Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời vào năm 1995, mặc dù các chính sách ở cửa ủng hộ toàn cầu hóa thương mại đã trở thành tiêu chuẩn nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã làm hồi sinh chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều quốc gia và có chiều hướng phát triển mạnh.
Mục lục bài viết
1. Chủ nghĩa bảo hộ là gì?
Chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) là chính sách của chính phủ nhằm bảo vệ một số nhà sản xuất trong nước chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài thông qua việc dựng lên các hàng rào đối với thương mại quốc tế, chẳng hạn thuế quan và hạn ngạch. Có nhiều luận cứ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ như tạo ra nguồn lao động rẻ mạt, duy trì sự cân bằng của cán cân thanh toán, bảo vệ nền công nghiệp non trẻ, cải thiện tỷ lệ trao đổi, tuy nhiên nhìn chung chúng chỉ phục vụ cho lợi ích cục bộ của từng ngành hoặc của từng địa phương cụ thể nhưng lại ít khi thực sự phục vụ cho lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế.
Trong vài năm gần đây nước ta đã bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế bán phá giá đối với một số mặt hàng vi phạm luật cạnh tranh. Tuy vậy, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện rào cản kỹ thuật cần được rà soát đồng bộ để tạo thành một giải pháp hữu hiệu ứng phó với các quyết định của nước khác gây thiệt hại cho thương mại quốc tế của Việt Nam.
2. Ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ:
Các nhà kinh tế cho rằng chủ nghĩa bảo hộ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi kinh tế, trong khi đó thương mại tự do và việc giảm rào cản thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ nghĩa bảo hộ làm tổn hại đến những người mà đáng lẽ ra phải được giúp đỡ từ chủ nghĩa này. Hầu hết các nhà kinh tế ủng hộ thương mại tự do. Lợi ích từ giao dịch tự do lớn hơn bất kỳ tổn thất nào có thể xảy ra; bởi vì giao dịch tự do tạo ra nhiều công việc hơn là hạn chế, nó cho phép các nước chuyên sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ có lợi thế hơn so với các nước khác. Bảo hộ dẫn đến tổn thất khá nặng; sự mất mát này đối với phúc lợi chung và không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, không giống như trong một thị trường tự do, nơi mà không có tổn thất như vậy.
Chủ nghĩa bảo hộ bị cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh. Bởi chiến tranh liên tục xảy ra trong thế kỷ 17 và 18 ở các nước châu Âu mà chính phủ chủ yếu là người bảo thủ và bảo hộ, Cách mạng Mỹ cũng xuất phát từ biểu thuế và thuế hải quan của Anh, cũng như các chính sách bảo hộ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai.
3. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là gì?
Bảo hộ mậu dịch là thuật ngữ trong kinh tế học quốc tế chỉ việc áp dụng nâng cao một số tiêu chuẩn thuộc các lĩnh vực như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ,… hay việc áp đặt thuế xuất nhập khẩu cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo vệ ngành sản xuất các mặt hàng tương tự (hay dịch vụ) trong một quốc gia nào đó.
4. Lý thuyết và thực tế:
4.1. Về lý thuyết:
Bảo hộ mậu dịch mang lại lợi ích tạm thời cho các nhà sản xuất trong nước, đảm bảo được mục tiêu xã hội, bảo đảm được công ăn việc làm cho một số nhóm người lao động nào đó. Mặt trái là làm cho các nhà sản xuất trong nước có cơ hội đầu cơ trên giá bán hàng hay cung ứng dịch vụ ở mức có lợi nhất cho họ hoặc không có các biện pháp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chính điều này đem lại thiệt hại cho người tiêu dùng xét theo mục tiêu dài hạn.
4.2. Về thực tế:
Các yếu tố chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của một chính phủ trong bảo hộ mậu dịch. Thực tế khác là điều trái ngược xảy ra ngay tại quốc gia kêu gọi chủ trương tự do thương mại toàn cầu. Ở Hoa Kỳ thay vì tăng cường hiệu năng sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh, thì họ lại sẵn sàng chi tài chính để vận động những nhà lập pháp và hành pháp nhằm đưa ra những luật lệ bất bình đẳng. Việc làm đó bị coi là cổ vũ cho chủ nghĩa bảo hộ chứ không phải là tự do mậu dịch.
5. Ưu điểm và nhược điểm của chủ nghĩa bảo hộ:
5.1. Ưu điểm:
Bảo hộ mậu dịch mang lại những ưu điểm sau:
– Làm giảm bớt sức cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu.
– Bảo hộ các nhà sản xuất trong nước, giúp tăng cường thêm sức mạnh trên thị trường nội địa.
– Giúp cho nhà sản xuất tăng sức cạnh tranh để xâm chiếm thị trường nước ngoài.
– Giúp điều tiết cán cân thanh toán quốc tế quốc gia, sử dụng hợp lý nguồn ngoại tệ thanh toán của mỗi nước.
5.2. Nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì chủ nghĩa bảo hộ còn có những nhược điểm sau:
– Làm tổn thương quá trình phát triển thương mại quốc tế, gây ra sự cô lập kinh tế của một nước trong xu thế toàn cầu hóa.
– Gây nên sự ỷ lại, trì trệ trong các nhà kinh doanh nội địa, kết quả là càng bảo hộ mạnh đến đâu thì càng làm cho sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp chiến lược trở lên kém linh hoạt, điều này khiến cho hoạt động đầu tư và kinh doanh không còn hiệu quả.
– Kém đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, chất lượng hàng hóa… Trong nước có chủ nghĩa bảo hộ thì người dân sẽ khó tiếp cận được với sự đa dạng hàng hóa, chất lượng sản phẩm và phải chịu chi phí đắt hơn với những quốc gia mở rộng, hội nhập sâu về thương mại.
Từ những ưu điểm và nhược điểm nêu trên thì ta có thể rút ra kết luận rằng chủ nghĩa bảo hộ luôn là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi và khó lựa chọn đối với mỗi một quốc gia. Khi thực hiện chính sách của chủ nghĩa bảo hộ thì quốc gia đó sẽ phải chịu sức ép vô cùng lớn của chính quốc gia mình và từ các quốc gia khác.
6. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở Việt Nam:
Vấn đề bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng trở nên gay gắt; xung đột vũ trang xảy ra ở một số nơi… đã và đang gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng đang có những tiền đề làm cơ sở vững chắc để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo xu hướng bền vững. Đó là sự ổn định về chính trị và về kinh tế vĩ mô; những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội những năm qua cùng với sự thành công của chiến lược vaccine điều đó đã nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ tiêm vaccine cao nhất thế giới, giúp gia tăng năng lực và khả năng ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, Việt Nam đang là thành viên đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm của 15 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Trong quan hệ thương mại quốc tế, nước ta cần tận dụng cơ hội do các FTA mới tạo ra nhằm mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, tạo lập tại mỗi thị trường chính một số mặt hàng chủ lực chiếm được thị phần ngày càng lớn, để trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp “có đi có lại” nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, ngành công thương tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ. Tập trung theo dõi, phân tích, đánh giá đúng tình hình, kịp thời có giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững thị trường; đồng thời, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn còn đang tiếp diễn và gây ra những khó khăn trong thương mại toàn cầu, nó có thể xảy ra chiến tranh thương mại; nhưng những người ủng hộ mậu dịch tự do, hội nhập quốc tế vẫn chiếm đa số, tạo cơ sở để tin tưởng vào chính sách công bằng trao đổi tự do hàng hoá và dịch vụ, vì lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn thế giới.