Tìm hiểu về nhà thơ Hữu Thỉnh? Nội dung bài thơ "Sang thu"? Tìm hiểu chung về bài thơ "Sang thu"? Ý nghĩa nhan đề bài thơ "Sang thu"? Tại sao Hữu Thỉnh lại đặt tên nhan đề là "Sang thu" mà không phải "Thu sang"?
Có thể nói, bài thơ “Sang thu” của nhà thơ
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về nhà thơ Hữu Thỉnh:
Hữu Thỉnh sinh ngày 15 tháng 2 năm 1942 tại Phú Vinh, Duy Phiên, Tam Đảo (Tam Dương), Vĩnh Phúc. Tuy ông sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học nhưng ông đã phải trải qua một tuổi thơ rất khó khăn, nhọc nhằn: 6 năm ở cùng với bác ruột, mới 10 tuổi đã phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp.
Mãi đến năm 1954 (sau khi hòa bình lập lại), ông mới được đến trường. Năm 1963 ông tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ, trở thành một người lính thuộc Trung đoàn 202. Từ đây Hữu Thỉnh đã tham gia một số hoạt động như chăn bò, học lái xe tăng, làm cán bộ tiểu đội, dạy bổ túc văn hoá, viết báo và làm cán bộ tuyên huấn. Ông đã có nhiều năm tham gia chiến đấu tại miền Bắc và kinh qua hầu hết các chiến trường khốc liệt, máu lửa của chiến tranh.
Sau 1975 – khi đất nước đất thống nhất, Hữu Thỉnh là một trong số những học sinh khóa đầu tiên của trường Viết văn
Từ 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ biên tập, Trưởng ban Thơ, Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Từ 1990 đến nay, Hữu Thỉnh chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ, tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn các khoá 3, 4, 5, Ủy viên Ban Thư ký khoá 3.
Bên cạnh đó, Hữu Thỉnh đã lần lượt đảm nhiệm chức vụ khác nhau như: Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam (nay là chức Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam), ba lần đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời kiêm nhiệm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khoá X). Từ năm 2000, Hữu Thỉnh là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Nội dung bài thơ “Sang thu”:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
3. Tìm hiểu chung về bài thơ “Sang thu”:
Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ “Sang thu” được nhà thơ Hữu Thỉnh cho ra đời sau hai năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cụ thể bài thơ được sáng tác vào gần cuối năm 1977 trong một cuộc thi sáng tác thơ ca tại trại hè. Bài thơ được in lần đầu ở báo Văn nghệ, sau đó in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố” (xuất bản năm 1991).
3.2. Bài thơ được trình bày theo bố cục nào?
Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ lại chứa đựng những nỗi niềm và tâm tư, tình cảm khác nhau của nhà thơ đối với mùa thu:
Khổ 1: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về.
Khổ 2: Cảm nhận về quang cảnh trời đất lúc vào thu.
Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu.
3.3. Mạch cảm xúc của bài thơ:
Có thể nói, ”Sang thu” không chỉ là bức tranh thiên nhiên đánh dấu sự chuyển mình của đất trời lúc giao mùa mà còn là một bức thông điệp tác giả muốn gửi gắm khi ông chợt nhận ra mùa thu đã đến. Mùa hạ dần qua, mùa thu lại tới, khoảnh khắc giao mùa nhẹ nhàng mà tinh tế ấy đã được nhà thơ diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế và sự trải nghiệm sâu sắc của mình. Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ với hai nội dung nổi bật: Cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm về đời người khi chớm thu.
3.4. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
Giá trị nội dung:
Bài thơ là những cảm nhận vô cùng tinh tế cùng sự quan sát rất tỉ mỉ của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa từ hạ sang thu. Từ đó tác giả đã bộc lộ tình yêu tha thiết dành cho thiên nhiên với một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc.
Giá trị nghệ thuật:
Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ, sử dụng rất nhiều những hình ảnh sinh động hấp dẫn, cảnh tượng được miêu tả tự nhiên chân thực, ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, gợi nhiều cảm xúc.
4. Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Sang thu”:
Mỗi một nhan đề của tác phẩm văn học đều mang những giá trị, thông điệp khác nhau. Nhưng chúng đều có một điểm chung là chứa đựng dụng ý riêng, dấu ấn cùng quan điểm, tình cảm sâu sắc mà người nghệ sĩ muốn gửi tới bạn đọc. Và “Sang thu” của Hữu Thỉnh cũng là một nhan đề như thế.
Chỉ cần đọc lướt qua nhan đề, ta cũng có thể nhận ra được bài thơ viết về mùa thu, khung cảnh mùa thu, cảm xúc mùa thu chứ không phải một mùa nào khác. Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển luôn có những dấu hiệu nhắc nhở ta khi nào một mùa mới đã về. Nhưng có lẽ khúc giao mùa từ hạ chuyển sang thu lại khó nắm bắt nhất bởi nó nhẹ nhàng và thầm lặng vô cùng. Có những lúc vào mùa thu đã từ lâu, ta mới chợt nhận ra rằng, thì ra thu đã tới. Nhưng Hữu Thỉnh thì không giống vậy, chỉ với hai chữ “Sang thu” của nhan đề bài thơ, ta đã phần nào nhận ra được một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của tác giả trước thời khắc giao mùa khó nhận ra ấy.
Nhan đề bài thơ còn thể hiện cái tài tình của nhà thơ trong cách lựa chọn khoảnh khắc thời gian – sự bắc cầu giữa cái không và cái có, cái rõ ràng và cái mơ hồ. Nhưng chính cảm giác mơ hồ, tinh tế ấy đã chuyên chở cho tâm hồn thu theo cách của mùa thu. Nhạy cảm, nhẹ nhàng, vừa lạ vừa quen – đó là những cụm từ có thể diễn tả được những gì chất chứa trong nhan đề “Sang thu” – thứ đã đánh thức nơi ta những gì da diết nhất.
Bài thơ không chỉ đơn giản là nói về đất trời vào thu, về những thay đổi của khung cảnh, những nét đẹp của cảnh vật xung quanh khi thu về mà còn nói xa hơn thế. Như bài viết đã đề cập ở trên, một trong hai mạch cảm xúc của bài thơ đó là những suy ngẫm của Hữu Thỉnh về đời người. “Sang thu”, không chỉ là của đất trời, mà còn là sự ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người. Tạm biệt mùa hè là tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và có phần vội vàng, mùa thu là sự ẩn dụ cho độ tuổi trung niên – khoảng thời gian mà con người bước dần vào độ thu sâu lắng và lặng yên của tâm hồn. Từ hạ sang thu, con người đã bớt đi một phần xốc nổi, nhiều thêm một phần chín chắn. Như vậy, ta có thể thấy nhan đề bài thơ còn mang theo cả thông điệp sâu sắc của nhân sinh.
Thông qua hai chữ ngắn gọn và đơn giản từ nhan đề, ta còn nhận ra thêm được một tình yêu khác – ngoài tình yêu thiên nhiên sâu sắc trong con người Hữu Thỉnh – đó là những cảm nhận tinh tế, những suy tư có chiều sâu của một con người có tâm hồn tinh tế nhạy cảm và luôn dành một tình yêu tha thiết cho quê hương, đất nước.
5. Tại sao Hữu Thỉnh lại đặt tên nhan đề là “Sang thu” mà không phải “Thu sang”?
Đây là một câu hỏi rất phổ biến trong việc luyện tập và thi cử những đề bài liên quan đến bài thơ “Sang thu”. Đứng trước câu hỏi này, không ít người cho rằng “Sang thu” hay “Thu sang” đều hợp lí, cả hai đều hàm ý nói về khoảnh khắc mùa thu đến. Tuy nhiên, nếu xét theo nội dung chính cũng như mạch cảm xúc, thông điệp mà Hữu Thỉnh muốn gửi gắm xuyên suốt bài thơ, ta mới nhận ra cái hay, sự độc đáo, sự tinh tế của nhà thơ khi dùng nhan đề “Sang thu”. Có thể nói, “Sang thu” tuy chỉ có hai chữ nhưng lại chứa đựng linh hồn của cả bài thơ, còn nếu tác giả sử dụng nhan đề “Thu sang”, bài thơ sẽ mất đi phần nào giá trị của nó.
Lí giải lí do vì sao Hữu Thỉnh đặt tên bài thơ là “Sang thu” mà không phải “Thu sang”, bên cạnh những ý nghĩa của “Sang thu” được phân tích ở mục trên (mục 4), thì còn có lí do khác. “Thu sang” tức là thu đã đến và người đọc nhận thấy cảnh vật thiên nhiên đã chuyển sang mùa thu chứ không còn dấu hiệu của mùa hạ, nghĩa là mùa thu đã hiện hữu rồi và đang ở thế tĩnh. Từ đó nó không thể hiện được hết cảm xúc, ý tưởng của tác giả. Còn đối với nhan đề “Sang thu”, nhà thơ sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, nhấn mạnh động từ “sang” khiến người đọc thấy được cảnh vật thiên nhiên vẫn đang trong khúc giao mùa và đất trời thiên nhiên như còn vương vấn, lưu luyến mùa hạ. Như vậy đặt tên “Sang thu” gợi được cảm giác chuyển mùa từ hạ sang thu mỗi lúc một rõ dần. Nhan đề này còn cho người đọc cám giác không chỉ đất trời “sang thu” mà dường như lòng người cũng “sang thu”, bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Thiên nhiên và lòng người đồng điệu, giao hòa. Hữu Thỉnh đã gửi vào trong hai chữ “Sang thu” tình yêu thiên nhiên, đất nước nồng nàn và triết lý nhân sinh sâu sắc khiến lòng ta chẳng thể nào quên. Để rồi mỗi lần thấy thu về, lòng ta lại vang lên hai chữ “sang thu” với mùi hương ổi chín “phả vào trong gió se…”.