Thế giới cổ tích đầy sắc màu với những nỗi niềm mà người dân bao thế hệ gửi gắm vào nơi đó. Việc được đọc, được hòa mình vào thế giới cổ tích giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc sống của cha ông ta thời trước. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho chúng ta những bài văn tham khảo với đề bài “kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em” để các bạn có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý truyện cây tre trăm đốt:
1.1. Mở bài:
Giới thiệu câu chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt
1.2. Thân bài:
Kể lại truyện Cây tre trăm đốt theo sườn các sự kiện sau:
– Anh nông dân chăm chỉ, hiền lành đến làm thuê cho nhà phú ông
– Thấy anh làm việc giỏi, ông hứa nếu ở lại và làm cho nhà ông 3 năm không lấy tiền công thì sẽ gả con gái cho
– Sau ba năm, anh nông dân đã giúp phú ông có thêm nhiều của cải
– Đến hẹn, anh xin phú ông cưới con gái nhưng bị lão tìm cớ để lừa gạt
– Phú ông đòi sính lễ là một cây tre có trăm đốt
– Anh nông dân lên rừng tìm mãi nhưng không có cây tre nào đủ 100 đốt
– Ở nhà, phú ông tổ chức đám cưới cho con gái mình với con trai của một phú hộ khác
– Nhờ có bụt giúp đỡ, dạy cho 2 câu thần chú để gắn 100 đốt tre rời thành một cây tre, anh nông dân liền chạy về để cưới vợ
– Nhìn thấy đám cưới đang tổ chức linh đình, anh phát hiện mình bị lừa nên rất tức giận
– Anh dùng câu thần chú Khắc nhập, khắc nhập, dính lão phú ông vào thân tre trăm đốt, lão nhà giàu kia muốn cứu ông ta nên cũng dính vào
– Mãi khi lão phú ông chịu thực hiện lời hứa ba năm trước, anh mới thả ra
– Thế là, anh nông dân hiền lành cưới được vợ như mong ước và sống cuộc sống bình yên, hạnh phúc
1.3. Kết bài:
Suy nghĩ, đánh giá của em về ý nghĩa của câu chuyện
2. Bài mẫu truyện cây tre trăm đốt:
Trong nhiều câu chuyện cổ tích thì em yêu ấn tượng nhất là “Cây tre trăm đốt” mà mẹ đã kể cho em nghe cùng nhân vật anh Khoai hiền lành, chăm chỉ …Mọi người đã biết câu chuyện chưa? Nếu chưa, nghe em kể lại chuyện Cây tre trăm đốt ngắn gọn nhé.
Ngày ửa ngày xưa, ở một làng nọ có anh Khoai hiền lành, làm thuê cho lão phú ông trong làng đã lâu. Vốn hiền lành, chất phác nên lão bảo gì anh làm nấy. Một hôm, lão gọi anh đến dỗ ngon, dỗ ngọt: “Con ở nhà ta đã lâu, lại thấy con ngoan ngoãn, hiền lành nên ta định gả con gái cho con. Nhưng phải trong ba năm, con gắng sức vì cái nhà này, làm thuê không lấy tiền công”. Thấy lão nói thế, anh không chút mảy may nghi ngờ, anh mừng lắm, cứ tưởng thật nên anh ngày càng làm việc chăm chỉ hơn.
Nhờ ba năm miệt mài làm việc của anh Khoai, nhà lão phú ông thêm ruộng vườn, trâu bò, nhà cửa, giàu lên trông thấy trong làng. Vốn mưu mô, lão không muốn gả con gái cho một tên người làm thuê, không có gì trong tay như anh Khoai mà thay vào đó là hứa hôn con gái cho một nhà giàu khác. Khi sắp làm đám cưới, lão gọi anh Khoai vào tâm sự: “Con cũng ở với nhà ta ba năm qua, công sức của con với nhà này ta biết rõ, nhưng sắp tới làm cưới mà không có sính lễ gì thì cũng không được, nên là con vào rừng kiếm cây tre trăm đốt về làm của hồi môn rồi ta mới gả con gái cho”. Lão biết, trên đời này làm gì có cây tre trăm đốt, anh Khoai chắc chắn không thể lấy con gái lão được, lão gả con cho người khác cũng không bị người đời chê trách là thất hứa. Chỉ có anh Khoai thật thà, tin người nên đồng ý đi tìm trong rừng sâu. Anh tìm mãi nhưng không thấy cây tre trăm đốt, anh ngồi khóc. Bụt hiện lên và hỏi sao anh khóc vậy. Anh thuật lại sự tình, Bụt cười bảo có gì khó, con đốn một trăm đốt tre lại đây, đọc khắc nhập để dính các đốt lại với nhau, đọc khắc xuất để rời một trăm đốt mang về. Anh mang về nhà, thấy đang tổ chức đám cưới, gọi hỏi lão Phú ông thì lão bảo anh có tìm được cây tre trăm đốt đâu. Anh đọc thần chú, thì cây tre trăm đốt xuất hiện trước mặt lão. Ngạc nhiên, đưa tay sờ thử thì tay lão cũng dính chặt với cây tre luôn. Thấy cha như thế, con gái lo lắng cầu xin anh, phú ông cũng đồng ý sẽ gả con gái cho anh, anh mới đọc câu thần chú để người phú ông tách khỏi thân tre. Anh Khoai làm đám cưới với con gái phú ông. Hai vợ chồng sống hạnh phúc với nhau suốt đời.
3. Dàn ý truyện Sơn Tinh Thủy Tinh:
3.1. Mở bài:
Giới thiệu chung về sự việc và nhân vật. Thời vua Hùng Vương thứ mười tám có con gái tên là Mị Nương, vua truyền lệnh kén rể.
3.2. Thân bài:
Kể lại diễn biến của sự việc, theo trình tự:
Có hai chàng trai đến cầu hôn Mị Nương:
– Một người ở vùng núi Tản Viên, tên gọi là Sơn Tinh.
– Một người ở vùng biển, tên gọi là Thủy Tinh.
– Cả hai đều tài giỏi hơn người.
– Vua phân vân không biết chọn ai nên ra điều kiện: ai đem lễ vật đến trước thì người đó là chồng Mị Nương.
Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.
– Thủy Tinh đến sau không lấy được Mị Nương nên nổi giận.
– Thủy Tinh và Sơn Tinh giao chiến với nhau.
3.3. Kết bài:
Hằng năm, Thủy Tinh làm mưa gió đánh Sơn Tinh. Đây là chi tiết mà người xưa muốn giải thích về hiện tượng lũ lụt thường xảy ra trong năm.
4. Bài mẫu truyện Sơn Tinh Thủy Tinh:
Tương truyền đời vua Hùng thứ mười tám có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần tên là Mị Nương. Vua rất thương con và muốn tìm cho Mị Nương một người chồng xứng đáng.
Mị Nương càng lớn càng đẹp. Đến tuổi trăng rằm, không biết bao nhiêu chàng trai dòng dõi mong được lấy nàng làm vợ. Tiếng tăm về người con gái đẹp người đẹp nết vang xa tới tận núi Tản Viên, nơi Sơn Tinh – vị thần của núi và đất sinh sống. Một buổi sáng, Sơn Tinh quyết định cưỡi hổ trắng oai phong lẫm liệt đến cầu hôn Mị Nương. Cũng ngày hôm đó, một chàng trai cưỡi rồng nước uy nghi to lớn, tự xưng là Thuỷ Tinh cũng đến cầu hôn Mị Nương. Vua Hùng băn khoăn, ai cũng tài giỏi, biết gả con gái yêu cho ai bây giờ? Cuối cùng, vua quyết định, hai người so tài, ai thắng sẽ được lấy Mị Nương. Lập tức, Thuỷ Tinh hô mưa gọi gió, sấm chớp nổ đùng đùng, cả thành Phong Châu như muốn nổ tung vì lũ quét, khiến cho không chỉ các lạc hầu lạc tướng kinh hãi mà đến ngay cả vua Hùng cũng phải run sợ. Sơn Tinh cũng chẳng thua kém, chàng chỉ tay về phía Đông, phía Đông mọc núi đồi, chàng chỉ tay về phía Tây, phía Tây nổi cồn bãi. Ai ai cũng đều thán phục. Vua Hùng muốn gả Mị Nương cho Sơn Tinh nhưng lại sợ Thuỷ Tinh nổi giận. Sau một hồi bàn bạc với các lạc hầu lạc tướng, vua phán:
– Cả hai chàng đều tài giỏi nhưng ta chỉ có một con. Vì vậy, ngày mai, ai đến sớm, mang được đầy đủ một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao sẽ được đón Mị Nương về làm vợ.
Sáng hôm sau, khi tia nắng đầu tiên của ngày mới chưa xuất hiện, khi bầu trời còn đang đắm chìm trong màn sương đêm thì Sơn Tinh cùng đoàn tuỳ tùng đã đến rước Mị Nương về núi Tản. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ liền đùng đùng nổi giận, sai đoàn thuỷ quái đánh đuổi Sơn Tinh. Sơn Tinh gọi một đoàn quân hùng dũng gồm hùm beo gấu rắn.., lên đánh lại Thuỷ Tinh. Trời đất tối sầm, những tia sét ngang dọc lượn trên bầu trời như những con rắn khổng lồ đang uốn lượn như muốn xé tan bầu trời. Sơn Tinh cùng quân lính liên tục ném đá vào lũ thuỷ quái. Sau một hồi giao chiến, Thuỷ Tinh bèn dâng nước lên cao, nhấn chìm mọi nhà cửa ruộng đồng cây cối… Chẳng bao lâu, cả thành Phong Châu ngập chìm trong biển nước. Nhân dân cùng muông thú vội chạy lên núi cao trú ẩn. Sơn Tinh hoá phép cho đồi núi luôn cao hơn nước của Thuỷ Tinh. Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại dâng núi cao bấy nhiêu. Trận chiến diễn ra hết ngày này sang ngày khác nhưng vẫn chưa phân được thắng bại. Thuỷ Tinh dần kiệt sức, đành phải rút quân về. Mọi người xuống núi dựng lại nhà cửa, vỡ ruộng khai hoang.
Từ đó về sau, năm nào Thuỷ Tinh cũng dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng đều thua trận. Ngày nay, nhân dân ta vẫn đắp đê, trồng rừng, hằng năm vẫn chung sức chống lại lũ lụt, như xưa kia, ông cha ta và Sơn Tinh đã chống lại Thuỷ Tinh.
Ngày nay, nhân dân ta vẫn đắp đê, trồng rừng, hằng năm vẫn chung sức chống lại lũ lụt. Thế mới biết, nếu đồng sức đồng lòng, không có việc gì chúng ta không làm được.
5. Dàn ý truyện Sự tích hồ Gươm:
5.1. Mở bài:
Giới thiệu đôi nét từ cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn, do Lê Lợi lãnh đạo.
5.2. Thân Bài:
Kể lại diễn biến sự việc theo trình tự sau đây:
– Lê Thận kéo lưới bắt cá nhưng cả ba lần kéo lưới lên đều có một lưỡi gươm. Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn.
– Lê Lợi đến nhà Lê Thận thấy lưỡi gươm.
– Lê Lợi chạy vào rừng, vô tình thấy chuôi gươm nạm ngọc.
– Lê Lợi tra lưỡi gươm ở nhà Lê Thận vào chuôi gươm vừa như in.
– Có gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn dâng cao khí thế đánh giặc Minh xâm lược.
– Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi đất nước thanh bình, nhân dân chuyên lo việc ruộng đồng, xây dựng đất nước vững bền.
– Vua đi thuyền trên hồ Tả Vọng, Rùa nổi lên mạn thuyền, xin lại gươm thần.
5.3. Kết bài:
Hồ Tả Vọng xưa kia nay là Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm.
6. Bài mẫu truyện Sự tích Hồ Gươm:
Giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân như cỏ rác, tác oai tác quái làm nhiều điều trái với đạo lý. Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần đứng lên chống giặc nhưng đều bị thất bại.
Thấy vậy Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn Gươm thần để đánh giặc. Thời ấy ở Thanh Hoá có chàng trai tên là Lê Thận làm nghề đánh cá. Một đêm, Thận thả lưới trên bến vắng, ba lần kéo lưới lên đều thấy một thanh sắt, chàng trai nhận ra đó là lưỡi gươm liền đem về cất ở xó nhà. Sau đó Lê Thận hăng hái gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng tuỳ tùng đến nhà Thận, thấy thanh gươm tự nhiên sáng rực lên, Lê Lợi bèn cầm lên xem thây có hai chữ “Thuận Thiên”.
Một lần khi bị thua phải tháo chạy Lê Lợi đi qua khu rừng, thấy chuôi gươm nạm ngọc trên ngọn cây đa tỏa ánh sáng, nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Thận Lê Lợi giắt vào lưng đem về. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại mọi người đã kể lại chuyện bắt được chuôi gươm. Lê Thận đem gươm ra tra vào chuôi thì vừa khớp với nhau. Lê Thận nâng gươm trao cho Lê Lợi và nói rằng đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Lê Lợi với thanh gươm báu cùng nhuệ khí nghĩa quân ngày một lớn mạnh. Trên các trận đánh làm quân Minh kinh hồn bạt vía.
Uy danh của nghĩa quân vang dội khắp nơi. Chiến lợi phẩm thu về ngày càng nhiều. Thế chủ động tấn công ngày một cao, chẳng mấy chốc đã đuổi được sạch bóng giặc Minh khỏi bờ cõi. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân đó Long Quân sai Rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Thuyền rồng ra giữa hồ, thấy có Rùa lớn xuât hiện, vua truyền lệnh cho thuyền chậm lại. Rùa vàng tiến về phía vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Nghe Rùa vàng nói vua hiểu ý, rút gươm trả cho Rùa vàng. Rùa vàng lập tức há miệng đỡ lấy thanh gươm và từ từ chìm xuống nước.
Gươm và Rùa lặn xuống nước nhưng người ta thấy có ánh sáng loang loáng dưới mặt hồ xanh. Từ đó hồ Tả Vọng mang tên là hồ Gươm hay là hồ Hoàn Kiếm.