Từ xa xưa, con người đã tiến hành nghiên cứu để đưa ra các nguyên tắc, quy luật chứng minh cho các hoạt động khách quan trong đời sống xã hội. Người ta gọi đó là phương pháp luận. Vậy phương pháp luận là gì? Vai trò, phân loại phương pháp luận ra sao?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm phương pháp luận:
– Theo tư tưởng, quan điểm của học thuyết Mác – Lênin, phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc hướng tới việc chỉ ra phương hướng, những nguyên tắc giúp con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và thực tiễn. Hay nói cách khác, phương pháp luận là hệ thống các quan điểm, nguyên lý đã được công nhận về sự chuẩn xác và tính sử dụng hiệu quả.
– Từ xa xưa, khi khoa học bắt đầu phát triển, con người dần sáng tạo, tìm tòi, phát hiện ra những phương pháp luận. Những phương pháp này bắt nguồn từ thực tiễn đời sống của mỗi cá nhân. Nó xuất phát từ thực tiễn, từ những sự việc, sự kiện, quy luật vận động tự nhiên trong đời sống xã hội. Thông qua các hoạt động trong thực tiễn xã hội, các kết quả đạt được từ những thực tiễn vận hành đó, con người sẽ đưa ra những quy tắc hoạt động theo những quy luật đó.
– Phương pháp luận là hệ thống các quan điểm mang tính khoa học, được áp dụng trong thực tiễn và thu được kết quả. Nó được xem là những phương pháp mang tính quy chuẩn, triết lý, đảm bảo thể hiện các sự kiện vận hành khách quan của tự nhiên, đời sống thực tiễn xã hội. Về cơ bản, nó là một hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ các quy luật khách quan, thường dùng để điều chỉnh các hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu đã định sẵn.
2. Vai trò của phương pháp luận:
Phương pháp luận có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc định hướng hướng đi, hoạt động cho con người; cũng như sự phát triển chung của trật tự xã hội. Cụ thể như sau:
– Phương pháp luận giúp con người có những cơ sở, căn cứ nền tảng, khoa học về mặt lý thuyết trong việc định hướng hoạt động cho con người. Xã hội loài người là sự đa dạng về chủ thể sống, tham gia xây dựng xã hội, cũng như các quy luật xoay quanh sự vận hành của xã hội. Có thể khẳng định rằng, mọi phương diện, lĩnh vực trong thực tiễn xã hội đều có những nguyên tắc vận hành, quy luật phát triển nhất định. Thông qua những phương pháp luận, con người sẽ điều chỉnh được hành vi của bản thân, đưa ra những phương thức điều chỉnh hoạt động của bản thân sao cho đúng với các quy chuẩn mang tính triết lý trong đời sống xã hội.
– Mọi sự vật, sự việc trong đời sống xã hội đều tồn tại, vận động một cách khách quan. Con người chỉ là một trong những chủ thể nhỏ bé của giới tự nhiên. Vậy nên, con người khi sống phải thuận theo tự nhiên, phải dựa vào những quy luật phát triển chung của tự nhiên mà sống và tồn tại. Để có thể nâng cao chất lượng sống cho bản thân và cộng động (hay còn nói là nâng cấp bản thân), con người buộc phải tìm ra những quy luật chung về sự thích ứng, mối quan hệ tự nhiên, khách quan giữa con người và tự nhiên, giữa người với người. Khi tìm ra được bản chất của vạn vật, con người sẽ tìm ra cho mình hướng đi đúng, nhằm phát triển bản thân một cách toàn diện nhất. Xa hơn nữa là xây dựng một xã hội văn minh, phát triển. Đây được xem là vai trò, ý nghĩa nổi bật nhất của phương pháp luận.
– Phương pháp luận là hệ thống quan điểm lý luận, mang tính triết lý được con người tìm tòi và sáng tạo ra từ bao đời. Nó được xem là kim chỉ nam điều chỉnh các hoạt động thực tiễn của con người; giúp con người nắm bắt được thực tiễn vận hành của xã hội, của giới tự nhiên, từ đó đưa ra phương hướng hoạt động tốt nhất cho bản thân và cộng đồng. Phương pháp luận là căn cứ lý luận, có vai trò đặc biệt quan trọng trong các công trình nghiên cứu khoa học của con người. Có phương pháp luận, bài nghiên cứu của chúng ta không những logic trong cấu trúc câu từ mà nội dung có sức thuyết phục rất cao. Phương pháp luận có ý nghĩa như cách để xác định hướng đi cho tiến trình nghiên cứu một đề tài và tìm ra cấu trúc logic nhất cho các công trình khoa học hiện tại. Không chỉ vậy, phương pháp luận cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đề ra các phương pháp tổ chức, quản lý nghiên cứu hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, cách để nâng cao tiềm lực khoa học và để các công trình khoa học đạt hiệu quả cao.
Mỗi công trình nghiên cứu khoa học đều có những vai trò sâu sắc trong việc đề ra các phương pháp, hướng giải quyết cho các vấn đề còn tồn tại tiêu cực trong xã hội, từ đó đề ra phương hướng giải quyết để phát triển nhà nước, xã hội và đời sống con người một cách tốt nhất. Phương pháp luận là đòn bẩy để những công trình nghiên cứu khoa học đạt được những giá trị tối ưu nhất. Vậy nên, có thể thấy, phương pháp luận có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng hệ thống các quan điểm lý luận, thực tiễn hoạt động, đề ra hướng đi đúng đắn cho con người. Nhờ phương pháp luận, con người sẽ đề ra được những phương hướng hoạt động nhằm phát triển bản thân, phát triển cộng đồng, xã hội.
3. Phân loại phương pháp luận:
Phương pháp luận gồm có 2 loại chính sau: Phương pháp luận bộ môn (phương pháp luận ngành) và phương pháp luận chung.
3.1. Phương pháp luận bộ môn (phương pháp luận ngành):
– Phương pháp luận bộ môn hay phương pháp luận môn học là phương pháp luận được sử dụng trong phạm vi của một hay vài môn học bất kỳ. Phạm vi điều chỉnh, áp dụng của phương pháp luận bộ môn tương đối hẹp. Đối với loại phương pháp luận bộ môn này, con người sẽ áp dụng vào việc nghiên cứu, hoạt động môn học riêng biệt. Hay nói cách khác, ở từng môn học, dựa vào đặc điểm, tính chất của môn học đó mà sẽ có phương pháp luận điều chỉnh khác nhau.
– Phương pháp luận bộ môn hoạt động theo tính chất của từng môn học. Phương pháp này được áp dụng trong bộ môn bất kỳ nhằm giúp hoạt động nghiên cứu đạt kết quả; con người sẽ dựa vào hệ thống phương pháp ngành để tích lũy kiến thức, là cơ sở để áp dụng kiến thức môn học vào thực tiễn đời sống. Về nguyên tắc, ở phương pháp này, các nguyên tắc và quan điểm được rút ra từ một lý thuyết khoa học chuyên ngành phải phản ánh được quy luật của một lĩnh vực cụ thể như triết học, kiểm toán, văn học, toán học,… Tức phương pháp luận chuyên ngành phải đi sâu vào thể hiện triết lý của môn học cũng như nguyên tắc hoạt động của môn học đó.
– Hiện nay, ở nước ta, hệ thống các môn học chuyên ngành, mang tính khoa học cao ngày càng nhiều, Khi học tập, nghiên cứu các bộ môn này, người học phải đặt ra cho bản thân những phương pháp nghiên cứu cụ thể. Có như vậy, người học mới hiểu, nghiên cứu sâu và đạt được kết quả khi hoàn thành môn học. Phương pháp luận bộ môn giúp người học hoàn thành được nhiệm vụ này.
3.2. Phương pháp luận chung :
Nếu phương pháp luận bộ môn là phương pháp luận đi sâu và nghiên cứu từng bộ môn, đưa ra phương hướng nghiên cứu môn học đó cho người học, thì phương pháp luận chung là phương pháp luận được bao hàm sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Phương pháp luận chung được chia nhỏ thành 2 cấp độ khác nhau, đó là phương pháp luận chung và phương pháp luận chung nhất.
– Phương pháp luận chung: Là phương pháp dùng để xác định phương pháp hay phương pháp luận của nhóm có đối tượng được nghiên cứu chung. Ở phương pháp luận này, người nghiên cứu sẽ sử dụng một hoặc một vài phương pháp chung để tiến hành nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhóm đối tượng. Tại phương pháp này, việc nghiên cứu mang tính chất tổng quan chung, không đi sâu vào nghiên cứu từng đặc điểm, tính chất của đối tượng. Nói cách khác, phương pháp luận chung là phương pháp mang tính chất tổng hợp chung, áp dụng nghiên cứu cho nhiều nhóm đối tượng.
– Phương pháp luận chung nhất: Là phương pháp thể hiện chung nhất để mô tả tổng quan nhất các nguyên tắc, quan điểm khái quát. Phương pháp này được sử dụng như cơ sở để xác định phương pháp luận chung và phương pháp luận ngành.