Hiện nay, hoạt động báo chí, truyền thông ở nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, các nguồn tin chính thông được tìm kiếm, thu thập và xây dựng bởi tổ chức thông tấn xã Việt Nam. Vậy thông tấn xã Việt Nam là gì? Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của thông tấn xã Việt Nam ra sao?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thông tấn xã Việt Nam:
– Hãng thông tấn, hãng tin hay thông tấn xã là một tổ chức báo chí trong ngành truyền thông, có thể đại diện cho một chính phủ, một đất nước hay mang tính trung lập nhưng với mục tiêu kinh doanh mang lại lợi ích của cổ đông.
– Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước. Tổ chức này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, phát thanh, truyền hình.
– Có thể hiểu, thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc sự quản lý, điều chỉnh của Chính Phủ, thực hiện việc cung cấp các thông tin của Đảng và Nhà nước đến người dân; đồng thời thực hiện việc tìm kiếm và cung cấp thông tin theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Thông tấn xã thực hiện chức năng của mình thông qua các loại hình báo chí và truyền thông, Đây chính là tổ chức báo chí của Chính Phủ.
– Chúng ta được nghe rất nhiều về thông tấn xã Việt Nam. Trên các trang báo chính thống của Nhà nước, Chính Phủ, dưới các bài viết, ảnh được đăng, thường có những chú thích như “Theo thông tấn xã Việt Nam”. Như vậy, có thể thấy, thông tấn xã Việt Nam hoạt động ở mọi ngành nghề, mọi phương diện hay mọi địa điểm trên đất nước Việt Nam. Việc tham gia vào các tổ chức, sự kiện hay hoạt động đời sống của người dân nhằm giúp tổ chức này hoàn thành nhiệm vụ của mình là cung cấp thông tin phục vụ cung cấp cho cơ quan Nhà nước cũng như truyền tải cho người dân.
– Hiện nay, thông tấn xã Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nằm dưới sự kiểm soát của Chính Phủ, thông tấn xã là tổ chức báo chí hoạt động chính thống, chịu những trách nhiệm nhất định trong việc tìm kiếm, điều tra thông tin phục vụ cung cấp thông tin phục vụ cho các lĩnh vực, vấn đề mà Chính phủ đề ra.
– Thực tiễn, đối với bất kỳ chủ trương, chính sách hay định hướng hoạt động nào của Nhà nước, Chính phủ đều phải gắn chặt với đời sống người dân, tức phải gắn liền với thực tế. Do đó, thông tấn xã Việt Nam được ra đời, nhằm phục vụ cho việc tìm kiếm, cung cấp thông tin cho Chính phủ, Nhà nước.
2. Nhiệm vụ của thông tấn xã Việt Nam:
Thông tấn xã Việt Nam có những chức năng, nhiệm vụ nhất định sau đây:
– Thứ nhất, Thông tấn xã Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất đăng, phát văn kiện, thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, biên soạn thông tin phổ biến và tham khảo bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của thông tấn xã. Bởi như đã phân tích, thông tấn xã là tổ chức báo chí nằm dưới sự quản lý, giám sát hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, phát thanh, truyền hình (cơ quan trực thuộc Chính Phủ). Vậy nên, mọi hoạt động của tổ chức này đều nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ lợi ích của Nhà nước. Bất kỳ hoạt động, công tác nào của Nhà nước đều cần những thông tin, hình ảnh thực tế. Thông tấn xã sẽ là tổ chức chính chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm này. Nó sẽ đăng, phát văn kiện hay các thông tin chính thức mà Nhà nước đưa ra. Đồng thời, tổ chức này còn phải thực hiện rà soát thông tin, để những thông tin đến với người dân là thông tin đầy đủ và chính xác nhất.
– Thứ hai, thông tấn xã Việt Nam có nhiệm vụ công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự. Hiện nay, các vấn đề mang tính thời sự luôn được người dân đặc biệt quan tâm. Giữa một rừng thông tin giả đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân luôn cần tiếp cận được những thông tin chính thống, nhằm nắm bắt được tình hình thời sự.
– Thứ ba, tổ chức này còn thực hiện nhiệm vụ chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, cải chính những thông tin sai lệch. Xã hội ngày càng phát triển, sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến các nguồn tin tạp nham, không đúng sự thật xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt các đối tượng thù địch thường lợi dụng điều này để truyền tải những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật về Đảng và Nhà nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của người dân, niềm tin của người dân dành cho Đảng, cho Nhà nước. Từ đó sẽ khiến lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng. Trước những trường hợp như vậy, thông tấn xã Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm chỉnh hưởng những thông tin sai lệch này, giúp người dân có cái nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề và các thông tin liên quan đến sự việc. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi cần thiết, thông tấn xã Việt Nam có thể ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc; thu thập, biên soạn, xuất bản và phổ biến, phát hành các sản phẩm thuộc các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác ở trong và ngoài nước.
– Thứ tư, thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia. Tổ chức này có chức năng đặc biệt quan trọng trong việc thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin về Việt Nam bằng các ngôn ngữ khác nhau cho các cơ quan, tổ chức trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài. Nhờ thông tấn xã Việt Nam, người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài cũng nắm bắt được những thông tin đang diễn ra trong nước cùng các sự kiện quốc tế liên quan. Nó tạo lên sự gắn kết xuyên quốc gia.
– Thứ năm, thông tấn xã Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; thực hiện lưu trữ tư liệu thông tin. Điều này giúp người dân ở mọi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam đều nắm bắt được các thông tin, sự kiện đang diễn ra trong đời sống xã hội. Đồng thời, tổ chức này có xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin và quản lý tư liệu ảnh quốc gia; cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ thông tin phục vụ công tác an ninh, quốc phòng…
Như vậy, thông tấn xã Việt Nam có chức năng, vai trò quan trọng trong việc cập nhập thông tin chính thống cho Chính Phủ, Nhà nước; cập nhật thông tin thời sự khách quan, trung thực cho người dân, giúp người dân nắm bắt được tình hình thời sự đã và đang diễn ra. Từ xưa đến nay, thông tin luôn nắm giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải dữ liệu cho con người. Thông tin đúng thì tầm hiểu biết, nhận thức của con người về thế giới khách quan sẽ đúng đắn, đầy đủ và ngược lại. Thông tấn xã Việt nam giúp điều chỉnh nguồn tin sai lệch, giúp người dân tiếp cận được những thông tin đúng đắn về các sự vật, sự việc đang diễn ra. Đồng thời, nó giúp hoạt động quản lý xã hội, quản lý Nhà nước của Nhà nước ta đạt được những hiệu quả tối ưu nhất.
3. Cơ cấu tổ chức của thông tấn xã Việt Nam:
Thông tấn xã có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác thông tin, truyền thông cho Nhà nước và người dân. Do đó, Nhà nước đã đưa ra những phương hướng rất cụ thể về cơ cấu tổ chức thông tấn xã Việt Nam. Cơ cấu này giúp tổ chức thông tấn xã Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của mình một cách khách quan, đảm bảo hiệu suất nhất.
– Thông tấn xã Việt Nam có 5 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam gồm: Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại; Văn phòng; Ban Tổ chức – Cán bộ; Ban Kế hoạch – Tài chính; Ban Kiểm tra.
– Thông tấn xã Việt Nam có các đơn vị thông tin cụ thể như sau:
+ Ban biên tập tin Trong nước;
+ Ban biên tập tin Thế giới;
+ Ban biên tập tin Đối ngoại;
+ Ban biên tập Ảnh;
+ Ban biên tập tin Kinh tế;
+ Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa;
+ Trung tâm Truyền hình Thông tấn;
+ Báo Tin tức;
+ Báo Thể thao và Văn hóa;
+ Báo điện tử VietnamPlus;
+ Báo Việt Nam News;
+ Báo Le Courrier du Vietnam;
+ Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum;
+ Báo ảnh Việt Nam;
+ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi;
+ Nhà xuất bản Thông tấn;
+ Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam;
+ Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên;
+ Các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định của pháp luật;
+ Các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, các đơn vị thông tin của thông tấn xã Việt Nam rất đa dạng. Ở từng đơn vị thông tin sẽ đảm bảo hoàn thành chức năng chuyên biệt của mình. Điều này giúp công tác thu thập, lấy thông tin để phục vụ cho công tác truyền thông của Chính phủ, cơ quan Nhà nước dược cặn kẽ và chính xác nhất; tránh xảy ra trường hợp thông tin chung chung, không mang tính hiện thực cao.
4. Các đơn vị phục vụ thông tin cho thông tấn xã Việt Nam:
+ Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn;
+ Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn;
+ Trung tâm Phát triển truyền thông Thông tấn; Trung tâm Tin học;
+ Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn.
– Về cơ cấu tổ chức chung nhất, Thông tấn xã Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 4 Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.