%), tăng 2 người bị thương (200%). – Hàng hải xảy ra 5 vụ, làm chết và mất tích 12 người.
– Hàng không: Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 16/12/2021 đến ngày 15/9/2022), ngành hàng không đã nhận được 370 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report), xảy ra 01 tai nạn (hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản) và 78 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (05 mức C và 73 mức D), không xảy ra sự cố nghiêm trọng.
– Đường sắt: Xảy ra 76 vụ, làm chết 55 người, bị thương 19 người, tăng 22 vụ (40,74%), tăng 12 người chết (27,91%), tăng 6 người bị thương (46,15%) so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hải xảy ra 5 vụ, làm chết và mất tích 12 người, giảm 2 vụ (28,57%), tăng 2 người chết và mất tích (20%), số người bị thương không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với chín tháng đầu năm của năm 2019, tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông giảm 4.362 vụ (-52,5%), giảm 945 người chết (-20%), giảm 4.073 người bị thương (-73,4%). Theo đó, trong chín tháng của năm nay, số vụ tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người tử vong và số người bị thương. Còn nếu tính riêng trong tháng Chín (tính từ ngày 15/8 đến ngày 14/9/2022) thì cả nước xảy ra 825 vụ, làm chết 438 người và làm bị thương 589 người. So với tháng chín năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 519 vụ (-62,9%), giảm 125 người chết (-28,5%), giảm 443 người bị thương (-72,5%).
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông:
Khả năng xảy ra tai nạn giao thông, mức độ nghiêm trọng của một vụ tai nạn xe cộ và các thương tích dẫn đến có thể phụ thuộc vào sự hiện diện của các yếu tố nhất định, chẳng hạn như:
– Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa cao, không tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Có thể nói, yếu tố con người là nguyên nhân chủ yếu và khiến lo tai nạn giao thông ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chẳng hạn như: sử dụng rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ,…
– Sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn, không đúng quy định khi tham gia giao thông. chất lượng của các phương tiện tham gia giao thông không đạt tiêu chuẩn an toàn cũng khiến cho tai nạn giao thông trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
– Thiếu kiến thức và kỹ năng khi tham gia giao thông, xử lý tình huống bất ngờ. Tai nạn giao thông thường do thiếu hiểu biết. Hầu hết kiến thức lái xe có được thông qua kinh nghiệm. Đây là lý do tại sao rất nhiều trường hợp mới dẫn đến tai nạn. Lấy một ví dụ cụ thể như sau: Nếu bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn tăng tốc hoặc đột ngột dừng lại trong những trường hợp đặc biệt bao gồm mưa, tuyết hoặc đường quanh co, bạn sẽ cẩn thận không tăng tốc hoặc phanh gấp. Hay trong trường hợp có một số người lái xe giảm tốc độ khi nhận ra nguy cơ tiềm ẩn trong một số tình huống nhất định nhưng những người khác không thấy bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra. Những khác biệt về nhận biết nguy hiểm này bắt nguồn từ kinh nghiệm và đặc biệt là các tiêu chuẩn khác nhau.
– Cơ sở hạ tầng xuống cấp cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến giao thông gặp phải những khó khăn nguy hiểm. Đặc biệt, đường giao thông xuống cấp trầm trọng làm cho người tham gia giao thông gặp những khó khăn, hiểm nguy như: ổ gà, đường lún,…
– Ngoài ra, công tác quản lý lái xe của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe trên các địa bàn quản lý.
– Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân khách quan khác như: do ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão, lũ lụt… Nguyên nhân này đề cập đến các yếu tố bên ngoài mà người lái xe không thể kiểm soát được, chẳng hạn như tầm nhìn bị suy giảm do trời tối, bề mặt trơn trượt, không đủ phương tiện an toàn, phương tiện được sửa chữa không tốt, người đi bộ hoặc các phương tiện khác bất ngờ cản đường.
4. Hậu quả của tai nạn giao thông:
Tai nạn giao thông được xem là một trong những thảm họa nghiêm trọng, đáng báo động đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của con người. Hậu quả mà nó để lại rất là nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người bị tai nạn giao thông, gia đình và xã hội. Cụ thể như sau:
– Đối với bản thân người bị tai nạn giao thông có thể bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, có nhiều người chịu tàn phế, sống cuộc đời thực vật do tai nạn giao thông và nặng hơn là cướp đi sinh mạng, cuộc đời của một con người. Bên cạnh bị ảnh hưởng đến tâm lý của người bị tai nạn, khiến họ phải lo sợ mỗi khi ra đường…
– Đối với gia đình có người thân bị tai nạn giao thông sẽ đau đớn rất nhiều về tinh thần, mất mát đối với họ rất lớn, hoặc mất thời gian, công sức chi phí để chăm sóc và điều trị cho họ.
– Đối với xã hội, tai nạn giao thông dễ dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật bởi có tới 70% số vụ, số người tử vong là đối tượng thanh niên, trụ cột trong gia đình.
Tóm lại, thậu quả của tai nạn giao thông để lại là không thể đánh giá hết khi nó tác động và gây tổn thương đến toàn xã hội và gia đình và người bị nạn.
5. Các giải pháp đồng bộ giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả:
– Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tuyên truyền phổ biến luật giao thông cho toàn xã hội dưới nhiều hình thức: phát tờ rơi, loa di động, tuyên truyền nhóm, trên các đường phố cần có nhiều tấm biển tuyên truyền trực quan về Luật Giao thông đường bộ… Mọi người cũng có thể tự nâng cao kiến thức pháp luật cho mình bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ: dán 1 vị trí nào đó ở nhà sao cho hàng ngày, hàng giờ nhìn thấy, từ đó nắm rõ luật mà nghiêm chỉnh chấp hành. Đồng thời, ta cần thường xuyên nghe đài, xem báo để hiểu rõ những quy định mới về bảo đảm trật tự ATGT.
– Giáo dục về an toàn giao thông tại nhà, tại trường: Cha mẹ cần tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để làm gương cho con, cần quản lý con em mình. Nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và có biện pháp ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông.
– Hướng dẫn kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông. Không nên coi thường việc đội mũ bảo hiểm hay đội mũ bảo hiểm chất lượng không đảm bảo, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng điện thoại di động khi lái xe, sử dụng còi xe sai quy định, đi bộ không đúng nơi quy định… Tuyệt đối không được lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Mọi người không được uống rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu lỡ uống rượu, bia thì không trực tiếp lái xe mà nên gọi người nhà tới đón hoặc sử dụng các phương tiện công cộng khác để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
– Cần nghiêm chỉnh, đẩy mạnh phong trào đấu tranh với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như sẵn sàng tố giác khi phát hiện các đối tượng đua xe trái phép, nạn “đinh tặc”… Mọi người cũng cần có những hành vi cư xử có văn hoá khi tham gia giao thông.
– Về phía cơ quan chức năng: cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Thực tế có rất nhiều người có hành vi vi phạm an toàn giao thông vào ban đêm; do vậy cần tăng cường tuần tra kiểm soát vào ban đêm để xử phạt người vi phạm. Đồng thời, đảm bảo mức xử phạt phù hợp đủ tính răn đe và nghiêm khắc đảm bảo đánh vào ý thức, thay đổi góc nhìn từ những người vi phạm giao thông,