Rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cả về kinh tế, xã hội lẫn đời sống. Rừng có rất nhiều các chức năng, tùy theo các chức năng tương ứng với các loại rừng khác nhau. Vậy tiêu chí phân loại rừng dựa vào đâu? cụ thể về chức năng của các loại rừng là gì?
Mục lục bài viết
1. Tiêu chí phân loại rừng?
1.1. Phân loại rừng trên quan điểm sinh thái học:
Có rất nhiều các tiêu chí khác nhau, tiêu chí đầu tiên chúng tôi đưa ra để phân loại đó là dựa vào các yếu tố sinh thái của môi trường và tính chất của quần xã sinh vật. Tại Việt Nam dựa vào các quan điểm về sinh thái học, người ta đã phân thành 12 kiểu phụ rừng.
1.2. Phân loại theo chức năng sử dụng:
Với tiêu chí theo chức năng này thì tại Việt Nam, để thuận tiện cho công tác quản lý và quy hoạch cho công tác lâm nghiệp, chính phủ đã sử dụng hệ thống phân loại rừng và đất sản xuất trong lâm nghiệp theo các chức năng:
+ Rừng đặc dụng đúng như tên gọi của nó thì đây là loại rừng với các đặc điểm và chức năng cụ thể cho mục đích nào đó chẳng hạn như để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Rừng phòng hộ đây là rừng với các đặc điểm và chức năng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.
+ Rừng sản xuất như tên gọi của nó đó là loại rừng được dùng chủ yếu trong sản xuất gỗ, lâm sản, đặc sản. ..
Ngoài ra trên thực tế còn có các cộng đồng địa phương đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu qua nhiều thế hệ vẫn đang duy trì các khu đất rừng tâm linh hay còn gọi là rừng tín ngưỡng hay rừng thiêng.
1.3. Phân loại rừng theo trữ lượng:
Đối với rừng gỗ:
+ Rừng rất giàu: trữ lượng cây đứng trên 300 m³/ha;
+ Rừng giàu: trữ lượng cây đứng từ 201– 300 m³/ha;
+ Rừng trung bình: trữ lượng cây đứng từ 101 – 200 m³/ha;
+ Rừng nghèo kiệt: trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m³/ha;
+ Rừng chưa có trữ lượng: rừng gỗ đường kính bình quân <8 cm, trữ lượng cây đứng dưới 10 m³/ha.
1.4. Phân loại rừng dựa vào tác động của con người:
+ Rừng nguyên sinh
+ Rừng nhân tạo
1.5. Phân loại dựa vào nguồn gốc:
+ Rừng chồi
+ Rừng hạt
1.6. Phân loại rừng theo tuổi:
+ Rừng non
+ Rừng sào
+ Rừng trung niên
+ Rừng già
2. Chức năng của các loại rừng là gì?
Rừng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người và nó có những chức năng rất riêng biệt của nó nếu chúng ta nhìn dưới góc độ pháp lý, hệ sinh thái rừng Việt Nam được phân chia thành ba loại chính là: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất như đã trình bày như trên. Việc phân chia này mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác kiểm soát suy thoái tài nguyên rừng vì đối với mỗi loại rừng đều có chức năng sử dụng cũng như đặc điểm sinh thái riêng. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ và phát triển vốn rừng quốc gia khi tác động đến chúng theo đúng những quy luật vốn có. Cũng chính vì thế mà các hoạt động của con người tác động đến mỗi loại rừng khác nhau cần được điều chỉnh bởi những quy chế pháp lý không giống nhau.
2.1. Chức năng của rừng sản xuất:
Thứ nhất: Rừng điều hòa không khí, tạo oxy, giúp cho không khí trong lành bởi chức năng quang hợp của cây xanh.
Thứ hai: Chức năng của rừng sản xuất còn thể hiện ở chỗ đó là điều tiết nước, phòng lũ lụt, xói mòn, ngăn chặn gió bão và giúp đất tăng độ phì nhiêu, bồi dưỡng thêm các tiềm năng của đất, rừng sản xuất là nơi trú ngụ của động vật, chống cát di động ven biển,
Thứ ba: Rừng sản xuất còn có chức năng đối với nền kinh tế rừng cung cấp củi, nguồn gỗ, là vật liệu để giúp cho các cá nhân, tổ chức xây dựng, để phục vụ các ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy, gỗ trụ mô, … tăng nguồn thu cho nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, rừng sản xuất còn cung cấp nhiều nguồn dược liệu quý, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống của con người.
2.2. Chức năng của rừng đặc dụng:
Theo số liệu thống kê thì ở Việt Nam có 2,15 triệu ha rừng đặc dụng, chiếm gần 15 %; rừng phòng hộ 4,6 triệu ha chiếm khoảng 31,8%. Hiện nay cả nước đã thành lập 395 Ban quản lý rừng cụ thể với con số lên tới 164 ban quản lý rừng đặc dụng và 231 ban quản lý rừng phòng hộ, quản lý khoảng 46,8% diện tích đất lâm nghiệp, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh. Vì vậy, hệ sinh thái rừng đặc dụng, phòng hộ có chức năng rất quan trọng và đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, ngoài ra rừng đặc dụng còn bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.