Chủ nghĩa dân tuý đã xuất hiện trong đời sống nhân loại hơn 100 năm. Mặc dù chủ nghĩa dân tuý đã xuất hiện với thời gian tương đối dài, nhưng chỉ những năm gần đây, nó mới có sức ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, chính trị và kinh tế của các quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Chủ nghĩa dân túy là gì?
“Chủ nghĩa dân túy” (populism) là một thuật ngữ đề cập đến các lập trường chính trị nhấn mạnh ý tưởng về “nhân dân” và thường đặt nhóm này chống lại “giới tinh hoa”. Chủ nghĩa dân tuý được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 1890, khi mà phong trào dân tuý của Mỹ thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống ở đô thị hơn.
Trong các ngành khoa học xã hội các học giả khác đã định nghĩa chủ nghĩa dân túy theo cách khác. Một số nhà nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ sử dụng chủ nghĩa dân túy đề cập đến sự tham gia phổ thông của dân chúng trong việc ra quyết định chính trị. Một số nhà kinh tế học đã sử dụng thuật ngữ này để chỉ các chính phủ dính líu vào chi tiêu công đáng kể được tài trợ bởi các khoản vay nước ngoài, dẫn đến tình trạng siêu lạm phát và các biện pháp khẩn cấp. Trong diễn ngôn đại chúng chủ nghĩa bảo hộ thường được dùng với nghĩa là miệt thị, đôi khi còn được sử dụng đồng nghĩa với chính sách mị dân, để mô tả các chính trị gia trình bày câu trả lời đơn giản thái quá cho các câu hỏi phức tạp theo hướng cảm tính cao, mô tả các chính trị gia muốn làm hài lòng những cử tri mà không có sự cân nhắc hợp lý về hướng đi tốt nhất.
Vào cuối thế kỷ 19 Chủ nghĩa dân tuý được sử dụng nhằm mục đích thúc đẩy tính dân chủ. Trong những năm 1960, thuật ngữ này ngày càng trở nên phổ biến trong giới khoa học xã hội ở các nước phương Tây, và đến thế kỷ 20, thuật ngữ này được áp dụng cho các đảng chính trị khác nhau hoạt động trong các nền dân chủ tự do. Sau đó vào thế kỷ 21, thuật ngữ này ngày càng trở nên phổ biến trong diễn ngôn chính trị, đặc biệt là ở châu Mỹ và châu Âu, nhằm mô tả một loạt các nhóm cánh tả, cánh hữu và ôn hoà thách thức các đảng đã thành lập trước đó.
2. Thuyết mị dân là gì?
Mị dân thường được hiểu đó là những thủ đoạn chính trị “phỉnh nịnh”, “lấy lòng” dân chúng để cầu lợi, thậm chí là có vẻ “theo đuôi” dân để lừa dối dân, mê hoặc dân, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng hướng đến mục đích mưu lợi cá nhân trong vận động tranh cử. Sau khi đã đạt được mục đích chính trị rồi thì kẻ mị dân sẽ lãng quên những lời hứa trước kia và không hề quan tâm đến yêu cầu, cũng như mong muốn của đại đa số những người đã từng ủng hộ mình.
3. Chủ nghĩa dân túy và thuyết mị dân:
Chủ nghĩa dân tuý chỉ tồn tại cơ bản ở các nước phương Tây, và nó cũng có nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau. Theo Bách khoa toàn thư về dân chủ thì chủ nghĩa dân túy là một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người ở một tầng lớp đặc quyền.
Chủ nghĩa dân tuý chỉ là một phong trào chính trị. Đó là một phong trào chính trị được núp dưới bóng ủng hộ quyền lực của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng lớp đặc quyền. Một lý thuyết của giới chính trị mị dân, ủng hộ quyền và sức mạnh của người dân trong cuộc đấu tranh chống lại giới thượng lưu đặc quyền.
Bản chất của chủ nghĩa dân túy là những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng của đám đông. Đó là thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, nó nhằm vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, ủng hộ, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng thực hiện những ý tưởng và hoạt động chính trị chống lại hệ thống chính trị hiện hành. Ở nước ta, trong bộ máy chính quyền các cấp vẫn còn những kẻ mị dân để che đậy lòng dạ ham quyền, háo chức, vinh thân, phì gia. Công tác đấu tranh chống tham nhũng những năm qua đã vạch mặt, chỉ ra nhiều cái tên cụ thể. Họ thường nói những lời hay nhưng lại không làm việc tốt.
Bản chất của mị dân chính là dối trá, lừa gạt nhân dân và cộng đồng. Vì vậy, tác hại của nó là vô cùng nguy hiểm. Bởi mục đích cuối cùng của mị dân là mưu lợi cho cá nhân, bè phái, cánh hẩu, nên sau khi dùng những thủ đoạn bằng mọi cách để lấy lòng số đông công chúng để đạt được chức vụ, tham gia bộ máy công quyền, những kẻ mị dân sẽ không hành động vì lợi ích của số đông công chúng, làm phương hại quyền lực Nhân dân, làm suy thoái bộ máy công quyền.
Từ thực tiễn cuộc sống, lợi dụng vào niềm tin của quần chúng, lôi kéo được số đông vì lợi ích cá nhân, chủ nghĩa dân túy trở thành thủ đoạn chính trị của những kẻ chống đối xã hội hiện tại, cơ hội nhằm nắm lấy thời cơ, lợi dụng tâm lý quần chúng để chia rẽ nội bộ hệ thống chính trị hiện hành và từng bước nắm lấy quyền lực bằng các phương pháp dân chủ. Do vậy, chủ nghĩa dân túy không phải là một hệ thống tư tưởng như cái gọi là “đại diện cho nhân dân”.
Chủ nghĩa dân túy không có sự nhất quán giữa lý thuyết và hành động, giữa nói và làm, nói mà không nghĩ… cốt để lấy lòng công chúng và không mấy khi làm được như lời nói, thậm chí “nói một đằng, làm một nẻo”. Chủ nghĩa dân túy thường đi liền với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tinh thần quốc gia vị kỷ, bành trướng, bá quyền và sự biệt lập văn hóa của mỗi dân tộc.
4. Biểu hiện dân tuý ở Việt Nam hiện nay:
Trên thế giới chủ nghĩa dân tuý đã trở thành trào lưu điển hình chi phối đời sống chính trị – xã hội ở nhiều quốc gia, nhưng ở Việt Nam nó mới chỉ biểu hiện ở những phát ngôn và hành động của một số người. Tuy nhiên, những biểu hiện đó, đã và đang có tác động tiêu cực và có nguy cơ tạo ra những hậu quả không tốt nếu chúng ta không nhận diện và đấu tranh ngăn ngừa kịp thời.
Ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị – xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa”, nhưng trước sự tác động lớn từ phía những diễn biến phức tạp của đời sống chính trị, những biểu hiện chủ nghĩa dân túy xuất hiện và có xu hướng ngày càng phát triển. Thực chất chủ nghĩa dân túy là những lời nói và hành động mang tính chất mị dân, lợi dụng, kích động nhân dân, lấy một số nhóm được coi là “nhân dân” làm nền tảng cho tính chính danh, phục vụ cho mục đích chính trị, kinh tế,… của cá nhân, nhóm, phe phái nhất định, ảnh hưởng đến sự phát triển và lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình kinh tế, chính trị – xã hội ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, quản lý phát triển xã hội hiệu quả còn thấp, công tác xây dựng Đảng ở nhiều nơi chưa được đẩy mạnh;… Những hạn chế đó đã khiến các biểu hiện dân túy vẫn có cơ sở xuất hiện ờ Việt Nam.
– Thứ nhất, một số người lợi dụng chức quyền để đưa những phát ngôn gây sốc, những hành động mị dân để lôi kéo lấy lòng dân chúng.
– Thứ hai, nhân danh dân chủ để đòi “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”.
– Thứ ba, nhân danh “vì tương lai của dân tộc” để đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
– Thứ tư, nhân danh bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh để vu khống, xuyên tạc, đối lập Người với Đảng cộng sản Việt Nam.
5. Một số giải pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện dân tuý ở Việt Nam hiện nay:
Để ngăn ngừa sự lan rộng của biểu hiện dân túy ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể tham khảo và vận dụng các phương pháp dưới đây:
– Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biểu hiện dân tuý ở Việt Nam hiện nay.
– Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức để ngăn chặn các biểu hiện dân tuý của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
– Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác để ngăn chặn cơ hội nảy sinh các biểu hiện dân tuý ở Việt Nam.
– Thứ tư, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong để ngăn chặn các biểu hiện dân tuý ở Việt Nam.
Tóm lại, để chống lại các biểu hiện dân tuý ở Việt Nam hiện nay đó là trách nhiệm không chỉ của riêng các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, của các cơ quan truyền thông, báo chí mà cần phải có sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ đảng viên cộng sản Hồ Chí Minh. Sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân không chỉ hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà nó còn góp phần chống lại sự xâm nhập, ảnh hưởng của biểu hiện dân tuý đến đời sống chính trị ở Việt Nam hiện nay.