Nguồn tìm phòng trọ? Vị trí phòng trọ? Giá phòng trọ? Tìm hiểu về an ninh phòng trọ? Tìm hiểu về nội quy phòng trọ? Kiểm tra chủ trọ là ai? Ký kết hợp đồng thuê trọ?
Sau khi có kết quả thi đại học, cao đẳng và có giấy báo nhập học của các trường đại học, cao đẳng thì công việc tiếp theo của các tân sinh viên đó là “xách balo lên mà đi”. Khi các tân sinh viên đến nhập học tại ngôi trường mà mình hằng ao ước thì chắc hẳn cũng rất vui mừng và háo hức, tuy nhiên xen kẽ với các cảm xúc hào hứng đó thì nỗi lo làm sao tìm được phòng trọ ưng ý về cả giá tiền cũng như sự thuận tiện cũng không kém phần. Vậy sau đây sẽ là cẩm nang kinh nghiệm đi thuê phòng trọ cho tân sinh viên mà các bạn nên lưu ý.
Mục lục bài viết
1. Nguồn tìm phòng trọ:
Khi các tân sinh viên chuẩn bị nhập học tại các thành phố, tỉnh thành khác nơi mình sinh sống thì vấn đề về giao thông, địa chỉ, ngóc ngách tại những nơi đó vẫn còn khá lạ lẫm. Chính vì thế khi tìm phòng trọ thì các tân sinh viên nên nhờ người quen tìm hộ nếu có hoặc có thể tìm trên các trang mạng xã hội, nhóm chuyên về cho thuê phòng trọ ví dụ như Facebook, Zalo,… hoặc tự đi tìm trực tiếp.
2. Vị trí phòng trọ:
Hiện nay, đối với dịch vụ cho thuê phòng trọ diễn ra rất nhiều vì thế để tìm được một phòng trọ thì khá là đơn giản. Tuy nhiên, làm sao để tìm được một phòng trọ thuận tiện cho việc đi lại giữa trường học và nơi ở mới là vấn đề. Vì thế, khi các tân sinh viên đi tìm phòng trọ thì trước nhất nên khoanh vùng vị trí nơi mình cần thuê tránh tìm lan man mất thời gian cũng như công sức. Tân sinh viên nên ưu tiên những vị trí gần trường học, gần chợ hoặc siêu thị vì khi nơi ở gần hai địa điểm đó thì sẽ giúp cho các tân sinh viên tiết kiệm được thời gian di chuyển, nhất là đối với các sinh viên không có phương tiện cá nhân, thứ hai là tiết kiệm được chi phí ăn uống vì khi gần chợ các sinh viên sẽ dễ di chuyển để mua đồ ăn về tự nấu chứ không đi ăn ở ngoài quán.
3. Giá phòng trọ:
Giá cả là tiêu chí gần như quan trọng nhất đối với mọi người (kể cả sinh viên hay người đi làm) khi đi tìm phòng trọ. Đương nhiên theo câu nói “tiền nào của ấy” thì đối với phòng trọ cũng thế, những phòng trọ có vị trí tốt, cơ sở vật chất tốt thì mức giá phòng trọ cũng sẽ khác hơn so với những phòng trọ có cơ sở vật chất không tốt, vị trí không thuận. Cơ sở vật chất ở đây đó chính là xét về những cơ sở vật chất ở trong phòng trọ, ví dụ như điều hoà, bình nóng lạnh, máy giặt, nơi để xe, phòng trọ ẩm thấp hay thoáng mát,…Ngoài giá tiền phòng trọ thì giá tiền về điện, nước, wifi, vệ sinh, trông giữ xe cũng cần phải lưu ý. Tuy nhiên, việc tìm phòng trọ có giá như thế nào, phòng trọ đó có cơ sở vật chất ra sao cũng phải phụ thuộc vào mục đích của người thuê, dựa vào túi tiền của người thuê. Nếu sinh viên muốn tìm những phòng trọ có đầy đủ tiện nghi thì đương nhiên giá tiền phòng trọ sẽ cao, khi đó các sinh viên có thể tìm thêm người ở ghép để san sẻ tiền phòng với mình.
4. Tìm hiểu về an ninh phòng trọ:
Để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như những tài sản trong phòng thì những tân sinh viên nên tìm những phòng trọ, khu trọ có an ninh tốt. Khu trọ mà các tân sinh viên thuê ở nên có camera giám sát ở ngoài cổng hoặc ở dãy hành lang chung, việc phòng trọ khu trọ có camera giám sát 24/24 sẽ giúp cho chủ nhà dễ quản lý hơn đồng thời người thuê cũng an tâm hơn về an ninh khu trọ mình ở. Ngoài ra, tân sinh viên nên xem xét kỹ về công tác phòng cháy chữa cháy tại khu mình dự định thuê để đảm bảo an toàn tốt nhất cho bản thân. Trước khi ký kết hợp đồng thuê nhà ở tân sinh viên nên tìm hiểu kỹ khu trọ mình đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy hay chưa hoặc hệ thống báo cháy như thế nào, hệ thống chữa cháy ra sao, có hệ thống thoát hiểm hay không,…Tân sinh viên cũng nên để ý về vấn đề xung quanh vị trí của khu trọ mình thuê có đông dân cư hay không, đèn đường có hoạt động tốt không hoặc cổng nhà trọ có chặt chẽ không, hệ thống khoá có đảm bảo đủ an toàn và sử dụng tốt hay không.
5. Tìm hiểu về nội quy phòng trọ:
Tân sinh viên trước khi quyết định ký hợp đồng thuê trọ và chuyển đồ đến ở nên tìm hiểu kỹ về nội quy nơi mà mình chuẩn bị đến. Tìm hiểu nội quy phòng trọ có đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật quy định không, có đảm bảo được quyền và lợi ích của người thuê hay không. Đặc biệt, có những khu trọ đưa ra quy định là không được nuôi động vật trong khu trọ như nuôi chó, mèo,..vì thế nếu tân sinh viên nào có ý định nuôi động vật thì nên tìm hiểu kỹ tránh trường hợp làm sai quy định của khu trọ. Hoặc có những khu trọ có quy định riêng về nơi nấu ăn, giặt đồ, phơi đồ, giờ giấc sinh hoạt nên nếu những tân sinh viên có ý định thuê những khu trọ có quy định riêng về những vấn đề này cũng phải tìm hiểu xem những quy định đó có phù hợp với mục đích của mình hay không.
6. Kiểm tra chủ trọ là ai:
Hiện nay, tình trạng lừa đảo phòng trọ diễn ra khá phổ biến, nhất là trong thời gian đầu năm học tân sinh viên lên nhập học. Chính vì thế, đã có nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý của hầu hết mọi người là muốn nhanh chóng tìm được phòng trọ đẹp, hợp túi tiền và thời gian gấp gáp vì sắp nhập học của tân sinh viên với mục đích lừa đảo tiền đặt cọc.
Hành vi của những đối tượng lừa đảo khá là tinh vi, và chính vì nắm bắt được tâm lý của người thuê nên chúng khá dễ dàng đưa người thuê “vào tròng”. Thông thường, những đối tượng lừa đảo này sẽ đăng thông tin, hình ảnh của phòng trọ lên các trang mạng xã hội như Facebook, Telegram,… hoặc quảng cáo ở các kênh cho thuê trọ để những sinh viên tìm trọ biết đến. Sau khi có đối tượng hỏi thuê trọ, những người này trước hết “thuyết trình” về những lợi ích, tiện nghi, giá cả của phòng trọ nhằm đánh vào tâm lý của người thuê, đặc biệt là những tân sinh viên chưa có kinh nghiệm về vấn đề thuê trọ, sau khi đạt được mục tiêu thì những đối tượng lừa đảo này sẽ bắt người thuê phải đặt cọc ngay để giữ chỗ mặc dù người thuê họ còn chưa biết đến phòng trọ như thế nào.
Những đối tượng lừa đảo này thường không phải chính chủ của khu trọ, họ không được chủ trọ uỷ quyền được thay mặt chủ trọ cho thuê nhà trọ. Chính vì vậy, trước khi thuê trọ, tân sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ về chủ trọ là ai, người trực tiếp đưa thông tin với mình họ có phải là chính chủ của khu trọ hay không hoặc họ có được sự uỷ quyền của chủ trọ hay không.
Những tân sinh viên khi đi thuê trọ, để tránh trường hợp này xảy ra thì trước khi xuất tiền đặt cọc hoặc trước khi ký kết hợp đồng thuê thì tân sinh viên nên đi xem phòng trước và khi đi xem phòng các tân sinh viên không nên đi một mình mà nên đi với bạn bè, người thân. Lưu ý, khi đi xem phòng thì các tân sinh viên nên tìm hiểu trước về địa chỉ của khu trọ mà mình dự tính đến xem và không nên đi xem phòng vào buổi tối nhất là đối với những bạn nữ.
Khi đến xem phòng, các tân sinh viên cũng nên quan sát môi trường xung quanh khu trọ xem khu trọ mình đến có những đối tượng thuê nào, ví dụ khu trọ hầu hết là sinh viên hay có cả người đi làm bởi vì đôi khi khu trọ có đa dạng đối tượng đến trọ thì cũng khá ảnh hưởng đến các tân sinh viên. Hoặc có thể khi đến xem phòng, tân sinh viên có thể chủ động hỏi thăm người đang thuê trọ ở đó hoặc người xung quanh khu trọ về ý kiến của họ khi sống ở đây như hỏi về an ninh tốt không, đã xảy ra tình trạng mất đồ bao giờ hay chưa, những người thuê trọ ở đây có ai dính tệ nạn xã hội hay không,…
7. Ký kết hợp đồng thuê trọ:
Khi đã tìm hiểu kỹ các vấn đề nêu trên, nếu các tân sinh viên thấy khu trọ, phòng trọ phù hợp với bản thân mình thì tiến hành ký kết hợp đồng thuê nhà ở. Khi ký kết hợp đồng thuê nhà trọ, các tân sinh viên nên lưu ý những vấn đề sau:
– Hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải được lập thành văn bản: nếu chủ trọ không ký kết hợp đồng thuê trọ với mình bằng văn bàn thì các tân sinh viên không nên thuê những chỗ ở như thế này. Vì nếu không ký kết hợp đồng thuê nhà ở bằng văn bản thì sẽ không đúng theo quy định của pháp luật, khi đó sẽ không đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp cho người thuê cũng như củ trọ. Tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định rõ: “Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản”.
– Đọc kỹ các nội dung trong hợp đồng: nội dung trong hợp đồng thuê nhà phải đầy đủ các nội dung sau đây:
+ Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên
+ Đặc điểm của phòng/căn hộ cho thuê: ví dụ như phòng trọ rộng bao nhiêu, đồ đạc trong phòng gồm những gì, tình trạng của phòng trọ và các đồ vật như thế nào,…
+ Giá cho thuê và phương thức thanh toán: ví dụ giá cho thuê là X VNĐ, thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản, nếu phương thức chuyển khoản thì chuyển khoản qua số tài khoản của ngân hàng nào chủ tài khoản là ai, thanh toán theo một tháng một hay định kỳ mấy tháng một lần
+ Thời hạn cho thuê là bao lâu và thời gian giao nhận phòng trọ
+ Quyền, nghĩa vụ và cam kết của các bên
+ Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng giữa các bên
+ Giá thoả thuận về tiền đặt cọc
+ Quy định về thanh lý hợp đồng
+ Giá tiền điện, nước, wifi,…và thời hạn đóng những khoản tiền này
Trong hợp đồng ký kết thuê trọ, hai bên có thể thoả thuận với nhau về những vấn đề khác như vấn đề đăng ký tạm trú,…