Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều thấy được tầm quan trọng của máu và biết rằng cơ thể người không thể sống nếu thiếu đi máu. Nhưng không phải ai cũng biết được bộ phận quan trọng này được cấu tạo từ những thành phần nào? Dưới đây là thành phần của máu cũng như có mấy loại máu trong cơ thể?
Mục lục bài viết
1. Máu là gì?
Máu là một mô mỏng, gồm nhiều thành phần lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Ở mỗi thành phần sẽ có những chức năng khác nhau và những chức năng đó đều có liên quan mật thiết đến chức năng sống của cơ thể.
2. Những thành phần của máu:
Các tế bào máu và huyết tương là 2 thành phần chính của máu.
2.1. Các tế bào máu:
Hồng cầu:
Hồng cầu có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính trung bình khoảng 7,5 micromet, chiều dày là 2 micromet ở ngoại vi và ở trung tâm vào khoảng 1 micromet.
Hồng cầu có thể thay đổi hình dạng khi đi qua các mao mạch. Hồng cầu là những cái túi nên chúng có thể biến đổi thành bất cứ hình dạng gì. Hơn nữa vì hồng cầu có hình đĩa lõm hai mặt nên tỉ lệ giữa diện tích của màng bao bọc tế bào so với nội dung chứa bên trong tế bào rất lớn; do đó khi tế bào đó biến dạng, nó không làm căng màng ra và không làm vỡ tế bào.
Chức năng chủ yếu của hồng cầu là vận chuyển hemoglobin (Hb) rồi Hb sẽ vận chuyển oxy từ phổi tới các mô. Ở một số động vật bậc thấp, Hb lưu thông như một protein tự do trong huyết tương, nhưng ở trên người, nếu Hb cũng ở dạng tự do trong huyết tương thì khoảng 3% Hb sẽ thoát qua thành mao mạch để vào khoảng kẽ hoặc qua màng lọc cầu thận để vào dịch lọc cầu thận. Vì vậy, để cho Hb có thể được giữ lại trong máu tuần hoàn, chúng phải được chứa đựng bên trong các hồng cầu.
Ngoài ra hồng cầu còn có những chức năng khác nhau như hồng cầu chứa một lượng lớn men carbonic anhydrase. Men này xúc tác cho phản ứng giữa CO2 và H2O, làm tăng tốc độ của phản ứng này lên hàng ngàn lần, giúp cho máu có thể vận chuyển một lượng lớn CO2 từ mô đến phổi dưới dạng ion HCO3. Hb là một chất đệm có tác dụng điều hoà cân bằng làm cho khả năng đệm của hồng cầu bằng khoảng 70% khả năng đệm của máu toàn phần.
Bạch cầu:
Bạch cầu là những tế bào có khả năng vận động. Chúng được tạo ra một phần trong tủy xương và một phần trong các mô bạch huyết. Sau khi được tạo ra, chúng được đưa vào máu và được chuyển đến khắp cơ thể để được sử dụng, đặc biệt là các vùng đang bị viêm để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.
Các loại bạch cầu gồm bạch cầu hạt trung tính, bạch cầu hạt ưa toan, bạch cầu hạt ưa kiềm, bạch cầu mono và bạch cầu lympho. Gọi là bạch cầu hạt vì chúng có các hạt trong bào tương. Đôi khi ở lâm sàng, chúng được gọi là bạch cầu đa nhân.
Bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các mầm gây bệnh là chức năng của bạch cầu.
Ở người trưởng thành có khoảng 7000 bạch cầu/mm3.
Tiểu cầu:
Tiểu cầu là những mảnh tế bào rất nhỏ với chức năng tham gia vào hoạt động cầm máu, bịt các vết thương ở thành mạch bằng cách tạo các cục máu đông.
Thành mạch trở nên mềm mại, dẻo dai nhờ các tiểu cầu có chức năng làm “trẻ hoá” tế bào nội mạc.
Trung bình một tiểu cầu sống được khoảng từ 7 – 10 ngày.
Nơi sinh ra tiểu cầu là tuỷ xương giống với hồng cầu và bạch cầu.
2.2. Huyết tương:
Huyết tương là dịch lỏng của máu, màu vàng chanh. Thể tích huyết tương chiếm 5% trọng lượng cơ thể. Thành phần của huyết tương tương tự như dịch kẽ, ngoại trừ nồng độ protein của huyết tương cao gấp ba lần dịch kẽ, nghĩa là vào khoảng 7,3g/dl.
Các protein của huyết tương gồm: Albumin, Globulin, Fibrinogen.
Do kích thước phân tử lớn, các protein huyết tương không thấm qua các lỗ của thành mao mạch, chúng ở lại trong máu và tạo ra một lực thẩm thấu vào khoảng 28 mm Hg qua thành mao mạch, gọi là áp suất keo có khuynh hướng kéo nước vào mạch máu.
Các protein của huyết tương còn có chức năng điều hoà cân bằng toan kiềm (bằng ⅙ khả năng đệm của máu), chức năng đông máu, chức năng bảo vệ cơ thể (thông qua các kháng thể) và chức năng vận chuyển các hormon tuyến giáp, hormon vỏ thượng thận, hormon sinh dục…
3. Lượng máu trong cơ thể người là bao nhiêu?
Một người khoẻ mạnh thường có lượng máu tương đối ổn định. Lượng máu của mỗi người thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: tuổi tác, giới tính, cân nặng, chiều cao,…Trọng lượng cơ thể thường tỉ lệ thuận với lượng máu, mỗi người thông thường có từ 70-80ml máu/kg trọng lượng.
Cơ chế điều hoà của cơ thể giữa sản lượng tuỷ xương sinh ra và lượng tuỷ xương mất đi hàng ngày giúp cho thể tích máu ở người được ổn định.
Các hoạt động của cơ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng máu. Khi mất nước hoặc đổ mồ hôi quá nhiều thì máu sẽ bị cô đặc do lượng máu giảm, có thể thấy lượng máu trong cơ thể có thể bị thay đổi. Nhiều cơ quan của cơ thể sẽ bị rối loạn chức năng, có thể gây sốc thậm chí là tử vong nếu lượng máu trong cơ thể mất hơn ⅓ tổng lượng máu.
4. Các loại máu trong cơ thể:
Máu của những người khác nhau có những đặc tính kháng nguyên và kháng thể khác nhau làm cho kháng thể trong huyết tương của người này có thể phản ứng với kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu của người khác gây ra tai biến.
Trên màng hồng cầu người, người ta đã tìm ra khoảng 30 kháng nguyên thường gặp và hàng trăm kháng nguyên hiếm khác. Hầu hết những kháng nguyên này là kháng nguyên yếu và chỉ được dùng để nghiên cứu về di truyền gen để xác định quan hệ cha con. Tuy nhiên, có hai nhóm kháng nguyên đặc biệt quan trọng có thể gây ra các phản ứng trong truyền máu, đó là hệ thống OAB và hệ thống Rh.
Hệ thống nhóm máu OAB:
Các kháng nguyên A và B có trên bề mặt của hồng cầu. Một người có thể không có cả hai kháng nguyên này, có thể chỉ có 1 trong hai kháng nguyên và có thể có cả 2 kháng nguyên. Các kháng thể tương ứng có thể gắn với kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu làm cho các hồng cầu này nhưng kết lại với nhau vì vậy người ta cũng gọi các kháng nguyên của nhóm máu là ngưng kết nguyên.
Dựa trên cơ sở sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên A và B người ta phần chia máu thành 4 loại nhóm:
- Nhóm O: không có kháng nguyên A và B trên hồng cầu.
- Nhóm A: có kháng nguyên A.
- Nhóm B: có kháng nguyên B.
- Nhóm AB: có cả kháng nguyên A và B.
Tần suất của các nhóm máu ở người Việt Nam như sau: nhóm máu O 43%; nhóm máu A 21,5%, nhóm máu B 29,5%; nhóm máu AB 6%.
Hệ thống nhóm máu Rh:
Cùng với hệ OAB, một hệ thống khác có vai trò rất quan trọng trong truyền máu là hệ Rh. Sự khác nhau cơ bản giữa hệ OAB và hệ Rh là kháng thể của hệ OAB là kháng thể tự nhiên trong khi kháng thể của hệ Rh là kháng thể miễn dịch.
Có 6 loại kháng nguyên Rh, mỗi loại kháng nguyên này được gọi là một yếu tố Rh và được ký hiệu bằng C, D, E, c, d, e. Một người có kháng nguyên C sẽ không có kháng nguyên c, nhưng một người không có kháng nguyên C sẽ luôn luôn có kháng nguyên c. Với 2 cấp kháng nguyên D – d và E – e cũng tương tự.
Khoảng 85% người da trắng là người Rh(+). Những người Mỹ da đen có tỉ lệ Rh(+) là 95% còn ở người Phi da đen tỉ lệ Rh(+) là 100%. Ở người Việt Nam, tỉ lệ Rh(+) là 99,92%, hay nói cách khác tỉ lệ Rh(-) chỉ 8 phần vạn do đó nhóm máu Rh gần như không thành vấn đề.
5. Bài tập trắc nghiệm về máu:
Câu 1: Máu gồm mấy thành phần:
A. 2
B. 3
C. 4
D. 5
Câu 2: Thành phần nào chiếm 55% thể tích của máu:
A. Hồng cầu
B. Bạch cầu
C. Huyết tương
D. Tiểu cầu
Câu 3: Thành phần chiếm 45% thể tích của máu là:
A. Huyết tương
B. Các tế bào máu
C. Hồng cầu
D. Bạch cầu
Câu 4: Thành phần của máu có đặc điểm màu vàng, lỏng là:
A. Hồng cầu
B. Bạch cầu
C. Huyết tương
D. Tiểu cầu
Câu 5: Loại tế bào máu có đặc điểm màu hồng, hình đĩa, lõm 2 mặt, không có nhân là:
A. Hồng cầu
B. Bạch cầu
C. Tiểu cầu
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 6: Loại tế bào máu có đặc điểm trong suốt, kích thước khá lớn, có nhân là:
A. Hồng cầu
B. Bạch cầu
C. Tiểu cầu
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 7: Điền từ phù hợp vào chỗ trống: … là nơi vận chuyển, đồng thời là môi trường chuyển hóa của các quá trình trao đổi chất.
A. Huyết tương
B. Hồng cầu
C. Bạch cầu
D. Tiểu cầu
Câu 8: Điền từ phù hợp vào chỗ trống: … là nơi vận chuyển oxi từ phổi đến tim rồi đến các cơ quan (máu đỏ tươi) và vận chuyển CO2 từ các cơ quan về tim về phổi (máu đỏ thẫm)
A. Hồng cầu
B. Bạch cầu
C. Tiểu cầu
D. Huyết tương
Câu 9: Môi trường trong cơ thể được tạo thành bởi:
A. Máu
B. Nước mô
C. Bạch huyết
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 10: Môi trường trong của cơ thể gồm:
A. Nước mô, các tế bào máu, kháng thể.
B. Máu, nước mô, bạch huyết
C. Huyết tương, các tế bào máu, kháng thể
D. Máu, nước mô, bạch cầu