Nhà trường được phép thu các khoản phí nào? Đầu năm học, nhà trường được phép thu các khoản nào của học sinh theo quy định của pháp luật?
Khi bước vào đầu năm học, chắc hẳn các em học sinh đang rất háo hức khi chuẩn bị được gặp thầy cô, bạn bè của mình. Khi đó, các bậc phụ huynh cũng đã sẵn sàng chuẩn bị các chi phí để mua sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ cho con em của mình nhập học. Ngoài các khoản chi phí về sách vở, đồ dùng hoc tập thì các bậc phụ huynh cũng phải chuẩn bị các khoản học phí để nộp cho nhà trường nơi mà con em mình đang theo học. Vậy nhà trường được phép thu những khoản phí nào vào đầu năm học?
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí;
– Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012;
– Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
– Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm;
– Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên;
– Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quyết định ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố hà nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao);
– Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Nhà trường chỉ được phép thu những khoản phí sau của học sinh vào đầu năm học:
Mục lục bài viết
- 1 1. Học phí:
- 2 2. Bảo hiểm y tế học sinh:
- 3 3. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
- 4 4. Tiền quần áo đồng phục, tiền quần áo thể dục thể thao, tiền phù hiệu:
- 5 5. Tiền về phục vụ bán trú như: tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú:
- 6 6. Thu, chi học 2 buổi/ngày:
- 7 7. Mức thu chi học phẩm cho học sinh mầm non:
- 8 8. Mức thu chi nước uống học sinh:
- 9 9. Viện trợ, quà, biếu, tặng, cho:
1. Học phí:
Học phí chính là một khoản tiền mà người học (hoặc phụ huynh học sinh) phải nộp cho cơ sở giáo dục, đào tạo để chi trả một phần hoặc chi trả toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Mức học phí sẽ được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí về dịch vụ giáo dục, đào tạo mà pháp luật quy định.
1.1. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (gồm có giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông) công lập
– Mức thu học phí đối với các cơ sở này sẽ được xây dựng dựa theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, nguyên tắc phù hợp với những điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, phù hợp với khả năng đóng góp thực tế của những người dân và phù hợp với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng về kinh tế hàng năm của nước ta.
– Lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo sẽ phải theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm về chất lượng giáo dục.
– Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí có quy định về khung học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên vào năm học 2022 – 2023 thì không được vượt mức trần mà pháp luật quy định, cụ thể như sau:
+ Đối với vùng thành thị: khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non là từ 300.000 đến 540.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục tiểu học là từ 300.000 đến 540.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục trung học cơ sở là từ 300.000 đến 650.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông là từ 300.000 đến 650.000 đồng/tháng/học sinh.
+ Đối với vùng nông thôn: khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non là từ 100.000 đến 220.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục tiểu học là từ 100.000 đến 220.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục trung học cơ sở là từ 100.000 đến 270.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông là từ 200.000 đến 330.000 đồng/tháng/học sinh.
+ Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi: khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non là từ 50.000 đến 110.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục tiểu học là từ 50.000 đến 110.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục trung học cơ sở là từ 50.000 đến 170.000 đồng/học sinh/tháng; đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông là từ 100.000 đến 220.000 đồng/tháng/học sinh.
– Điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí có quy định về khung học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên vào năm học 2022 – 2023: tối đa sẽ bằng 2 lần của mức trần học phí của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên
– Điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí có quy định về khung học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư vào năm học 2022 – 2023: tối đa sẽ bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
1.2. Mức thu học phí đối với các trường đại học:
– Điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí có quy định về nguyên tắc xác định học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì về mức học phí sẽ không được vượt quá mức trần mà pháp luật quy định. Mức trần học phí được pháp luật quy định trong năm 2022-2023 được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này, cụ thể như sau:
+ Đối với khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: mức trần sẽ là 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành II: Nghệ thuật: mức trần sẽ là 1.200.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật: mức trần sẽ là 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: mức trần sẽ là 1.350.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin,……: mức trần sẽ là 1.450.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác: mức trần sẽ là 1.850.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành VI.2: Y dược: mức trần sẽ là 2.450.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi,…: mức trần sẽ là 1.200.000 đồng/sinh viên/tháng.
– Điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí quy định đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì về mức học phí sẽ được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
– Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về quy chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì về mức học phí sẽ được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
2. Bảo hiểm y tế học sinh:
Tại khoản 21 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 có quy định bảo hiểm y tế học sinh chính là loại bảo hiểm y tế do nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng dành cho những đối tượng là học sinh, sinh viên.
Tại điểm đ khoản 1 Điều 7 và điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có quy định mức đóng bảo hiểm y tế học sinh sẽ là bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong thời điểm năm 2022 thì mức lương cơ sở được nhà nước quy định là 1.490.000 đồng. Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế học sinh hàng tháng sẽ là 4,5% x 1.490.000 đồng = 67.050 đồng/tháng, trong đó học sinh sẽ được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng.
3. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
Tại Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có quy định đối với công tác dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì nhà trường sẽ thu tiền học thêm nhằm mục đích để chi trả khoản thù lao cho những giáo viên thực hiện trực tiếp dạy thêm, thực hiện công tác quản lý dạy thêm, học thêm tại nhà trường; để chi trả tiền điện, tiền nước và sửa chữa các cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy thêm, học thêm và đối với mức thu tiền học thêm sẽ do sự thỏa thuận, thống nhất giữa phụ huynh học sinh với nhà trường
Nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm tổ chức thu và chi và phải thực hiện công khai thanh, quyết toán số tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường
Đối với các giáo viên thực hiện công tác dạy thêm trong nhà trường không được trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
4. Tiền quần áo đồng phục, tiền quần áo thể dục thể thao, tiền phù hiệu:
Tại Điều 9 của Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên có quy định kinh phí cho việc may, mua hay thuê, mượn những đồng phục và lễ phục sẽ phải lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, từ đóng góp của các học sinh, sinh viên hoặc từ các nguồn thu hợp pháp khác và kinh phí đó phải được công khai thu, chi.
5. Tiền về phục vụ bán trú như: tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú:
Về khoản tiền này sẽ phụ thuộc vào từng địa phương quy định phù hợp với những điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Ví dụ như ở Thành phố Hà Nội, theo Điều 3 Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quyết định ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố hà nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) thì tiền ăn sẽ do sự thỏa thuận và nhất trí giữa phụ huynh học sinh và nhà trường; còn đối với tiền chăm sóc bán trú sẽ do thoả thuận giữa hai bên nhưng tối đa sẽ là 150.000 đồng/tháng/học sinh; đối với tiền trang thiết bị phục vụ bán trú, sẽ do hai bên thoả thuận và không được phép vượt mức tối đa mà cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định.
6. Thu, chi học 2 buổi/ngày:
Về khoản tiền này sẽ phụ thuộc vào từng địa phương quy định phù hợp với những điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Ví dụ như ở Thành phố Hà Nội, theo Điều 4 Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quyết định ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố hà nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) thì với học sinh tiểu học không được vượt quá 100.000 đồng/học sinh/tháng còn với học sinh Trung học cơ sở không được vượt quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.
7. Mức thu chi học phẩm cho học sinh mầm non:
Về khoản tiền này sẽ phụ thuộc vào từng địa phương quy định phù hợp với những điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Ví dụ như ở Thành phố Hà Nội, theo Điều 5 Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quyết định ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố hà nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) thì đối với học sinh mầm non không được vượt quá 150.000 đồng/học sinh/năm học
8. Mức thu chi nước uống học sinh:
Về khoản tiền này sẽ phụ thuộc vào từng địa phương quy định phù hợp với những điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Ví dụ như ở Thành phố Hà Nội, theo Điều 6 Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quyết định ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố hà nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) thì tối đa 12.000 đồng/tháng
9. Viện trợ, quà, biếu, tặng, cho:
Tại Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì các cơ sở giáo dục, đào tạo được vận động, tiếp nhận những khoản tài trợ nhằm mục đích thực hiện các nội dung sau:
– Mua sắm trang bị thiết bị và đồ dùng để phục vụ dạy và học; các thiết bị phục vụ việc nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa và xây dựng những hạng mục công trình mà phục vụ cho hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục, đào tạo của mình
– Hỗ trợ các hoạt động giáo dục, đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục, đào tạo của mình.
Cơ sở giáo dục không được phép vận động tài trợ để chi trả các khoản như: thù lao giảng dạy; những khoản chi có liên quan trực tiếp cho những cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên,….