Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống của con người ngày càng được nâng cao. Các hoạt động sản xuất hàng hóa được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vậy sản xuất hàng hóa ở Việt Nam có những ưu điểm, nhược điểm gì? Giải pháp nào cần đưa ra để khắc phục những nhược điểm hiện có, nhằm thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất hàng hóa tại Việt Nam?
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Khái niệm sản xuất hàng hóa là gì?
Sản xuất hàng hóa được hiểu là kiểu tổ chức kinh tế mà trong đó, sản phẩm được sản xuất ra không phải để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính người trực tiếp sản xuất mà là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người khác, thông qua hoạt động trao đổi, mua bán.
Mục đích chính của sản xuất hàng hóa là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng con của người thông qua hoạt động trao đổi, mua bán.
Sản xuất hàng hóa có những đặc trưng cơ bản sau:
+ Sản xuất hàng hóa là sản xuất để trao đổi, mua bán, không phải để người sản xuất ra nó tiêu dùng.
+ Lao động của người sản xuất hàng hóa vừa mang tính chất tư nhân, vừa mang tính xã hội. Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội là cơ sở, mầm mống của khủng hoảng trong kinh tế hàng hóa.
+ Mục đích của sản xuất hàng hóa là giá trị, là lợi nhuận chứ không phải là giá trị sử dụng.
Thực tế, xã hội tiên tiến, phát triển, mức sống của con người cao. Do vậy nhu cầu sản xuất các loại hình, mặt hàng hàng hóa đa dạng nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng càng được đẩy mạnh. Điều này thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất hàng hóa.
Sản xuất hàng hóa được xem là quan hệ sản xuất mới, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Nó có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa nước nhà.
Việt Nam là một nước đang phát triển. Sản xuất hàng hóa được xem là hình thức thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế thị trường nói chung. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hết sức coi trọng hoạt động thương mại này. Những thông tư, nghị định được Nhà nước đưa ra nhằm bình ổn sự phát triển của lĩnh vực này. Những hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ thị trường, hay sự ra đời ngày càng nhiều của các doanh nghiệp, công ty …là minh chính xác thực nhất cho việc coi trọng, đề cao hoạt động sản xuất hàng hóa ở nhà nước ta.
2. Ưu điểm của sản xuất hàng hóa ở Việt Nam:
Nền sản xuất hàng hóa ở nước ta là nền sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Sản xuất hàng hóa ở Việt Nam mang đầy đủ những thuộc tính chung của sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, nó mang đặc thù của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Sản xuất hàng hóa ở Việt Nam có những ưu điểm cụ thể như sau:
– Sản xuất hàng hóa ở Việt Nam đã và đang khai thác những điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên vốn có để sản xuất sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng. Đây được xem là ưu điểm nổi bật của hoạt động sản xuất ở nước ta. Tận dụng tối đa những tài nguyên vốn có để sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu sống của con người. Điều này giúp quá trình sản xuất trở nên dễ dàng hơn, khi nguyên liệu là những vật thể sẵn có trong tự nhiên. Sử dụng nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tận dụng triệt để nguồn tài nguyên sẵn có của nước nhà.
Ví dụ: Làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt – làng nghề ươm tơ kéo dài hàng ngàn năm lịch sử, người dân đã tận dụng quy luật phát triển của sinh vật tằm trong tự nhiên (kết kén, nhả tơ) để sản xuất ra vải.
– Sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần hình thành nên đội ngũ lao động có chuyên môn và tay nghề cao. Như đã nói, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống của con người ngày càng cao, điều này đòi hỏi hoạt động sản xuất hàng hóa phải được đẩy mạnh. Khi sản xuất hàng hóa được đẩy mạnh với những hình thức, mô hình khác nhau, sẽ đòi hỏi người sản xuất đưa ra những hình thức sản xuất mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Kéo theo đó, người lao động phải trang bị cho bản thân kiến thức, bản lĩnh tay nghề chắc chắn. Những yếu tố này giúp hình thành lên đội ngũ nhân lực lao động tiên tiến, hiện đại.
– Nhà nước đặc biệt coi trọng, quan tâm và đầu tư đến hoạt động sản xuất hàng hóa. Khi các nước phương Tây, tư bản đang trên đà phát triển, thì Việt Nam ta phải đối mặt với thực dân xâm lược. Cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc kéo dài qua rất nhiều năm, điều này kìm hãm sự phát triển của đất nước. Do vậy, ngay sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, bước vào giai đoạn đổi mới, Đảng và Nhà nước đã từng bước đưa ra những kế hoạch 5 năm, 10 năm nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Mà trong những kế hoạch dài hạn đó, luôn có hoạt động đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Có thể nói, sản xuất hàng hóa được xem là một trong những nhân tố quan trọng, đưa đất Việt Nam từ một nước kém phát triển bước lên đà phát triển. Vậy nên, hoạt động sản xuất hàng hóa luôn nhận được sự quan tâm, đẩy mạnh đầu tư từ phía Đảng và nhà nước.
– Sản xuất hàng hóa ở Việt Nam phát triển làm cho đời sống vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng được tăng cao, phong phú và đa dạng. Quan hệ hàng hoá, tiền tệ, quan hệ thị trường ngày càng được chủ thể sản xuất hàng hoá vận dụng có hiệu quả hơn và từ đó ngoài các quan hệ kinh tế phát triển mà các quan hệ pháp lý xã hội, tập quán, tác phong cũng thay đổi. Những nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ cuộc sống của người dân được đáp ứng, sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của con người. Sản xuất hàng hóa phát triển, tạo tiền đề cho người dân ổn định , tự do, thoải mái, có cơ sở nền tảng để xây dựng cuộc sống.
3. Nhược điểm của sản xuất hàng hóa ở Việt Nam:
– Sản xuất hàng hóa phát triển thúc đẩy sự phân hóa đời sống dân cư, kéo theo sự phân hóa giàu nghèo. Thời kỳ đất nước kém phát triển, người dân Việt Nam thường hướng theo nền kinh tế tự cung tự cấp. Vì vậy, sản xuất hàng hóa giống như đòn bẩy, đưa người sản xuất lên một cuộc sống mới. Hay nói cách khác, đó là quy luật thích nghi. Ai không thích nghi, theo kịp sự phát triển của hoạt động sản xuất hàng hóa thì sẽ bị bỏ lại phía sau của sự phát triển. Đây được xem là hạn chế lớn nhất của hoạt động sản xuất hàng hóa ở Việt Nam.
– Sản xuất hàng hóa khiến tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống bị tàn phá và ô nhiễm. Tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có trong tự nhiên để sản xuất vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của sản xuất hàng hóa ở nước ta. Môi trường sinh thái bị ảnh hưởng vô cùng lớn do hoạt động sản xuất hàng hóa: nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, lượng rác thải ngày càng nhiều,… Có thể nói, hệ sinh thái đang dần bị mất cân bằng. Kinh tế phát triển đi kèm hậu quả là ô nhiễm môi trường, và sản xuất hàng hóa được xem là một trong những tác nhân gây ra sự mất cân bằng này.
– Sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu sống, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của sản xuất hàng hóa kéo theo những hệ lụy không mong muốn. Điển hình là việc sức khỏe của con người không được đảm bảo. Trên thị trường xuất hiện tràn lan đủ loại hình hàng hóa, bao gồm cả những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Người dân là cá thể trực tiếp sử dụng những mặt hàng này, và sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Đây là một trong lý do khiến tỷ lệ bệnh nhân ung thư ở nước ta ngày càng nhiều.
4. Giải pháp nâng cao sản xuất hàng hóa ở Việt Nam:
– Nhà nước cần đưa ra những chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất hàng hóa, đồng thời cân bằng yếu tố sản xuất với việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Nhà nước cần đưa ra những chế tài xử lý nghiêm những hành vi sai trái trong hoạt động sản xuất hàng hóa, nhằm hạn chế đến mức tối đa những mặt hàng kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
– Các doanh nghiệp, công ty, chủ thể điều hành và tham gia sản xuất hàng hóa phải hiểu được ý nghĩa, giá trị thực sự của những mặt hàng mình tạo lập lên. Có như vậy, mới đảm bảo được chất lượng của hàng hóa được sản xuất, nâng cao tay nghề của người sản xuất. Sản xuất là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, nâng cao chất lượng sản xuất, nâng cao tay nghề chính là góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên.
– Mục đích lớn nhất của sản xuất hàng hóa tại Việt Nam là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh, phân biệt được hàng hóa chất lượng và kém chất lượng. Khi người dân nâng cao ý thức, thì những sản phẩm kém chất lượng sẽ không thể tràn lan trên thị trường. Từ đó góp phần đảm bảo chất lượng của các mặt hàng được sản xuất.