Cấu tạo của mắt bao gồm những gì? Cơ chế hoạt động của mắt? Con ngươi của mắt có tác dụng gì? Cách chăm sóc mắt đúng cách?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao con mắt bé nhỏ như thế lại có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ xung quanh chưa? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của bạn cũng như tìm hiểu cấu tạo của mắt gồm những gì? Cơ chế hoạt động của mắt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cấu tạo của mắt:
1.1. Cấu tạo bên ngoài của mắt:
Cấu tạo bên ngoài của mắt bao gồm: Lông mi và mi mắt, củng mạc, giác mạc, kết mạc, mống mắt, đồng tử.
– Lông mi và mi mắt: Khi chúng ta thực hiện hành động nhắm và mở mắt là do cơ chế hoạt động của mi mắt, phản xạ đóng mở mắt này giúp mắt chúng ta tự điều tiết tránh khô mắt và tránh những khói bụi hàng ngày. Trên mi mắt có hàng lông mi như lớp màng bảo vệ mắt khỏi các nguy hiểm của dị vật.
– Củng mạc: Đây là một màng dày và rất cứng bao quanh nhãn cầu và tạo thành hình thể của nhãn cầu.
– Giác mạc: Nằm ở trước củng mạc, có hình dạng cầu chóp hơi nhô ra khỏi hốc mắt và hoạt động giống như một thấu kính, tập trung hình ảnh lên võng mạc, giúp nhìn thấy vật thể.
– Kết mạc: Là một màng mỏng trong suốt có chứa các mạch máu, lớp niêm mạc này che phủ phần củng mạc (lòng trắng) và mặt trong của sụn mi, tạo nên hai túi cùng đồ trên và dưới. Có chức năng duy trì sự ổn định của lớp nước mắt và tiết ra một số chất trong nước mắt chống lại tác nhân xâm nhập giác mạc.
– Mống mắt: Ngay sau giác mạc là một màng sắc tố bọc quanh con ngươi, được gọi là mống mắt. Mống mắt có cấu trúc mỏng, hình tròn, có chức năng điều chỉnh đường kính và kích cỡ của đồng tử, do đó lượng ánh sáng có thể đi đến võng mạc. Mống mắt có những đặc điểm quyết định màu sắc của mắt như màu xanh, đỏ,…
– Đồng tử: Là lỗ đen tròn nằm ở trung tâm của mống mắt, được bao phủ bởi giác mạc. Đồng tử được kích thích bởi các cơ trong mống mắt, thu hẹp hoặc mở rộng để cân bằng lượng ánh sáng đi vào mắt.
1.2. Cấu tạo bên trong của mắt:
Cấu tạo bên trong của mắt bao gồm: Thủy dịch, thủy tinh thể, võng mạc, dịch kính (thể pha), hắc mạc, đĩa thị, lõm hoàng điểm, thần kinh thị giác, cầu mắt.
– Thủy dịch: Chất lỏng được tiết ra bởi khoang trước của thể mi (khoang giữa giác mạc và thể thủy tinh) và khoang sau (khoang nằm sau mống mắt) tạo ra một áp suất gọi là nhãn áp để duy trì hình dạng cầu của mắt và cung cấp chất dinh dưỡng cho giác mạc và thủy tinh thể.
– Thủy tinh thể: Thủy tinh thể dưới dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi và nằm phía sau đồng tử, có tác dụng như một thấu kính hội tụ các tia sáng chiếu trực tiếp vào võng mạc tạo ra hình ảnh rõ ràng, sắc nét. Và đây là một thành phần quang học quan trọng của mắt.
– Võng mạc: Đây là lớp trong cùng của nhãn cầu, nó có nhiệm vụ thu nhận ánh sáng từ thủy tinh thể và truyền tín hiệu đến não qua hệ thần kinh thị giác, lúc này não sẽ giúp ta nhận thức về vật đã nhìn thấy.
– Dịch kính (thể pha): Cấu trúc của dịch kính được cấu trúc giống như thạch, trong suốt lấp đầy khoảng trống giữa thủy tinh thể và võng mạc mắt. Hoạt động như một bộ giảm chấn để giúp nhãn cầu duy trì hình dạng ổn định. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mọi vật khi giác mạc, dịch kính và thể thủy tinh vẫn trong suốt, cho phép ánh sáng truyền qua võng mạc.
– Hắc mạc: Là lớp màng mỏng nằm giữa củng mạc và võng mạc, được nối với mống mắt ở trước, chứa sắc tố và mạch máu giúp nuôi dưỡng mắt.
– Đĩa thị: Đĩa thị là nơi dây thần kinh thị đi vào nhãn cầu, nằm lệch về phía mũi, đĩa thị bình thường có hình tròn hoặc hình oval đứng, đường kính dọc trung bình khoảng 1,85-1,95mm, đường kính ngang trung bình 1,7-1,8mm.
– Lõm hoàng điểm: Đây là nơi nhạy cảm nhất của các tế bào thị giác giúp mắt phân biệt và nhân diện nội dung và độ rõ nét của hình ảnh. Hoàng điểm nằm ở trung tâm võng mạc, có hình bầu dục, rộng 3mm, nằm ngoài đĩa thị, sẫm màu hơn so với võng mạc, trung tâm có một chỗ lõm xuống, hố trung tâm là vô mạch và có vai trò trao đổi chất dựa vào lớp biểu mô sắc tố.
– Thần kinh thị giác: Là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ và là phần đầu tiên của đường dẫn truyền thị giác, đảm nhiệm vai trò dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc đến trung tâm xử lý hình ảnh ở vỏ não để phân tích.
– Cầu mắt: Nằm trong hốc mắt của xương sọ, phía ngoài được bảo vệ bởi mi mắt, lông mày, lông mi. Cầu mắt vận động được là do cơ vận động mắt.
2. Cơ chế hoạt động của mắt:
Cơ chế hoạt động của mắt tương tự như cơ chế hoạt động của chiếc máy ảnh. Để chụp được ảnh, ánh sáng phản xạ từ vật được khúc xạ qua hệ thống thấu kính và hội tụ tại phim. Tại đây tín hiệu ánh sáng gây ra các phản ứng hóa học trên phim, sau đó trải qua quá trình rửa ảnh sẽ cho chúng ta các bức ảnh hình.
Đôi mắt của chúng ta cũng vậy, hệ thấu kính của mắt bao gồm có giác mạc và thủy tinh thể. Ánh sáng sau khi được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ tụ hội trên võng mạc của mắt. Lúc này, tín hiệu ánh sáng sẽ được các tế bào cảm thụ ánh sáng trên võng mạc chuyển thành tín hiệu thần kinh. Cuối cùng, tín hiệu đó được truyền đến não thông qua hệ thần kinh thị giác và được xác nhận là hình ảnh tại não bộ. Đây chính là cơ chế hoạt động của mắt để nhìn thấy một vật nào đó.
Đối với một máy ảnh thông thường, khi muốn chụp ảnh ta phải tự điều chỉnh tiêu cự chính xác và mức độ ánh sáng phù hợp, khi ống kính bị bẩn phải lau chùi và bảo dưỡng. Còn đối với mắt của chúng ta thì thực hiện những công việc đó hoàn toàn tự động.
Cụ thể, để thay đổi tiêu cự thì thủy tinh thể sẽ thay đổi độ cong của mình dưới sự điều khiển của cơ thể mi trong mắt. Việc điều chỉnh độ co giãn của mống mắt sẽ làm thay đổi kích thước của lỗ đồng tử, từ đó điều khiển cường độ chùm sáng đi vào. Các tuyến lệ chính và phụ hoạt động giúp cho giác mạc luôn được bôi trơn, nó là một cơ chế vệ sinh và bảo vệ tự nhiên. Các hoạt động này diễn ra tự động dưới sự điều khiển vô cùng tinh vi của các cơ chế thần kinh, mà không một máy ảnh cao cấp nào có thể sánh được.
3. Con ngươi của mắt có tác dụng gì?
Con ngươi hay còn gọi là đồng tử, có chức năng điều chỉnh cường độ ánh sáng vào mắt một cách phù hợp. Đây là lỗ đen tròn nằm ở trung tâm của mống mắt và được bao phủ bởi giác mạc nó cho phép ánh sáng đi vào nhãn cầu qua con ngươi. Đồng tử có thể thu hẹp hoặc mở rộng to hơn do các cơ của mống mắt, qua đó giúp cân bằng lượng ánh sáng vào mắt.
4. Cách chăm sóc mắt đúng cách:
– Bổ sung dinh dưỡng cho mắt: Để sở hữu một đôi mắt luôn khỏe và sáng, chúng ta cần phải bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin A, C, E, beta-carotene, lutein, senlen bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả màu vàng, cam, gan động vật, trứng, cá,…
– Vệ sinh mắt: Chúng ta vệ sinh mắt bằng cách dùng những loại nước nhỏ mắt, tùy loại nước sẽ có những chức năng và công dụng khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu rồi lựa chọn cho phù hợp. Hoặc đơn giản bạn có thể rửa mắt bằng nước sạch rồi lau khô bằng khăn mềm tránh tổn thương mắt.
– Thư giãn mắt sau một ngày làm việc: Khi tiếp xúc với máy tính, điện thoại, sách bạn nên để cách xa từ 30cm và làm việc nơi có đủ ánh sáng cà chớp mắt thường xuyên để mắt không bị khô.
– Tránh tổn thương mắt: Tránh nhìn thẳng các ánh sáng như đèn pha oto, mỏ hàn,..Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài. Tránh đau dụi mắt khi tay chưa sạch. Khi ra ngoài trời nắng nên đeo kính râm để bảo vệ mắt. Nếu phát hiện mắt có vấn đề như nhức, mờ, đỏ, rát nên đi khám để chữa trị kịp thời tránh gây những tổn hại sau này cho mắt vì mắt là bộ phận vô cùng nhạy cảm nên chúng ta phải bảo vệ cẩn thận.