Vấn đề tuổi thọ trung bình là một vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vậy tuổi thọ trung bình là gì? Xếp hạng tuổi thọ bình quân thế giới hiện nay? Nếu bạn cũng quan tâm vấn đề này thì hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Mục lục bài viết
1. Tuổi thọ trung bình là gì?
Tuổi thọ trung bình hay tuổi thọ bình quân là con số ước tính về số năm bình quân của một người sinh ra có thể sống được. Theo đó, tuổi thọ trung bình có mối quan hệ khăng khít với tỷ suất tử vong. (Ví dụ: Cùng có cấu trúc tuổi như nhau, nước nào có tuổi thọ trung bình càng cao thì hệ số tử vong của nước đó càng thấp).
Tuổi thọ trung bình đang có sự thay đổi qua các thời kì khác nhau với xu hướng ngày càng tăng lên. Vào thời kì nguyên thủy, tuổi thọ bình quân của mỗi người chỉ ở khoảng 18-20 năm, đến thời kì phong kiến ở châu Âu là 21 năm, sang tới thời kì phát triển của chủ nghĩa tư bản tuổi thọ trung bình đã tăng lên là 34 năm. Đến năm 1992 là 62 năm đối với nam và 67 đối với nữ.
Tuổi thọ trung bình không giống nhau theo giới tính và giữa các quốc gia, nói chung chỉ số này giới tính nữ thường cao hơn ở giới tính nam (khoảng 3 – 4 tuổi). Các số liệu cũng cho thấy tuổi thọ trung bình ở các nước kinh tế phát triển cao hơn ở các nước đang phát triển (78 tuổi so với 69 tuổi, giai đoạn 2010 – 2015).
2. Xếp hạng tuổi thọ bình quân thế giới:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của dân số toàn cầu năm 2015 là 71,4, tăng 5 tuổi trong vòng gần 20 năm qua. Đây được cho là kết quả của nỗ lực cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cùng với việc ra đời những loại thuốc tốt hơn.
Trong số 224 nước được liệt kê trên World Factbook của Mỹ, thì khoảng thời gian năm 2015 công dân của Monaco đạt độ tuổi trung bình cao nhất thế giới với mức độ tuổi trung bình là 89,52, ngược lại công dân của Chad có độ tuổi trung bình thấp nhất thế giới với mức trung bình là 49,81 tuổi. Cũng theo WHO, người dân châu Phi chỉ sống đến độ tuổi trung bình khoảng mức 60 tuổi
Theo Medicaldaily, các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi tác bao gồm dịch bệnh ở khu vực sống, sức khỏe tâm thần, thuốc, bạo lực, dinh dưỡng, nước uống, tai nạn giao thông, sức khỏe tình dục và sinh sản, ô nhiễm môi trường, văcxin…
Giới tính cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến tuổi thọ trung bình. Năm 2015 theo thông kê thì tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 73,8 tuổi trong khi đó ở nam giới là 69,1 tuổi. Tại châu Mỹ, phụ nữ sống trung bình trong độ tuổi 79,9 tuổi, còn nam giới có tuổi thọ trung bình chỉ 74 tuổi
Các quốc gia có tuổi thọ cao nhất và thấp nhấp thế giới theo số liệu ghi nhận năm 2015 như sau:
Top 10 nước có tuổi thọ cao nhất | Top 10 nước có tuổi thọ thấp nhất |
Monaco | Cộng hòa Chad |
Nhật Bản | Guinea-Bissau |
Singapore | Afghanistan |
Macau | Swaziland |
San Marino | Cộng hòa Namibia |
Iceland | Cộng hòa Trung phi |
Hong Kong | Somalia |
Andorra | Gabon |
Thụy sĩ | Zambia |
Guernsey | Lesotho |
3. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam:
Kết quả các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở từ năm 1989 đến nay cho thấy, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh năm 1989 là 65,2 tuổi đã tăng lên 72,8 tuổi trong năm 2009 và năm 2019 đạt 73,6 tuổi.
Tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng 0,1 năm. Năm 2016 đạt 73,4 tuổi, 2017 và 2018 đạt 73,5 tuổi, 2019 đạt 73,6 tiểu và 2020 đạt 73,7 tuổi. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của nữ và nam ở Việt Nam đều tăng, nhưng tuổi thọ của nữ vẫn cao hơn nam 5,3 – 5,4 tuổi.
Năm 2016, tuổi thọ của nữ là 76,1 tuổi so với 70,8 tuổi của nam. Hai chỉ tiêu tương ứng của nữ và nam năm 2017 là 76,6 tuổi và 70,9 tuổi; năm 2018 độ tuổi trung bình tăng lên 76,2 tuổi và 70,9 tuổi.
Năm 2019 tuổi thọ của nữ và nam là 76,3 tuổi và 71,0 tuổi và năm 2020 là 76,4 tuổi và 71,0 tuổi. Trong 6 vùng, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh hằng năm của Đông Nam Bộ luôn đạt mức cao nhất cả nước và ngược lại tại khu vực Tây Nguyên có độ tuổi trung bình ở mức thấp nhất cả nước.
Năm 2020, Đông Nam Bộ có tuổi thọ là 76,2 tuổi; tiếp đến Đồng bằng sông Cửu Long là 74,9 tuổi; Đồng bằng sông Hồng là 74,8 tuổi; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 73,2 tuổi; Trung du và miền núi phía Bắc là 71,4 tuổi; Tây Nguyên là 71,0 tuổi.
Năm 2020, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước (76,5 năm). Tuy rằng tuổi thọ trung bình cả nước cao hơn so với năm 2019 nhưng tỉnh có tuổi thọ cao nhất đã thấp hơn so với năm trước. Chỉ có 2 thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong top 10 là TP. HCM và thành phố Đà Nẵng. Tuổi thọ trung bình lần lượt là 76,5 tuổi và 76,3 tuổi.
So với mức bình quân chung của khu vực Đông Nam Á thì tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của dân số Việt Nam đạt cao hơn.
Năm 2017 cao hơn 1,1 năm, năm 2018 cao hơn 0,6 năm và 2019 cao hơn 0,5 năm. Do tuổi thọ tăng qua các năm nên Chỉ số sức khỏe của cả nước đã tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,823 năm 2017; 0,825 năm 2019 và 0,826 năm 2020.
Trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ và theo đó là Chỉ số sức khỏe của Việt Nam đứng ở vị trí 5/11 quốc gia. Được biết, tuổi thọ trung bình của Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (83 năm), Brunei (77 năm), Thái Lan (75,5 năm) và Malaysia (75 năm).
Ngoài ra, theo số liệu được tổng hợp và thống kê của trang Statista, tuổi thọ trung bình của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 được dự báo sẽ vào khoảng 75,77; xếp thứ 5 trong các nước Đông Nam Á.
4. Tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc:
Theo kế hoạch dịch vụ công giai đoạn năm 2021- 2025 của Trung Quốc được công bố ngày 10/1, tuổi thọ trung bình của người dân nước này được dự báo sẽ tăng từ 77,3 tuổi vào năm 2019 lên 78,3 tuổi vào năm 2025.
Với dự báo trên, tuổi thọ tại đất nước tỷ dân sẽ tiếp tục tăng mạnh so với những thập niên đã qua. Cụ thể, theo Sách Trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện phát hành vào tháng 8 năm ngoái, tuổi thọ trung bình tại Trung Quốc đã tăng từ 67,8 tuổi vào năm 1981 lên 77,3 tuổi vào năm 2019.
Cũng theo kế hoạch do 21 cơ quan trực thuộc Chính phủ Trung Quốc đề ra, trong đó có Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, công bố ngày 10/1, tổng số giường trong các viện dưỡng lão sẽ đạt 10 triệu giường vào năm 2025.
Cùng thời điểm đó, 100% các khu đô thị và khu dân cư mới hình thành sẽ có các cơ sở hỗ trợ người cao tuổi. Ngoài ra, 95% người trong độ tuổi này cũng sẽ được hưởng bảo hiểm.
Kế hoạch trên cũng đặt mục tiêu diện tích các công trình thể thao chia bình quân đầu người sẽ đạt 2,6m2 vào năm 2025.
Bản kế hoạch được đưa ra tại thời điểm Trung Quốc đang trở thành một trong những quốc gia ghi nhận tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới sau bốn thập kỷ áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt.
Tính đến tháng 10 năm ngoái, hơn 264 triệu người tại Trung Quốc có độ tuổi từ 60 trở lên và con số này dự kiến tăng lên 402 triệu vào năm 2040.
5. Hậu quả của việc già hóa dân số:
Dân số già hay già hóa dân số là sự thay đổi phân bố dân số một nước theo hướng tăng cao tỉ lệ người cao tuổi. Điều này thường được phản ánh qua việc tỷ suất sinh giảm và/hoặc tuổi thọ trung bình tăng. Việc già hóa dân số gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có thể kể đến như sau:
Đối với an ninh quốc phòng:
Vấn đề tham gia nghĩa vụ quân sự yêu cầu sức khỏe và thể trạng tốt nên hầu hết trong quân đội sẽ là người trẻ. Với tình trạng xảy ra lão hóa dân số sẽ làm cho việc tuyển quân đi lính trở nên hao hụt, khó khăn và giảm hẳn, nếu đất nước xảy ra chiến tranh thì rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu dân số già chiếm tỉ lệ cao thì một số quốc gia phải chấp nhận có người nước ngoài định cư để có dân số lao động. Sau đó, nhiều người tới ở và họ sẽ sinh con đẻ cái, dần dần quốc gia đó chiếm tỉ lệ người nước ngoài cao hơn người dân trong nước.
Hậu quả về vấn đề xã hội:
Chi phí lớn về phúc lợi xã hội, y tế cho người già. Già hóa dân số làm cho thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, nhất là về y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Già hóa dân số tạo ra những thách thức trong phát triển kinh tế, nhất là về cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn…; mô hình bệnh tật ở người cao tuổi thay đổi nhanh chóng, từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm với tính chất của một xã hội hiện đại; dân số già đến sớm trong khi nền kinh tế của đất nước đang trong thời kỳ thoát nghèo, người cao tuổi phải chịu nhiều gánh nặng bệnh tật, với chi phí y tế lớn và gây ra áp lực lớn đối với hệ thống y tế.
Hậu quả về kinh tế:
Những người già thường có xu hướng tiết kiệm hơn người trẻ, mức chi tiêu cho hàng tiêu dùng ít đi. Tùy thuộc vào từng độ tuổi, một nước có dân số già sẽ thấy tình trạng lãi suất thấp và tỉ lệ lạm phát thấp. Vì người lớn tuổi tiêu dùng ít hơn nên các nước có tỉ lệ dân số già tăng cao sẽ có mức lạm phát thấp.
Đồng thời việc thiếu hụt những người lao động trẻ làm cho tỉ lệ tăng trưởng kinh tế và cải tiến kỹ thuật bị giảm đi. Nguồn lao động trẻ, năng động bị thiếu hụt, đặc biệt là trong các ngành đòi hỏi nhiều lao động như dệt may, chế biến thực phẩm…và các ngành đòi hỏi đội ngũ tri thức trẻ năng động (tin học điện tử, dịch vụ…). Nguy cơ suy giảm dân số….