Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên Việt Nam với những hoạt động năng nổ và tích cực. Tổ chức cơ sở Đoàn là nền tảng để thực hiện tốt nhiệm vụ của Đoàn hiện nay.Vậy Tổ chức cơ sở đoàn là gì? Gồm các đơn vị nào? Nhiệm vụ là gì?
Mục lục bài viết
1. Tổ chức cơ sở đoàn là gì?
Tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 17 Điều lệ Đoàn khóa XI). Tổ chức cơ sở Đoàn có thể trực thuộc Đoàn cấp huyện, Đoàn cấp tỉnh tùy thuộc vào tính đặc thù của từng đơn vị.
2. Tổ chức cơ sở đoàn gồm các đơn vị nào?
Tổ chức cơ sở Đoàn gồm:
– Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ hai chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập Đoàn cơ sở;
– Chi đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Đơn vị có ba đoàn viên trở lên được thành lập chi đoàn. Nếu chưa đủ ba đoàn viên thì Đoàn cấp trên giới thiệu đến sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở Đoàn thích hợp. Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn.
+ Chi đoàn có dưới 9 đoàn viên chỉ bầu Bí thư, Phó Bí thư; từ 9 đoàn viên trở lên bầu Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở bầu Ban Thường vụ (nếu có), Bí thư, Phó Bí thư.
3. Nhiệm vụ tổ chức cơ sở đoàn là gì?
Theo Điều 18 Điều lệ Đoàn khóa XI thì tổ chức cơ sở đoàn có các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi. Nhiệm vụ này thể hiện sự gắn bó giữa người đoàn viên thanh niên với tổ chức đoàn. Tổ chức cơ sở đoàn tạo mọi điều kiện tối thiểu, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng cho đoàn viên, thanh niên, giúp họ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ đoàn viên, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong học tập, lao động, công tác trước pháp luật và công luận. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa các lợi ích trong hoạt động, việc làm và đời sống sinh hoạt hàng ngày của đoàn viên, thanh niên.
Tổ chức cơ sở đoàn có nhiệm vụ khuyến khích, bảo vệ và phát huy những mặt tốt của đoàn viên, thanh niên, giúp họ nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt; đồng thời đấu tranh phòng chống và loại trừ những mặt tiêu cực, các tệ nạn xã hội góp phần bảo vệ nhân cách, sự phát triển về thể chất và tinh thần của đoàn viên, thanh niên. Kiên quyết đấu tranh chống những hành vi vi phạm đến lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên, mở rộng dân chủ, tạo khối đoàn kết thống nhất, làm cho mọi đoàn viên thực sự gắn bó với Đoàn và có trách nhiệm xây dựng tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh, làm nòng cốt tích cực trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên.
Thứ hai, Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị. Giáo dục thanh niên, đoàn kết thanh niên xung quanh Đảng thực hiện mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, lôi cuốn đoàn viên, thanh niên vào các hoạt động, kích thích tính tích cực chính trị- xã hội trong mỗi đoàn viên. Tạo cơ hội cho họ cùng nhau phát huy tiềm năng trí tuệ, sức lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Thứ ba, Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở đoàn, hội, đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền. Công tác thanh niên không chỉ là nhiệm vụ của một tổ chức, một lực lượng xã hội, mà còn là sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Các cấp bộ đoàn nói chung, tổ chức cơ sở đoàn nói riêng có nhiệm vụ phối kết hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế xã hội dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác thanh niên.
Tranh thủ mọi nguồn lực, phát huy nội lực từ phía cán bộ, đoàn viên, thanh niên nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đoàn và phát huy vai trò của các hội thanh niên trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền. Từ đó, tổ chức cơ sở đoàn sẽ tạo được cơ hội và môi trường tốt cho đoàn viên, thanh niên nâng cao trình độ về mọi mặt.
4. Giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ của đoàn cấp cơ sở:
Trên cơ sở những kết quả đã đạt đạt được và những hạn chế còn tồn tại, để tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, tư tưởng cho các đoàn viên thanh niên, thiết nghĩ các tổ chức đoàn cấp cơ sở nói chung cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tổ chức đoàn cấp cơ sở phải làm tốt và có hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở từ thực tiễn cuộc sống đến với thanh niên. Thực tế, hiện nay, nhận thức, hiểu biết của một số đoàn viên, thanh niên về chủ nghĩa Mác – Lênin hay tư tưởng Hồ Chí Minh còn mờ nhạt. Một phần do số thanh niên đọc sách và nghiên cứu không nhiều, trong khi đó, số thanh niên có hiểu biết nhất định để đủ khả năng phổ biến, tuyên truyền lại càng ít.
Chính vì vậy, đôi lúc thế hệ trẻ như “lạc đường”, mông lung trong xã hội tràn ngập thông tin đa chiều. Do đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, lựa chọn những người ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những cán bộ đoàn cốt cán, làm nòng cốt cho các hoạt động tuyên truyền, đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Thứ hai, tiếp tục giáo dục, rèn luyện đoàn viên thanh niên hướng tới những phẩm chất tốt đẹp của người lao động mới như: chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh, chuyên môn giỏi, thích ứng nhanh với khoa học công nghệ mới; đồng thời phải biết khiêm tốn, không tự cao, tự đại với những gì mình đạt được.
Thứ ba, các tổ chức Đoàn cấp cơ sở cần bám sát tình hình thực tế, tổ chức những phong trào thiết thực, cụ thể để tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia. Tránh bệnh phô trương, hình thức, hô hào khẩu hiệu. Các phong trào phải hướng về thanh niên, nhất là đối tượng thanh niên ở khu dân cư, thanh niên trong đồng bào dân tộc…, giúp họ củng cố niềm tin qua những hoạt động cụ thể, gắn lý thuyết, kiến thức được học trong nhà trường, sách vở vào thực tiễn đời sống và công tác chuyên môn hằng ngày. Qua các đợt sinh hoạt, trải nghiệm thực tế, khơi dậy trong thanh niên tình yêu cuộc sống, trân quý những giá trị truyền thống ông cha, thấy được trách nhiệm của bản thân trước những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Thứ tư, nêu cao tinh thần cảnh giác với các thế lực thù địch, chống phá cách mạng. Các tổ chức Đoàn cần thường xuyên nâng cao nhận thức về thực chất âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” và những vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng họ để chống phá cách mạng, giúp các bạn trẻ cảnh giác, chủ động phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và ảnh hưởng của các luồng phản văn hóa. Một khi đã ngộ ra sự phi nghĩa, giả dối của những luồng văn hóa, tuyên truyền tiêu cực từ các thế lực thù địch và nhận ra giá trị đích thực của đạo đức cách mạng, tự trong ý thức, hành động của thế hệ trẻ sẽ đi đúng hướng.
Thứ năm, các tổ chức Đoàn cấp cơ sở cần đổi mới phương pháp giáo dục tư tưởng chính trị cho các đoàn viên. Để công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên có hiệu quả thì cần giáo dục thanh niên không chỉ tác động bằng sức mạnh của lý trí, mà bằng cả sức mạnh của tình cảm cách mạng, có như vậy những tri thức giáo dục mới in đậm trong tâm trí của thanh niên. Khi thanh niên đã nhận thức và có một tình cảm cách mạng sâu sắc, có sự say mê, thì sẽ thôi thúc họ tìm đến với kiến thức về lý tưởng cộng sản, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục cho mỗi thanh niên.