Thanh niên là lực lượng trẻ, nhiệt huyết trong xã hội. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng, mang đến nguồn nhân lực với tư duy đổi mới, sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế. Vai trò của thanh niên được đánh dấu trong hoạt động của tổ chức Đoàn, Đảng cũng như tổ chức xã hội.
Mục lục bài viết
1. Thanh niên là gì?
Thanh niên là tương lai của đất nước, mang đến sức trẻ, sự sáng tạo cũng như tiềm lực cho phát triển kinh tế. Đây là một lực lượng hùng hậu có những đóng góp to lớn và vai trò quan trọng đối với việc phát triển và xây dựng đất nước. Các vai trò được thể hiện trong tư tưởng, nhu cầu và mục tiêu thể hiện bản thân mình.
Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia và mục đích mà mỗi quốc gia, tổ chức sẽ có quy định, cách xác định khác nhau về độ tuổi thanh niên. Tuy nhiên, các lực lượng này có thể tham gia vào lao động, sản xuất theo quy định pháp luật. Từ đó mang đến ý nghĩa trong học tập, nhận thức và ứng dụng vào thực tế.
Tại Việt Nam, Điều 1 Luật Thanh niên 2020 có quy định về độ tuổi thanh niên như sau:
“Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.”
Theo đó có thể hiểu thanh niên là những người có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Quy định độ tuổi có liên quan, ràng buộc đến các hoạt động của thanh niên ở tổ chức đoàn. Đây là độ tuổi đang trong quá trình trưởng thành của con người, là những người có sức trẻ, sức khỏe, đầy năng động và nhiệt huyết. Việc học tập, trau dồi, rèn luyện cũng như nhu cầu khẳng định bản thân cao. Đóng góp chung vào nền kinh tế và sự nghiệp phát triển đất nước.
Ở Việt Nam, Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên. Trong đó, các thành tích, hoạt động được ghi nhận để tuyên dương, khen thưởng. Từ đó mang đến phong trào sôi động, lý tưởng đúng đắn trong hoạt động của thanh niên. Để thanh niên tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.
2. Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên:
Nội dung này được quy định tại Điều 4 của Luật Thanh niên năm 2020. Theo đó:
Điều 4. Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên được xác định bao gồm:
– Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
– Thanh niên có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Các vai trò được khẳng định đối với sự nghiệp, lý tưởng xây dựng đất nước.
Bên cạnh đó, Điều 5, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định 7 nguyên tắc đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, đó là:
– Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật
– Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.
– Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
– Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực. Thanh niên được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.
– Việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên. Phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên.
– Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
– Xử lý kịp thời, nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định của Luật này.
3. Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của thanh niên:
Thứ nhất: Trong học tập:
– Được học tập và bình đẳng về cơ hội học tập. Từ đó nâng cao chất lượng chung của thanh niên trong xã hội, cải thiện và nâng cao trình độ ứng dụng, tiếp cận kiến thức.
– Tích cực học tập hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục và vươn lên học tập ở trình độ cao hơn. Mang đến các nhận thức lý luận và thực tiễn tốt. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp. Luôn tham gia học tập, nỗ lực để phát triển năng lực của bản thân. Tham gia xây dựng môi trường văn hoá học đường, trung thực trong học tập.
– Xung kích tham gia các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập. Đổi mới và mang đến hiệu quả của các phương thức học tập tiến bộ, phù hợp dựa trên ứng dụng công nghệ, điện tử.
Thứ hai: Trong lao động:
– Lao động để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước. Phải tham gia vào lao động để nâng cao chất lượng sống, để có thu nhập ổn định. Cũng như đảm bảo tiếp cận tốt các nhu cầu ngày càng cao.
– Chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động. Không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề và kỹ năng công việc. Cũng như học tập để đạt được các chức danh, vị trí công việc cao hơn. Lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội. Cũng như phản ánh hiệu quả tham gia và cống hiến sức lao động cho nền kinh tế.
– Rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, tuân thủ kỷ luật lao động. Ngày càng chuyên nghiệp trong thị trường mở rộng, hội nhập của nhiều thành phần kinh tế. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ. Cũng như điều chỉnh, tác động để đảm bảo đồng đều kinh tế giữa các vùng khác nhau.
Thứ ba: Trong bảo vệ Tổ quốc:
– Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của thanh niên. Đây cũng chính là điều kiện, môi trường để thanh niên được phát triển và bảo vệ quyền lợi.
– Được huấn luyện chương trình giáo dục quốc phòng. Thực hiện các nghĩa vụ quân sự, tham gia vào môi trường quân đội để rèn luyện tư tưởng, ý chí, tác phong, sức khỏe,…. Tham gia các lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật.
– Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chủ động, sáng tạo. Giữ gìn bí mật quốc gia, xung kích đấu tranh chống mọi hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ tư: Trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường:
– Được nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Được tiếp cận và ứng dụng các phát triển của nền kinh tế mới.
– Trung thực và có tinh thần hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Mang đến chất lượng cải tiến cho nền kỹ thuật, khoa học chung của đất nước.
– Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên. Đấu tranh chống các hành vi huỷ hoại tài nguyên, môi trường. Bảo vệ tốt nhất điều kiện sinh hoạt, làm việc của con người.
Thứ năm: Trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí:
– Được tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí lành mạnh. Được tham gia các phong trào tập thể, có tính đoàn kết, xây dựng và kỷ luật cao.
– Thường xuyên rèn luyện đạo đức, tác phong, hành vi ứng xử văn hoá. Thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cộng đồng văn hóa.
– Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ di sản văn hoá. Mang đến nét đẹp và truyền thống dân tộc lâu đời. Tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng.
Thứ sáu: Trong bảo vệ sức khoẻ, hoạt động thể dục, thể thao:
– Được bảo vệ, chăm sóc, hướng dẫn nâng cao sức khoẻ, kỹ năng sống lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật. Giữ gìn sức khỏe, có ý thức trách nhiệm phòng, chống các bệnh do hiệu quả tổ chức cuộc sống.
– Được chăm lo phát triển thể chất, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể.
– Phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.
Thứ bảy: Trong hôn nhân và gia đình:
– Được giáo dục kiến thức về hôn nhân và gia đình. Thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình hạnh phúc. Gắn với các kiến thức hôn nhân gia đình theo quy định pháp luật, theo các chuẩn mực đạo đức.
– Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Thể hiện trong các nét đẹp truyền thống được duy trì qua các thế hệ. Kính trọng ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi. Chăm sóc, giáo dục con, em trong gia đình. Từ đó mang đến thế hệ thanh niên chất lượng cho tương lai của đất nước.
– Gương mẫu thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình, về dân số và kế hoạch hoá gia đình.
Thứ tám: Trong quản lý nhà nước và xã hội:
– Nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật. Thực hiện các quy định trong hoạt động tổ chức quản lý nhà nước. Góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
– Được ứng cử, đề cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật. Được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm. Được tham gia vào bộ máy nhà nước nếu có đủ tiêu chuẩn năng lực, lý tưởng theo quy định. Tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác.
– Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thể hiện sức trẻ, các kỹ năng thuyết phục trong nhận thức và tiếp cận lý tưởng đúng đắn của quản lý nhà nước.